Bệnh tâm thần phân liệt là một bệnh nặng thuộc chuyên khoa Tâm thần, chiếm tỷ lệ 0,5 – 1,5% dân số trên toàn thế giới. Bệnh có thể biểu hiện dưới nhiều dạng khác nhau nhưng đều có chung đặc điểm là ảnh hưởng đến các hoạt động tinh thần, xã hội và về lâu dài có thể làm thay đổi nhân cách của người bệnh.
Tùy theo thể bệnh, bệnh có thể khởi phát lúc còn trẻ, trung niên hoặc về già. Bệnh xuất hiện với các triệu chứng rầm rộ, tiến triển nhanh hoặc diễn tiến âm thầm làm tan rã nặng nề nhân cách của người bệnh. Thuật ngữ “Tâm thần phân liệt” có nguồn gốc từ tiếng Hy Lạp, ám chỉ sự phân chia tính cách, tư duy, suy luận, sự phân tách chức năng tâm thần phản ánh từ biểu hiện của bệnh.
Hiện nay, mặc dù ngành Tâm thần ngày càng phát triển, nhiều bệnh thuộc chuyên khoa Tâm thần đã có thuốc điều trị hiệu quả nhưng nhiều người vẫn còn quan niệm, suy nghĩ chưa đúng về bệnh tâm thần phân liệt. Vì vậy, bài viết sẽ trình bày rõ ràng, cụ thể 10 điều về bệnh tâm thần phân liệt mà bạn nên biết để hiểu rõ hơn và có cái nhìn cảm thông hơn, toàn diện hơn về bệnh:
1. Bệnh tâm thần phân liệt không phải do ma quỷ, thần thánh
Theo quan niệm phong kiến cổ hủ, bệnh tâm thần phân liệt là do ma quỷ xâm nhập, chế ngự suy nghĩ, hành động của con người khiến người đó trở nên điên loạn. Một số trường phái khác cho rằng bệnh tâm thần là sự trừng phạt của thần thánh, siêu nhiên lên những người đã mắc nhiều tội lỗi từ kiếp trước hoặc trong kiếp này nên phải gánh chịu bệnh tật.
Chính vì những quan niệm sai lầm đó mà người bị bệnh tâm thần phân liệt luôn bị đối xử rất tàn bạo, bị trói buộc, tra tấn dã man. Đến cuối thế kỷ 18, Phillip Pinel ở Pháp và William Tuke ở Anh đã tạo ra được phong trào cải thiện điều trị người bệnh tâm thần, giải phóng họ khỏi xiềng xích. Kể từ đó, quan niệm về bệnh tâm thần phân liệt ngày càng tiến bộ hơn và hạn chế tư tưởng ma quỷ hay thần thánh gây ra bệnh.
2. Bệnh tâm thần phân liệt có thể di truyền
Từ các thập niên 30, nhiều nghiên cứu đã cho thấy một người dễ bị tâm thần phân liệt hơn khi có người thân mắc bệnh này. Sau đây là tỷ lệ chung của bệnh tâm thần phân liệt trong một số nhóm đối tượng đặc biệt:
- Anh chị em ruột không sinh đôi của bệnh tâm thần phân liệt: 8%.
- Sinh đôi khác trứng của bệnh nhân tâm thần phân liệt: 12%.
- Sinh đôi cùng trứng của bệnh nhân tâm thần phân liệt: 47%.
- Con cái của cha hoặc mẹ bị tâm thần phân liệt: 12%.
- Con cái của cha mẹ đều bị tâm thần phân liệt: 40%.
Từ đó, bệnh tâm thần phân liệt được ghi nhận là có liên quan nhiều đến yếu tố di truyền.
3. Bệnh tâm thần phân liệt là bệnh tâm thần nặng nhất
Những bệnh thuộc chuyên khoa Tâm thần rất đa dạng. Một số bệnh điển hình có thể kể đến như loạn thần nguyên phát, loạn thần do chất, loạn thần do bệnh cơ thể, trầm cảm, hưng cảm, lo âu, mất ngủ,…Trong đó, bệnh tâm thần phân liệt là loại bệnh tâm thần nặng nhất, làm tan rã nhân cách của người bệnh nhiều nhất và ảnh hưởng rõ nhất đến chất lượng cuộc sống, sinh hoạt, việc làm của người bệnh.
Bệnh tâm thần phân liệt có nhiều thể bệnh như thể hoang tưởng, thể thanh xuân, thể di chứng,…Nhưng dù ở thể nào, bệnh cũng ảnh hưởng nhiều đến suy luận, phán đoán của người bệnh, làm cho họ có những suy nghĩ, tư duy không hợp lý, thậm chí hoang đường, xa rời thực tế. Từ đó, họ có thể có những hành vi trái đạo lý, trái pháp luật, thậm chí nguy hiểm cho bản thân và những người xung quanh.
4. Bệnh tâm thần phân liệt có thể khởi phát ở mọi lứa tuổi
Tùy từng thể bệnh, bệnh tâm thần phân liệt có thể khởi phát ở mọi lứa tuổi từ trẻ em, thanh thiếu niên, trung niên đến người già. Ví dụ như thể thanh xuân của bệnh tâm thần phân liệt thường khởi phát ở độ tuổi 15 – 20 tuổi, thể hoang tưởng của bệnh tâm thần phân liệt thường khởi phát sau 30 tuổi,…
Dựa vào tuổi khởi phát bệnh tâm thần phân liệt, các bác sĩ có thể tiên lượng được mức độ nặng nhẹ của bệnh. Bệnh khởi phát càng sớm, ở độ tuổi càng trẻ thì tiên lượng càng nặng, hoạt động xã hội và nghề nghiệp bị ảnh hưởng càng nhiều so với khởi phát muộn.
5. Bệnh tâm thần phân liệt gặp ở cả hai giới
Một số bệnh tâm thần có tần suất mắc khác nhau giữa nam và nữ, chẳng hạn như bệnh trầm cảm gặp ở nữ nhiều hơn, trong khi bệnh hưng cảm lại thường gặp ở nam, những bệnh loạn thần do chất thường gặp ở nam, rối loạn lo âu thường gặp ở nữ. Riêng bệnh tâm thần phân liệt thì tần suất mắc bệnh ở nam và nữ là như nhau. Tỷ lệ nam:nữ đối với bệnh tâm thần phân liệt là 1:1.
6. Bệnh tâm thần phân liệt nổi bật với các ảo giác, hoang tưởng
Điểm đặc trưng của bệnh tâm thần phân liệt là các ảo giác, hoang tưởng. Bệnh nhân tâm thần phân liệt thường nghe được ảo thanh: nghe tiếng nói bên tai ra lệnh, xúi giục, chê bai bệnh nhân; nhìn thấy ảo giác như ma quỷ, thấy người rượt đuổi,…Đồng thời, bệnh nhân có các hoang tưởng như hoang tưởng bị hại (nghĩ mọi người xung quanh luôn muốn hại mình), hoang tưởng tự cao (nghĩ mình tài giỏi, nghĩ mình là thần thánh,…), hoang tưởng ghen tuông, hoang tưởng được yêu,…
7. Bệnh tâm thần phân liệt có thể gây chết người
Có nhiều tình huống của bệnh tâm thần phân liệt có thể gây chết người, bao gồm cả bệnh nhân và những người xung quanh. Bệnh nhân tâm thần phân liệt có thể tự sát do bị hoang tưởng, ảo giác chi phối. Từ những ý nghĩ tự buộc tội, không đáng sống đến những ảo thanh mệnh lệnh, đe dọa khiến bệnh nhân tìm đến cái chết.
Mặt khác, những bệnh nhân tâm thần phân liệt có thể lên cơn kích động, quậy phá gây nguy hiểm cho người khác, hoặc khởi phát cơn xung động giết người, đánh người, đốt nhà,… đe dọa tính mạng của những người xung quanh.
8. Bệnh tâm thần phân liệt phải uống thuốc suốt đời
Khi một người bệnh được chẩn đoán tâm thần phân liệt đồng nghĩa rằng người đó phải uống thuốc điều trị suốt đời. Thuốc uống có tác dụng điều trị những triệu chứng hoang tưởng, ảo giác, kích động hành vi, ngôn ngữ, rối loạn cảm xúc, giấc ngủ,…của bệnh, đồng thời ngăn ngừa hoặc hạn chế số lần tái phát bệnh, giúp người bệnh ổn định suy nghĩ, tinh thần để sinh hoạt và làm việc bình thường.
9. Người bệnh tâm thần phân liệt có thể làm việc bình thường
Mặc dù tâm thần phân liệt là một bệnh loạn thần nặng nhưng nếu người bệnh tuân thủ điều trị, uống thuốc đều đặn, đầy đủ và có chế độ ăn ngủ hợp lý thì vẫn có thể làm việc như một người bình thường. Tỷ lệ người mắc bệnh tâm thần phân liệt có thể làm việc bình thường là 10-20%. Tuy nhiên, công việc đó phải: không quá khó khăn, phức tạp, không đòi hỏi hoạt động trí lực nhiều, suy nghĩ nhiều.
10. Bệnh tâm thần phân liệt dễ tái phát
Tâm thần phân liệt là một trong những bệnh dễ tái phát nhất. Nguyên nhân tái phát chủ yếu do người bệnh không tuân thủ điều trị, không chịu uống thuốc hoặc quên uống thuốc, uống không đủ liều,…Một số nguyên nhân khác như gặp phải chuyện buồn, stress, căng thẳng tâm lý, mất ngủ,…Tỷ lệ tái phát bệnh ở những bệnh nhân uống thuốc đầy đủ là 20%, ở những bệnh nhân bỏ thuốc hoặc uống thuốc không đầy đủ là trên 90%.
Xem thêm: