Bệnh trĩ là một bệnh khá phổ biến ở Việt Nam cũng như trên toàn thế giới. Người xưa thường nói “Thập nhân cửu trĩ”, tức là cứ 10 người thì có 9 người mắc bệnh trĩ để nói lên được sự phổ biến của bệnh. Bệnh trĩ biểu hiện chủ yếu bằng triệu chứng đi tiêu ra máu đỏ sẫm có thể kèm theo đau rát ở hậu môn. Có nhiều cách chữa bệnh trĩ tùy theo loại trĩ (trĩ nội hoặc trĩ ngoại) và mức độ nặng của bệnh.
Để chữa bệnh trĩ hiệu quả, chúng ta có thể áp dụng nhiều biện pháp từ thay đổi chế độ ăn uống đến các phương pháp dân gian, đông y, nội khoa và sau cùng là ngoại khoa. Bệnh trĩ không gây nguy hiểm đến tính mạng nhưng có thể gây thiếu máu từ nhẹ đến nặng, khó vệ sinh sạch vùng hậu môn, nhiễm trùng vùng hậu môn, trực tràng,…Vì vậy, chúng ta không nên chủ quan đối với bệnh trĩ mà cần phải điều trị triệt để.
Sau đây sẽ là 10 cách chữa bệnh trĩ hiệu quả từ biện pháp đơn giản nhất đến những thủ thuật phức tạp đòi hỏi sự can thiệp của ngoại khoa, phẫu thuật:
1. Chế độ ăn nhiều chất xơ
Đây là cách chữa bệnh trĩ đơn giản nhất, áp dụng cho những loại trĩ mức độ nhẹ (trĩ ngoại hoặc trĩ nội độ 1). Chế độ ăn nhiều chất xơ bao gồm rau, củ, quả giúp kích thích quá trình tiêu hóa, nhuận trường, giúp làm mềm phân, tránh táo bón. Từ đó sẽ hạn chế được sự ma sát của phân khi di chuyển qua những mạch máu trĩ bị giãn, giảm tình trạng chảy máu. Đồng thời, tác dụng hạn chế táo bón sẽ giúp giảm áp lực trong ổ bụng mỗi khi đi tiêu và do đó, bệnh cảnh của trĩ sẽ không nặng thêm.
2. Uống nhiều nước
Uống nhiều nước: 2-2,5 lít nước mỗi ngày giúp quá trình tiêu hóa được thuận lợi, tránh táo bón tương tự như chế độ ăn nhiều chất xơ. Đây cũng là một cách chữa bệnh trĩ dành cho những loại trĩ mức độ nhẹ. Loại nước nên uống là nước lọc, nước đun sôi để nguội. Hạn chế uống những loại nước chứa nhiều đường, nước quá ngọt, nước chứa nhiều năng lượng. Uống nhiều nước không những cải thiện tình trạng bệnh trĩ mà còn làm giảm nguy cơ bị sỏi đường niệu, làm đẹp da.
3. Thuốc uống hướng tĩnh mạch
Khi trĩ bắt đầu chuyển nặng sang mức độ 2, không giảm khi áp dụng chế độ ăn nhiều chất xơ, uống nhiều nước thì điều trị nội khoa bằng những loại thuốc uống hướng tĩnh mạch là một điều cần thiết. Tuy nhiên, bạn cần đến khám tại khoa nội tiêu hóa để được bác sĩ chẩn đoán và chỉ định những loại thuốc phù hợp.
Thuốc uống bao gồm vitamin C liều cao (1000mg mỗi ngày) giúp ổn định, bền vững thành mạch. Bên cạnh đó, cần bổ sung thêm nhóm thuốc co mạch, giảm tính thấm thành mạch để giảm tình trạng chảy máu từ các búi trĩ. Thuốc co mạch thường được các bác sĩ kê toa như Rutin C, Daflon, Hassanflon.
4. Thuốc đặt tại chỗ
Cách chữa bệnh trĩ phổ biến tiếp theo là dùng thuốc đặt tại chỗ. Thuốc đặt hậu môn là giải pháp hữu hiệu thay thế cho thuốc uống trong trường hợp bệnh nhân bị buồn nôn, nôn, hôn mê,…Đặt thuốc không những tiện lợi mà còn có tác dụng giảm đau hiệu quả. Việc đặt thuốc vào hậu môn để điều trị trĩ cần được thực hiện đúng cách và đúng thời điểm.
Thuốc đặt hậu môn chữa bệnh trĩ gồm có các thành phần như chất kháng viêm, chất co mạch và làm vững bền thành mạch. Khi sử dụng thuốc đặt hậu môn, cần bảo quản thuốc thật tốt để tránh bị ẩm mốc. Trước khi đặt thuốc cần rửa tay sạch sẽ. Sau khi đặt thuốc cần nằm yên hoặc hạn chế đi lại, vận động nhiều để tránh thuốc rơi ra và mất tác dụng.
5. Xông hậu môn bằng thảo dược
Đây là một cách chữa bệnh trĩ hiệu quả theo trường phái Đông y. Cách thực hiện:
– Chuẩn bị:
- Hai bó nhỏ lá và cọng diếp cá
- Một củ nghệ bằng đốt ngón tay, đập dập
- Vài quả sung già bổ đôi
- Một thìa nhỏ muối ăn
– Thực hiện: Bốn loại trên bỏ vào một nồi nhỏ, cho vào 2 lít nước rồi đun sôi. Để cho bớt nóng rồi đổ ra. Xông hậu môn với loại dung dịch này khoảng 10 phút, sau đó lau khô hậu môn bằng khăn mềm. Nấu và xông vào cuối ngày, lúc đói bụng, sau khi tập thể dục, đi bộ. Cần kiên trì xông trong khoảng 2-3 tháng sẽ có kết quả rất tốt.
6. Chích xơ
Đây là một cách chữa bệnh trĩ dễ thực hiện, đơn giản, nhanh chóng và an toàn. Tuy nhiên, phương pháp này cần phải được tiến hành bởi các bác sĩ chuyên khoa có kinh nghiệm, bạn không nên tự làm tại nhà. Mục đích chính của chích xơ là làm giảm lưu lượng máu đến búi trĩ, tạo mô sẹo xơ dính vào lớp cơ dưới lớp niêm mạc giúp giảm triệu chứng chảy máu. Chích xơ được chỉ định trong trĩ nội độ 1 và độ 2.
7. Thắt trĩ bằng vòng cao su
Thắt trĩ bằng vòng cao su được chỉ định cho trĩ nội độ 1 và độ 2. Phương pháp này được nhiều nghiên cứu cho rằng có kết quả tốt và khả quan. Thắt trĩ bằng vòng cao su đã được thực hiện từ thế kỷ 19. Sau nhiều sự cải tiến của các bác sĩ phẫu thuật, phương pháp này ngày càng có hiệu quả và là một trong các phương pháp hàng đầu trong điều trị trĩ.
Nguyên tắc chính của thắt vòng cao su là giảm lưu lượng máu đến búi trĩ, tạo mô sẹo xơ dính vào lớp cơ dưới lớp niêm mạc, do đó sẽ cố định ống hậu môn đúng với nguyên tắc bảo tồn lớp đệm hậu môn.
8. Quang đông hồng ngoại
Quang đông hồng ngoại là một cách chữa bệnh trĩ hiệu quả theo phương pháp hiện đại. Đây là phương thức sử dụng nhiệt để điều trị trĩ. Mục tiêu của phương pháp quang đông là làm cho mô bị đông lại bởi tác động của sức nóng, tạo nên sẹo xơ làm giảm lưu lượng máu đến búi trĩ và cố định trĩ vào ống hậu môn. Quang đông hồng ngoại được chỉ định điều trị trĩ nội độ 1 và độ 2. Phương pháp này có lợi ích là không đau, an toàn, cầm máu rất hiệu quả.
9. Phẫu thuật cắt trĩ
Đây là một cách chữa bệnh trĩ được lựa chọn sau cùng nếu các phương pháp trên không hiệu quả hoặc trĩ ở mức độ nặng (độ 3 và độ 4). Phẫu thuật cắt trĩ không phải là một phẫu thuật đơn giản. Nếu thực hiện không đúng sẽ gây ra nhiều biến chứng và tái phát bệnh. Nhóm phẫu thuật kinh điển gồm phẫu thuật cắt khoanh niêm mạc da và phẫu thuật cắt rời từng búi trĩ. Ưu điểm của phẫu thuật cắt trĩ là giúp điều trị triệt để các búi trĩ giãn, hạn chế tái phát. Nhược điểm là đau sau mổ, thời gian nằm viện dài.
10. Phẫu thuật khâu treo trĩ
Phẫu thuật khâu treo trĩ là nhóm phẫu thuật mới, hiện đại, được triển khai trong thời gian gần đây. Phẫu thuật này dựa trên nguyên tắc bảo tồn khối đệm hậu môn, giảm lưu lượng máu đến búi trĩ và thu nhỏ thể tích khối trĩ. Phẫu thuật khâu treo trĩ gồm có phẫu thuật Longo, khâu treo trĩ bằng tay, khâu cột trĩ dưới hướng dẫn của siêu âm. Ưu điểm của những loại phẫu thuật này là ít đau sau mổ, ít tái phát. Tuy nhiên, đây là những phẫu thuật phức tạp nên đòi hỏi phải được thực hiện bởi các bác sĩ giàu kinh nghiệm.
Xem thêm: