Ngày tết đối với người Việt Nam từ xa xưa đã mang nhiều ý nghĩa đặc biệt, tết là sum vầy, là vui vẻ, là chúc nhau những câu chúc để bước qua năm mới đầy tài lộc. Nhưng có lẽ rất nhiều người trong chúng ta không để ý đến sự khác biệt giữa tết miền Nam và miền Bắc, và cũng chính sự khác biệt này tạo nên nét độc đáo riêng của từng vùng trong ngày tết cổ truyền dân tộc.
- 10 điểm khác nhau tết cổ truyền Việt Nam xưa và nay
- 10 ý nghĩa của ngày Tết Nguyên Đán bạn nên biết
- 10 lời khuyên an toàn trong những ngày lễ tết
- 10 món bánh truyền thống Việt Nam
- 10 ý nghĩa ngày Tết dương lịch 2017, Tết tây 2017
- Top 10 phong tục đón Tết kỳ lạ của các dân tộc Việt Nam
Dưới đây là những chia sẻ thực tế nhất của 10Hay về 10 nét khác biệt độc đáo ngày Tết Nguyên Đán giữa hai miền Nam Bắc, để cùng hiểu rõ hơn về phong tục tập quán của mỗi vùng miền trên đất nước Việt Nam.
1. Thời tiết
Điểm khác biệt đầu tiên mà có lẽ ai cũng biết đến đó chính là thời tiết vào dịp tết giữa hai miền Bắc nam, trong khi tại miền Bắc tiết trời se lạnh mọi người ra đường với những áo ấm, khăn len thì tại miền Nam tiết trời ấm áp và có phần hơi nóng nực.
Điều này là do vị trí địa lý của nước ta trải dài theo nhiều vĩ độ gây ra sự phân hóa về thời tiết rõ rệt. Chính sự khác biệt về thời tiết sẽ là nguyên nhân dẫn tới có những độc đáo riêng trong việc đón tết ở từng vùng.
2. Chơi hoa ngày tết
Người miền Bắc khi nhắc tới tết sẽ nghĩ ngay tới cành đào thắm, còn đối với người miền Nam lại là cành mai vàng. Cả hai loài hoa đều mang ý nghĩa báo hiệu mùa xuân về vì chỉ nở vào dịp tết, mỗi loại có một vẻ đẹp khác nhau, hoa đào đỏ thắm như một điềm báo may mắn cho năm mới, hoa mai vàng lại là tượng trưng cho tiền tài.
Sự khác biệt này là do hoa đào thích hợp với thời tiết se lạnh miền Bắc trong khi đó hoa mai lại thích sự ấm áp của miền Nam. Nhưng dù có như thế nào thì hai loại hoa này đã ăn sâu vào tiềm thức con người Việt Nam mỗi khi tết đến, như báo hiệu một năm mới hứa hẹn nhiều may mắn, an khang, thịnh vượng.
3. Bánh cổ truyền
Ở miền Bắc bánh chưng đã là món ăn lưu truyền qua nhiều đời, bánh chưng được gói bằng lá dong với hình dạng vuông vức bên trong là gạo nếp, nhân hành, thịt mỡ và đậu xanh. Bánh chưng từng đi vào truyền thuyết với biệu tượng là mặt đất bao la nuôi nấng bao thế hệ.
Tại miền Nam lại có món bánh Tét với nguyên liệu cũng giống với bánh chưng của người miền Bắc nhưng được gói thành hình trụ dài và lúc cắt ra theo từng khoanh, không giống với bánh chưng cắt ra thành những miếng hình tam giác.
Tuy nhiên dù là bánh Chưng hay bánh Tét đều đậm nét văn hóa của người Việt mà đều mang lại một mâm cơm đầm ấm, sum vầy dịp tết.
4. Dưa hành và dưa món(củ kiệu)
“Thịt mỡ dưa hành câu đối đỏ, cây nêu kêu pháo bánh chưng xanh” đây là những thứ đặc trưng của tết ở miền Bắc, trong đó có món dưa hành được làm từ củ hành tươi muối với dưa, khi ăn có vị nồng nồng của hành hòa lẫn với vị chua thanh của dưa sẽ khiến bạn không thể chối từ.
Còn miền Nam lại có dưa món hay còn gọi là củ kiệu với nhiều nguyên liệu khác nhau như: củ kiệu, đu đủ, cà rốt… cũng được đem muối cho đến khi lên men sẽ cho ta vị chua chua ngọt ngot rất vừa miệng, nhất là khi ăn kèm với bánh tét.
5. Mâm ngũ quả
Trên bàn thờ tổ tiên ngày tết ở đâu cũng có mâm ngũ quả nhưng sự khác nhau giữa hai miền lại nằm ở nải chuối. Trong khi miền Nam nhiều nơi không cho chuối vào vì theo tiếng miền Nam phát âm chuối là “chúi” sẽ mang lại xui xẻo cho năm mới khi làm ăn không lên được.
Thì tại miền Bắc nải chuối không bao giờ thiếu được trên mâm ngũ quả, người miền Bắc thường dùng chuối như một giá đỡ để trưng những loại trái cây khác lên trên, đối với người miền Bắc bất cứ mâm cúng nào đều không thể thiếu nải chuối.
6. Chơi tết
Đối với người miền Bắc cái tết thường mang ý nghĩa thiêng liêng khi toàn thể gia đình được sum họp, đoàn viên, và người miền Bắc thường dành thời gian tết để chúc tết gia đình, họ hàng, làng xóm.
Trong khi đó tại miền Nam tư tưởng tết đã thoáng hơn, người miền Nam chủ yếu quan niệm tết là thời gian nghỉ ngơi sau một năm làm việc vất vả vì thế thường đi du lịch đây đó, nghỉ mát cắm trại cùng gia đình và bạn bè.
7. Thịt kho
Với người miền Bắc tết đến không thể thiếu được nồi thịt đông, thịt đông là thịt kho sau đấy để ngoài thời tiết lạnh sẽ tự động đông lại, điều quan trọng của món này là phải để đông tự nhiên mới ngon, lúc ăn mới giữ được nguyên vị béo và mùi thơm của thịt.
Ở miền Nam do thời tiết ấm áp không thể làm thịt đông thì lại có món thịt kho hột vịt để ăn cả tết. Thịt kho hột vịt là món phổ biến đối với người dân miền Nam và thường được ăn kèm với củ kiệu ngày tết thì ngon bá cháy.
8. Thời khắc đầu năm mới
Sau khi đón giao thừa, tại miền Bắc thường sẽ ra đường đi hái lộc, người ta chọn những mầm non, tươi xanh để mang về để trên bàn thờ với mong muốn mang về nhiều lợi lộc trong năm mới.
Tại miền Nam người ta thường rủ nhau đi đền chùa để cúng bái, cầu cho một năm mới bình an, tài lộc. Dù cho phong tục có khác nhau nhưng tất cả đều mang môt mục đích là cầu cho gia đình qua năm mới phát tài, phát lộc, bình an, may mắn sẽ đến.
9. Cúng ông Táo
Ở miền Bắc thường có phong tục cúng ông Táo bằng cá chép với ý nghĩa tượng trưng cho việc dùng cá chép để đưa ông Táo về trời chầu Ngọc Hoàng. Còn ở miền Nam người ta thường cúng bánh kẹo hoặc các thứ hoa quả chứ không cúng bằng cá chép bởi vì người ta quan niệm rằng cá chép là con vật linh thiêng và nên tránh đụng tới.
10. Tiếp khách
Nơi đâu đi nữa khi tết đến, xuân về việc đến nhà chúc tết nhau là nét đẹp trong văn hóa. Người miền Bắc khi khách tới nhà thường mang trà bánh, mứt, các loại kẹo ngọt để mời. Còn đối với người miền Nam thường là các cuộc nhậu dai dẳng để cùng chúc nhau năm mới thêm nhiều điều may mắn.
Dù ở vùng miền nào trên đất nước Việt Nam thì việc đón tết cũng là việc thiêng liêng, dù cho phong tục có khác nhau dẫn đến nhiều cách đón tết khác nhau, nhưng tất cả đều có điểm chung là đều mong muốn đón một cái tết đầm ấm, sum vầy bên gia đình rồi cùng nhau chúc những câu chúc cho một năm mới thêm tấn tài tấn lộc, tất cả đều ngập tràn trong niềm vui để chuẩn bị đón chờ năm mới với những điều mới.