Bệnh tim mạch (bao gồm bệnh mạch vành, thấp tim, suy tim, tăng huyết áp,…) là một trong những bệnh thuộc nhóm bệnh không lây nhiễm. Đây là một căn bệnh nguy hiểm nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời. Theo thống kê của Hội tim mạch học quốc gia, tại Việt Nam vào những năm 1980, bệnh tim mạch gây tử vong cao đứng hàng thứ tư; còn từ năm 2000 thì bệnh này gây tử vong hàng đầu. Nhóm người mắc bệnh có xu hướng ngày càng trẻ hóa. Tỷ lệ bệnh tim mạch cao nhất là ở thành thị với 23%, kế đến là vùng duyên hải với 16%, trung du 13,9% và sau cùng là vùng đồng bằng với 12,4%.
Theo báo cáo mới nhất của WHO, trên thế giới hàng năm có khoảng 17,5 triệu người tử vong vì bệnh tim mạch. Trong năm 2015 ước tính có khoảng 20 triệu người tử vong vì căn bệnh này. Nếu không có một hành động tích cực thì con số này sẽ tiếp tục gia tăng nhanh chóng.
Kết quả từ nhiều nghiên cứu dịch tễ học đã chỉ ra nguyên nhân dẫn đến sự tăng cao bệnh tim mạch là do lối sống thiếu lành mạnh, ăn uống không điều độ. Nhóm người có nguy cơ cao mắc bệnh tim mạch là những người hút thuốc lá, nghiện rượu, béo phì, đái tháo đường, bị căng thẳng kéo dài,…
Ngành y học đã có nhiều nghiên cứu nhằm làm giảm tỷ lệ mắc cũng như tử vong do bệnh tim mạch như tìm ra các loại thuốc mới điều trị có hiệu quả và ít tác dụng phụ; tìm ra những phương pháp can thiệp tim mạch hiện đại kéo dài tuổi thọ của bệnh nhân; tìm ra những phác đồ điều trị hiệu quả bệnh tăng huyết áp, đái tháo đường, bệnh mạch vành, suy tim,…; đề xuất những biện pháp phòng ngừa bệnh tim mạch hữu ích cho mọi người.
Sau đây sẽ là 10 biện pháp quan trọng và cơ bản nhất để phòng ngừa bệnh tim mạch. Đó có thể là việc phòng tránh những nguy cơ, các biện pháp thay đổi lối sống, điều chỉnh thói quen làm việc và sinh hoạt,…
1. Chế độ ăn ít cholesterol
Cholesterol chứa nhiều trong các loại thức ăn như lòng đỏ trứng, da động vật, mỡ động vật, gan, tôm, thức ăn nhanh,…Nồng độ cholesterol cao trong máu nếu duy trì lâu dài sẽ gây ra xơ vữa mạch máu, hẹp lòng mạch dẫn đến thiếu máu cơ tim, nhồi máu cơ tim, đột quỵ,…Chế độ ăn ít cholesterol sẽ giúp giảm nguy cơ xơ vữa động mạch, giảm lượng mỡ bão hòa trong máu sẽ giúp giảm nguy cơ mắc những bệnh tim mạch. Cần có một chế độ ăn phù hợp, ít cholesterol như ăn nhiều rau củ, chất xơ, chế biến thức ăn bằng dầu thực vật thay cho mỡ.
2. Hạn chế ăn mặn
Ăn mặn lâu dài cũng có thể gây ra nhiều bệnh lý tim mạch, thường gặp nhất là bệnh tăng huyết áp. Vì vậy, một chế độ ăn mặn vừa phải sẽ giúp ích cho sức khỏe của bạn. Nên duy trì chế độ ăn khoảng 4 – 6 gam muối mỗi ngày. Giảm lượng gia vị mặn bao gồm muối, nước mắm, muối tiêu, bột canh. Đồng thời, hạn chế các loại thức ăn mặn như chao, mắm, trứng muối, cá khô, mì ăn liền, giò chả,…Hạn chế dùng muối khi chế biến các món xào, chiên, kho.
3. Không hút thuốc lá
Thuốc lá có chứa rất nhiều chất độc hại gây tổn thương mạch máu, cơ tim, gây xơ vữa động mạch. Ngoài ra, hút thuốc lá còn dẫn đến nhiều bệnh lý mạn tính ở phổi ảnh hưởng đến tim như viêm phổi, khí phế thủng, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính,…Hút thuốc lá lâu ngày làm tăng nguy cơ mắc các bệnh thiếu máu cục bộ cơ tim, rối loạn nhịp tim, tăng huyết áp, suy tim,… Vì vậy, việc không hút thuốc lá là một trong những biện pháp phòng ngừa bệnh tim mạch quan trọng và hiệu quả.
4. Hạn chế rượu bia, chất kích thích
Rượu bia và một số chất kích thích khác như thuốc lắc, ma túy đá, cocain,… gây ảnh hưởng nặng nề đến hệ thống tim mạch của cơ thể, là nguyên nhân gây tăng huyết áp, rối loạn nhịp tim có thể dẫn đến suy tim, đột quỵ. Nói không với ma túy và hạn chế rượu bia ở mức cho phép là một nguyên tắc vàng để bảo vệ sức khỏe tim mạch của mỗi người. Nhiều nghiên cứu cho thấy những người uống rượu bia nồng độ cao sẽ có nguy cơ mắc bệnh tim mạch gấp 3 lần những người uống rượu bia nồng độ thấp.
5. Giảm cân
Những người thừa cân béo phì có nguy cơ bị suy tim cao gấp đôi người bình thường. Đồng thời, tỷ lệ tử vong do bệnh tim mạch ở những người béo phì cũng cao hơn so với người bình thường cũng mắc bệnh tim mạch. Thừa cân, béo phì dẫn đến hàng loạt các nguy cơ của bệnh tim mạch như tăng huyết áp, rối loạn dung nạp đường, tăng cholesterol máu, tăng mỡ máu,…Vì vậy, việc giảm cân, giữ cân nặng ở mức cho phép (BMI từ 18,5 đến 23 kg/m2) là một nội dung quan trọng trong các biện pháp phòng ngừa bệnh tim mạch.
6. Luyện tập thể dục thể thao
Các nhà khoa học khẳng định lối sống tĩnh tại, ít vận động là nguyên nhân của nhiều vấn đề như thừa cân, béo phì, bệnh đái tháo đường, bệnh tim mạch,… Vì vậy, việc tập thể dục thể thao đều đặn, đi bộ ít nhất 30 phút mỗi ngày sẽ giúp ngăn ngừa nguy cơ mắc bệnh tim mạch, tăng độ vững chắc của xương khớp, tăng tuổi thọ và ngăn ngừa những biến chứng nguy hiểm của các bệnh lý tim mạch, nội tiết.
7. Chế độ ăn uống lành mạnh
Ngoài việc ăn hạn chế cholesterol, hạn chế thức ăn, gia vị mặn thì chúng ta cần có một chế độ dinh dưỡng hợp lý. Ăn nhiều chất xơ, rau quả, trái cây. Không bỏ bữa ăn sáng. Hạn chế đồ ngọt, thức ăn chứa nhiều đường ở những người bị đái tháo đường. Trong mỗi bữa ăn nên có đầy đủ các thành phần đường, đạm, mỡ theo tỷ lệ thích hợp (điều này bạn cần hỏi ý kiến của chuyên gia tư vấn về dinh dưỡng hoặc bác sĩ dinh dưỡng vì mỗi người có một chế độ ăn đường, đạm, mỡ với tỷ lệ khác nhau).
8. Điều trị tốt bệnh đái tháo đường
Bệnh đái tháo đường nếu không được điều trị tốt sẽ dễ dẫn đến nhiều biến chứng. Trong đó, biến chứng về tim mạch là thường gặp nhất, bao gồm: tăng huyết áp, xơ vữa mạch, nhồi máu cơ tim, suy tim, tai biến,…Đái tháo đường làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch lên 12 – 16%. Vì vậy, những bệnh nhân bị bệnh đái tháo đường cần tuân thủ nghiêm ngặt phác đồ điều trị của bác sĩ để phòng ngừa nguy cơ mắc bệnh tim mạch và nhiều biến chứng nguy hiểm khác.
9. Tránh căng thẳng, stress
Căng thẳng tâm lý và stress thường xuyên là nguy cơ cao của bệnh động mạch vành, rối loạn nhịp tim và suy tim. Stress làm tăng hoạt động của hệ thần kinh giao cảm, tăng nhịp tim, tăng nguy cơ xơ vữa mạch và tổn thương thành mạch, một vài trường hợp có thể dẫn đến đột tử. Vì vậy, để phòng ngừa bệnh tim mạch, cần có chế độ làm việc và nghỉ ngơi hợp lý. Hạn chế để cơ thể rơi vào trạng thái stress. Có kế hoạch học tập, làm việc và thư giãn phù hợp theo từng thời điểm, từng giai đoạn, tránh để tâm lý thường xuyên bị căng thẳng, lo lắng, áp lực.
10. Khám sức khỏe định kỳ
Việc khám sức khỏe định kỳ cũng là một biện pháp quan trọng phòng ngừa bệnh tim mạch. Đây là một vấn đề thường bị nhiều người lãng quên, không quan tâm đến. Khám sức khỏe tổng quát định kỳ mỗi 3 – 6 tháng giúp chúng ta nắm bắt được tình trạng sức khỏe của bản thân, biết được những bệnh tiềm ẩn và điều trị kịp thời (tăng huyết áp, đái tháo đường, xơ vữa mạch…), điều chỉnh chế độ ăn và lối sống, đồng thời nhận được sự tư vấn hữu ích từ các bác sĩ, các chuyên gia dinh dưỡng.
Xem thêm: