Mắt là cơ quan thị giác của con người, có tác dụng nhìn, ngắm sự vật, hiện tượng và phản ánh chúng bằng những hình ảnh thu được trên vỏ não. Về phương diện quang học, đôi mắt được xem như một máy ảnh tự nhiên có chọn lọc, có thể tự điều chỉnh kích thước hình ảnh. Về phương diện nghệ thuật, đôi mắt được ví như cửa sổ tâm hồn vì khi nhìn vào đôi mắt, ta có thể cảm nhận được phần nào những suy nghĩ, cảm xúc, tâm trạng, tình cảm của một người nào đó. Đồng thời, đôi mắt cũng tạo nên vẻ đẹp, nét độc đáo riêng cho gương mặt của mỗi người.
Đôi mắt mang cả một thế giới sống động làm phong phú thêm đời sống tâm hồn của mỗi người. Chính vì vậy, đây là một bộ phận quan trọng không thể thiếu được của cơ thể. Tuy nhiên, cũng giống như các phần khác trong cơ thể, đôi mắt cũng có thể bị hư hỏng, bị bệnh nếu không được gìn giữ và bảo vệ đúng cách.
Những bệnh về mắt rất đa dạng, có bệnh đơn giản, có bệnh phức tạp; có bệnh chỉ ảnh hưởng đến mắt, nhưng cũng có bệnh ảnh hưởng đến những cơ quan khác như tai, mũi, họng, tim, phổi,…; có bệnh điều trị khỏi hoàn toàn, có bệnh để lại di chứng giảm thị lực, mù màu hoặc mù ánh sáng vĩnh viễn. Vì vậy, các bệnh về mắt cũng nên được phát hiện sớm và điều trị kịp thời để giảm thiểu hậu quả, gìn giữ cửa sổ tâm hồn quý giá của mỗi người chúng ta.
Sau đây là 10 bệnh về mắt thường gặp nhất, trong đó có những bệnh hay gặp ở trẻ em, người trưởng thành hoặc người già. Khi mắc một trong trong các bệnh này, bạn nên đi đến bệnh viện mắt hoặc chuyên khoa mắt để được khám và tư vấn thích hợp.
1. Cận thị
Cận thị là một bệnh về mắt rất thường gặp có liên quan đến tật khúc xạ của mắt. Nguyên nhân do thủy tinh thể phồng quá mức, hoặc trục nhãn cầu quá dài làm cho mắt không nhìn rõ được những vật ở xa, phải đưa vật lại gần mới thấy rõ được. Bệnh cận thị có thể do bẩm sinh hoặc mắc phải. Bệnh cận thị bẩm sinh thường nặng với độ cận có thể trên 6 độ. Bệnh cận thị mắc phải do học tập, đọc sách trong môi trường thiếu ánh sáng thì nhẹ hơn và hiếm khi vượt quá 6 độ. Hiện nay, bệnh cận thị nói chung có xu hướng ngày càng tăng. Tỷ lệ cận thị của những học sinh tại các thành phố ở Việt Nam khoảng 40 – 50 %. Để chữa bệnh cận thị, người bệnh cần đeo thấu kính phân kỳ với độ tụ thích hợp.
2. Viễn thị
Tương tự bệnh cận thị, bệnh viễn thị cũng là một bệnh về mắt khá phổ biến, liên quan đến tật khúc xạ của mắt. Nguyên nhân do thủy tinh thể dẹt quá, hoặc do trục nhãn cầu ngắn quá. Vì vậy, người bệnh viễn thị không nhìn rõ những vật ở gần, phải đưa vật ra xa mới thấy rõ. Bệnh viễn thị thường gặp ở người lớn tuổi (>50 tuổi) với tỷ lệ từ 60 – 70%. Người bị bệnh viễn thị mắt dễ bị khô và mỏi hơn người cận thị. Để điều trị bệnh viễn thị, người bệnh cần đeo thấu kính hội tụ với độ tụ thích hợp.
3. Loạn thị
Loạn thị là một bệnh về mắt thường gặp, liên quan đến sự rối loạn các môi trường trong suốt của mắt. Nguyên nhân có thể do bán kính cong của giác mạc và thủy tinh thể không đều nhau, giác mạc hoặc thủy tinh thể có độ cong bất thường, vẩn đục các môi trường trong ổ mắt (thủy dịch, dịch thủy tinh). Người bệnh loạn thị sẽ nhìn thấy hình ảnh bị nhòe, mờ, méo mó bất thường, dễ bị mờ mắt khi đi từ sáng vào tối. Loạn thị có thể chữa bằng cách đeo kính hoặc phẫu thuật. Kính để điều chỉnh tật loạn thị là thấu kính trụ lồi.
4. Tăng nhãn áp
Tăng nhãn áp hay Glaucoma, bệnh cườm nước là một bệnh về mắt ngày càng phổ biến. Tại Việt Nam, số người bị bệnh tăng nhãn áp tăng liên tục qua các năm, đặc biệt là những người trên 40 tuổi. Theo dự đoán đến năm 2020, sẽ có 80 triệu người trên thế giới bị tăng nhãn áp, chiếm tỷ lệ 2,86% dân số ngoài độ tuổi 40, trong đó sẽ có 11,2 triệu người bị mù do bệnh. Triệu chứng phổ biến của bệnh tăng nhãn áp là đau đầu, đau sau hốc mắt, đỏ mắt, nhãn áp của mắt tăng trên 22 mmHg. Điều trị bệnh tăng nhãn áp tùy thuộc vào nguyên nhân như: các bệnh mạch máu, thủy tinh thể, mống mắt, góc tiền phòng,…có thể điều trị nội khoa hoặc phẫu thuật.
5. Viêm kết mạc
Viêm kết mạc là một bệnh về mắt khá phổ biến. Dường như 100% dân số sẽ mắc bệnh viêm kết mạc ít nhất 1 lần trong đời. Đối với những người làm việc trong môi trường nhiều khói bụi mà không có công cụ bảo hộ lao động thì trên 90% sẽ bị viêm kết mạc. Nguyên nhân của bệnh viêm kết mạc là do virus, vi khuẩn, hóa chất, tác nhân vật lý (khói, bụi, ánh nắng,…), ký sinh trùng,…Triệu chứng của bệnh viêm kết mạc bao gồm ngứa mắt, xốn cộm trong mắt, chảy nước mắt, sợ ánh sáng, đỏ mắt. Việc chữa bệnh viêm kết mạc không quá phức tạp, chỉ cần điều trị bằng thuốc uống và thuốc nhỏ mắt theo đúng chỉ định của bác sĩ chuyên khoa.
6. Đau mắt hột
Bệnh đau mắt hột là bệnh nhiễm trùng mắt do vi khuẩn Chlamydia Trachomatis gây ra, có thể gây sẹo và gây mù mắt. Vi khuẩn xâm nhập vào mắt sẽ gây viêm kết mạc, viêm giác mạc, nếu không được chữa trị kịp thời sẽ dẫn đến sẹo giác mạc. Khi mí mắt bị sưng viêm có thể làm lông mi quặm vào trong mắt, cọ sát vào giác mạc gây mờ mắt. Đây là một bệnh về mắt thường gặp ở các nước đang phát triển. Theo thống kê gần đây nhất, trên thế giới có khoảng 500 triệu người đang mắc bệnh, chủ yếu ở châu Phi và Đông Nam Á. Điều trị bằng cách uống thuốc kháng sinh tiêu diệt vi khuẩn, đồng thời nhỏ mắt thường xuyên để tránh hiện tượng lông quặm ở mắt.
7. Đục thủy tinh thể
Đục thủy tinh thể là một bệnh về mắt thường gặp ở người già, do protein lắng đọng ở thủy tinh thể gây mờ đục, ánh sáng không thể lọt qua làm cho võng mạc không thu nhận được hình ảnh, thị lực bệnh nhân sẽ suy giảm dần và sẽ bị mù lòa. Nguyên nhân có thể do: tuổi già, rối loạn chuyển hóa, suy nhược cơ thể, chấn thương, lạm dụng thuốc,… Đục thủy tinh thể là nguyên nhân gây mù lòa hàng đầu trên thế giới. Có khoảng 25 – 50 triệu người trên toàn cầu bị giảm thị lực nặng do đục thủy tinh thể. Điều trị bệnh chủ yếu bằng phương pháp phẫu thuật bởi các bác sĩ chuyên khoa mắt.
8. Quáng gà
Quáng gà là một bệnh về mắt thường gặp ở trẻ em. Đây là cách gọi khác của bệnh thoái hóa sắc tố võng mạc, biểu hiện bằng triệu chứng nhìn kém trong điều kiện ánh sáng yếu vào ban đêm. Nguyên nhân của bệnh quáng gà chủ yếu là do thiếu vitamin A, một số khác là do di truyền, nhiễm độc thuốc, chấn thương,…Triệu chứng của bệnh là người bệnh thường ít vận động, đi lại vào ban đêm do thị lực kém. Đối với trẻ em, vào buổi chiều tối, trẻ thường ít nô đùa hơn, khi đi phải lần vách tường để đi hoặc dễ bị té ngã. Điều trị bằng cách cho người bệnh uống vitamin A liều cao trong thời gian 1 – 2 tuần.
9. Thoái hóa hoàng điểm
Một trong số những bệnh về mắt khá thường gặp đó là thoái hóa hoàng điểm. Đây là một bệnh mạn tính về mắt xuất hiện khi mô ở hoàng điểm, phần võng mạc chịu trách nhiệm về thị lực trung tâm, bị thoái hóa. Thoái hóa hoàng điểm thường gặp do tuổi già, cũng có thể xuất hiện ở người trẻ do viêm nhiễm kéo dài ở mắt, do di truyền,…Bệnh thường diễn tiến từ từ và không đau. Người bệnh nhìn chữ có vẻ mờ hơn, màu sắc của các vật nhạt hơn, thị lực giảm dần, có điểm mù ở trung tâm thị trường của mắt. Điều trị bệnh còn rất hạn chế bằng các phương pháp phẫu thuật hiện đại.
10. Mây thịt
Mây thịt hay còn gọi là mộng thịt, là một bệnh về mắt không hiếm gặp trong cuộc sống ngày nay. Mây thịt là khối tổ chức liên kết xuất hiện ở lòng trắng (củng mạc) của mắt, thường xuất hiện ở hai góc của mắt. Mây thịt sẽ phát triển theo thời gian rồi xâm lấn dần vào giác mạc, có thể che đồng tử (lòng đen) và làm giảm thị lực. Mây thịt thường gặp ở những vùng địa lý nhiều nắng nóng. Tỷ lệ người bệnh mây thịt ở những vùng này dao động từ 6 – 20 % dân số. Những người có nguy cơ cao bị bệnh như: nông dân, người đi câu cá, người làm xây dựng, thợ hàn,…Điều trị bệnh chủ yếu bằng phương pháp phẫu thuật gỡ mây thịt.
Xem thêm: