“Chiều về Hội An, mênh mông mênh mông hai bên đường gió cát… Về những ngôi nhà còn in dấu xưa một thành phố nhỏ trông ra biển đông” Lắng nghe lời bài hát đầy chất thơ này, hẳn người Hội An xa quê sẽ thèm được quay về chốn cũ. Du khách thập phương sẽ mong mỏi một lần được ghé thăm đô thị cổ nơi thành phố Hội An trực thuộc tỉnh Quảng Nam. Được ví như một bức tranh cổ mộc mạc, yên bình. Hội An lưu giữ biết bao di sản kiến trúc đã tồn tại từ hàng trăm năm trước. Và được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới năm 1999. Hãy cùng 10Hay.com thoát ra khỏi cảnh nhộn nhịp phố xá để đến với một Hội An thơ mộng, giản đơn qua Top 10 địa điểm du lịch ở Hội An nhé.
Bài viết liên quan:
- Top 10 thiên đường du lịch Nghệ An làm say đắm lòng người
- Top 10 địa điểm du lịch ở Nha Trang hấp dẫn nhiều du khách
- Top 10 địa điểm du lịch nổi tiếng ở Đà Lạt không thể không biết
1. Chùa Cầu
Ai đó nói rằng ghé qua phố cổ Hội An mà chưa diện kiến địa điểm du lịch Chùa Cầu có nghĩa là chưa thật sự đến phố cổ. Bởi lẽ đối với người dân địa phương, Chùa Cầu chính là linh hồn, hơi thở và là viên ngọc quý giữa lòng Hội An. Chùa Cầu, hay còn gọi là Cầu Nhật Bản được xây dựng vào cuối thế kỷ XVI. Và bắc ngang con lạch chảy ra sông Thu Bồn giáp ranh giữa hai đường Nguyễn Thị Minh Khai và Trần Phú.
Du khách tham quan dễ dàng nhận ra cách thức thiết kế của cầu khá khác lạ so với loại cầu thông thường. Bên trên là nhà, dưới lại là cầu, ấy chính là lối kiến trúc “Thượng gia hạ kiều” rất phổ biến. Qua đó, mỗi du khách đều công nhận Chùa Cầu quả là một vật thể độc đáo. Cùng với nhiều họa tiết trang trí thật tỉ mỉ làm bật lên sự kết hợp hài hòa giữa các phong cách kiến trúc Việt, Hoa, Nhật, và cả phương Tây. Ngoài ra, chính giữa cầu là sự hiện diện của ngôi miếu nhỏ thờ Huyền Thiên Đại đế. Bên cạnh những giá trị văn hóa và chứng tích lịch sử. Cây cầu cổ duy nhất ở Hội An còn làm chức vụ điều tiết giao thông cũng như là nơi sinh hoạt tín ngưỡng của người dân khu phố cổ.
2. Bãi tắm Cửa Đại
“Cửa Đại chiều nay mây bay mây bay hương theo làn gió ấm, bồng bềnh thuyền vui tôm cá lao xao trong khoang đầy ấp gió…” Ai ở xa lỡ mang nặng tình cảm với Hội An có lẽ không bao giờ quên được hình ảnh biển Cửa Đại. Bãi cát trắng mịn, nước biển trong ngần, được chiếu rọi ánh vàng lấp lánh của mặt trời sáng sớm. Bãi tắm Cửa Đại nằm cách đô thị cổ Hội An chừng 5km về phía đông và cách Đà Nẵng 30km về phía nam. Là hợp lưu của ba con sông lớn ở Hội An: Thu Bồn, Trường Giang, Đế Võng.
Hiểu được nhu cầu nghỉ dưỡng với phong cách phục vụ chu đáo, tận tâm tuyệt đối. Vô số khu resort đã ra đời với phong cách dân dã đậm chất làng quê. Còn gì tuyệt vời hơn khi được vứt bỏ mọi muộn phiền thường ngày. Sau đó đắm mình vào không gian yên tĩnh trong bầu không khí trong lành, thanh tịnh. Chỉ có tiếng sóng vỗ rì rào cùng hơi thở thoang thoảng của gió đem theo vị mặn nơi biển xanh.
Theo lời bạn mình đã đi du lịch ở đây, thời điểm ban chiều là thích hợp nhất để ra biển tắm. Chơi trò chơi thể thao trên bờ cát và tản bộ cũng như thưởng thức nhiều loại hải sản tươi ngon với giá bình dân. Bên cạnh đó, bạn có thể đón bình minh từ cửa sổ hướng ra biển. Khung cảnh tựa như bức tranh hữu tình nhuộm màu vàng cam. Xa xa là những con thuyền đánh cá trở về từ biển khơi, trong khoang đầy ắp cá tôm.
3. Đảo Thuận Tình
Người ta biết đến địa điểm du lịch Hội An ngoài vẻ trầm mặc, cổ kính. Còn thích thú hơn nữa với nét dân dã của sông nước, thiên nhiên hoang sơ mà hữu tình. Khu du lịch sinh thái Thuận Tình đã đáp ứng được điều đó. Thuộc địa phận xã Cẩm Thanh, hòn đảo nhỏ thơ mộng này nổi lên giữa sông Thu Bồn. Và chỉ mất một khoảng cách 2km rẽ phải theo đường bộ từ Hội An đến Cửa Đại.
Đến với địa điểm du lịch đảo Thuận Tình, du khách được dịp ngồi trên thuyền băng qua rừng dừa nước bạt ngàn cùng với những rặng thông xanh. Tham gia các trò chơi dân gian, câu cá, múa rối nước và chiêm ngưỡng những mặt hàng thủ công mỹ nghệ được trưng bày tại ngôi nhà cổ. Bên cạnh đó, nơi đây thể hiện đúng nghĩa một khu du lịch sinh thái khi tạo nhiều điều kiện cho du khách hội họp cắm trại, dã ngoại. Với rất nhiều dịch vụ phục vụ vô cùng tận tình. Ngoài những khu nhà, chòi, lều nghỉ chân, nhà sàn dưới rặng thông. Vô số các nơi cho thuê võng, chiếu, bãi cắm trại, đốt lửa trại và nhà hàng mọc lên như nấm với giá cả phải chăng. Tất cả đã níu chân biết bao du khách tìm kiếm sự giải trí chốn thiên nhiên thôn quê.
4. Chợ Hội An
Chợ Hội An ngụ trong lòng phố cổ giữa hai con phố chính Trần Phú và Bạch Đằng. Nằm đối diện bờ sông Cẩm Nam đại diện cho nhịp sống nhộn nhịp, ồn ã nơi Hội An thanh bình, mộc mạc. Ngôi chợ này hoạt động cả sáng lẫn đêm, không chỉ là nơi mua sắm quen thuộc với dân địa phương. Mà còn phục vụ nhu cầu tham quan của du khách gần xa.
Du khách đến Hội An thường thắc mắc có thể mua thực phẩm tươi sống, các loại rau củ quả ở đâu. Và chợ Hội An chính là câu trả lời lý tưởng nhất bởi nơi đây nằm ven bờ sông. Hải sản luôn trong tình trạng tươi ngon nhất khi các ngư dân vừa cập bến. Bên cạnh đó, bạn có thể tìm mua những món quà lưu niệm đậm chất làng quê miền Trung cũng như bắt đầu chuỗi hành trình khám phá các món ăn địa phương tại chợ Hội An – Thiên đường ẩm thực. Tại đây du khách có cơ hội thưởng thức món cao lầu trứ danh và vô số món ăn miền Trung khác. Niềm vui thú số một khi ghé thăm chợ Hội An có lẽ là việc trả giá khi mua hàng. Tương tự như ở các ngôi chợ thông thường khác.
5. Làng rau Trà Quế
Địa điểm du lịch làng rau Trà Quế thu hút rất nhiều du khách thập phương tò mò về công việc trồng rau của người nông dân. Đặc biệt là du khách nước ngoài. Ngôi làng cách phố cổ Hội An khoảng 2km về phía đông bắc. Nằm giữa con sông Đế Võng và Đầm Rong Trà Quế.
Nơi đây trồng hơn 20 loại rau ăn lá, rau gia vị và chất lượng vô cùng đảm bảo. Bởi do được canh tác theo công nghệ trồng rau sạch. Danh tiếng của rau làng Trà Quế không còn xa lạ trong ngành trồng rau, trên diện tích đất chừng vài chục héc ta. Các loại rau như hung, é, tía tô…được trồng trên đất đai màu mỡ. Bón bằng loại rong lấy từ sông cho nên mang hương vị rất riêng không lẫn vào đâu được.
Nhờ vậy mà rau sạch tại đây đã làm trứ danh biết bao món ăn dân dã ở Hội An và Quảng Nam. Hơn nữa, khách tham quan làng còn được trải nghiệm làm nông dân. Với bộ quần áo nông dân, đôi dép lê, chiếc nón lá đặc trưng. Sau đó du khách bắt đầu một ngày thú vị với việc cuốc đất, tưới nước, chăm bón. Một ngày kết thúc thật lý tưởng khi những người nông dân tập sự sẽ thưởng thức các món ăn đặc trưng Quảng Nam: Mì Quảng, cao lầu, hến trộn được chế biến từ rau Trà Quế. Các bạn nên đến đây vào mùng 7 tháng giêng Âm lịch, thời điểm nhộn nhịp và ý nghĩa khi người dân tổ chức lễ hội cầu Bông để cầu mưa gió thuận hòa, mùa rau bội thu.
6. Cù Lao Chàm
Cù Lao Chàm là cụm đảo thuộc xã Tân Hiệp, cách biển Cửa Đại 15km. Và đã được UNESCO công nhận là khu dự trữ sinh quyển thế giới vào năm 2009. Nơi đây bao gồm 8 hòn đảo : Hòn Lao, Dài, Mồ, Khô Mẹ, Khô Con, Lá, Tai, Ông và mỗi hòn đảo đều mang một vẻ đẹp hoang sơ, tĩnh lặng.
Đến địa điểm du lịch Cù Lao Chàm, du khách có thể tham quan vô số địa điểm du lịch với những nét đặc trưng, lý thú riêng. Như giếng Cố Chăm, chùa Hải Tạng, chợ Tân Hiệp, đảo yến hay miếu tổ nghề yến, nơi thờ cúng tổ tiên nghề yến cùng các vị thần bảo hộ nghề yến. Đối với những du khách có đam mê với biển, nhà bảo tàng biển Cù Lao Chàm là địa điểm du lịch không nên bỏ qua. Khi tại đây du khách có cơ hội mở mang hiểu biết về lịch sử hình thành, các phong tục tập quán, lễ hội. Cũng như những sản vật biển của vùng đảo. Ngoài ra, các bãi Xếp, bãi Ông, bãi Làng chắc hẳn sẽ là nơi lý tưởng dành cho những ai thích cảm giác ngụp lặn dưới biển nước trong xanh.
Hằng năm tại Cù Lao Chàm đều tổ chức các lễ hội Cầu ngư, lễ giỗ tổ nghề yến rất ý nghĩa. Các bạn nên ghé thăm nơi này để trải nghiệm một phần nét văn hóa Hội An. Bên cạnh đó thì thời điểm tháng 3-8 khi thời tiết ấm, biển lặng, nắng vàng sẽ rất phù hợp cho chuyến đi nghỉ dưỡng sau những ngày làm việc miệt mài căng thẳng.
7. Bãi biển An Bàng
Sau Cửa Đại, địa điểm du lịch An Bàng cũng là một bãi biển đẹp nữa tại Hội An nhưng được khá ít người biết đến. Bãi biển trở nên nổi tiếng chỉ sau khi có mặt trong danh sách 50 bãi biển đẹp nhất thế giới của trang CNNGo tuy chỉ cách Cửa Đại hơn 1km.
So với một Cửa Đại như cô gái năng động luôn tràn đầy sức sống. An Bàng có lẽ tựa như cô nàng trầm tĩnh, kín đáo nhưng mang trong mình tâm hồn ngập tràn ánh nắng. Quả nhiên là vậy, biển An Bàng chẳng hề cầu kì với ô lọng, bàn ghế mà duy chỉ có bờ cát dài 4km cùng mặt biển sóng nước lặng yên được ánh mặt trời ấm áp chiếu rọi. Những dịch vụ như homestay mới dần phát triển trong thời gian gần đây. Sau 3 năm được nổi danh từ danh hiệu tiếng tăm, ‘’cô gái’’ An Bàng ấy vẫn giản đơn, mộc mạc như thuở nào. Ta chẳng thấy các dịch vụ ồ ạt phát triển. Người dân không cắp thúng đến bán hàng bởi lẽ trong tim họ An Bàng mãi là bãi biển của sự bình yên, lặng thầm, những đặc tính tuyệt vời mà thiên nhiên ban tặng.
An Bàng theo lời của bạn bè mình là rất đỗi bình dị vào buổi sáng khi ta dễ dàng bắt gặp hình bóng một vài chú bé bắt còng gió, đá bóng, vài cụ già vừa trò chuyện vừa ngắm thuyền thúng. Khi mặt trời lên hẳn họ lại trở về nhà bắt đầu một ngày mới bận rộn sau những giây phút thư giãn và thả hồn mình vào gió nơi biển khơi, lấy tinh thần cho công việc cả ngày dài.
8. Công viên Đất Nung Thanh Hà
Địa điểm du lịch khá mới lạ và thu hút nhiều du khách đến với Hội An chính là công viên đất nung Thanh Hà. Đây là địa điểm du lịch thuộc phường Thanh Hà, cách đô thị cổ Hội An chừng 3km về hướng tây. Thuở trước, du khách nghe nói đến danh tiếng của làng qua những sản phẩm chủ yếu phục vụ đời sống sinh hoạt người dân. Như chum, vại, binh. Ngày nay khách tham quan còn được dịp bổ mắt với các kỳ quan thế giới thu nhỏ vô cùng độc đáo. Công viên đất nung do kiến trúc sư Nguyễn Văn Nguyên thiết kế với phần giữa là một hồ nước trong khoảng sân tròn. Cùng với hai tòa nhà chính là biểu tượng cho hai loại lò nung gốm của Thanh Hà.
Tòa nhà bên phải biểu trưng cho ‘’lò ngửa’’, nơi trưng bày các sản phẩm gốm Thanh Hà từ các làng nghề Bát Tràng, Vĩnh Long, Phù Lãng. Với ý nghĩa hội nhập, học hỏi thế giới bên ngoài. Tòa nhà bên trái đại diện cho ‘’lò úp’’, triển lãm các hiện vật cổ và lịch sử hình thành của làng. Với ý nghĩa giữ gìn, bảo tồn truyền thống. Hẳn bất kì du khách nào đến đây cũng thích thú với những công trình thu nhỏ mô phỏng các danh lam thắng cảnh nổi tiếng Việt Nam cũng như các kỳ quan thế giới.
Dưới bàn tay điêu luyện, tỉ mỉ, những nghệ nhân đã thật tài tình tạo nên vô số mô hình. Như Kim Tự Tháp, tháp nghiêng Pisa, đền Taj Mahal – Ấn Độ…Điều đặc biệt là cơ hội được tận mắt chứng kiến từng thao tác khéo léo của các nghệ nhân ấy. Không nghi ngờ gì nữa với số tiền hàng chục tỷ, công viên đất nung Thanh Hà ra đời rất xứng đáng là tuyệt phẩm bảo tàng quý giá và lớn nhất Việt Nam.
9. Hội quán Triều Châu, Hội quán Quảng Đông, Hội quán Phúc Kiến
Các hội quán tại phố cổ Hội An chính là đại diện cho sự cổ kính được xây dựng bởi những người Hoa cũ. Nét đặc trưng riêng chỉ có tại địa điểm du lịch này. Có đến 5 hội quán cổ nhưng tiêu biểu nhất có lẽ là hội quán Triều Châu, hội quán Quảng Đông và hội quán Phúc Kiến.
Hội quán Triều Châu
Giữa lòng phố cổ Hội An, hội quán Triều Châu tại số 92B Nguyễn Duy Hiệu nổi bật thu hút du khách bởi nét cổ xưa vẫn giữ nguyên trạng cho đến ngày nay. Được Hoa Kiều bang Triều Châu xây dựng vào năm 1845 để thờ phục Ba tướng quân Mã Viện. Đây là vị thần giúp cho việc đi lại bán buôn trên biển được thuận buồm xuôi gió với tài năng chế ngự biển khơi. Hội quán có những tác phẩm đắp nổi bằng sành sứ rất bắt mắt cũng như bộ khung gỗ được chạm khắc tinh xảo với họa tiết, hương án trang trí bằng gỗ, được công nhận về giá trị thiết kế của một lối kiến trúc cổ kính.
Hội quán Quảng Đông
Hội quán Quảng Đông tọa lạc tại 176 Trần Phú, một trong những con đường chính tại đô thị cổ Hội An. Người Hoa sinh sống và làm ăn dưới bến thuyền đã gây dựng nên hội quán vào năm 1885, thoạt đầu để thờ Thiên Hậu Thánh Mẫu và Đức Khổng Tử, sau năm 1911 chuyển qua thờ Quan Công và Tiền Hiền của bang. Hội quán mang một vẻ đẹp chắc chắn, vững chãi bởi được đúc kết từ chất liệu gỗ, đá. Nhiều du khách ghé thăm địa điểm du lịch này và cho biết sẽ rất đông vui và ý nghĩa nếu có dịp đến đây trúng vào ngày Nguyên Tiêu, vía Quan Công hằng năm, thời điểm các lễ hội diễn ra rất linh đình.
Hội quán Phúc Kiến
Hội quán Phúc Kiến ngụ tại số 46 đường Trần Phú. Là nơi đã trải qua nhiều đợt trùng tu của Hoa Kiều bang Phúc Kiến để trở nên ngày càng khang trang, thu hút không ít du khách đến Hội An. Từ xa xưa, tiền thân của địa điểm du lịch này là một gian miếu nhỏ thờ pho tượng Thiên Hậu Thánh Mẫu vớt được tại bờ biển Hội An vào năm 1697.
10. Chùa Pháp Bảo
Chùa Pháp Bảo thuộc hệ phái Bắc tông nằm ở vị trí trung tâm Hội An. Hiện đặt văn phòng Ban đại diện Phật giáo tại số 07 đường Hai Bà Trưng thuộc thị xã Hội An đã được công nhận di sản văn hóa thế giới. Do vậy hằng năm chùa đón tiếp số lượng lớn các du khách gần xa, các phật tử khắp nơi đến tham quan và lễ bái.
Về tên gọi, Pháp Bảo là đạo hiệu của tổ Minh Hải, thiền phái Lâm Tế Chánh Tông đời thứ 34, khai sơn chùa Pháp Bảo – Hội An. Kế thừa tổ đạo, Thượng tọa Thích Bảo Lạc đời thứ 43, khai sơn chùa Pháp Bảo – Sydney. Du khách ghé thăm địa điểm du lịch này đều nhận thấy cách bày trí Điện phật rất tôn nghiêm, kiến trúc chùa đã được Thượng tọa Thích Hạnh Niệm đại trùng tu vào năm 2000.
Mỗi ngày địa điểm du lịch chùa Pháp Bảo đều mở cửa nghênh đón vô vàn du khách đến lễ bái cầu nguyện, học đạo tu hành với những lễ cầu an cầu siêu, khóa thiền, thành hôn, tu bát quan trai, lớp giáo lý…Dành cho những ai nguyện học theo lối sống tĩnh tâm của thiền môn và mong muốn tập sự sống đời xuất gia, chùa đã tổ chức khóa tu gieo duyên một tháng kể từ 3 năm trở lại đây.
Thành phố Hội An không chỉ chiếm tình cảm của nhiều du khách bởi sự cổ kính. Mà còn đọng lại trong lòng mỗi người một chút gì trữ tình, hoang sơ, bình dị và hiện đại bất ngờ. Nếu có dịp ghé thăm Hội An, đừng quên dành cả ngày ghé qua những địa điểm mà 10Hay.com vừa chia sẻ và cảm nhận nét văn hóa trong lối sống cũng như cảnh sắc rất riêng chỉ có ở Hội An và người dân nơi đây.
Xem thêm: