Nhiều người chúng ta đã biết bệnh trầm cảm là một bệnh với biểu hiện buồn bã, khí sắc trầm ngâm, người bệnh chán nản, tuyệt vọng. Vậy thì bệnh hưng cảm là một tình trạng bệnh đối lập lại với trầm cảm. Hưng cảm cũng là một bệnh thuộc chuyên khoa Tâm Thần, có những nét đặc trưng nhất định và đây không phải là một căn bệnh quá mới mẻ, xa lạ đối với con người chúng ta.
Trong nhiều tài liệu về Tâm Thần Học, trên một người bình thường có thể có những giai đoạn trạng thái tâm lý vui vẻ quá mức, lạc quan, yêu đời quá mức do một số nguyên nhân nào đó thúc đẩy hoặc không có nguyên nhân. Tuy vậy vẫn chưa được gọi là bệnh hưng cảm. Vậy bệnh hưng cảm là gì? Triệu chứng của bệnh như thế nào? Đặc điểm nổi bật ra sao và bệnh đó có nguy hiểm không? Có điều trị được hay không? Bài viết dưới đây sẽ cung cấp thông tin 10 điều về bệnh hưng cảm đặc trưng nhất, điển hình và cụ thể nhất để mọi người biết rõ hơn:
1. Bệnh hưng cảm có triệu chứng đối lập với bệnh trầm cảm
Nếu như bệnh trầm cảm có biểu hiện là khí sắc trầm buồn, ít nói, dễ khóc lóc, dễ mệt mỏi, bi quan, có cảm giác chán nản với những gì trước đây mình thích,…thì bệnh hưng cảm sẽ có triệu chứng đối lập lại. Bệnh hưng cảm biểu hiện bởi khí sắc vui tươi, đôi lúc vui quá mức sinh ra dễ cáu kỉnh, bực bội. Người bệnh hưng cảm hay cười nhiều, nói nhiều mà không cảm thấy mệt. Càng có nhiều người nói chuyện với họ thì họ càng thích và không hề tỏ ra một tí gì gọi là chán nản dù sự việc có lặp đi lặp lại. Hành vi của người bệnh hưng cảm thường gia tăng, họ thường múa tay chân, diễn giải rất sinh động, đôi lúc vô nghĩa, lạc đề.
2. Bệnh hưng cảm thường đi kèm với bệnh trầm cảm
Điều này có nhiều người cho là vô lý nhưng đó lại là sự thật. Trong một tổng thể con người, trong những giai đoạn nhất định, một người sẽ có thể bị bệnh trầm cảm hoặc hưng cảm trước, sau đó đến giai đoạn bệnh còn lại mà Tâm Thần bệnh học gọi là bệnh rối loạn lưỡng cực. Đây là một bệnh thuộc nhóm rối loạn khí sắc rất thường gặp và việc điều trị cũng khá khó khăn, phức tạp. Điều trị bệnh đòi hỏi bác sĩ phải nhận biết được người bệnh đang ở giai đoạn hưng cảm hay trầm cảm để có hướng cho thuốc thích hợp. Đôi lúc trầm cảm và hưng cảm đan xen nhau trong cùng một giai đoạn gây trở ngại cho việc điều trị bệnh.
3. Bệnh hưng cảm có thể điều trị được
Mặc dù bệnh hưng cảm thuộc nhóm bệnh rối loạn khí sắc, phụ thuộc nhiều về tâm lý nhưng bệnh vẫn có thể điều trị được bằng nhóm thuốc ổn định khí sắc. Một số thuốc đã được nghiên cứu và cho kết quả khả quan như Lithium, các thuốc thuộc nhóm chống động kinh như Valproate, Carbamazepin, Gabapentin,…Một vài trường hợp cần phải sử dụng thuốc chống loạn thần để điều trị bệnh hưng cảm.
4. Bệnh hưng cảm thường gặp ở nam
Nếu như bệnh trầm cảm thường gặp ở nữ với nhiều trường hợp ghi nhận tự tử có liên quan đến bệnh trầm cảm thì bệnh hưng cảm thường gặp ở nam. Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng nam giới thường xuyên tiếp xúc với nhiều người trong kinh doanh, làm việc, môi giới, giao tiếp,…nên dễ căng thẳng, dễ bực bội, dễ hào hứng, phấn khích nên cũng dễ dẫn đến hưng cảm hơn so với nữ giới.
5. Bệnh hưng cảm ảnh hưởng đến cân nặng
Người bệnh hưng cảm thường giảm nhu cầu ăn uống. Họ hoạt động nhiều nhưng vẫn không thấy mệt, không có cảm giác đói bụng. Vì vậy, họ ăn ít hơn thường ngày, thậm chí có những lúc không ăn, đôi khi có ý tưởng tự cao rằng mình không ăn hoặc ăn ít hơn mọi người nhưng vẫn có thể sống được,…Chính vì những nguyên nhân đó nên người bệnh hưng cảm thường bị sụt cân và ốm hẳn đi so với lúc trước khi phát bệnh. Trọng lượng của người bệnh hưng cảm có thể giảm 5 kg, thậm chí nhiều hơn trong vòng 1 tháng.
6. Bệnh hưng cảm ảnh hưởng đến giấc ngủ
Thông thường, người bệnh hưng cảm hoạt động khá nhiều và ít có nhu cầu ngủ. Họ thường nói nhiều, nói dông dài, nói lạc đề. Bên cạnh việc nói chuyện, họ còn hoạt động nhiều như đi lại, ca hát, múa máy, làm việc nhà, đôi lúc tự cao với những hoạt động xem như là phát minh, sáng chế,… Vì vậy, họ ngủ ít, giấc ngủ ngắn hơn trước, thậm chí không ngủ nhưng vẫn không thấy mệt, không có cảm giác buồn ngủ.
7. Bệnh hưng cảm ảnh hưởng đến việc làm
Trong công việc, đôi lúc chúng ta cảm thấy vui vẻ, phấn khởi khi hoàn thành tốt nhiệm vụ, đôi lúc tự tin rằng mình có thể làm được việc, hoặc quá phấn khích dẫn đến hỏng việc nhưng đó đều là những trường hợp bình thường. Đối với người bệnh hưng cảm, lúc nào họ cũng tự tin quá mức về năng lực của mình, sẵn sàng bác bỏ những góp ý của người khác và luôn cho là mình đúng, luôn đề cao kinh nghiệm của mình,…nên thường xuyên làm hỏng việc, hoặc không hoàn thành, hoặc làm sai việc.
8. Người bệnh hưng cảm có thể tấn công người khác
Nếu như người bệnh trầm cảm thường buồn bã, thu rút, ít tiếp xúc với mọi người xung quanh thì người bệnh hưng cảm rất muốn tiếp xúc với mọi người, muốn mọi người nghe mình nói, hiểu mình làm, đồng thuận với mình vì họ thường cho mình đúng. Song song đó, người bệnh hưng cảm đôi khi rất dễ bực bội, cáu gắt, thậm chí tấn công người khác khi có ai đó làm mình không hài lòng, tỏ ra không đồng thuận với mình hoặc làm trái ý mình. Cũng có trường hợp người bệnh hưng cảm có những hoang tưởng mang tính chất loạn thần, dễ kích động và gây hấn với những người xung quanh.
9. Người bệnh hưng cảm dễ nghiện ngập
Trong trạng thái hưng phấn về tinh thần, kém tập trung, kém suy xét, tiếp xúc, giao du với nhiều người, nhiều đối tượng, người bệnh hưng cảm có thể tìm đến sự kích thích tâm lý bằng các chất ma túy như thuốc lắc, cocain, ma túy đá,… hoặc dễ bị lôi kéo, dụ dỗ sử dụng chất gây nghiện như heroin, thuốc phiện, cần sa,…Từ đó, người bệnh hưng cảm dễ rơi vào tình trạng nghiện ngập các chất ma túy.
10. Bệnh hưng cảm có thể nguy hiểm như bệnh tâm thần phân liệt
Theo Tâm Thần Bệnh học, bệnh hưng cảm có những biểu hiện của triệu chứng dương tính nên có thể có các hoang tưởng, ảo giác nhất định. Thường gặp là hoang tưởng tự cao, hoang tưởng phát minh, những ảo thanh, ảo thị nhất định. Những rối loạn hành vi như hành động lố lăng, không có ý nghĩa hoặc những câu nói xa lạ, lạc đề,…Tất cả những triệu chứng trên gần tương đương với bệnh tâm thần phân liệt nên người bệnh hưng cảm cũng có thể được xem là một đối tượng nguy hiểm tương đương người bệnh tâm thần phân liệt.
Xem thêm:
- 10 điều về bệnh tâm thần phân liệt mà bạn nên biết
- 10 điều về bệnh trầm cảm mà bạn nên biết