Bệnh tật của con người rất đa dạng và phong phú đến nỗi nền y học hiện đại cũng không thể nào thống kê được hiện tại có tất cả bao nhiêu bệnh. Tuy nhiên, dù là bất kể bệnh gì thì nó vẫn có thể được xếp vào một trong ba nhóm bệnh chính (chia theo phân loại của Tổ chức Y tế Thế giới WHO): bệnh truyền nhiễm (bệnh lây), bệnh không truyền nhiễm (bệnh không lây), bệnh do tai nạn (tai nạn giao thông, tai nạn lao động,…). Bước sang thế kỷ 21, theo nhận định của WHO, tỷ lệ người mắc các bệnh trong nhóm bệnh truyền nhiễm có xu hướng giảm, tỷ lệ người mắc các bệnh trong 2 nhóm còn lại có xu hướng tăng chút ít. Đó là nhờ thành tựu của việc phát minh ra nhiều loại thuốc kháng sinh diệt khuẩn, kháng virus, văc xin phòng bệnh cùng với sự thay đổi lối sống, thói quen của con người.
Tuy nhiên, mặc dù có nhiều tiến bộ lớn trong điều trị và phòng ngừa bệnh nhưng tỷ lệ người bệnh và tử vong do bệnh truyền nhiễm vẫn còn cao. Thống kê của WHO năm 2002 cho thấy 15 triệu trường hợp tử vong trên thế giới là do mắc các bệnh truyền nhiễm. 90 % các trường hợp mắc 1 trong 6 bệnh: tiêu chảy, HIV-AIDS, sốt rét, sởi, viêm phổi, lao. Ngoài ra, nhiều thách thức cho nền y tế ngày nay là sự xuất hiện của nhiều vi khuẩn kháng thuốc, nhiều bệnh nhiễm mới chưa có thuốc điều trị nhưng lại lây lan với tốc độ nhanh, đi kèm với không ít những bệnh cũ vẫn còn là bệnh nan y. Điều này làm cho danh sách bệnh truyền nhiễm trở nên rắc rối và phức tạp hơn. Như vậy, bệnh truyền nhiễm vẫn là một vấn đề nhức nhối mà con người vẫn cần phải quan tâm và đối phó.
Các tác nhân gây bệnh truyền nhiễm khá đa dạng bao gồm vi khuẩn, vi rus, nấm, ký sinh trùng, động vật đơn bào,… Mỗi loại có những cách lây nhiễm riêng, mức độ lây nhiễm khác nhau tùy theo đường gây nhiễm và độc tính của từng loại.
Các con đường lây nhiễm cũng không hề ít, có thể từ động vật sang người, từ người sang người một cách trực tiếp hoặc gián tiếp qua trung gian động vật, đồ vật, môi trường (nước, không khí) nhưng lây lan mạnh nhất vẫn là từ người sang người. Các loại vi sinh vật lây truyền từ người này sang người khác thông qua 1 hoặc nhiều đường theo mức độ như sau: đường hô hấp, đường da niêm, đường tiêu hóa, đường máu, đường tình dục, đường từ mẹ sang con.
Trong số các bệnh truyền nhiễm, có bệnh chữa khỏi, có bệnh không chữa khỏi, có bệnh đã có văc xin phòng ngừa, có bệnh đề phòng được bằng các biện pháp nhất định của con người như thay đổi thói quen, lối sống, uống thuốc,… Sau đây là thống kê 10 bệnh dễ lây lan nhất theo thứ tự từ cao đến thấp, mặc dù có những bệnh tỷ lệ mắc không cao, không nguy hiểm đến tính mạng nhưng khả năng lây truyền của nó là khá cao.
1/ Cúm:
Cúm là một bệnh truyền nhiễm đường hô hấp cấp tính, dễ gây thành dịch lớn, gây thiệt hại sức lao động của nhiều người và làm tốn kém một số lượng lớn thuốc điều trị. Tác nhân gây bệnh là virus cúm Influenza đã được mô tả là có khả năng gây ra những vụ dịch lớn mỗi 1 đến 3 năm trong hơn 400 năm qua. Virus cúm lây qua các chất bài tiết đường hô hấp khi ho, hắt hơi, sổ mũi hoặc gián tiếp qua các vật dùng chung như khăn lau, tiền bạc, đồ chơi,…Virus cúm gồm 3 type A,B,C nhưng thường gây đại dịch là type A. Nhân loại đã từng chứng kiến nhiều vụ dịch do virus cúm A gây ra như H3N2 (1977), H9N2 (1999), H7N7 (2003), H5N1 (2003-2006) và gần đây nhất là H1N1. Người bệnh có những triệu chứng điển hình là sốt, ho, nhức đầu, đau cơ và kiệt sức, có thể suy hô hấp và tử vong nếu không điều trị. Bệnh được điều trị chủ yếu bằng thuốc kháng virus. Hiện bệnh đã có văc xin phòng ngừa với hiệu quả đạt 50 – 80%.
2/ Đau mắt đỏ:
Bệnh đau mắt đỏ còn gọi là nhậm mắt, là một bệnh viêm kết mạc cấp tính thường do Adenovirus, hoặc một số vi khuẩn như liên cầu, tụ cầu, phế cầu gây ra. Đây là một bệnh diễn tiến cấp tính, dễ lây thành dịch lớn. Theo thống kê, trong năm 2015, cả nước có 5728 trường hợp đau mắt đỏ. Bệnh lây qua việc tiếp xúc với người bị bệnh thông qua đường hô hấp, nước mắt, nước bọt, bắt tay, sử dụng chung khăn tắm,… Triệu chứng của bệnh bao gồm: viêm đỏ ở kết mạc mắt, mắt có nhiều ghèn, sưng nề mi mắt, có cảm giác cộm mắt, đau nhức mắt, một vài người có thể sốt, đau họng, ho. Bệnh thường diễn tiến lành tính, được điều trị khỏi bằng các thuốc kháng sinh, kháng viêm uống, nhỏ mắt, tra mắt. Khi có dịch, cần hạn chế đi lại ở những nơi đông người, hạn chế đưa tay dụi mắt, hạn chế tiếp xúc với người bị bệnh. Đồng thời, thường xuyên rửa tay bằng nước sạch, đảm bảo vệ sinh cá nhân, rửa mắt hàng ngày bằng nước muối sinh lý.
3/ Sởi:
Sởi là một bệnh truyền nhiễm do nhiễm siêu vi cấp tính, biểu hiện bằng hội chứng nhiễm trùng, viêm long ở kết mạc mắt, đường hô hấp, đường tiêu hóa và phát ban đặc trưng. Đây còn gọi là bệnh ban đỏ. Tác nhân gây bệnh là siêu vi sởi thuộc họ Paramycoviridae. Bệnh dễ lây lan, dễ phát triển thành dịch với chu kỳ mỗi 2 đến 4 năm. Bệnh lây qua đường hô hấp: nói chuyện, nhảy mũi, ho, khạc đàm. Lứa tuổi dễ mắc bệnh là trẻ em từ 2 đến 6 tuổi do chưa có kháng thể với bệnh sởi. Các triệu chứng của bệnh bao gồm: sốt, đau đầu, ho, sổ mũi, phát ban toàn thân. Bệnh có thể gây ra biến chứng viêm não, viêm tai mũi họng, viêm phổi,…Điều trị chủ yếu là hỗ trợ như: hạ sốt, giảm đau, giảm ho, thở oxy,…Có một điều may mắn là cơ thể sẽ tự sản xuất kháng thể đối với bệnh sởi. Vì vậy, người đã từng một lần mắc bệnh sởi thì lần sau sẽ không bị bệnh nữa. Hiện tại, chương trình tiêm chủng quốc gia đã có văc xin phòng bệnh sởi cho trẻ em.
4/ Quai bị:
Quai bị là bệnh truyền nhiễm cấp tính do siêu vi trùng gây ra. Siêu vi này thuộc gia đình Paramyxoviridae. Đặc trưng của bệnh là sưng đau tuyến nước bọt (chủ yếu là tuyến nước bọt sau tai), đôi khi kèm theo viêm tuyến sinh dục, viêm màng não, viêm tụy và một số cơ quan khác. Bệnh thường gặp ở trẻ em, nhưng bệnh ở người lớn có những biểu hiện tổn thương ngoài tuyến đa dạng hơn. Bệnh thường lây truyền trực tiếp qua chất tiết vùng mũi họng như ho, hắt hơi. Ở Việt Nam, tỷ lệ mắc bệnh quai bị còn khá cao, khoảng 12% dân số. Hiện tại, đã có văc xin chủng ngừa bệnh với tác dụng bảo vệ đạt 75 – 95%.
5/ Lao:
Bệnh lao là bệnh nguy hiểm mà con người đã biết từ rất lâu. Bệnh bùng nổ từ thế kỷ 18 tại Anh, cho đến nay vẫn là mối lo ngại của nhân loại toàn cầu. Hiện tại, bệnh ảnh hưởng đến 1/3 dân số trên thế giới, với 9 triệu ca mới mắc mỗi năm, gây 1,5 triệu người tử vong hàng năm, hầu hết ở các nước đang phát triển. Lao lan truyền qua các giọt nước trong không khí từ chất tiết khi ho, nhảy mũi, nói chuyện hay khạc nhổ của người nhiễm vi khuẩn lao. Tuy đường lây thường là đường hô hấp nhưng do thời gian sinh sản và phát triển của vi khuẩn lao khá chậm nên tốc độ lây lan của bệnh chậm và bệnh ít gây thành đại dịch khẩn cấp. Một điều khá may mắn là tại Việt Nam, bệnh lao đã được hỗ trợ điều trị miễn phí cho người bệnh với phác đồ điều trị kéo dài 6 tháng. Trong chương trình tiêm chủng y tế quốc gia cũng đã có văc xin tiêm ngừa bệnh lao cho trẻ em.
6/ Viêm gan siêu vi B:
Viêm gan siêu vi cấp do những loại virus có ái tính với tế bào gan gây nên. Trong đó, virus viêm gan B được chú ý hơn hẳn vì khả năng lây lan của nó cao hơn những virus khác, tỷ lệ người nhiễm bệnh cũng cao hơn những nhóm viêm gan siêu vi còn lại. Tại Hoa Kỳ theo thống kê hàng năm có khoảng 200000 người mới mắc viêm gan B, 1 đến 1,25 triệu người có siêu vi B trong máu. Tại Việt Nam, có khoảng 20% dân số mắc viêm gan B, đây là nguyên nhân gây ra hơn 80% các ca bệnh về gan và ung thư gan. Bệnh lây truyền qua đường máu, đường tình dục và từ mẹ sang con. Bệnh thường diễn tiến âm ầm với triệu chứng không rõ ràng như mệt mỏi, vàng da nhẹ, rối loạn tiêu hóa, đau nhẹ vùng gan. Người bệnh thường không phát hiện mình bị bệnh nên dễ lây lan cho nhiều người. Điều trị bệnh còn hạn chế, chủ yếu là ngăn chặn sự sinh sôi, nhân lên của virus. Hiện tại, bệnh đã có văc xin phòng ngừa trong chương trình tiêm chủng y tế quốc gia tại Việt Nam.
7/ HIV-AIDS:
Hiện tại, căn bệnh này không còn là vấn đề gì xa lạ đối với con người. Bệnh được phát hiện năm 1981 tại Mỹ ở những đối tượng là người đồng tính nam. Cho đến nay, bệnh đã phát triển rất nhanh và lan tràn khắp tất cả các châu lục. Tính đến cuối năm 2013, toàn thế giới có khoảng 35 triệu người nhiễm HIV, tại Việt Nam có khoảng 256000 trường hợp nhiễm HIV đã được phát hiện. Tính đến năm 2015, Việt Nam phát hiện thêm 3204 trường hợp mới nhiễm HIV, Điện Biên là tỉnh có tỷ lệ nhiễm HIV trên 100000 dân cao nhất cả nước. Bệnh lây truyền qua 3 đường: đường máu, đường tình dục và từ mẹ sang con. Theo nhiều nghiên cứu, những người đồng tính nam có nguy cơ lây nhiễm HIV cao gấp 19 lần so với người dân nói chung. Tình trạng người bị nhiễm HIV không biết mình bị nhiễm là điều đáng lưu ý vì rất dễ lây bệnh cho người khác. Vì bệnh có giai đoạn cửa sổ (xét nghiệm âm tính dù đang nhiễm bệnh) nên tạo điều kiện để lây truyền bệnh. Theo thống kê vào năm 2013, tỷ lệ người nhiễm HIV biết mình bị nhiễm chỉ chiếm 56%.
8/ Ghẻ:
Bệnh ghẻ là một bệnh gây ra do một loại ký sinh trùng có tên là cái ghẻ, tên khoa học là Sarcoptes Scabiei. Bệnh biểu hiện là những mụn nước nhỏ (mụn nước hạt trai), thường xuất hiện ở những vị trí như kẽ tay, cổ tay, bụng, mặt trong đùi. Ở trẻ nhỏ còn gặp ở lòng bàn tay, chân, mặt, mông,…Bệnh thường gây ngứa nhiều, đặc biệt là vào ban đêm. Bệnh lây truyền qua tiếp xúc trực tiếp với người bệnh hoặc gián tiếp qua sử dụng chung quần, áo, chiếu, gối, mền, mùn,…Bệnh không gây nguy hiểm nhưng lại gây ngứa ngáy, khó chịu, mất thẩm mỹ do có thể có biến chứng chàm, mụn mủ, vết loét bội nhiễm trên da,…Điều trị bệnh cần đến chuyên khoa da liễu. Đảm bảo nguyên tắc là điều trị cho tất cả những người cùng bị đang sống trong tập thể, người bị bệnh ghẻ ngủ riêng. Đồng thời, cần tổng vệ sinh giường chiếu, tẩy sạch áo quần người bệnh để diệt cái ghẻ.
9/ Sốt xuất huyết:
Bệnh sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm thành dịch do virus Dengue gây nên. Bệnh lây truyền gián tiếp thông qua một loại muỗi có tên là Aedes agypti, tên gọi khác là muỗi vằn. Dịch sốt xuất huyết có chu kỳ gây bệnh từ 3 đến 5 năm. Theo thống kê của WHO, có hơn 2,5 tỷ người – 30% dân số thế giới và hơn 100 quốc gia phải đối mặt với nguy cơ mắc bệnh sốt xuất huyết. Do thói quen không ngủ mùng vào ban ngày nên con người dễ bị mắc bệnh (vì muỗi vằn hoạt động kể cả ban ngày). Việt Nam khá thành công trong việc giảm thiểu số ca tử vong do bệnh sốt xuất huyết từ năm 2005 đến nay, tuy nhiên vẫn chưa cải thiện được số trường hợp mắc sốt xuất huyết hàng năm. Hiện tại, việc điều trị bệnh chủ yếu vẫn là hỗ trợ y tế, điều trị triệu chứng. Chưa có văc xin phòng bệnh sốt xuất huyết.
10/ Bệnh lậu:
Bệnh lậu là một trong những bệnh xã hội, bệnh lây truyền qua đường tình dục phổ biến nhất. Bệnh do cầu khuẩn lậu có tên khoa học là Neisseria Gonorrhoeae gây ra. Bệnh chỉ lây từ người nhiễm sang người lành, chủ yếu thông qua hoạt động tình dục không an toàn, không được bảo vệ. Vì vậy, bệnh thường gặp ở các đối tượng như phụ nữ mại dâm, người đồng tính, người có nhiều bạn tình. Ngoài ra, bệnh có thể lây truyền từ mẹ sang con qua nước ối, qua quá trình sinh nở hoặc qua việc trẻ tiếp xúc thường xuyên và gần gũi với người mẹ bị bệnh lậu. Bệnh biểu hiện bằng các triệu chứng: tiểu đau, nước tiểu có mủ, sưng đau ở cơ quan sinh dục, cơ thể mệt mỏi, có thể bị sốt, nổi hạch gần cơ quan sinh dục. Bệnh lậu có thể được điều trị khỏi bằng các thuốc kháng sinh. Khi mắc bệnh lậu, cần đến chuyên khoa da liễu và cần điều trị cho cả bạn tình để tránh tái nhiễm.