Bệnh tiêu chảy là tình trạng tiêu phân lỏng quá 3 lần trong 1 ngày. Bệnh thường gặp ở trẻ em do hệ tiêu hóa của trẻ chưa được hoàn thiện. Một số trường hợp tiêu chảy xảy ra ở người lớn và có thể gây thành dịch. Bệnh tiêu chảy diễn tiến quanh năm nhưng thường xuất hiện với tần suất cao vào mùa hè vì thời tiết nóng thuận lợi cho sự phát triển của nhiều loại vi khuẩn, virus gây tiêu chảy.
Nguyên nhân gây tiêu chảy thường gặp bao gồm:
- Nhiễm khuẩn từ thức ăn, nước uống chứa vi khuẩn, virus gây bệnh như: E. coli, Rotavirus, Shigella, Salmonella, tụ cầu vàng, phẩy khuẩn tả,…
- Trẻ em bị tiêu chảy do dị ứng với sữa, thức ăn dặm.
- Do uống một số thuốc như: thuốc nhuận tràng, thuốc chứa Magie, thuốc điều trị tăng huyết áp,…
- Một số bệnh cơ thể gây tiêu chảy như cường giáp, suy thượng thận, hội chứng kém hấp thu, u đại tràng,…
Bệnh tiêu chảy nếu không được chẩn đoán và điều trị phù hợp có thể dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm như: rối loạn nước điện giải, rối loạn toan kiềm máu, sốc nhiễm trùng, rối loạn đông máu, thậm chí tử vong. Tử vong do tiêu chảy thường gặp ở trẻ em. Theo thống kê của WHO năm 2009, bệnh tiêu chảy là nguyên nhân làm cho 1,1 triệu trẻ em trên 5 tuổi và 1,5 triệu trẻ em dưới 5 tuổi tử vong.
Nói chung, đối với bệnh tiêu chảy, phòng bệnh có ý nghĩa hơn chữa bệnh, nhất là những trường hợp tiêu chảy do nhiễm trùng. 10Hay.com sẽ giới thiệu 10 cách phòng bệnh tiêu chảy cho cả trẻ em và người lớn mà bạn cần ghi nhớ để tự bảo vệ cho bản thân và những người trong gia đình:
1. Rửa sạch tay bằng xà phòng
Rửa sạch tay bằng xà phòng trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh là một cách phòng bệnh tiêu chảy hiệu quả. Rửa sạch tay giúp loại bỏ những vi khuẩn, ký sinh trùng bám trên tay sau khi chúng ta làm việc, hoạt động, đi vệ sinh. Theo nhiều nghiên cứu, việc rửa tay bằng xà phòng giúp giảm 3 lần nguy cơ bị tiêu chảy.
2. Rửa sạch thực phẩm trước khi chế biến
Thông thường, khi mua thực phẩm về, nhiều người chỉ rửa sơ qua rồi đem chế biến vì nghĩ rằng nấu chín thực phẩm thì vi khuẩn gây bệnh sẽ chết. Tuy nhiên, có nhiều loại vi khuẩn vẫn sống được ở nhiệt độ cao. Vì vậy, việc rửa sạch thực phẩm là một bước loại bỏ bớt một lượng vi khuẩn bám trên thức ăn, đồng thời cũng rửa trôi đi những loại thuốc, hóa chất nông nghiệp, giúp bảo vệ sức khỏe cho bản thân và gia đình.
3. Nấu chín thức ăn
Nấu chín, kỹ thức ăn giúp phòng bệnh tiêu chảy rất hiệu quả. Nhiệt độ cao sẽ tiêu diệt được nhiều loại vi khuẩn, nhất là những vi khuẩn gây tiêu chảy thường gặp như: tả, lỵ, thương hàn, Salmonella,…Nấu chín thức ăn còn có tác dụng diệt những loài ký sinh trùng, trứng giun, nang sán,…ký sinh gây bệnh.
4. Ăn chín, uống chín
Ăn chín, uống chín là biện pháp phòng bệnh tiêu chảy hàng đầu mà mỗi người cần phải nắm vững. Ăn những món ăn đã nấu chín, đủ nhiệt độ và thời gian, uống nước chín (nước đun sôi để nguội) là an toàn nhất, được Bộ Y tế khuyến cáo thực hiện, đặc biệt trong mùa nóng. Ăn chín, uống chín giúp giảm trên 90 % các trường hợp tiêu chảy trong mùa dịch.
5. Hạn chế ăn uống ở lề đường
Thức ăn, đồ uống được bán ở lề đường dễ bị nhiễm khuẩn bởi môi trường ô nhiễm, có nhiều xe cộ, nhiều người qua lại, Đồng thời, thức ăn lề đường không đảm bảo được chế biến hợp vệ sinh. Bàn tay của người bán, chén dĩa đựng thức ăn, ống hút, đũa, muỗng,…là những thứ dễ mang mầm bệnh vào cơ thể của bạn. Theo một khảo sát gần đây về dịch tễ bệnh tiêu chảy, có đến 70 % các trường hợp người lớn bị tiêu chảy là do ăn uống tại những quán ven đường.
6. Vệ sinh nhà cửa
Vệ sinh nhà cửa sạch sẽ là một biện pháp phòng bệnh tiêu chảy thiết thực trong mùa nóng. Nhà ở là nơi chúng ta định cư và tiếp xúc thường xuyên với những đồ vật, không gian trong nhà. Vì vậy, nếu môi trường trong nhà bị ô nhiễm thì tất nhiên chúng ta sẽ dễ dàng bị bệnh. Cần vệ sinh nhà cửa thường xuyên để hạn chế sự tồn tại cũng như sự sinh sôi nảy nở của các vi sinh vật gây bệnh tiêu chảy.
7. Bảo quản thức ăn
Cần chú ý trong vấn đề bảo quản thức ăn. Trong mùa nóng, thức ăn dễ bị ôi thiu, vi khuẩn có điều kiện thuận lợi để phát triển. Nếu chúng ta ăn phải những loại thức ăn đó thì ta sẽ bị ngộ độc, tiêu chảy, có thể nguy hiểm đến tính mạng nhất là trẻ em, những người có sức đề kháng yếu. Vì vậy, cần bảo quản thực phẩm đúng cách, hạn chế ăn những thức ăn để qua ngày, thức ăn sắp hết hạn sử dụng.
8. Chế biến món ăn dặm phù hợp
Đây là một biện pháp phòng bệnh tiêu chảy cho trẻ em tuổi nhũ nhi và răng sữa. Hệ tiêu hóa của trẻ trong giai đoạn này chưa hoàn thiện như người lớn. Các men tiêu hóa chưa được bài tiết đầy đủ, hệ miễn dịch vẫn còn yếu. Đồng thời, đây cũng là thời kỳ chuyển từ sữa mẹ sang thức ăn dặm nên món ăn cần phải được chế biến kỹ càng, phù hợp, vệ sinh. Một sự bất cẩn trong chế biến món ăn dặm sẽ dẫn đến bệnh tiêu chảy và ảnh hưởng lớn đến sức khỏe của trẻ.
9. Điều trị bệnh cơ thể
Để phòng bệnh tiêu chảy, chúng ta không những tác động vào môi trường bên ngoài mà cũng cần phải chú ý đến tình trạng của cơ thể. Chúng ta có thể bị tiêu chảy do một bệnh lý cơ thể nào đó ở cơ quan khác gây nên bệnh cảnh tiêu chảy mà không phải do nhiễm khuẩn. Các bệnh thường gây tiêu chảy bao gồm cường giáp, hội chứng kém hấp thu, hội chứng ruột kích thích, suy thượng thận, u đại tràng,…
10. Vấn đề uống thuốc kháng sinh
Việc uống thuốc kháng sinh cần phải đúng chỉ định theo y lệnh của bác sĩ. Nếu uống kháng sinh tùy tiện, chúng ta có thể bị tiêu chảy do bệnh viêm ruột kết giả mạc, hoặc do vi khuẩn có ích trong đường ruột bị kháng sinh tiêu diệt tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn gây bệnh phát triển, hoặc do vi khuẩn đề kháng lại thuốc kháng sinh. Vì vậy, chỉ nên sử dụng kháng sinh khi có chỉ định của bác sĩ chuyên khoa.
Xem thêm: