Thời gian vừa rồi Việt Nam đã có những sự kiện trọng đại mang tầm quốc gia khi tổng thống Mỹ, ông Barack Obama đến thăm Việt Nam cùng những hiệp định kí kết mang tính chất hòa bình, phát triển đất nước. Bên cạnh đó, sự kiện cũng được chú ý không kém là phần trình diễn của ca sĩ Mỹ Linh khi ông Obama đến Việt Nam. Phần biểu diễn của nữ ca sĩ có phần “khác lạ” so với những bản nhạc Quốc ca quen thuộc của mọi công dân Việt Nam.
Hàng loạt ý kiến bùng nổ khi đoạn clip ca sĩ Mỹ Linh hát Quốc ca được lan truyền trên mạng.
https://www.youtube.com/watch?v=RZFOqywk7Fk
Sẽ không có gì đang nói với một bài Quốc ca quá quen thuộc với mọi công dân Việt Nam nếu như ca sĩ Mỹ Linh không hát một mình cùng với giai điệu khá nhẹ nhàng và du dương? Sự kiện đã thu hút đông đảo sự chú ý của mọi người dân trong cả nước và chia làm hai luồng ý kiến. Một bên tỏ ra khá tức giận và thất vọng trước phần biểu diễn của ca sĩ Mỹ Linh vì cho rằng cô không thể hiện được hào khí dân tộc, dám biến tấu một việc mang tầm quốc gia như bài Quốc ca thành một bài hát “phá cách”. Phần còn lại cho rằng do Mỹ Linh hát một mình mà không có nhạc đệm hay đây là thời bình, Quốc ca nên hát phù hợp với thời điểm hiện tại?
Vậy đâu mới là sự phù hợp nhất hiện giờ và giải thích nào hợp lý nhất cho bài Quốc ca, MinhTamBlog cùng mọi người tìm hiểu rõ ràng hơn và cùng lí giải sự kiện này nhé.
Sự ra đời và quá trình của bài hát Quốc ca
Quốc ca được ra đời vào mùa đông năm 1944 bởi cố nhạc sĩ Văn Cao với mục đích ban đầu là sáng tác một bài hành khúc cho quân đội Việt Minh lúc bấy giờ. Văn Cao có từng viết lại suy nghĩ của ông khi sáng tác lúc bấy giờ : “…Tôi chỉ đang làm một bài hát. Tôi chưa được biết chiến khu, chỉ biết những con đường Phố Ga, đường Hàng Bông, đường Bờ Hồ theo thói quen tôi đi. Tôi chưa gặp các chiến sĩ cách mạng của chúng ta, trong khóa quân chính đầu tiên ấy, và biết họ hát như thế nào. Ở đây đang nghĩ cách viết một bài hát thật giản dị cho họ có thể hát được…” ( trích trong Vài tâm sự của nhạc sĩ Văn Cao về Tiến quân ca ). Ngày 13/8/1945, chủ tịch Hồ Chí Minh đã chọn bài Tiến quân ca của cố nhạc sĩ Văn Cao làm Quốc ca của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Đến năm 1955, kì họp thứ 5 tại Quốc hội khóa I đã quyết định sửa lời bài hát Tiến quân ca sao cho phù hợp với thời hòa bình lúc bấy giờ. Sau khi sửa đổi, cố nhạc sĩ Văn Cao đã luyến tiếc vì một số chỗ sửa đã mất đi phần nào khí thế hùng tráng của ca khúc.
Quốc ca không thể “phá cách”
Đây là minh chứng rõ ràng nhất về ca khúc Tiến quân ca của nhạc sĩ Văn Cao đã được nhà nước cân nhắc và sửa đổi sao cho phù hợp với thời bình và được công nhận đến bây giờ. Vậy từ năm 1955 đến thời điểm hiện tại cũng không hề có thêm một biến cố chiến tranh nào, vậy hà cớ gì Quốc ca lại cần thay đổi một lần nữa? Và lần này, không phải một ban ngành hay chính quyền nào mà lại là một cá nhân, một nữ ca sĩ được mệnh danh là diva của Việt Nam? Chúng ta đều biết, Quốc ca không phải một tác phẩm nghệ thuật thuần túy mà được Hiến pháp của đất nước quy định để trở thành một biểu tượng của Tổ quốc. Vậy tại sao một biểu tượng dân tộc lại có thể dễ dàng thay đổi đến vậy?
Ngay sau khi tranh cãi nổ ra, ca sĩ Mỹ Linh cũng đã có những lời nói phản hồi trên trang cá nhân của mình: “Đã qua rồi thời chiến tranh bom đạn nên tôi hát quốc ca với thông điệp của thời bình với tinh thần hàn gắn và chia sẻ yêu thương chứ không hừng hực kháng chiến như ngày nào.” Thật sự cho đến thời điểm hiện tại, chúng ta hay bất cứ ai là công dân Việt Nam đều hiểu rõ, khí thế hào hùng của bài hát Quốc ca không phải khí thế “hừng hực kháng chiến” như ca sĩ Mỹ Linh chia sẻ mà đó là lòng tự hào dân tộc, biểu tượng mạnh mẽ của một đất nước Việt Nam nhỏ bé đang dần vươn lên. Dùng chính cảm xúc đó, hát Quốc ca trước một cường quốc mạnh mẽ như Mỹ là chúng ta đang khẳng định cái tôi của dân tộc, của lòng yêu nước và lòng tự tôn của Tổ quốc mình chứ không phải cảm xúc hừng hực như không khí chiến tranh của thời xưa.
Con trai của cố nhạc sĩ Văn Cao cũng đã lên tiếng về sự việc này.
“Dù biểu diễn theo thời cuộc của hoà bình nhưng Quốc ca khi hát lên vẫn cần phải giữ khí thế trang nghiêm. Việc thể nghiệm của Mỹ Linh là phản cảm vì làm trái với tinh thần của Tiến quân ca – ca khúc gắn bó với người dân Việt Nam trong suốt 70 năm qua”
Cuối cùng, nữ ca sĩ Mỹ Linh cũng đã thừa nhận việc trình bày ca khúc Quốc ca là một tai nạn nghề nghiệp. Cô cũng bày tỏ rất lấy làm tiếc khi không hoàn thành được tốt bài hát này. Cô hứa lần sau sẽ hoàn thành tốt hơn khi hát Quốc ca.
Xét cho cùng, đây cũng là một bài học cho mọi người. Thay đổi hay không thay đổi, suy nghĩ cá nhân ra sao cũng không thể đại diện cho một dân tộc mà tự ý thay đổi những biểu tượng thiêng liêng của Tổ quốc theo cách của riêng mình, nhất là trong những sự kiện mang tầm quan trọng của quốc gia như ca sĩ Mỹ Linh vừa rồi. Các bạn trẻ hay mỗi công dân của đất nước Việt Nam cũng nên có suy nghĩ đúng đắn về bài hát Quốc ca. Sự hùng tráng của bài hát Tiến quân ca là thể hiện hào khí dân tộc, niềm tự hào và yêu nước chứ không phải là khí thế hừng hực như muốn chiến tranh mà mọi người đã “hiểu lầm”.
Bởi lẽ vậy, chiến tranh hay thời hòa bình, Tiến quân ca vẫn là bài hát các bạn học sinh cùng hát vang dưới cờ vào mỗi ngày thứ hai hàng tuần, là bài hát các cầu thủ hay vận động viên thể thao thể hiện trước mỗi trận đấu và hơn cả là một bài hát in sâu trong tim mỗi người dân Việt Nam. Là con dân Việt Nam, bạn chỉ cần hát đúng giai điệu và thể hiện Quốc ca bằng cả trái tim!