Đau đầu là triệu chứng thường gặp của nhiều bệnh, biểu hiện là cảm giác đau xuất hiện ở vùng đầu – giới hạn bởi phía trên hốc mắt, phía trên ngang qua mép trên của vành tai và phía sau ngang qua giới hạn dưới của ụ chẩm. Đau đầu xảy ra là do sự xáo trộn các cấu trúc gây đau ở vùng đầu. Các cấu trúc này được chia làm 2 loại: trong sọ: mạch máu, màng não, các dây thần kinh sọ; và ngoài sọ: màng ngoài sọ, da, cơ, dây thần kinh sọ, động mạch, tĩnh mạch,…
Đau đầu có thể diễn tiến cấp tính hoặc từ từ tăng dần, có thể đau từ mức độ âm ỉ đến đau thành từng cơn dữ dội, có loại đáp ứng với thuốc giảm đau, có loại thì không hoặc đáp ứng rất ít. Vì vậy, triệu chứng đau đầu khá phức tạp và đa dạng, không chỉ là biểu hiện của những bệnh về thần kinh mà còn biểu hiện của những bệnh thuộc các cơ quan khác như bệnh về mắt, mũi, tai, tâm thần,…
Biết được những bệnh gây đau đầu thường gặp sẽ giúp bạn có định hướng về phương pháp điều trị thích hợp cho bản thân: uống thuốc giảm đau, nghỉ ngơi hoặc đến bác sĩ, đến các cơ sở y tế khám bệnh. Sau đây sẽ là 10 bệnh gây đau đầu thường gặp nhất:
1. Đau đầu căng cơ
Đau đầu căng cơ là bệnh gây đau đầu thường gặp nhất. Các cơ vùng cổ, mặt, da đầu bị co thắt làm tăng áp lực trong các cơ, gây ra giảm lượng máu nuôi cơ làm tăng sinh acid lăctic kích thích các chất gây đau. Yếu tố khởi phát bao gồm mất ngủ, ngủ quá nhiều, ăn quá no, uống nhiều rượu, căng thẳng thần kinh,…Cơn đau kéo dài vài phút đến nhiều ngày. Cảm giác đau như siết chặt, nặng đầu ở cả hai bên, đau không theo mạch đập, cường độ đau trung bình, không tăng khi hoạt động, không kèm theo nôn ói nhưng có thể có triệu chứng sợ ánh sáng hay tiếng ồn.
2. Viêm màng não
Viêm màng não cũng là một bệnh gây đau đầu hay gặp. Do tình trạng viêm tại màng não kích thích các receptor cảm giác đau gây ra những cơn đau đặc trưng. Đau đầu do viêm màng não thường ở mức độ trung bình đến nặng và dữ dội. Đau tăng lên khi ra ánh sáng, khi nằm đầu thấp. Các triệu chứng kèm theo đau đầu như nôn vọt, sốt, cổ cứng, sợ tiếng ồn, sợ ánh sáng,…
3. Thiếu máu não
Thiếu máu lên não sẽ dẫn đến việc tăng acid lăctic trong các tế bào não. Lượng acid này tích tụ nhiều sẽ kích thích các chất gây đau. Đau đầu do thiếu máu não thường diễn tiến từ từ, đau ở mức độ trung bình, thường gặp ở những người cao tuổi, hoạt động nhiều. Các triệu chứng kèm theo đau đầu ở những bệnh nhân thiếu máu não gồm: khó ngủ, xây xẩm, chóng mặt, hay quên,…
4. Viêm xoang
Viêm mũi xoang là một bệnh gây đau đầu rất hay gặp. Tình trạng viêm tại các xoang kích thích dây thần kinh cảm giác số V gây ra đau đầu. Người bệnh thường đau ở vị trí vùng trán hoặc hai bên thái dương. Đau tăng lên khi trời lạnh, khi mới thức dậy và thuyên giảm một phần với các thuốc giảm đau thông thường. Đau thường kèm theo sốt, viêm mũi, chảy nước mũi, nước mắt.
5. Viêm tai
Viêm tai bao gồm viêm ống tai ngoài, viêm tai giữa và viêm tai trong (tiền đình – ốc tai). Viêm tai gây đau đầu ở vùng thái dương do kích thích dây thần kinh số V. Đau giảm một phần khi uống thuốc giảm đau, tăng lên khi thay đổi tư thế, khi nghiêng đầu về phía tai bị viêm. Đau đầu do viêm tai có thể kèm theo triệu chứng chóng mặt, đi loạng choạng, mất thăng bằng, buồn nôn,…
6. Đau đầu cụm
Đau đầu cụm là một bệnh gây đau đầu thường gặp do sự giãn các động mạch trong hốc mắt. Yếu tố khởi phát cơn đau: uống rượu, ánh sáng chói, hoạt động mạnh, thức ăn có chứa nitrite (đồ hộp, thịt nguội), thuốc giãn mạch. Cơn đau của đau đầu cụm có cường độ rất dữ dội, xảy ra đúng giờ, thường xảy ra vào ban đêm sau khi bệnh nhân ngủ được vài giờ. Cơn đau tập trung sau hốc mắt hoặc trên trán gần phía thái dương một bên đầu. Mỗi đợt đau thường kéo dài khoảng 3 tháng.
7. Đau dây thần kinh V
Nguyên nhân đau thần kinh V là do thần kinh V bị chèn ép vi thể trong sọ, dị dạng mạch máu, u, do các động mạch bị xơ mỡ, do các chồi xương ở mặt trên xương đá, một số trường hợp do sự mất myelin của dây thần kinh V. Bệnh thường gặp ở phụ nữ tuổi trung niên 50-70 tuổi. Có các cơn đau đầu như điện giật, kéo dài vài giây và dưới 2 phút. Bệnh nhân có thể bị đau nhiều hơn khi nhai, đánh răng, nói chuyện, cười,…
8. Đau nửa đầu Migraine
Là bệnh đau nửa đầu từng cơn theo nhịp mạch, cường độ thay đổi, có tính chu kỳ. Tỷ lệ bệnh là 18% ở nữ và 6% ở nam. Khởi phát ở tuổi thiếu niên và trưởng thành. Yếu tố khởi phát cơn đau bao gồm: stress, mất ngủ, khói thuốc lá, mùi nước hoa, uống rượu, cà phê,…Đau thường khởi phát một bên đầu, sau đó có thể lan sang bên còn lại. Đau theo nhịp mạch, cường độ tăng dần và có khi đau dữ dội. Thời gian đau từ vài giờ đến vài ngày nếu không điều trị. Triệu chứng đi kèm đau đầu bao gồm: buồn nôn, nôn, sợ tiếng động, sợ ánh sáng, chóng mặt, mất khả năng tập trung,…
9. Tăng nhãn áp
Tăng nhãn áp tên quốc tế là bệnh Glaucoma, dân gian thường gọi là bệnh cườm nước. Gồm có tăng nhãn áp góc đóng và tăng nhãn áp góc mở. Bệnh xảy ra khi áp lực trong ổ mắt cao trên 22 mmHg. Khi đó sẽ xuất hiện cơn đau đầu với mức độ dữ dội mà người dân thường gọi là “Thiên đầu thống”. Đau giảm nhanh khi dùng thuốc co đồng tử hoặc thuốc lợi tiểu hạ nhãn áp. Đau có thể kèm theo chóng mặt, buồn nôn, nôn, sợ ánh sáng, sợ tiếng ồn.
10. Tăng huyết áp
Tăng huyết áp gây ra đau đầu do sự tăng cao áp lực trong mạch máu dẫn đến phản xạ giãn các mạch máu ở não và gây triệu chứng đau đầu. Đau đầu do tăng huyết áp thường ở mức độ trung bình đến nặng, đau lan khắp đầu, đau theo nhịp mạch và ít đáp ứng với thuốc giảm đau. Bên cạnh đau đầu, người bệnh còn có các triệu chứng như xây xẩm, chóng mặt, nặng đầu, hồi hộp,…
Xem thêm: