Theo định nghĩa của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), “Sức khỏe” là một trạng thái thoải mái toàn diện về cả 3 mặt, đó là thể chất, tâm thần và xã hội và không chỉ bao gồm tình trạng không bệnh hay thương tật. Vì vậy, một người được xem là hoàn toàn khỏe mạnh khi người đó không có bệnh, không bị thương tật, thể chất, tâm thần và cả mặt xã hội được thoải mái một cách đầy đủ và toàn diện.
Bài viết nên xem: Top 10 bệnh gây đau đớn nhiều nhất
Theo định nghĩa trên, khía cạnh tâm thần chiếm một phần quan trọng trong sức khỏe của mỗi người. Nếu như cơ thể không mắc bệnh nhưng tình trạng tâm thần không được ổn định, bị chi phối, ảnh hưởng bởi một nguyên nhân nào đó thì ta cũng không thể mạnh khỏe, thoải mái và làm việc có hiệu quả được. Điều này ít nhiều nói lên được các vấn đề liên quan đến tâm thần, tâm lý chi phối không nhỏ đến cuộc sống của mỗi con người.
Nếu như các bệnh tim mạch, tiêu hóa, hô hấp, thận,… thuộc về nhóm bệnh cơ thể; các bệnh lao, HIV, cúm, sởi, viêm gan virus,… thuộc về nhóm bệnh truyền nhiễm; các trường hợp tai nạn giao thông, gãy xương, trật khớp,… thuộc nhóm bệnh chấn thương thì cũng có những bệnh thuộc về nhóm tâm thần như: tâm thần phân liệt, trầm cảm, lo âu, mất ngủ,…Và những bệnh thuộc tâm thần này ngày càng phổ biến hơn trong đời sống xã hội hiện đại của chúng ta hôm nay.
Bệnh tâm thần đã được biết đến từ lâu nhưng mãi đến thế kỷ 18 trở lại đây mới được nghiên cứu sâu rộng hơn trên thế giới cũng như tại Việt Nam. Thông thường, mọi người đều nghĩ người bệnh tâm thần là những người quái dị, có hành vi không giống ai, la hét, quậy phá, đi lang thang,… Thực chất, theo bảng phân loại bệnh Quốc tế, rối loạn tâm thần không chỉ đơn thuần là những trường hợp “khùng khùng, điên điên” hay nói cách khác là “loạn thần”, “tâm thần phân liệt” mà còn bao gồm cả những bệnh như: sa sút tâm thần, rối loạn lo âu, trầm cảm, hưng cảm, mất ngủ, rối loạn tự kỷ ở trẻ em,…
Theo thống kê tại Việt Nam, tỷ lệ mỗi người có khả năng mắc một bệnh tâm thần trong đời là 15 đến 20 % dân số. Đời sống kinh tế ngày càng phát triển, áp lực công việc ngày càng cao, tệ nạn xã hội như ma túy, mại dâm, nghiện rượu diễn biến ngày càng phức tạp, thời tiết khí hậu thay đổi thất thường,… là những điều kiện khách quan và thuận lợi làm tăng tỷ lệ bệnh tâm thần tại thời điểm hiện tại và trong tương lai.
Sau đây 10Hay.com giới thiệu 10 bệnh tâm thần phổ biến, thường gặp tại Việt Nam trong những năm vừa qua:
1. Nghiện rượu:
Tình trạng nghiện rượu tuy thuộc nhiều về hành vi của con người nhưng nó lại được xếp vào nhóm bệnh tâm thần. Người nghiện rượu rất dễ có những hành động quậy phá, la hét, thường có hoang tưởng ghen tuông. Khi ngưng rượu hoặc giảm lượng rượu uống vào vì một lý do nào đó, người nghiện có thể xuất hiện hội chứng cai rượu với các ảo giác, hoang tưởng, sự lo âu, kích động và những rối loạn cơ thể có thể nguy hiểm đến tính mạng. Tỷ lệ người bệnh tâm thần có liên quan đến rượu chiếm khoảng 5,3% dân số.
2. Trầm cảm:
Đặc trưng của bệnh trầm cảm là người bệnh thường có cảm giác buồn bã, chán nản, mất sinh lực, mất năng lượng và thường xuyên cảm thấy mệt mỏi. Có thể đi kèm với triệu chứng lo âu, mất ngủ, chán ăn, đôi lúc có ý nghĩ và hành vi tự tử. Tỷ lệ lưu hành của bệnh này là 2,8%.
3. Lo âu:
Nếu một người có cảm giác lo lắng thường xuyên mà không tìm được nguyên nhân, không thể tự trấn an hoặc làm giảm triệu chứng lo lắng bằng mọi biện pháp thì người đó đã bị bệnh rối loạn lo âu. Trong thời kỳ kinh tế phát triển như hiện nay, tỷ lệ người bệnh lo âu có xu hướng ngày càng tăng. Theo thống kê, những năm gần đây, con số này ở nước ta là 2,7% dân số.
4. Rối loạn hành vi thanh thiếu niên:
Là những rối loạn hành vi và nhân cách xuất hiện ở lứa tuổi thanh thiếu niên. Bệnh thường kéo dài, ăn sâu vào tính cách của mỗi người, biểu hiện thành những kiểu hành động và đáp ứng cứng nhắc, khác lạ đối với những hoàn cảnh xã hội, những tình huống xảy ra trong cuộc sống. Bệnh lý này chiếm tỷ lệ 0,9%.
5. Mất trí tuổi già:
Còn gọi là bệnh Alzheimer. Đặc điểm của bệnh là sự diễn tiến từ từ các triệu chứng quên, giảm vận động, giảm cảm giác do sự thoái hóa dần các tế bào não. Bệnh thường xảy ra ở người già từ 65 tuổi trở lên và ít có khả năng hồi phục. Dân gian thường gọi là bệnh lẫn của người già. Tỷ lệ lưu hành của bệnh là 0,88%.
6. Chậm phát triển trí tuệ:
Đây là bệnh đặc trưng cho những đứa trẻ bẩm sinh bị khù khờ, đần độn, phát triển thể chất bất thường so với những đứa trẻ khác cùng lứa tuổi. Những trẻ bị chậm phát triển trí tuệ có thể ở mức độ từ nhẹ, trung bình, nặng hoặc trầm trọng. Trẻ bị chậm phát triển mức độ nhẹ và trung bình nhìn chung có thể tự chăm sóc bản thân một phần, có thể làm những việc đơn giản như giặt giũ, nấu ăn, quét nhà,… Trẻ bị chậm phát triển mức độ nặng và trầm trọng dường như chỉ sống phụ thuộc hoàn toàn vào sự chăm sóc của người nhà. Tỷ lệ chung những trẻ mắc bệnh chậm phát triển trí tuệ là 0,63%.
7. Rối loạn tâm thần do chấn thương sọ não:
Một người bị chần thương sọ não có thể biểu hiện các triệu chứng như: quên, sa sút trí tuệ, hoang tưởng, ảo giác,… Ngày nay, số vụ tai nạn giao thông ngày càng tăng nên tỷ lệ bệnh rối loạn tâm thần do chấn thương sọ não cũng có xu hướng tăng theo. Theo thống kê trong những năm gần đây, tỷ lệ này tại Việt Nam là 0,51%.
8. Tâm thần phân liệt:
Tâm thần phân liệt là bệnh nặng nhất trong tất cả các bệnh tâm thần, là bệnh mà dân gian gọi là “khùng điên”, “ma nhập”,…Đặc trưng của bệnh là người bệnh thường có những suy ảo giác, hoang tưởng đi kèm với những suy nghĩ, hành vi kỳ dị, khác lạ trong cuộc sống. Bệnh thường diễn tiến mạn tính hoặc ngày càng nặng dần. Người bệnh có thể xuất hiện những cơn kích động, quậy phá, thậm chí giết người. Nghề nghiệp, chức năng xã hội của người bệnh thường bị ảnh hưởng nặng nề và họ khó có khả năng hòa nhập với cuộc sống. Tỷ lệ lưu hành của bệnh này là 0,47%.
9. Động kinh:
Đây là bệnh thuộc chuyên khoa Thần Kinh nhưng trong những năm gần đây, bệnh được xếp chung vào nhóm bệnh Tam Thần – Thần Kinh, vì người bị bệnh động kinh thường có nhũng rối loạn tâm thần kèm theo như hành vi gây hấn, ảo giác, sa sút trí tuệ,…Tỷ lệ bệnh động kinh trong dân số là 0,33%.
10. Nghiện ma túy:
Tùy vào loại ma túy sử dụng, người nghiện ma túy có thể xuất hiện các rối loạn tâm thần như: ảo giác, hoang tưởng, trầm cảm, hưng cảm, đôi lúc kích động, la hét,…Ngày nay, tình hình nghiện ma túy đang diễn biến ngày một phức tạp, trên thị trường xuất hiện ngày càng nhiều dạng ma túy tổng hơp, bán tổng hợp, hỗn hợp nên tỷ lệ bệnh tâm thần do việc sử dụng chất ma túy cũng ngày càng tăng. Tỷ lệ này trong những năm gần đây là 0,3%.