Tín ngưỡng tôn giáo ở Việt Nam gồm nhiều tôn giáo khác nhau nhưng tinh thần đoàn kết, thân ái như anh em một nhà. Tất cả các đạo như Phật, Thiên Chúa, Hòa hảo, Tin lành,…,mang những giá trị tâm linh trong mỗi người là sống ‘tốt đời đẹp đạo’ dù bạn tin và làm theo bất kì tôn giáo nào. Theo ý kiến cá nhân của tôi thì đạo thờ cúng ông bà có lẽ là tín ngưỡng phổ biến nhất của các đạo và của dân tộc Việt Nam vốn rất coi trọng lòng hiếu kính với tổ tiên, ông bà. Danh sách 10 tín ngưỡng tại Việt Nam sẽ đem lại cho bạn một tầm nhìn tổng quát về văn hóa tín ngưỡng của người Việt ngày nay.
1. Đạo thờ cúng ông bà- tín ngưỡng tại Việt Nam lâu đời
Là một tập tục truyền thống mang bản sắc văn hóa Việt Nam từ ngàn xưa nhằm đề cao tinh thần ‘uống nước nhớ nguồn’ của các thế hệ nối tiếp. Trải qua nhiều biến cố trong lịch sử nhưng đạo thờ cúng ông bà đã và đang chiếm vị trí thiêng liêng trong đời sống tinh thần của người Việt. Mỗi nhà đều có một gian thờ riêng, ở vị trí cao nhất, trang trọng nhất trong nhà với bàn thờ đẹp thờ cúng ‘Cửu huyền thất tổ’ và di ảnh của cha mẹ, người thân trong gia đình. Trong ngày ba mươi cuối năm, chúng ta thường chuẩn bị mâm cơm cúng ông bà để mời ông bà về nhà vui vầy ba ngày Tết cùng con cháu.
2. Đạo Phật- Tín ngưỡng tại Việt Nam du nhập từ Ấn độ
Phật giáo Việt Nam phát triển mạnh mẽ ở các đô thị miền Nam trải qua các thời kì lịch sử Lý-Trần cho đến thế kỉ 20 là giai đoạn chấn hưng. Các tông phái lớn tại Việt Nam như Thiền tông đề cao ‘Phật tại tâm’, Tịnh độ tông tu dựa trên tha lực của phật A Di Đà với câu niệm và tượng phật A Di Đà có mặt khắp nơi từ lâu đời, hệ phái khất sĩ lấy chí nguyện ‘Nối truyền Thích ca chánh pháp’, Mật tông đã nhanh chóng hòa lẫn vào tín ngưỡng dân gian như cầu đồng, pháp thuật, yểm bùa, trị ma, chữa bệnh…và Nam tông là phật giáo nguyên thủy, thành viên của Giáo hội Phật giáo Việt Nam hiện nay.
3. Đạo Công giáo du nhập vào Việt Nam từ thế kỉ 16
Công giáo là tín ngưỡng tại Việt Nam đồng hành cùng lịch sử dân tộc trong công cuộc chống giặc ngoại xâm Pháp-Mỹ. Không chỉ phát triển cộng đồng giáo dân trong nước mà còn vươn xa ra hải ngoại với nhiều ngày lễ lớn như lễ Phục sinh tháng 3 hay lễ Giáng sinh tháng 12 trong niềm hân hoan của mọi người dịp cuối năm. Họ đã kỉ niệm năm Thánh 2009 tại Sở kiện và kết thúc tại La Vang trong vòng 1 tháng 15 ngày diễn ra đại lễ.
4. Đạo Tin Lành du nhập vào Việt Nam khá muộn
Sau hơn 100 năm tồn tại, đạo Tin lành đã phát triển nhanh nhất vào thế kỉ 20 với nỗ lực mang phúc âm đến cho một đất nước 90 triệu dân. Đạo Tin Lành không thành lập một tổ chức giáo hội mang tính phổ quát mà xây dựng các giáo hội riêng lẻ, độc lập với những hình thức khác nhau tùy theo từng quốc gia, hệ phái. Sự cải cách của Tin lành về các thức hành đạo, tổ chức giáo hội chịu ảnh hưởng tư tưởng dân chủ và khuynh hướng tự do cá nhân, giảm thiểu và bớt luật lệ, lễ nghi và tổ chức như đạo Công giáo.
5. Đạo Thờ Thần mang đậm bản sắc văn hóa Việt Nam
Mọi người dân Việt Nam đều tin rằng các vị thần ở khắp mọi nơi để che chắn, phù trợ cho họ trong cuộc sống. Cho nên, trong mỗi nhà đều có thờ cúng Thổ công(vị thần trông coi gia cư, định sự họa phúc của gia đình nên thường được thờ bên cạnh bàn thờ Tổ tiên, ông bà), Thần Tài (vị thần mang tài lộc cho gia chủ, thờ riêng một góc nhà), Thánh sư hay Nghệ sư (vị thần đã truyền dạy nghề, thờ bức ảnh của vị Thánh sư bên cạnh bàn thờ Tổ tiên, bàn thờ Thổ công ).
6. Đạo Hòa hảo- Tín ngưỡng tại Việt Nam có trên 2 triệu tín đồ ở Nam bộ
Đạo Hòa Hảo hay còn gọi là Phật giáo Hòa Hảo do Huỳnh Phú Sổ thành lập năm 1939 lấy giáo lý Tịnh độ tông kết hợp đạo Ông bà. Cách thức tu hành của đạo Hòa Hảo rất đơn giản là ‘tu hành tại gia’ cúng lạy 16 lạy vao buổi sáng và chiều tối, ăn chay 4 ngày trong một tháng để có cơ thể khỏe mạnh, không chấp nhận mê tín dị đoan, chỉ thực hành tiết kiệm, thực hành tích cực thuyết Tứ ân: cha mẹ, đất nước, Tam bảo (Phật- Pháp- Tăng), nhân loại.
7. Đạo Lão hay còn gọi là đạo Giáo
Khi du nhập vào Việt Nam, đạo Giáo bị hòa trộn với tín ngưỡng truyền thống, nhất là Đạo giáo phù thủy rất tương đồng với tín ngưỡng ma thuật mạnh mẽ đến nỗi không còn phân biệt rõ ràng hai loại hình tín ngưỡng tại Việt Nam. Ngoài ra, đạo Giáo còn ảnh hưởng của Phật giáo (Chử Đồng Tử tu đắc thành Phật còn là tổ sư của đạo Giáo Việt Nam), Nho giáo (các nhà Nho lui ẩn quan trường, vui thú điền viên theo cách tu của đạo Gíao, lập đàn phụ tiên nổi tiếng như đền Ngọc Sơn-Hà nội, đền Tản Viên- Sơn Tây hay đền Đào Xá-Hưng Yên). Tuy đạo Giáo không tồn tại nữa nhưng ảnh hưởng của nó đến đời sống xã hội, các vùng nông thôn vẫn rất mạnh mẽ.
8. Đạo Cao Đài hay còn gọi là đạo Trời
Là tín ngưỡng tại Việt Nam có nhiều kỉ lục nhất như có nhiều lần hợp tan- tan hợp qua các thời kì chống Pháp nhất, tôn giáo Tam giáo có tính dung hợp các tôn giáo Việt Nam nhất, có những quy định chặt chẽ và bảo thủ nhất nên ít có sự thay đổi nhằm bảo vệ đặc trưng của tôn giáo mình. Chịu ảnh hưởng lớn nhất từ Phật giáo truyền tông và Tòa thánh Tây Ninh là một điểm tham quan du lịch nổi tiếng nhất Việt Nam.
9. Đạo Nho giáo được xem là nền tảng văn minh của Việt Nam
Nho giáo hình thành trong các nền quân chủ đầu tiên như nhà Lý, Trần, Lê, Nguyễn với các phạm trù đạo đức trung, hiếu, lễ, nghĩa…trở thành chuẩn mực đạo đức của con người trong xã hội. Từ cuối thế kỉ 20, Việt Nam hội nhập thế giới và nền kinh tế thị trường nên dân tộc Việt Nam bị ‘hòa tan’ bởi văn hóa ngoại lai. Trước nguy cơ đó, nhiều người Việt mong muốn duy trì các giá trị truyền thống đã tạo ra những cơ hội cho Nho giáo tái sinh.
10. Đạo Hồi là tín ngưỡng tôn giáo ở Việt Nam dành cho người Chăm
Với hơn 25.000 tín đồ tập trung chủ yếu ở Thành phố Hồ Chí Minh và An Giang nên 40 giáo đường và 25 surao được xây dựng ở nơi đây làm nơi cầu nguyện, có riêng lối thảm cho nữ giới vào giáo đường và cho phép du khách tham quan. Người Chăm theo đạo Hồi đều phải đến thánh đường làm lễ, đôi khi còn mang theo thức ăn chia đều cho mọi người có mặt vì họ tin rằng đây là phúc lộc Thượng đế ban tặng cho họ.
Tín ngưỡng tại Việt Nam gồm nhiều tôn giáo khác nhau nhưng mỗi tôn giáo sinh hoạt riêng trong giáo đường, nhà thờ, chùa…được tự do tín ngưỡng dưới sự quản lí của chính quyền. Do đó, các tôn giáo không hề có xích mích hay tranh cãi, mỗi người một đức tin, ‘sống, yêu và cầu nguyện’ theo các riêng của mình.