Đất nước Việt Nam có đường bờ biển kéo dài 3260km từ Bắc vào Nam và vô số các hòn đảo lớn nhỏ, hình thành nên các bãi biển đẹp nổi tiếng. Cứ mỗi mùa hè đến, mọi người lại nao nức chọn những bãi biển là điểm đến thú vị cho kì nghỉ của gia đình, bạn bè mình.Tuy nhiên, để có một kì nghỉ vui vẻ và an toàn, bạn cần được trang bị những kiến thức cần thiết. Sau đây là 8 mối nguy hiểm khi đi du lịch biển bạn cần lưu ý.
1. Dòng chảy ngược
Dòng chảy ngược hay dòng chảy xa bờ là một trong những mối nguy hiểm lớn nhất mà bạn có thể gặp khi du lịch biển. Dòng chảy ngược nếu xuất hiện có thể sẽ kéo bạn ra xa bờ rồi làm bạn hoảng loạn và kiệt sức khi cố bơi ngược dòng chảy. Đây là một trong những nguyên nhân chính khiến cho nhiều người bị chết đuối khi tắm biển không chỉ ở Việt Nam mà còn rất nhiều nơi trên thế giới. Nghe thì có vẻ xa vời nhưng nếu không cẩn thận thì bạn hoàn toàn có thể sẽ mất mạng.
Dấu hiệu của dòng chảy ngược không dễ phát hiện nhưng bạn vẫn có thể căn cứ vào những đặc điểm sau:
– Màu sậm hơn vì nước sâu hơn.
– Mặt nước lặng hơn, thường có sóng nhỏ hơn.
– Đôi khi bạn có thể thấy các mảnh vỡ hay bọt nước nổi trên mặt dòng chảy ngược và trôi ra biển.
– Mặt nước phẳng lặng, nhìn có vẻ rất an toàn.
Vậy làm thế nào để giữ an toàn khi nguy hiểm là dòng chảy ngược?
– Không bơi ra xa khỏi nơi có biển báo an toàn.
– Khi bị cuốn vào dòng chảy ngược phải bình tĩnh, quan sát, giơ tay lên cao để xin được cứu hộ, không cố gắng bơi ngược vào bờ. Nếu bạn tự tin vào khả năng bơi của mình thì hãy bơi song song với bờ biển, tuyệt đối đừng bơi ngược lại, dòng chảy sẽ hướng đến chỗ có sóng đánh vào bờ nên chỉ cần bơi một đoạn là bạn có thể bơi vào bờ được rồi!
– Không chủ quan: Dù là những ngày biển lặng, sóng nhẹ, bạn cũng không nên chủ quan mà bơi xa bờ
2. Sứa biển cắn
Sứa biển là loài động vật có cơ thể trong suốt lẫn trong nước biển và nọc độc của nó có thể làm hạ huyết áp, tim ngừng đập và thậm chí làm tử vong nạn nhân nếu không được chăm sóc y tế kịp thời. Độc tố của sứa biển thường tập trung ở các xúc tu, chúng sử dụng các tế bào châm được gọi là nematocyst. Các tế bào này đều rất nhỏ và có độc.
Mùa hè là mùa đặc biệt có nhiều sứa biển, nếu chẳng may chạm phải hay bị sứa biển cắn, chỗ da của bạn sẽ bị rát, đỏ, sưng tấy lên, cơ thể cảm thấy khó chịu. Nếu bị cắn phải những vùng kín, nhạy cảm hay cơ thể nạn nhân đặc biệt mẫn cảm với chất độc của sứa có thể dẫn đến hiện tượng choáng váng, co thắt cơ bắp, sốc phòng vệ, cần nhanh chóng đưa ngay đến cơ thể y tế để sơ cứu và điều trị kịp thời.
Cách bảo vệ mình khỏi bị dị ứng sứa : Nếu đang bơi mà bạn thấy đau rát da, giống như cảm giác bị bỏng thì ngay lập tức hãy bơi vào bờ, sau đó lấy khăn bông lau khô vùng da, di chuyển đến nơi có nước ngọt rửa sạch người. Nếu thấy tình trạng nặng hơn thì bạn hãy đến trung tâm y tế gần nhất để được khám chữa bệnh.
Vết bỏng do sứa cắn
3. Bỏng nắng – Cháy nắng
Trong ánh nắng mặt trời, đặc biệt là trong những ngày hè nắng gắt, chứa rất nhiều tia cực tím. Tia cực tím này đốt cháy những tế bào sống trên bề mặt da, làm da bị sạm màu, gây nên hiện tượng cháy nắng. Nếu thường xuyên tiếp xúc với tia cực tím da bạn có thể còn chịu những hậu quả nặng hơn như nám, nhăn nheo, lão hoá nhanh hay thậm chí là ung thư da.
Bình thường, khi đi ra nắng các bạn nữ đều phải mặc áo khoác và bịt mặt kín để hạn chế ánh nắng tiếp xúc trực tiếp với da. Nhưng khi đi biển, với bikini hay những trang phục ngắn dưới cái nắng gắt, da bạn sẽ bị tổn thương, đỏ tấy, rát và bong da sau đó vài ngày, gọi là “cháy nắng”
Cách bảo vệ mình khỏi bỏng nắng cháy nắng: Việc bạn cần làm đó là sử dụng kem chống nắng dù là đi ra đường hay đi ra biển, tốt nhất là chọn loại kem chống nắng chống nước để ngay cả khi xuống biển, làn da bạn vẫn được bảo vệ an toàn. Cứ mỗi 60 – 80 phút xuống biển thì bạn nên thoa lại một lần.
Ngoài ra, đừng dại mà xuống biển khi ánh nắng mặt trời quá mạnh, khoảng vào thời điểm giữa trưa và đầu giờ chiều, hãy để nắng dịu một chút rồi hãy xuống biển.
4. Cảm nắng
Cảm nắng là hiện tượng khi tiếp xúc với ánh nắng mặt trời có nhiệt độ cao quá lâu, bỗng dưng bạn thấy choáng váng mặt mày, toát mồ hôi, cơ thể mệt mỏi, thở gấp. Nguyên nhân của cảm nắng là do cơ thể bạn bị mất nước và kiệt sức khi nhiệt độ cơ thể vượt quá 40 độ C. Lúc này cơ thể không thể tự làm mát, điều tiết kịp thời để bù lại lượng nước đã mất. Nếu không cấp cứu kịp thời thì cảm nắng có thể dẫn đến hiện tượng đột quỵ.
Cách phòng tránh:
Bổ sung đủ vitamin A và vitamin C để tăng sức đề kháng cho cơ thể.
Cung cấp đủ nước cho cơ thể, uống càng nhiều nước càng tốt.
Không tắm biển vào thời tiết nắng gắt trong khoảng thời gian từ 11 giờ sáng đến 3 giờ chiều.
5. Dị ứng hải sản
Mặc dù hải sản rất giàu giá trị dinh dưỡng nhưng không phải ai cũng ăn được hải sản. Nếu bạn bị dị ứng hải sản, không những bạn mất đi một chuyến đi vui vẻ mà còn vô cùng mệt mỏi. Triệu chứng của việc dị ứng hải sản là cơ thể bắt đầu bằng đổ mồ hôi, mệt mỏi, đau bụng nhẹ và chuyển dần sang các phản ứng nghiêm trọng như đau bụng dữ dội, buồn nôn, nhức đầu, tê lưỡi. Một số người còn có thể xuất hiện triệu chứng đau ngực, khó thở.
Cách bảo vệ mình trước nguy cơ dị ứng hải sản: Nếu bạn có tiền sử bị dị ứng hải sản thì tốt nhất là không nên ăn. Ngoài ra, đừng thử các loại hải sản quá lạ nếu hệ tiêu hóa của bạn không được tốt.
6. Say sóng
Không chỉ đến những bãi biển ở đất liền mà du khách cũng rất chuộng du lịch biển ở những hòn đảo đẹp như Phú Quốc, Cô Tô, Phú Quý, Nam Du… Để đi đến các hòn đảo, đặc biệt là những hòn đảo nhỏ và du lịch chưa phát triển để có thể đi bằng sân bay thì du khách thường phải đi tàu. Và những cơn say sóng trên tàu sẽ làm cho du khách (đa số là du khách nữ) cảm thấy mệt mỏi, buồn nôn, suy nhược….
Việc chịu đựng những cơn say sóng sẽ làm cho bạn cảm thấy mất sức và khó có thể hồi sức nhanh để hoà mình vào cuộc vui sau đó.
7. Môi trường biển ô nhiễm
Vụ cá chết hàng loạt chưa rõ nguyên nhân ở miền Trung nước ta đang là hồi chuông đáng báo động về tình trạng ô nhiễm biển. Biển không những ô nhiễm bởi nguồn nước thải chưa qua xử lý từ tàu thuyền, từ các khu công nghiệp, từ sinh hoạt hàng ngày mà còn bởi ý thức giữ gìn môi trường biển của mỗi người dân Việt Nam là chưa cao.
Nếu bạn tắm biển hoặc ăn hải sản ở những nơi có biển bị nhiễm độc thì nguy cơ bị ngộ độc, thậm chí là chết người sẽ rất cao.
8. Vi khuẩn MRSA
Vi khuẩn MRSA là mối nguy hiểm đáng lưu ý đối với ngành du lịch biển. MRSA tồn tại cả trong cát và trong nước biển, rất dễ lây nhiễm theo diện rộng.
Vi khuẩn MRSA thường sống trong hệ tiêu hoá của các loài động vật có vú, đặc biệt là cá heo và hải cẩu. Loại vi khuẩn này nếu nhiễm phải có thể gây nhiễm trùng da, nếu đi vào cơ thể có thể gây nhiễm trùng xương, phổi và các cơ quan khác, có thể đe doạ đến tính mạng của nạn nhân.
Cách phòng tránh duy nhất là hãy tắm và rửa tay thật kỹ bằng xà phòng trước và sau khi tắm biển về phòng bệnh và tránh lây bệnh.
Những nguy hiểm trên đều có thể chuẩn bị, phòng tránh từ trước. Chúc các bạn có kì nghỉ vui vẻ.