Thói hư tật xấu của thanh niên Việt Nam ra đời từ mặt trái của nền văn hóa phương Đông. Chỉ có sự tự ý thức của thanh niên và sự chung tay của toàn xã hội mới có hi vọng loại bỏ những thói hư tật xấu này được.
1. Tự lập kém, có tâm lý ỷ vào cha mẹ, có gì cũng đổ lại trời
- Tâm lý hưởng thụ, phụ thuộc nhiều vào cha mẹ. Đối với nhiều người có điều kiện kinh tế tốt, họ có tâm lý đi sẵn đường cha mẹ dọn sẵn.
- Họ thường than vãn khi gặp vấn đề khó khăn, lùi bước ngay sau đó và đi tìm việc khác dễ dàng hơn.
- Làm không được việc thì không tự kiểm điểm, họ hay đổ lỗi tại người khác, đỗ lỗi do ông trời.
- Làm theo số đông dù không thật sự đồng ý.
- Khả năng tự học kém, đa số thanh niên học không có mục tiêu. Họ học vì sĩ diện, vì gia đình, công việc dễ xin sau này, chứ ít theo đuổi đam mê và sáng tạo. Thanh niên Việt Nam đủ 18 tuổi vẫn còn xin trợ cấp từ cha mẹ.
2. Thiếu thực tế và ý thức tập thể kém
Thế kỷ 21 đề cao tinh thần làm việc nhóm của thanh niên. Tất cả mọi lĩnh vực văn hóa nghệ thuật, kinh tế, đời sống đều cần góp sức của tập thể, chứ một cá nhân không thể đảm đương được. Những cá nhân thích đi trên lối có sẵn, tách mình với tập thể sẽ nhanh bị đào thải. Vậy mà thanh niên hiện đại lại hay mơ mộng, thiếu kỹ năng mềm mà các công ty tuyển dụng cần có ở ứng viên.
3. Gian lận trong thi cử, công việc
Với nhiều quốc gia, họ xem thường việc gian lận trong thi cử và công việc. Trong khi đó tại Việt Nam và một số nước khác, đây lại có căn bệnh khó chữa tồn tại từ ngàn xưa.
Trong thời buổi hiện đại, một thanh niên có ý thức sẽ xây dựng thái độ học tập nghiêm túc và không chấp nhận thói hư này.
4. Ít thể hiện chính kiến, tư duy sáng tạo
Nếu nói rộng, thì người Việt Nam cực kỳ siêng năng và sáng tạo. Thế giới luôn đánh giá cao con người Việt Nam về mặt này. Tuy nhiên, trong phạm vi một bộ phận thanh niên, số người có tinh thần sáng tạo cao lại không nhiều, số người thể hiện quan điểm cá nhân lại càng ít hơn. Nhiều sinh viên vẫn ngại phát biểu ý kiến hay rụt rè trước đám đông. Trong môi trường giáo dục thụ động, thanh niên Việt Nam thiếu tự tin về mình và với bạn bè thế giới.
Chính tâm lý hưởng thụ trong thời bình đã khiến phần lớn thanh niên Việt Nam thu mình lại, đồng thời họ thu hẹp chính khả năng sáng tạo và cống hiến của mình cho xã hội.
5. Nghiện game, sống ảo, lo yêu đương nhiều hơn học tập
Việt Nam là một trong những quốc gia có tốc độ sử dụng internet khá cao trên thế giới. Thanh niên Việt Nam rất nhanh nhạy với những tiến bộ công nghệ. Tuy nhiên, họ thường dùng để giải trí nhiều hơn là học tập, kinh doanh. Song song đó, thanh niên trẻ thích yêu đương, bồ bịch nhiều hơn là chú tâm phát triển kiến thức bản thân.
Thời gian thanh niên lên mạng giải trí nhiều đến mức họ trở thành những người “sống ảo”, yêu ảo và thu mình với thế giới xung quanh. Game online có tác động xấu đến thần kinh con người, ảo giác xuất hiện và họ gây ra những án mạng thương tâm. Về mạng xã hội, từ giải trí lành mạnh đã biến tướng thành nơi “giam cầm” thanh niên. Họ thích lướt web, nhắn tin, xem tin gật gân và bêu xấu nhau đến mức xảy ra bạo lực.
6. Lười tập thể dục
Việt Nam nằm trong top những quốc gia lười vận động nhất thế giới. Đúng là như vậy, người Việt Nam nói chung và thanh niên nói riêng thức dậy tập thể dục sáng, vận động buổi chiều rất ít. Tuy thể thao Việt Nam có rất nhiều thành tích trong khu vực và thế giới, nhưng đa số thanh niên tại quê nhà lại chẳng mấy để tâm vào vận động, kể cả nam lẫn nữ.
Nguyên nhân do mưu sinh, chế độ dinh dưỡng, chương trình học chiếm quá nhiều thời gian và sức khỏe, người dân cũng không có thói quen vận động từ rất lâu rồi… Hậu quả của việc lười vận động là thanh niên Việt Nam thấp bé hơn thanh niên nhiều quốc gia và không đủ sức khỏe để theo kịp cường độ làm việc tại công ty nước ngoài.
7. Đi trễ
Ý thức đi đúng giờ của thanh niên Việt Nam rất kém. Điều này do tác động chủ yếu từ lối sống của nước ta. Nhưng nếu du học sinh Việt Nam ra nước ngoài, họ lại khắc phục được tình trạng này theo đúng tác phong giờ giấc của nước sở tại. Khi trở về Việt Nam, họ lại thấy khó chịu với “giờ cao su” trước đây của chính mình.
8. Xả rác
Thanh niên Việt Nam có thói xấu vứt rác bừa bãi. Vì có quá nhiều bãi rác tự nhiên, họ cứ vô tư xả rác ở mọi lúc mọi nơi. Dĩ nhiên là nếu có thùng rác họ cũng sẽ bỏ vào, nhưng không có thì còn lâu họ giữ lại rác để vứt sau.
9. Hiếu thắng, bạo lực
Thanh niên Việt Nam khá dễ tính và hòa đồng. Mọi việc có tính chất lớn họ đều có thể “dĩ hòa vi quý”. Tuy nhiên họ lại hay nóng nảy, hiếu chiến vì những lí do nhỏ nhặt trong đời sống. Nguy hiểm hơn, họ có thể vì mâu thuẫn nhất thời mà ra tay tổn hại thân thể, sức khỏe của nhau.
10. Nhậu nhẹt
Thanh niên Việt Nam rất hay nhậu, cả nam và nữ đều uống nhiều. Mọi bữa tiệc liên hoan, ăn mừng hay giải trí đều dùng rượu làm niềm vui. Các quán nhậu không bao giờ thiếu các khách hàng thanh thiếu niên và có xu hướng ngày càng tăng. Học sinh từ cấp hai đã có thể tiếp xúc với rượu bia và ít chủ quán nào không bán cho những khách hàng tiềm năng này.
11. Đua đòi
Thanh niên Việt Nam có tính đua đòi cao, dù họ nghèo hay giàu. Chính sự nuông chiều của cha mẹ và tâm lý chạy theo vật chất sinh ra thói xấu này. Tính thích khoe khang, sĩ diện, thích hơn đời là suy nghĩ lệch lạc của những một bộ phận thanh niên hiện nay.
12. Nói tục
Chẳng ai phê phán hành động chửi tục của thanh niên dù người ta chẳng nghe lọt lỗ tai. Thậm chí, nhiều người có lòng tốt nhắc nhở lại bị công kích và trả thù.
Kết luận, không thể đổ hết trách nhiệm lên bộ phận thanh niên có những thói hư tật xấu này. Những thói xấu này chính là mặt trái của nền văn hóa Phương Đông khép kín lâu đời, của nhịp sống hối hả và nguy hiểm hơn là sự thờ ơ của xã hội. Một thanh niên tốt ít nhất cũng sẽ “dính” phải một trong số những thói hư tật xấu trên. Chúng ta chỉ có thể cố gắng thay đổi xã hội từng ngày, cùng nhau đào tạo ra thêm nhiều thanh niên ưu tú cho xã hội Việt Nam.
Xem thêm: