Hiện nay, trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế thì nhu cầu tìm hiểu tri thức nhân loại ngày được mở rộng. Con người phải biết nhiều thứ tiếng để trao đổi với nhau trên nhiều quốc gia. Kiến thức ngày càng rộng lớn, con người không thể chỉ biết một mà phải biết nhiều, không chỉ nắm tình hình trong nước mà còn cả thế giới. Việc học là để giúp ta chọn lọc thông tin, phân tích và sử dụng thông tin chính xác. Việc học sẽ giúp chúng ta tìm ra con đường đúng đắn và ngày càng mở rộng ra cho ta nhiều cơ hội mới.
Học nhiều nhưng không thừa, càng học rộng, hiểu biết càng nhiều và giúp chúng ta giải quyết công việc tốt hơn, càng trau dồi kiến thức, tâm chúng ta càng sáng hơn như câu “ngọc bất trác bất thành khí, nhân bất học bất tri lý”. Việc học như viên ngọc phải rèn giũa thường xuyên và càng mở rộng phạm vi học tập, không chỉ học tri thức mà còn trau dồi đạo đức và phải thực hành.
Đặc biệt, trong vấn đề thi cử, kỳ thi chủ chốt và quan trọng đối với tất cả học sinh là kỳ thi đại học, mà hiện tại là thi với hình thức mới của Bộ Giáo dục và Đào tạo: thi tốt nghiệp Trung học phổ thông quốc gia. Đây được xem là một thử thách không nhỏ, đòi hỏi sự nỗ lực, chăm chỉ, phấn đấu cùng với yếu tố may mắn để có thể thi đậu vào các trường đại học, mở rộng con đường sự nghiệp về sau.
Tuy nhiên, để học tập và ôn thi có hiệu quả, chúng ta cần phải biết cách phân bổ thời gian học, nghỉ ngơi, ăn uống hợp lý. Đồng thời, cũng cần phải biết những “mẹo vặt” nhất định để có thể làm bài thi đạt kết quả tốt. Xuất phát từ nhu cầu đó, bài viết sau đây sẽ giới thiệu 10 kinh nghiệm học và thi đại học cho mọi thời đại, được tổng hợp và đúc kết từ thế hệ đi trước, những người đã từng rất thành công và đạt điểm cao trong những kỳ thi đại học vừa qua:
1. Khắc phục những cơn buồn ngủ
Khắc phục những cơn buồn ngủ là một trong những kinh nghiệm học và thi đại học khá quan trọng mà các bạn cần phải nhớ. Học tập trong trạng thái buồn ngủ sẽ rất kém hiệu quả, kém tập trung và ghi nhớ, khả năng tư duy logic và sáng tạo bị suy yếu. Vì vậy, chúng ta cần phải giữ đầu óc tỉnh táo khi học bài, ôn bài, vượt qua những cơn buồn ngủ ngắn bằng một số biện pháp đơn giản như:
- Đứng dậy đi vòng quanh, hít thở sâu những nơi không khí thông thoáng và trong lành
- Tạo không gian khoáng đãng xung quanh bàn học.
- Ánh sáng đủ để tránh hiện tượng buồn ngủ vì cơn buồn ngủ bị tác động phần lớn bởi ánh sáng, cũng như những nghiên cứu gần đây cho thấy, hưng phấn và năng suất làm việc của con người cao hơn vào mùa nhiều ánh sáng hoặc tại những công sở có hệ thống ánh sáng tốt
- Bấm huyệt nhân trung (huyệt này nằm ở duới mũi và ở giữa môi), tập vài động tác thể dục nhẹ giúp cơ thể lưu thông máu tốt hơn, tỉnh táo hơn.
- Có thể uống một ít cà phê nhưng không nên lạm dụng vì sẽ dễ bị nghiện.
2. Giảm áp lực tâm lý
Đây là một kinh nghiệm học và thi đại học cơ bản nhất mà ai cũng nên biết. Điều tất yếu hiển nhiên là trước một kỳ thi trọng đại và có tính quyết định đối với tương lai của mỗi người thì ai cũng có một áp lực nhất định về mặt tâm lý. Thế nhưng điểm khác biệt ở người thành công so với người thất bại là họ biết cách làm giảm áp lực tâm lý, giữ vững tinh thần trong quá trình học bài và thi cử.
Bạn cũng có thể tự giúp mình giảm áp lực thi cử, giảm căng thẳng bằng một số cách như nghe nhạc, xem tivi, trò chuyện với những người thân, bạn bè, đi mua sắm ít đồ tiêu dùng,…
3. Giữ cơ thể luôn khỏe mạnh
Một trong những vấn đề quan trọng trong suốt quá trình ôn bài và thi cử đó là mỗi người cần giữ cơ thể luôn khỏe mạnh để sẵn sàng vượt qua những thử thách của đề thi. Cần có chế độ học tập và nghỉ ngơi hợp lý, tránh học quá sức, thức khuya, ăn uống kém,…sẽ làm cho cơ thể suy giảm sức đề kháng và dễ bị bệnh. Tất nhiên, một khi cơ thể không khỏe sẽ ảnh hưởng rất lớn đến hiệu quả ôn bài, giảm chất lượng học và bài thi sẽ không đạt kết quả như mong muốn.
Để giữ cơ thể khỏe mạnh, dồi dào năng lượng cho việc học, bạn nên ăn uống đầy đủ, ngủ đủ thời gian (trung bình 8 giờ mỗi ngày), bổ sung thêm vitamin bằng việc ăn nhiều trái cây, rau quả.
4. Xác định rõ mục tiêu để phấn đấu
Xác định mục tiêu để phấn đấu là một kinh nghiệm học và thi đại học được chia sẻ bởi nhiều thủ khoa đại học trước đây. Nên học vào những lúc tâm trạng thoải mái nhưng phải khép mình vào khuôn khổ. Ví dụ như phải xác định mục tiêu một đêm, một ngày là giải được bao nhiêu bài, và phải theo dõi tiến trình học của cá nhân thông qua làm đề. Mỗi lần làm đề thì mình sẽ chấm cho mình được bao nhiêu điểm. Nếu như thấy điểm cao thì không nên chủ quan, còn nếu điểm thấp thì phải lấy đó làm động lực để ôn luyện tiếp, phải đặt ra mục tiêu của mình để phấn đấu. Mỗi buổi tối chỉ nên học từ 3 – 4 tiếng. Khi học phải có tư duy mạch lạc rõ ràng và tránh viết tắt trong quá trình làm bài.
5. Làm chủ thời gian
Làm chủ thời gian học bài, làm bài thi là một kinh nghiệm học và thi đại học khá quan trọng. Phân bố thời gian học bài, ôn bài, làm bài thi, nghỉ ngơi hợp lý là một trong những yếu tố chủ yếu của sự hiệu quả và thành công. Trong khi học bài, cần chia quỹ thời gian ra nhiều giai đoạn. Nội dung nào đơn giản thì học trước, nội dung khó hơn, đòi hỏi tư duy nhiều hơn thì tập trung cho giai đoạn sau,…
Ví dụ như với môn Văn thì nên đọc tác phẩm trước để tự rút ra những nhận định riêng về tác phẩm. Sau đó, sẽ kết hợp với những kiến thức của thầy cô giáo dạy trên lớp để xem ý nào quan trọng cần ghi nhớ. Khi làm bài, người học có thể phân tích theo các ý này theo cảm nhận của bản thân. Môn Sử không nên học ôm đồm mà chỉ nên gạch ra những sự kiện quan trọng bằng cách vẽ sơ đồ mốc thời gian, chia ra mốc nào quan trọng cần nhớ. Từ những mốc cần nhớ đó sẽ nhớ những mốc liên quan. Môn Địa cần vẽ các sơ đồ hình cây để nhớ các ý lớn và ý nhỏ.
Khi làm bài, mỗi người nên căn chỉnh thời gian làm phù hợp đối với từng câu. Tùy vào số lượng và số điểm của câu mà các sĩ tử nên phân chia thời gian hợp lý để làm. Ví dụ, câu 4 điểm thì nên làm từ 40 – 50 phút, còn câu 2 điểm thì chỉ nên làm trong vòng 20 – 30 phút là thích hợp.
6. Giữ bình tĩnh
Giữ bình tĩnh khi ôn bài, nhất là khi làm bài thi là một kinh nghiệm học và thi đại học mà mỗi người cần phải ghi nhớ. Giải tỏa căng thẳng tâm lý, học bài thi trong tâm trạng thoải mái, bớt lo lắng, bớt run sợ là những điều tối quan trọng.
Luôn giữ tâm lý bình tĩnh trong suốt quá trình làm bài thi. Khi bắt đầu làm bài, đối với môn xã hội nên lập đề cương để hình dung những vấn đề sẽ trình bày, trình bày có hệ thống, logic và khỏi sót ý. Đối với môn Toán và các môn trắc nghiệm nên làm bài từ dễ đến khó, kiểm tra cẩn thận trong quá trình làm bài, căn giờ để tránh vội vàng và loại bỏ luôn áp lực về thời gian khi bạn kiểm soát thời gian. Cố gắng bình tĩnh, thư giãn và tập trung cao độ khi làm bài thi.
Ở giữa các buổi thi, không nên ôn bài mà hãy thư giãn nhẹ nhàng bằng cách nghe nhạc hoặc nói chuyện tâm sự với bạn bè, phụ huynh đi cùng để giảm bớt áp lực, lo lắng của bản thân. Việc ôn bài giữa các buổi thi không giúp thí sinh thu nhận được nhiều kiến thức mà còn dễ bị “loạn”, lo lắng thêm khi đụng đâu cũng thấy cần học. Hãy luôn bình tĩnh, tập trung cao độ, làm bài cẩn thận, tránh việc gạch xóa, làm lại bài thi. Thí sinh hãy tự mình gạt bỏ mọi áp lực tâm lý để có thể thoải mái làm bài thi tốt nhất.
7. Không chủ quan trong mọi tình huống
Trong mọi tình huống học bài, làm bài thi, các thí sinh sẽ dễ dàng có tâm lý chủ quan đối với những câu đơn giản, những bài quen thuộc, những câu “trúng tủ” mà vội vàng hoàn thành nhanh chóng, không suy nghĩ nhiều, không kiểm tra lại bài,…Đó chính là tư tưởng sai lầm của nhiều bạn thí sinh, dẫn đến mất điểm một cách oan uổng. Kinh nghiệm học và thi đại học của nhiều bạn thủ khoa truyền lại rằng cần phải cẩn thận trong từng câu trắc nghiệm, trong từng bài tập, câu hỏi. Phải đầu tư suy nghĩ dù ít hay nhiều, dễ hay khó, không nên hấp tấp, vội vàng, chủ quan. Có như thế, các sĩ tử mới không bỏ lỡ từng điểm số đáng quý của bài thi.
8. Bám sát kiến thức cơ bản, kỹ năng và sách giáo khoa
Bám sát kiến thức cơ bản, kiến thức sách giáo khoa vững vàng là bạn đã nắm chắc được trên 40% điểm số của bài thi. Không nên tham vọng học quá nhiều, học những bài nâng cao rồi trở nên lan man, không tập trung được vào nội dung chính. Vì vậy, điều cơ bản nhất là kiến thức nền, kiến thức sách giáo khoa nên nắm vững. Từ đó, các thí sinh sẽ có thể tư duy, trả lời những câu hỏi khó hơn, phức tạp hơn.
9. Luyện các đề thi cũ
Đây là một kinh nghiệm học và thi đại học rất cần thiết, quan trọng, là bí quyết thành công của nhiều sĩ tử thế hệ trước. Luyện các đề thi cũ không những giúp bạn có kinh nghiệm làm bài ở tất cả các môn mà còn giúp bạn tự tin hơn với năng lực của mình, dự đoán được khả năng làm bài đến đâu, nắm được mức độ khó của đề thi, giải được một số câu khó và có thể “trúng tủ” khi đi thi. Ông bà ta thường nói “Cần cù bù thông minh”, và đúng là như vậy. Đã có nhiều trường hợp thí sinh có học lực trung bình khá vẫn đạt điểm 7-8 nhờ ôn luyện những đề thi cũ. Vì vậy, đừng bỏ qua bước này khi ôn thi, các bạn nhé!
10. Dễ trước, khó sau
Đây là kinh nghiệm học và thi đại học đã được đúc kết từ nhiều bạn thủ khoa đại học của những năm trước. Khi học bài cũng như làm bài thi, thí sinh nên chọn câu dễ làm trước để đạt được những điểm số cơ bản, nhất định. Từ đó, thí sinh sẽ có tâm lý tự tin, yên tâm hơn để giải những câu tiếp theo phức tạp hơn, khó khăn hơn. Nếu ban đầu, các sĩ tử chú ý vào những câu khó thì sẽ tốn nhiều thời gian, dẫn đến đầu óc mệt mỏi, tâm lý hoang mang, bài thi sẽ kém chất lượng. Vì vậy, kinh nghiệm để đạt được kết quả thi tốt nhất là câu nào dễ làm trước, câu nào khó làm sau.
Trên đây chỉ là một số kinh nghiệm học và thi đại học cơ bản nhất để giúp các thí sinh học bài, ôn bài và làm bài thi có hiệu quả. Sẽ còn khá nhiều “mẹo vặt” khác nữa nhằm hỗ trợ các sĩ tử đối phó với đề thi trong từng môn thi. Rất mong được sự đóng góp và chia sẻ từ các bạn, những người giàu kinh nghiệm thi cử.
Xem thêm: