Tuổi thơ với mỗi người bao giờ cũng là những ký ức khó phai,là miền cổ tích xa xưa mà mỗi khi bất chợt hồi tưởng về sẽ lại làm ta nhớ đến nao lòng. Đó là những ngày tháng vô ưu ,vô lo với nụ cười giòn tan ,nhìn cuộc đời bằng con mắt trong trẻo nhất. Là những trưa hè nắng chang chang đầu trần trốn ngủ tắm ao,ra mương bắt cua cá, là những ngày đông nấu rơm rạ, củi khô thơm mùi quê hương.
Nhắc đến tuổi thơ còn là nhắc đến những trò chơi dân gian quen thuộc của một phần“ tuổi thơ dữ dội”, không thể phai nhòa.Với sự hồn nhiên và óc sáng tạo rất con trẻ nhiều trò chơi dân gian thú vị đã ra đời để lại bao dấu ấn khó quên về một thời tuổi thơ ngày ấy.Hãy cùng với 10Hay.com điểm lại những trò chơi dân gian như thế để cùng sống lại, cùng trở về với tuổi thơ thêm một lần nữa.
1. Thả diều
Nhắc đến trò chơi dân gian trong ký ức tuổi thơ không thể không nhắc đến hình ảnh những “ cánh diều no gió” ,nó gần như là một biểu tượng ,là miền ký ức của tuổi thơ bao thế hệ. Đây chỉ là một trò chơi bình dị thôi nhưng chính sự hào hứng ,thú vị của nó đã tạo nên sức hút đến tận ngày nay.
Diều được làm từ những chất liệu khác nhau (như giấy , vải , nilon…) nhưng được ưa chuộng nhất hiện nay là diều làm bằng vải. Với nhiều kích thước và màu sắc đa dạng , cộng thêm những hình ảnh đặc trưng người chơi sẽ dễ dàng lựa chọn cho mình một con diều vừa ý. Thả diều là trò chơi dựa theo sức nâng của gió , bởi thế để thực hiện được một trào thả diều , trước tiên, ta phải lựa chọn địa điểm. Địa điểm lý tưởng để thả diều đó có thể là mộtbãi cỏ hoặc đồng ruộng – nơi có đất bằng rộng rãi , không vướng cây cối , không vướng đường dây điện, xa lối đi lại và đặc biệt nơi đó phải có gió nhẹ. Diều có thể thả được do một hoặc hai người. Khi có hai người thả diều thì một người cầm diều, một người cầm cuộn dây. Khi thả đứng ngược chiều gió, hướng mũi diều lên trời chếch 45 độ. Khi có gió thả diều nhẹ nhàng cho thật cân , người cầm dây giật nhẹ để nâng diều lên và từ từ thả dây dài ra cho diều lên cao. Còn đối với diều một người thả thì cũng thực hiện như khi có hai người nhưng người thả phải đảm nhiệm luôn nhiệm vụ cầm cuộn dây diều. Thả diều chỉ đơn giản vậy thôi nhưng để diều bay bổng lên trời cao phải bằng chính sự khéo léo của đôi tay của người chơi thả diều.
Ngày xưa, trẻ con thường chơi thả diều trên những cánh đồng rộng mênh mông ,những triền đê xanh cỏ vào những buổi chiều mùa hè lộng gió. Những con diều thời đó được trẻ con tự làm bằng khung tre hoặc trúc và giấy tập cũ ,bìa bao xi măng rất đơn sơ và có những chiếc đuôi giấy thật dài gọi là diều giấy.Khi thả lên diều bay rất cao và uốn lượn trên không gian bầu trời. Cánh diều dán bằng cơm nguội, có khi gắn những thanh sáo gặp gió chiều thổi vi vu vẫn bay rất cao, rất xa.
Những cánh diều giấy nhẹ nhàng vút cao lên đến tận mây xanh chở theo nụ cười trong trẻo và bao ước mơ tuổi nhỏ có lẽ sẽ là hình ảnh không bao giờ quên trong ký ức của nhiều người.Những cánh diều ngày ấy không chỉ là biểu tượng của tuổi thơ trong sáng hồn nhiên mà nó còn chứa đựng hình ảnh thiêng liêng của quê hương ,xứ xở như lời nhà thơ Đỗ Trung Quân :
‘‘ Quê hương là con diều biếc
Tuổi thơ con thả trên đồng…’’
2. Chơi chuyền dân gian
Chơi chuyền hay đánh chuyền,đánh chắt là trò chơi chủ yếu dành cho con gái, số người chơi từ 2-5 người thường ngồi thành vòng tròn để chơi.“Cây mốt, cây mai, lá trai, lá hến, con nhện chăng tơ, quả mơ quả mận
Cái cận, lên bàn đôi….” là một trong số nhiều bài đồng dao mà các cô bé thường hát để chơi chuyền .Đồ chơi gồm một quả tròn nặng (quả bóng nhỏ, quả cà trắng hoặc quả ổi xanh…) và 10 que tre được vót tròn (có thể thay bằng đũa.
Cách chơi là người chơi cầm quả ở tay phải tung lên không trung và kết hợp nhặt từng que cho thật nhanh và khéo. Lặp lại cho đến khi quả rơi xuống đất là mất lượt. Chơi từ bàn 1 (lấy một que một lần tung) bàn 2 (lấy hai que một lần) cho đến 10, vừa nhặt quả chuyền vừa hát những câu đồng dao phù hợp với từng bàn. Một mốt, một mai, con trai, con hến,… Đôi tôi, đôi chị… Ba lá đa, ba lá đề …. Hết bàn mười thì chuyền bằng hai tay: chuyền một vòng, hai vòng hoặc ba vòng… và hát: “Đầu quạ, quá giang, sang sông, trồng cây, ăn quả, nhả hột…” khoảng 10 lần là hết một bàn chuyền, đi liền mấy ván sau và tính điểm được thua theo ván.Chơi chuyền đòi hỏi phải nhanh tay,nhanh mắt để bắt được bóng và que cùng một lúc, không phối hợp khéo giữa tay và mắt thì dễ hay mất lượt ở đoạn này, phải nhường cho bạn, rồi lại sẽ phải chờ mới đến lượt mình.
Chơi chuyền nhớ nhất là cảm giác hụt hẫng khi gần sắp sang được bàn mới rồi mà nhặt nhầm que hoặc bắt hụt quả lúc ấy sẽ ngồi tiếc ngẩn ngơ.
Trò chơi đơn giản với mấy cái que ,với mấy quả mà làm mấy cô bé say mê ,”thần tượng “bất kể sáng ,trưa hay tối góc sân , mái hiên hay lớp học đều thấy ánh mắt say mê dõi theo từng bàn chuyền.Có lẽ ai đã từng chơi,từng có một phần tuổi thơ như thế sẽ còn nhớ mãi.
3. Ô ăn quan
Ô ăn quan là trò chơi trí tuệ rất phổ biến gắn liền với hình ảnh bờ tre,sân đình những góc hoạt động đoàn thể quen thuộc của nông thôn xưa và được nhiều thế hệ yêu thích.
Bàn cờ ô ăn quan là hình chữ nhật lớn chia làm 10 ô nhỏ gọi là ô dân, hai đầu có hai hình bán nguyệt lớn gọi là ô quan.Bàn cờ ô ăn quan được kẻ trên mặt đất, sân gạch,quân chơi có thể là những viên sỏi, gạch, đá, hạt của một số loại quả.. Ở hai ô to bán nguyệt đặt mỗi ô một viên sỏi lớn, tượng trưng cho quan, các ô nhỏ mỗi ô đặt năm viên sỏi nhỏ, tượng trưng cho quân.Trò chơi ô ăn quan có hai người chơi. Nhưng thường là có rất nhiều “ quân sư” vây quanh chỉ trỏ đường đi nước bước rôm rả.Cách chơi rất đơn giản, hai em ngồi đối diện, lần lượt bốc lấy một ô quân tuỳ ý, rồi rải lên các ô tiếp theo mỗi ô một quân theo chiều tuỳ ý.
Để chiến thắng cần phải tính toán đường đi, nước bước khôn ngoan.Khi hết quân trên tay mà vừa đụng ô quan hay hai ô trống trở lên thì bị “chững”, phải nhường cho bạn đi. Trên đường đi, lúc hết quân mà phía trước có một ô trống thì được “ăn” quân ở ô tiếp theo. Nếu cứ cách quãng lại có một ô trống thì được ăn tiếp. Chơi đến khi “hết quan, tàn dân, thu quân, bán ruộng” Hết ván, bày lại như cũ, ai thiếu phải vay của bên kia. Tính thắng thua theo nợ các viên sỏi. Quan ăn 5 hoặc 10 viên sỏi.
Trò ô ăn quan còn phụ thuộc vào quy định chơi từng vùng, miền . Có nơi vẫn cho bốc cả ô quan đi rải, có nơi thì chỉ cho lấy 1 quân trong ô quan đập sang ô bên, có nơi lại không cho bốc như ở trên.
Trong cách chơi truyền thống có sử dụng một số bài đồng dao, dưới đây là một bài trong số đó:
“Hàng trầu hàng cau
Là hàng con gái
Hàng bánh hàng trái
Là hàng bà già
Hàng hương hàng hoa
Là hàng cúng Phật.”
Trò ô ăn quan không chỉ mang tính giải trí mà còn rèn khả năng tính toán, lối tư duy sáng tạo.
Trò chơi với mấy viên sỏi giản dị vậy thôi mà cũng đủ làm huyên náo hết thảy những góc sân ,bờ tre ,ngõ xóm làm cho bao thế hệ mê mẩn.
4. Trồng nụ trồng hoa
Chỉ cần một khoảng sân nhỏ trò với sự tham gia tham gia của các bé tạo nên không khí vui vẻ ,rộn ràng cả một góc sân. Trò này đơn giản chỉ cần chọn hai bé ngồi bệt xuống đất ngồi đối diện nhau rồi duỗi chân, chạm vào nhau làm mầm. Chồng các bàn chân rồi đến các bàn tay, lần lượt nắm, rồi xoè ra thành nụ ,thành hoa, số các bạn còn lại nhảy qua.
Khi nào đủ bốn chân bốn tay xoè mà người nhảy không bị chạm thì người nhảy được quyền chơi tiếp ván khác cho đến khi chạm chân thì mất lượt, phải ngồi vào thay thế. Những trò như thế này sẽ giúp rèn luyện thể lực, sự nhanh nhẹn cũng như sự khéo léo và thử thách khả năng nhảy cao của người chơi.Khi chơi các bé thường có bài đồng dao ngộ nghĩnh:
- Đi chợ, về chợ
- Đi canh một,về canh một
- Đi canh hai, về canh hai
- Đi canh ba, về canh ba
- Đi canh tư, về canh tư
- Đi sen búp ,về sen búp
- Đi sen nở, về sen nở
- Đi sen tàn, về sen tàn
Cứ tối đến trăng rằm sáng trưng cả cái sân là cả hội cùng gọi nhau rủ đi chơi, bỏ cả dép ra chơi xong ai cũng lấm lem,mồ hôi nhễ nhại mà khỏe mà vui.
5. Nhảy dây
Nhảy dây không chỉ là trò “nghiền” của các bé gái nông thôn xưa mà cả đến bây giờ sức thu hút của nó vẫn không hề giảm.
Vì thế mà, mỗi khi đến lớp, trong cặp sách của cô học trò nào cũng có một sợi dây nối từ dây nịt (dây chun). Mỗi lần tới giờ ra chơi, mọi người lại cùng nhau đem ra nhảy.Đến chiều về bên lũy tre làng lại í ới gọi nhau đi nhảy dây.
Nhảy dây có hai kiểu chơi: kiểu đồng đội và kiểu cá nhân .Với kiểu đồng đội sẽ có hai em đứng cầm hai đầu dây nhưng phải là dây nịt,dây chun sau đó, nâng từ thấp tới cao theo các bậc: dẫm, gót chân, đầu gối, hông, nách, mang tai, đầu, gang tay, sải tay. Với kiểu chơi này thì phải nhảy thành bài: nhảy vào giữa, hai chân sang hai bên dây, hai chân vào trong dây, rồi nhảy ra ngoài. Nếu có người trong đội không nhảy được, một người khác giỏi hơn sẽ phải cứu bằng cách nhảy thay phần của người kia.Kiểu cá nhân thì dùng dây thừng dài khoảng 1,5 m hai em cầm hai đầu dây quay tay cho dây lên cao rồi chạm đất ,các bạn còn lại nhanh chóng nhảy qua theo từng nhịp dây,ai chạm dây phải ra thay cầm dây cho người khác chơi.
Nhảy dây không chỉ rèn sức bật ,sự khéo léo còn mang lại kỷ niệm tuổi thơ rộn rã tiếng cười đặc biệt khi đang chơi mà bạn nào đó chẳng may xảy ra “tai nạn” xoạc quần.Lớn lên rồi những khoảnh khắc vui như thế sẽ luôn mang theo và thấy yêu thương cuộc đời này hơn.
6. Cướp cờ
Cướp cờ là trò chơi mang đậm tính thể thao với hoạt động chủ yếu là chạy,chạy hết hơi cười hết sức.
Chọn một bãi rộng hay sân lớn. Những người chơi chia làm hai đội. Lấy một điểm làm mốc, ở đó cắm những lá cờ bằng giấy hay vải. Cũng có thể không phải là cờ mà là chiếc khăn, cái dép ,quả bưởi rụng hoặc một vật dụng gì đó cũng được.Hai đội đứng ở hai vạch xuất phát, được đánh số.
Người chơi dùng bước chân đo khoảng cách từ nơi làm mốc đến vị trí xuất phát của hai đội sao cho bằng nhau, xa hay gần tùy theo quy định của những người chơi
Cách chơi: mỗi bên cử ra một người thay mặt cả nhóm để chơi. Một em được cử làm trọng tài và làm hiệu. Người làm hiệu đứng giữa hai đội ra hiệu xuất phát bằng còi, bằng cờ hay hô to. Lập tức người của hai đội .chạy thật nhanh đến vạch mốc, cướp lấy một lá cờ rồi chạy về điểm xuất phát của mình. Sau đó đến lượt người tiếp theo, cách thức tiến hành như người trước.
Còn một cách khác giống như chạy tiếp sức. Khi người thứ nhất đem được cờ của mình về vạch xuất phát thì người thứ hai xuất phát để lấy cờ lần thứ hai. Cứ liên tục như vậy cho đến hết số cờ của cuộc chơi.
Bên cạnh trọng tài chính còn có những người phụ giúp trọng tài hoặc người xem cũng tham gia để kiểm tra độ chính xác của những người chơi. Người cướp được cờ phải về đến vạch xuất phát của mình rồi người tiếp theo mới được xuất phát. Phía đối phương không cướp được cờ cũng phải chạy cho đến vạch mốc mới được chạy quay lại, rồi sau đó cũng phải trở về điểm xuất phát thì người kế tiếp mới được chạy.
Cướp cờ mang lại những giờ phút rèn luyện thể lực ,những niềm vui sảng khoái sau những giờ học tập và lao động vất vả .
7. Bắn bi
Những viên bi ve nhỏ nhắn xinh xinh từng một thời là trò chơi không đứa trẻ nào có thể cưỡng lại được sau mỗi giờ tan học hoặc ra chơi.Những viên bi ve tròn, nhiều màu sắc khiến nhiều chàng trai mê tít. Nhiều bạn còn có hẳn một bộ sưu tập. Khả năng nhắm chính xác mục tiêu với những cự li khác nhau mang đến cho những cậu bé giờ phút vui chơi hết sức vui vẻ. Đó là trò chơi bắn bi, có nơi gọi là bắn đạn, bắn cu li …
Trò chơi này yêu cầu phải có một khoảng đất trống tương đối bằng phẳng, số lượng người chơi phải từ hai người trở lên, càng đông thì cuộc chơi càng gay go, thử thách và tất nhiên tính hấp dẫn càng cao. Mỗi người chơi phải có một viên bi.Cách chơi bắn bi rất đơn gian, tùy theo mỗi địa phương ở Nam bộ hay Bắc bộ mà có cách quy định và luật chơi khác nhau. Đây là một cách chơi phổ biến.
Người chơi phải gạch hai mức song song nhau với khoảng cách từ hai mét trở lên, tùy theo sân chật hay rộng và người chơi ít hay nhiều. Trước khi chơi trò chơi này cũng bắt buộc chơi trò “oẳn tù tì” để xác định quyền ai được ưu tiên đi sau. Đây là một điều cực kỳ quan trọng vì người đi sau có thể quyết định chọn cho bi mình nằm chỗ nào cho hợp lí nhất đối với những viên bi trước. Những người chơi đứng ở vạch thứ nhất bắn bi bằng ngón tay hay có thể cầm trong lòng bàn tay để thẩy bi của mình.
Mục đích là làm sao cho viên bi của mình gần nhất với vạch thứ hai. Bi ai gần nhất thì người đó có quyền bắn những viên bi khác.Thông thường người chơi đặt ngón tay cái xuống đất và bắn bi bằng ngón giữa hay ngón trỏ, tùy theo ai thuận tay nào thì bắn bằng tay đó. Nếu bắn trúng viên bi của ai thì coi như người đó thua, còn nếu bắn hụt thì sẽ đến lượt người gần mức thứ hai tính đến thời điểm đó. Cứ như vậy đến cuối cùng chỉ còn lại một người thắng cuộc. Ai chết trước theo thứ tự thì phải thi trước ở vòng chơi sau.
Những viên bi đầy màu sắc luôn là vật bất ly thân của các bé trai. Trò chơi này đòi hỏi độ chính xác, sự khéo léo cao.
Ngày xưa, hầu hết các bé trai đều sử dụng bi ve màu xanh. Nếu ai có viên bi sứ trắng, to gấp đôi bi ve bình thường là thuộc hàng “sang chảnh”, là mơ ước của nhiều đứa trẻ khác.Có được “ khối tài sản ” là những viên bi đủ màu sắc,cậu bé nào cũng vui sướng hoan hỉ rồi hàng ngày thích thú mang ra ngắm nghía .
Trò chơi với niềm vui giản đơn vậy thôi nhưng có lẽ với nhiều người nó sẽ là kỷ niệm tuổi thơ còn in dấu mãi.
8. Nhảy lò cò
Nếu nhảy dây là trò chơi của con gái, bắn bi là trò chơi yêu thích của con trai thì
nhảy lò cò là trò chơi được cả con trai con gái yêu thích. Trò chơi dành cho từ 2 đến 5 người và còn có tên là nhảy ngục, bởi người chơi nhảy trong một ô được vẽ trên mặt đất.
Người chơi thường dùng phấn vẽ lên nền gạch xi măng,nền đất một hình chữ nhật chiều dài khoảng 4m, rộng khoảng 1m, kẻ một đường thẳng chia đôi chiều dài và kẻ 5 đường ngang chia hình chữ nhật làm 10 ô nhỏ, ở đầu hình chữ nhật kẻ một hình bán nguyệt.
Tùy theo mỗi nơi lại có một cách vẽ khác nhau, Cách chơi: Nhảy lò cò là nhảy với một chân,dùng một miếng ngói bể nhỏ hay một viên đá mỏng là quân cái để vào ô số 1 rồi đá lần lượt sang những ô khác theo thứ tự cho hết vòng. Chỉ được dùng một chân để nhảy và không được đổi chân trong lúc đang nhảy. Nếu nhẩy dẫm vào vạch hay đá quân cái không đúng ô hoặc ra ngoài ô thì bị loại, người khác vào chơi
. Trò chơi còn có luật tậu ruộng, bằng cách đứng quay ngược lại ném một mảnh ngói nhỏ, hoặc quả cầu giấy cuộn lại, trúng ô nào là ô đấy thành ruộng của người đó và được nghỉ hai chân ở ruộng của mình, người khác phải nhảy cách qua ô ruộng. Nếu muốn nghỉ nhờ phải nộp “cống” cho chủ ruộng (chịu một búng tai). .Ruộng của người nào thì người ấy được nghỉ chân khi nhảy đến đó. Nếu lần thứ hai được tậu ruộng, em đó sẽ cố ném cái vào ô liền kề ô ruộng trước để được nghỉ chân lâu hơn .Nhảy lò cò là trò đơn giản, dễ chơi, giúp rèn luyện chân tay khoẻ khoắn, dẻo dai, được đông đảo trẻ em từ nông thôn ra thành phố yêu thích.
9. Trò con quay
Trò con quay hay chơi cù ,chơi gụ …là trò phổ biến với các bé trai. Trên những nền đất bằng phẳng ngày xưa, mọi người có thể bắt gặp những đứa trẻ túm năm tụm ba, say mê theo các vòng xoáy của những quay.Trò chơi yêu cầu người chơi có từ 2 người trở lên, nếu đông có thể chia thành nhiều nhóm. Một người cũng có thể chơi quay, nhưng nếu chơi nhiều người và có nhiều người ở ngoài cổ vũ thì sẽ sôi nổi và hấp dẫn hơn nhiều.
Người chơi chuẩn bị con quay được tiện hay đẽo bằng gỗ, hình giống quả ổi; tuỳ theo từng địa phương, dân tộc và đóng đinh cùng đoạn dây quay . Thông thường ở ngoài hàng cũng bán con quay với đủ loại chất liệu ,kích cỡ bằng nhựa ,bằng sừng,sắt nhưng các cậu bé thường thích tự đẽo gỗ để làm ra con quay phù hợp,mang “ thương hiệu” của chính mình. Cách chơi rất đơn giản, chỉ cần quấn chặt dây từ dưới lên trên con quay rồi cầm một đầu dây thả thật mạnh cho quay hay bổ xuống. Con quay của ai quay lâu nhất, người đó thắng.Có thể dùng một con quay khác bổ vào con quay đang quay mà nó vẫn quay thì người chủ của con quay đó được nhất.
Tuy nhiên, để con cù có thể quay đúng theo yêu cầu của luật chơi, để thắng các cậu bé phải biết ra lực tay phù hợp, khéo léo.
Từng vòng, từng vòng xoay tít, cứ thế các cậu bé vui thú với những vòng xoay.Cuộc sống của các cậu bé xưa dường như chỉ có vậy giản đơn ,vui vẻ ,vô tư lự biết nhường nào.
10. Rồng rắn lên mây
Rồng rắn lên mây là trò chơi ,là trải nghiệm thú vị mà bất kể ai thuộc thế hệ 7x,8x cũng đã từng trải qua.Mỗi khi bài đồng dao vang lên là như thôi thúc bước chân của các cô bé cậu bé về với sân đình,bờ tre ,ngõ xóm để cùng “ rồng rắn”.Trong trò chơi này, các em sắp hàng nối nhau bằng cách vòng tay ôm eo nhau hoặc người đứng sau nắm áo người đằng trước, đi uốn lượn quanh một em đóng vai thầy thuốc, và đều chuyển động sau mỗi câu hỏi và đáp.Đoàn rồng rắn vừa đi vừa đồng thanh bài đồng dao mhồn nhiên, vui vẻ:
“Rồng rắn lên mây
Có cây núc nắc
Có nhà điểm binh
Hỏi thăm thầy thuốc
có nhà hay không…” .
Người đứng đầu có nhiệm vụ lèo lái “đoàn tàu” tàu phía sau, bảo vệ bạn chơi trước “thầy thuốc” sau khi người này chỉ định sẽ bắt khúc đầu, khúc giữa hay khúc cuối. Đến câu sau cùng thì thầy thuốc rượt bắt và các em vẫn phải giữ mối nối kết chỉ để cho người sau cùng tức khúc đuôi có thể bị bắt hay không. .Trả lời xong cả đoàn rồng rắn bắt đầu chạy trốn và cuộc chơi bắt đầu vào cuộc đuổi bắt náo nhiệt giữa thầy thuốc với rồng rắn. Thầy thuốc phải cố bắt cho được người sau cùng ( đuôi) trong khi đoàn rồng rắn liên tục di chuyển uốn lượn nhanh nhẹn với người làm đầu giang tay ngăn cản không cho thầy thuốc bắt được khúc đuôi.Người làm đuôi cũng phải rất nhanh nhẹn tìm cách theo sát đoàn nhất định không được buông tay khỏi vạt áo người trước.Nếu thầy thuốc bắt được khúc đuôi cuộc chơi lại tiếp tục từ đầu với người làm đuôi bị bắt phải thay thế vị trí thầy thuốc.. Trong khi đuổi bắt nếu đoàn rồng rắn bị dứt ngang giữa chừng ( do buông tay khỏi vạt áo ) cuộc chơi tạm ngừng để nối lại và tiếp tục trò chơi.
Rồng rắn lên mây là nhằm rèn luyện sự nhanh nhẹn, khéo léo, phát huy tinh thần đoàn kết, tôn trọng kỷ luật và khả năng đối đáp.Trò này chơi vào những đêm trăng thanh thật là thú vị ,tiếng hò hét ,những đôi chân trần lấm lem,những màn đấu khẩu vui nhộn cứ như thế tạo nên dấu ấn tuổi thơ một thời.
Thời gian trôi nhanh,nhịp sống hối hả làm dần dần mất đi hết những trò chơi dân gian quen thuộc của tuổi thơ ngày xưa.Một phần cũng vì cuộc sống hiện đại làm cho cha mẹ không còn thời gian đưa con mình đi chơi ngoài trời, tâm lý sợ con dơ, sợ con bệnh từ môi truờng chung quanh.. vô tình cha mẹ tuớc đi những niềm vui mà đáng ra con mình được có từ những trò vui chơi tập thể này. Minhtamblog .com mong rằng với những gợi ý về những trò chơi dân gian trên cha mẹ hãy lựa chọn cho bé những trò chơi phù hợp để con mình cũng có được tuổi thơ in dấu như của cha mẹ vậy.