Bí quyết ôn thi Đại học luôn là điều mà bất cứ sĩ tử nào cũng muốn tìm hiểu để có sự chuẩn bị tốt nhất cho kỳ thi của mình. Nếu bạn đã tìm hiểu Top 10 bí quyết ôn thi Đại học môn Văn mà 10Hay đã chia sẻ, thì Top 10 bí quyết ôn thi Đại học môn lịch sử hiệu quả ngay sau đây cũng sẽ góp phần trang bị cho hành trình chinh phục khối C, mang đến cho bạn bài thi lịch sử điểm cao nhất.
Trong khối C, lịch sử được coi là một môn học “khó nhai”, ngán nhất. Bởi, lịch sử là dòng chảy của vô vàn những sự kiện và những cột mốc thời gian khác nhau, chứa lượng kiến thức khổng lồ. Bạn bắt buộc phải có sự ghi nhớ chính xác, không được mơ hồ. Chính vì vậy, để học tốt môn lich sử, bạn cần có những phương pháp và kinh nghiệm học hợp lý và hiệu quả. 10Hay sẽ chia sẻ với các sĩ tử kinh nghiệm để học và thi môn lịch sử trong kỳ thi Đại học đạt kết quả cao ngay sau đây.
1. Tạo tâm lý thoải mái khi học
Trong quá trình học, bạn đừng nên tạo ra cho mình quá nhiều áp lực. Trong khi ôn thi môn lịch sử, nếu thấy có quá nhiều sự kiện và mốc thời gian phải học, nhiều sĩ tử sẽ cảm thấy nản, chán, không muốn học, càng như vậy càng không tiến bộ được. Chính vì vậy, hãy tạo cho mình một tâm lý thoải mái nhất để học có hiệu quả. Hãy nghĩ rằng, lịch sử là để trang bị những kiến thức cần thiết cho cuộc sống sau này, không phải học lịch sử mà là đang khám phá lịch sử.
2. Lên một kế hoạch học tập rõ ràng và cụ thể cho bản thân
Đặc thù của lịch sử là một môn học thuộc lòng. Chính vì vậy, bạn không thế nhớ được bao quát tất cả kiến thức lịch sử chỉ với một, hai buổi ôn tập hay một thời gian ngắn. Bạn cần phải có một quá trình ôn luyện lịch sử thực sự, lâu dài. Hãy đưa ra cho mình một kế hoạch học tập thật cụ thể rõ ràng, tốt nhất là theo từng ngày, từng tuần, sau một tháng cần đạt được những gì…
3. Nắm tổng thể nội dung trước khi học
Để không bị lạc vào trong lượng kiến thức quá lớn của chương trình lịch sử thi Đại học, bạn cần phải nắm vững và có cái nhìn khái quát nhất về tiến trình lịch sử. Ví dụ phần lịch sử Việt Nam bao gồm tiến trình lịch sử sau: giai đoạn 1919 – 1930, giai đoạn 1930 – 1945, giai đoạn 1945 – 1954, giai đoạn 1954 – 1975, giai đoạn 1975 đến 2000 và giai đoạn từ năm 2000 đến nay. Đối với phần lịch sử thế giới cần nắm tổng thể 6 chủ đề sau: sự hình thành trật tự thế giới mới sau thế chiến thứ hai; Liên Xô và các nước Đông Âu; các nước châu Á, Phi và Mĩ Latinh; lịch sử Mỹ, Tây Âu, Nhật Bản; quan hệ quốc tế giai đoạn 1945 – 2000; cuộc cách mạng khoa học công nghệ cùng xu thế toàn cầu hóa. Việc nắm vững những nội dung khái quát này sẽ giúp sĩ tử gói gọn nội dung ôn tập và không bị lạc trong mê cung các sự kiện.
4. Học theo từng chủ đề lịch sử cụ thể
Khi ôn thi Đại học môn lịch sử, cách tốt nhất để mau thuộc bài và nhớ lâu là học theo từng chủ đề cụ thể. Việc học một chuỗi sự kiện rất lan man, sẽ khiến loạn kiến thức, rối trí và mau quên. Việc nhóm những vấn đề lịch sử có cùng đặc điểm và liên quan với nhau thành một chủ đề nhất định sẽ giúp ôn tập hiệu quả hơn. Bên cạnh đó, lịch sử luôn được đánh dấu thành những chặng đường, những mốc son, nổi bật. Để kiến thức được nắm vững một cách dễ dàng và tốt hơn, bạn hãy chia nhỏ các mốc lịch sử để việc ghi nhớ trở lên hiệu quả hơn.
5. Học các sự kiện theo mối liên hệ
Đặc điểm của lịch sử là diễn ra một cách liên tục, kết quả và hệ quả của sự kiện trước có liên hệ mật thiết đến những sự kiện sau. Do đó, việc học các sự kiện theo mối liên hệ trong cùng một giai đoạn lịch sử, sẽ khiến việc học trở lên hấp dẫn, thú vị hơn, kiến thức được ghi nhớ có hệ thống hơn. Giả sử, trong giai đoạn 1954 – 1973, tại miền Nam Việt Nam, cần đặc biệt chú ý đến giai đoạn 1954 – 1960 và 3 chiến lược của Mỹ: chiến tranh đặc biệt, chiến tranh cục bộ và Việt Nam hóa chiến tranh. Nếu sâu chuỗi các chiến lược trên lại, các bạn sẽ thấy đặc điểm thú vị là sau mỗi lần thất bại, Mỹ lại can thiệp sâu hơn vào cuộc chiến tranh ở Việt Nam. Trong quá trình phân tích và tổng hợp, đừng quên ghi nhớ những sự kiện lịch sử cùng những số liệu cụ thể.
6. Để học và nhớ lâu, hãy viết lại những gì đã học và đối chiếu
Một trong những phương pháp giúp học thuộc lòng nhớ lâu hơn cả đó là học thuộc lòng bằng phương pháp viết. Khi kết thúc một bài học, bạn hãy giành một chút thời gian để ghi tóm tắt ra giấy những gì mình đã học sau đó đối chiếu lại xem đúng hay sai. Mỗi ngày làm đi làm lại bước này ít nhất là một lần cho đến khi tỉ lệ sai xót là ít nhất, vài ngày kiểm tra lại một lần sẽ giúp bạn lưu giữ kiến thức rất lâu.
7. So sánh, đối chiếu những nội dung đã học với nhau
Bất cứ môn học nào cũng đều có những vấn đề khiến chúng ta phải băn khoăn. Lịch sử cũng không phải là một ngoại lệ. Khi ôn thi Đại học môn lịch sử, bạn nên đặt ra những câu hỏi so sánh như: Vì sao lại như vậy? Điều này có gì khác và đặc biệt so với những kiến thức đã học trước đó?… Ví dụ tại sao người ta lại gọi là Việt nam hóa chiến tranh? Chiến tranh đặc biệt có gì khác biệt so với Việt nam hóa chiến tranh? Khi trả lời được những câu hỏi như vậy, chắc chắn bạn sẽ nhớ bài rất lâu.
8. Làm nháp đề cương
Lỗi thường gặp của các thí sinh khi làm bài thi lịch sử Đại học là không suy nghĩ kỹ câu hỏi mà đã vội vàng làm bài. Câu hỏi không yêu cầu viết nhiều lại viết dài lan man. Điều này hoàn toàn không cần thiết. Viết dài chưa chắc đã đạt được nhiều điểm, thậm chí còn làm hao tốn rất nhiều thời gian. Trong quá trình làm bài, thí sinh không nên sa đà vào các sự kiện, trước hết phải nêu bật được lên tính khái quát của vấn đề. Vì thế, việc làm nháp đề cương trước khi bắt đầu viết vào bài thi khá cần thiết. Từ đề cương này, bạn triển khai các ý lớn, rà soát được các nội dung cần thiết, không bỏ qua những vấn đề quan trọng, bài viết cũng trật tự, trình tự viết mạch lạc hơn.
9. Suy nghĩ kỹ các câu hỏi
Lịch sử thực chất cũng có những câu hỏi ẩn ý, để đánh giá mức độ hiểu của thí sinh về sự kiện lịch sử có sâu hay không. Cần phân tích kỹ đề bài, đề hỏi về điều gì thì trả lời đúng điều đó. Ví dụ hỏi về “thuận lợi” thì không cần nêu nhiều về “khó khăn”. Hỏi nội dung về quyền dân tộc trong Hiệp định Paris thì chỉ cần trả lời đúng điều cần hỏi chứ không cần trình bày toàn bộ hiệp định. Thí sinh thường làm bài vội vàng mà không suy nghĩ kỹ câu hỏi, làm bài viết dài, lan man, tốn rất nhiều thời gian cho các câu hỏi khác. Đây là một lỗi khá phổ biến. Tuy không bị trừ điểm nhưng thí sinh đã tự trừ điểm của mình ở những câu khác do không đủ thời gian.
10. Học nhóm là cách học tập môn lịch sử hiệu quả nhất
Việc học nhóm không chỉ tốt trong môn lịch sử mà còn nên sử dụng trong bất cứ môn học nào khác. Việc thảo luận và trao đổi kiến thức giữa những người cùng học với nhau mang lại hiệu quả cao, kết quả học tập tốt. Sự tương tác qua lại sẽ giúp gợi nhớ, kiến thức sẽ lưu lại trong trí óc lâu hơn, giúp việc ôn luyện và củng cố kiến thức được rành mạch, rõ ràng.
Với học sinh, sinh viên, việc học nhớ những kiến thức lịch sử vốn bị cho là khô khan luôn luôn là một thử thách lớn. Trong bài viết Top 10 bí quyết ôn thi Đại học môn lịch sử hiệu quả mà 10Hay chia sẻ trên đây đã “mách nhỏ” với bạn những phương pháp hiệu quả để “biến” việc ôn thi môn lịch sử trở lên đơn giản và dễ dàng hơn rất nhiều.
Xem thêm: Top 10 bí quyết ôn thi Đại học môn Văn học hiệu quả