Chó, mèo là những loài thú cưng thường được nuôi trong nhà. Chúng rất dễ mến và gần gũi với con người. Bên cạnh những cử chỉ đáng yêu, dễ thương thì chúng còn giúp ích cho con người trong một số việc. Chó giúp người chủ giữ nhà, đuổi chuột. Mèo giúp chủ bắt chuột. Ngoài ra, nhiều người còn huấn luyện cho những chú chó một số khả năng đặc biệt khác như đuổi gà, săn thỏ, bắt rắn, bắt trộm,…
Vì là thú cưng nên chó mèo thường được người chủ cho ăn đầy đủ, tắm rửa sạch sẽ, vui đùa, thậm chí là cho chúng ngủ chung. Vài trường hợp thương yêu chó mèo như một con người và thường xuyên hôn hít chúng. Điều này tất yếu dẫn đến nguy cơ lây lan những bệnh từ thú cưng sang con người. Tiếp xúc càng thường xuyên, lâu dài thì nguy cơ càng cao.
Phần lớn những bệnh từ chó mèo lây sang người đều đáng lo ngại, cần thời gian điều trị dài, thậm chí có bệnh gây tử vong nếu được phát hiện trễ. Sau đây 10Hay.com sẽ giới thiệu 10 bệnh có thể mắc phải khi nuôi chó mèo mà bạn nên biết để có biện pháp chủ động phòng ngừa. Đồng thời, hạn chế sự gần gũi quá mức với hai loài thú cưng này:
1. Bệnh dại
Bệnh dại là bệnh do virus dại (Rabie virus) gây ra. Hiện tại, chưa có thuốc điều trị khi một người đã lên cơn dại do nhiễm virus. Khi bùng phát cơn dại, người bệnh thường co giật, kích động, la hét, cào xé, chảy nước bọt rồi tử vong nhanh chóng. Chó mèo nuôi trong nhà dễ mắc bệnh dại và truyền cho người qua việc liếm lên những vết thương của con người hoặc người bị chó, mèo cắn chảy máu. Khi đó, virus dại từ nước bọt của chó mèo sẽ xâm nhập vào máu của người bị cắn, liếm và gây bệnh.
2. Bệnh Toxoplasma
Toxoplasma là một sinh vật đơn bào ký sinh chủ yếu trên chó, mèo. Ngoài ra còn có thể tồn tại trong thức ăn, nước uống, rau sống,…Ước tính trên thế giới có 30% dân số nhiễm Toxoplasma. Biểu hiện của bệnh từ nhẹ đến nặng, có khi rối loạn chức năng dẫn đến tử vong. Trẻ bị nhiễm Toxoplasma từ mẹ truyền sang sẽ dễ bị tật não úng thủy, mờ mắt hoặc mù, chậm phát triển trí tuệ. Bệnh lây nhiễm từ chó mèo sang người thường do người chủ hôn hít chó mèo hoặc vuốt ve chó mèo rồi ăn uống mà không rửa tay.
3. Bệnh nhiễm Leptospira
Bệnh nhiễm Leptospira là một bệnh truyền nhiễm cấp tính do xoắn khuẩn Leptospira gây nên, lây truyền chủ yếu qua đường da, niêm mạc. Biểu hiện của bệnh gồm sốt cao, rét run, vàng da, xuất huyết, lơ mơ, hôn mê, co giật thậm chí tử vong. Bệnh lây sang người do người tiếp xúc với nước tiểu của chó, mèo bị nhiễm xoắn khuẩn.
4. Bệnh uốn ván
Bệnh uốn ván (dân gian còn gọi là phong đòn gánh) là một bệnh cảnh co giật do vi khuẩn Clostridium tetanie gây ra. Biểu hiện lâm sàng là cơn co cứng co giật theo một trình tự từ đầu, thân, chân rồi đến tay. Người bệnh thường uốn cong cơ thể trong cơn giật nhưng ý thức tỉnh táo hoàn toàn. Người nuôi chó, mèo có thể bị bệnh uốn ván do bị chó mèo cào chảy máu. Bởi vì móng chân của chó, mèo dễ mang vi khuẩn Clostridium tetanie. Khi cào làm tổn thương da người, vi khuẩn sẽ theo vết thương vào máu và gây bệnh.
5. Bệnh hen phế quản
Lông của chó, mèo là những dị nguyên có tính dị ứng rất mạnh, đồng thời còn là nơi trú ngụ của những loài sinh vật đơn bào lơ lửng trong không khí. Nếu người chủ có cơ địa dễ bị dị ứng, khi hít phải lông chó, mèo trong thời gian dài sẽ rất dễ mắc bệnh hen phế quản. Biểu hiện của bệnh này là những cơn khó thở khi tiếp xúc với những tác nhân gây dị ứng. Cơn hen đáp ứng tốt với thuốc dãn phế quản.
6. Bệnh viêm phổi
Cũng như bệnh hen phế quản, lông của chó mèo có thể chứa các vi khuẩn như Staphylococci, Streptococci, Haemophilus influenzae,… và một số vi nấm. Khi con người hít phải lông tơ của chó mèo sẽ dễ mắc bệnh viêm phổi. Đối tượng có nguy cơ cao bị bệnh là trẻ em, người bệnh tiểu đường, suy giảm miễn dịch, suy dinh dưỡng,…
7. Bệnh giun ký sinh
Nếu người chủ không quản lý kỹ chó mèo thì chúng rất dễ tiếp xúc với môi trường ô nhiễm trứng giun từ bùn đất, bãi cỏ, bụi cây,…Khi người tiếp xúc với thú cưng mà quên rửa tay trước khi ăn thì mầm bệnh sẽ theo đó xâm nhập vào cơ thể và gây nên bệnh giun ký sinh đường ruột.
8. Bệnh sán chó
Tác nhân gây bệnh sán chó là Toxocara cati. Đây là một loài giun tròn ký sinh trong cơ thể của chó, mèo. Đối tượng dễ mắc bệnh là trẻ em do đùa nghịch với đất cát đã nhiễm phôi của sán chó. Biểu hiện của bệnh gồm mệt mỏi, ngứa, nổi ban, khó thở, đau bụng, có thể giảm thị lực, sa sút trí tuệ. Tỷ lệ nhiễm Toxocara cati ở một số nơi trên thế giới rất cao như Bali 63,2%, 86% ở Saint Lucia, 43% ở Srilanca.
9. Bệnh viêm da dị ứng
Tương tự như bệnh hen phế quản, đối với những người có cơ địa dị ứng, hen suyễn, nổi mề đay, da của họ rất dễ bị viêm khi tiếp xúc với lông chó, mèo. Biểu hiện lâm sàng rất rõ bao gồm da nổi mề đay, mẫn đỏ, hoặc mụn nước, bóng nước ở những nơi tiếp xúc với lông chó, mèo. Kèm theo đó là cảm giác ngứa ngáy, khó chịu, ngứa tăng lên khi ra mồ hôi, khi trời nóng.
10. Bệnh tiêu chảy nhiễm trùng
Chó mèo thường tiếp xúc với những khu vực dễ bị ô nhiễm như đất cát, bụi rậm, bãi rác,…Khi con người tiếp xúc, vuốt ve chúng, những vi khuẩn gây bệnh tiêu chảy sẽ dính vào tay người và xâm nhập vào cơ thể nếu việc ăn uống, chế biến thức ăn không hợp vệ sinh. Một số vi khuẩn gây tiêu chảy thường gặp là thương hàn, Shigella, Salmonella.
Xem thêm: