Miền Tây Nam Bộ (gọi tắt là miền Tây) là một vùng đồng bằng màu mỡ, đất đai trù phú, sông ngòi chằng chịt, thuận lợi cho việc phát triển ngành du lịch sinh thái, miệt vườn, tham quan sông nước, thưởng thức những món ăn đặc sản. Đến với miền Tây, du khách không những được chiêm ngưỡng vẻ đẹp của vườn cây, sông hồ mà còn được khám phá những công trình kiến trúc độc đáo, đặc biệt là chùa. Những ngôi chùa nổi tiếng ở miền Tây đã góp phần tôn vinh vẻ đẹp thanh khiết, bình dị của vùng đất Nam Bộ bấy lâu nay.
Có những ngôi chùa đạt tuổi thọ gần trăm năm, đồng thời cũng có những ngôi chùa mới được xây dựng gần đây. Nhưng đặc điểm chung của những ngôi chùa đó là vẻ thanh tịnh, giản dị, tạo cho du khách một cảm giác bình yên, thanh thản. Với những đường nét, hoa văn, phong cách kiến trúc xây dựng khác nhau mà mỗi ngôi chùa khoác lên mình một vẻ đẹp rất riêng, độc quyền gây ấn tượng mạnh mẽ.
Sau đây, 10Hay.com xin giới thiệu 10 ngôi chùa nổi tiếng ở miền Tây Nam Bộ, những cái tên đã được nhắc đến rất nhiều qua bài hát, qua sách vở và qua lời kể của khách du lịch gần xa:
1. Chùa Dơi
Còn gọi là chùa Mahatup, là nơi trú ngụ của hàng ngàn con dơi quạ. Đây là một ngôi chùa cổ, được xây dựng vào khoảng thế kỷ 16, lưu giữ khá nhiều báu vật quý giá như pho tượng Đức Phật bằng đá, nhiều bộ kinh luật viết trên lá cây thốt nốt và chiếc đèn dầu cổ. Mỗi ngày có hàng ngàn du khách đến đây tham quan, ngắm dơi và cầu nguyện. Chùa nằm cách trung tâm thành phố khoảng 2 km, là ngôi chùa có kiến trúc đặc sắc bậc nhất ở Sóc Trăng.
2. Chùa Vĩnh Tràng
Tọa lạc tại đường Nguyễn Trung Trực, xã Mỹ Phong, thành phố Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang, chùa Vĩnh Tràng là một di tích kiến trúc nghệ thuật đứng vào tốp 3 đối với mọi kiểu chùa của đất Nam Bộ. Chùa có nét kiến trúc quy tựu cả Âu và Á. Chùa rộng khoảng 2 hecta, trước có sân kiểng và tượng Đức Phật Thích Ca dưới cội bồ đề. Bên phải có ao sen, tượng đài Bồ Tát Quan Thế Âm. Hai bên có nhiều ngôi tháp cổ của các vị Hòa thượng tiền bối. Trong khuôn viên chùa còn có nhiều cây cao bóng mát và vườn cây ăn trái.
3. Chùa Kh’ Leang
Cách thành phố Cần Thơ khoảng 60 km, chùa Kh’ Leang nằm tại trung tâm của thành phố Sóc Trăng. Đây là một ngôi chùa đã trên 100 tuổi. Trong khuôn viên chùa được rợp bóng mát bởi nhiều cây cổ thụ trăm tuổi. Bên trong chánh điện có 16 cột gỗ to được thiếp vàng. Trên trần và tường được phác họa nhiều hoa văn, hình ảnh thể hiện sự hòa hợp giữa Phật pháp và hội họa. Trong chùa còn trưng bày các vật dụng của người Khmer xưa nhằm bảo tồn và phát huy nét sinh hoạt văn hóa cổ xưa của dân tộc.
4. Chùa Xiêm Cán
Chùa Xiêm Cán (Bạc Liêu) được xem là ngôi chùa Khmer lớn nhất, đẹp nhất và lộng lẫy nhất trong hệ thống chùa Khmer ở Nam Bộ. Chùa nằm cách thị xã Bạc Liêu 7 km, trên đường ra vườn chim Bạc Liêu. Bao quanh chùa là một hàng rào xây kiên cố với nhiều hoa văn ấn tượng. Trong khuôn viên chùa có rất nhiều cây xanh rợp bóng mát. Cổng chùa được đắp nổi và chạm khắc nhiều hoa văn tỉ mỉ, nổi bật, đậm sắc thái Khmer. Chùa Xiêm Cán mang kiến trúc Angkor của người Camphuchia, thể hiện những họa tiết độc đáo nơi mái vòm, tường, các hàng cột và cầu thang. Đây là một ngôi chùa rất bề thế và lộng lẫy, thu hút hàng nghìn lượt khách tham quan mỗi năm.
5. Chùa Chén Kiểu
Còn gọi là chùa Sà Lôn, sau này được gọi là chùa Chén Kiểu vì ngày xưa trong quá trình xây dựng, do thiếu kinh phí nên chùa đã vận động phật tử quyên góp thêm các loại chén kiểu để trang trí. Mái nóc chùa có 3 nếp, nếp dưới cùng lớn và nhỏ dần khi lên cao. Mỗi nếp trang trí nhiều họa tiết và các tượng Khmer mang ước vọng bình yên, siêu thoát. Mặt sau chính điện là một mảng tường đắp nổi bởi nhiều mảnh chén kiểu vỡ đẹp mắt và sắc sảo. Vì vậy, chùa đã trở thành một công trình kiến trúc độc đáo, hấp dẫn du khách trong và ngoài nước. Chùa nằm cách thành phố Sóc Trăng 12 km, hướng từ Sóc Trăng đi Bạc Liêu.
6. Chùa Âng
Chùa Âng là một ngôi chùa cổ nổi tiếng trong hệ thống chùa Khmer của tỉnh Trà Vinh. Chùa tọa lạc trên quốc lộ 53 thuộc khóm 4, phường 8, thành phố Trà Vinh, cách trung tâm thành phố khoảng 5 km. Chùa nằm trong khuôn viên có diện tích khoảng 4 ha, có hào nước sâu bao bọc và được xây dựng theo lối kiến trúc trang trí chùa Khmer Nam Bộ. Chùa không chỉ là nơi tu hành của các vị sư mà còn là một trung tâm văn hóa. Hàng năm, lễ hội Ok Om Bok là lễ hội lớn nhất của chùa.
7. Chùa Đất Sét
Chùa Đất Sét tên chính thức là Bửu Sơn Tự, là một trong những ngôi chùa nổi tiếng nhất miền Tây, có khoảng 208 pho tượng Phật, mỗi vị trấn một cửa; 156 con rồng uốn khúc đỡ từng mái tháp, tất cả đều làm bằng đất sét. Ngôi chùa đã có hơn 100 năm tuổi và như tên gọi của chùa, hầu hết các tượng Phật ở đây đều làm bằng đất sét, là công sức của hơn 40 năm ròng lao động, sáng tạo bền bỉ. Đặc biệt trong chùa có 8 cây nến: 6 cây lớn chưa đốt và 2 cây nhỏ hơn đang cháy. Trọng lượng mỗi cây nến lớn khoảng 200 kg, cao 1,6m, ước tính cháy liên tục khoảng 70 năm. Chùa Đất Sét tọa lạc tại số 286, đường Tôn Đức Thắng, phường 5, thành phố Sóc Trăng.
8. Chùa Phật Lớn
Chùa Phật Lớn tên đầy đủ là Thiền viện chùa Phật Lớn, là một ngôi chùa danh tiếng hiện tọa lạc trên núi Cấm, thuộc xã An Hảo, huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang. Chùa được xây dựng từ năm 1912, trong chùa có thờ 1 tượng Phật cao 1,8m. Hiện nay, chùa Phật Lớn đang được tôn tạo và mở rộng diện tích lên đến 13,6 ha gồm khu chánh điện, nhà chuông, khu nhà nghỉ,…để phục vụ cho việc thờ cúng và cho khách đến hành hương hay vãng cảnh. Đặc biệt, vào năm 2013, tượng Phật Di Lặc cao gần 34m nằm trong quần thể chùa Phật Lớn được Tổ chức Kỷ lục châu Á công nhận là tượng Phật lớn nhất châu lục.
9. Chùa Kỳ Son
Chùa Kỳ Son nằm ở ấp Sóc Rừng, xã Loan Mỹ, huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long. Chùa được xây dựng vào năm 1812 trên phần đất 20.000m2 bằng cột gỗ, vách và mái bằng lá đơn sơ. Cổng chùa xây cao 7m theo kiểu Tam quan. Chánh điện là công trình chính của chùa, cửa chính quay theo hướng Đông – Tây. Cũng như nhiều chùa Khmer khác ở Vĩnh Long, hàng năm, chùa Kỳ Son đều tổ chức các hoạt động lễ hội mang tính dân tộc truyền thống như Tết cổ truyền Chol Chnam Thmay, lễ Sendolta, lễ Ok Om Bok và nhiều lễ hội tôn giáo khác.
10. Thiền viện Trúc Lâm Phương Nam
Thiền viện Trúc Lâm Phương Nam tọa lạc tại ấp Mỹ Nhơn, xã Mỹ Khánh, huyện Phong Điền, thành phố Cần Thơ. Đây là Thiền viện lớn nhất ở miền Tây Nam Bộ. Thiền viện được khởi công xây dựng từ năm 2013 trên một diện tích khoảng 38.000m2, được khánh thành vào ngày 17/5/2014. Thiền viện được xây theo lối kiến trúc Lý – Trần do Đại đức Thích Bình Tâm làm trụ trì. Toàn bộ các công trình đều được lợp mái ngói với những sắc thái khác nhau tạo nên sự hài hòa chung trong kết cấu tổng thể. Tượng Phật Thích Ca Mâu Ni thờ trong chánh điện được làm bằng đồng nặng 3,5 tấn. Tượng Bồ Tát và các vị Tổ sư được tạc bằng gỗ Du Sam có tuổi thọ 800 năm. Ngay từ sau khi hoàn tất, Thiền viện đã thu hút hàng nghìn lượt khách du lịch mỗi ngày.
Xem thêm: