Loét dạ dày tá tràng là một bệnh thường gặp ở nước ta cũng như trên thế giới. Tỷ lệ mắc bệnh tại Việt Nam là 5%, tại Mỹ là 1,9%, Nga 3-4%. Nam giới dễ mắc bệnh hơn so với nữ giới. Bệnh thường gặp trong độ tuổi từ 30-50 tuổi, nhưng cũng có thể gặp ở trẻ em.
Cơ chế gây loét dạ dày tá tràng là do sự mất cân bằng giữa yếu tố bảo vệ dạ dày và yếu tố phá hủy niêm mạc dạ dày. Trong đó, yếu tố phá hủy chính là acid chlohidric thường hoạt động trội hơn. Nguyên nhân gây loét rất đa dạng, bao gồm loét do nhiễm vi khuẩn Helicobacter pylori, do thuốc kháng viêm (corticoid, NSAID), ăn uống thực phẩm chứa nhiều acid, stress,…90-95% các trường hợp loét dạ dày tá tràng là do Helicobacter Pylori.
Loét dạ dày tá tràng nếu không được điều trị kịp thời sẽ dẫn đến các biến chứng nguy hiểm như thủng dạ dày, thủng tá tràng, ung thư dạ dày-tá tràng. Việc điều trị bệnh thường kéo dài đòi hỏi người bệnh phải tuân thủ theo y lệnh của bác sĩ. Sự diễn tiến dai dẳng của bệnh ảnh hưởng khá nhiều đến chất lượng cuộc sống và công việc của mỗi người. Vì vậy, vấn đề phòng bệnh có ý nghĩa và quan trọng hơn chữa bệnh.
Sau đây sẽ là 10 biện pháp phòng bệnh loét dạ dày tá tràng mà mỗi người nên biết để phòng ngừa cho bản thân và gia đình:
1. Diệt trừ Helicobacter pylori
Helicobacter pylori là một xoắn khuẩn gây viêm dạ dày, và sau đó thường dẫn đến loét dạ dày tá tràng. 90-95% các trường hợp loét dạ dày tá tràng là do nhiễm Helicobacter pylori. Vì vậy, việc diệt trừ Helicobacter pylori khi phát hiện cơ thể bị nhiễm là một biện pháp phòng bệnh loét dạ dày tá tràng quan trọng nhất.
2. Sử dụng thuốc kháng viêm đúng cách
Thuốc kháng viêm gồm có corticoid và NSAIDs. Bất kỳ loại thuốc kháng viêm nào cũng có nguy cơ gây loét dạ dày tá tràng ở một tỷ lệ nhất định. Vì vậy, một biện pháp phòng bệnh loét dạ dày tá tràng khá quan trọng là sử dụng thuốc kháng viêm đúng cách. Có nghĩa là: chỉ sử dụng khi thật cần thiết, khi có bệnh, không được uống quá liều, và nhất là phải uống theo toa của bác sĩ, không nên tự ý mua uống hoặc kết hợp các loại thuốc kháng viêm với nhau.
3. Hạn chế stress
Stress là một trong những nguyên nhân gây loét dạ dày tá tràng thường gặp ở các nước phát triển, nhưng gần đây cũng tăng lên ở các nước đang phát triển. Stress gián tiếp làm tăng tiết acid trong thành phần dịch tiêu hóa ở dạ dày và đó chính là yếu tố dẫn đến loét. Vì vậy, việc hạn chế để cơ thể rơi vào trạng thái stress cũng là một biện pháp phòng bệnh loét dạ dày tá tràng rất thiết thực.
4. Thức ăn ít acid
Hạn chế ăn những loại thức ăn chứa nhiều acid là một biện pháp phòng bệnh loét dạ dày tá tràng dễ thực hiện. Đó là những loại thức ăn có vị chua, chua cay, cay nóng. Khi ăn vào sẽ kích thích dạ dày tiết ra nhiều acid dẫn đến tăng nguy cơ loét. Do đó, cần chọn những loại thức ăn ít chua, cay như rau, thịt, trứng, khoai,… để bảo vệ dạ dày.
5. Thức uống ít acid
Tương tự như thức ăn, những loại thức uống có vị chua thường chứa nhiều acid và làm tăng nguy cơ loét dạ dày tá tràng khi uống vào. Chẳng hạn như nước chanh ít đường, nước ngọt có gas, nước ép các loại trái cây có vị chua,…Chọn uống những loại thức uống ít acid, ít chua như nước ép nho, táo, sapoche, bưởi chín,…để phòng bệnh loét dạ dày tá tràng hiệu quả.
6. Ăn đúng giờ
Ăn đúng giờ là một biện pháp phòng bệnh loét dạ dày tá tràng mà mọi người dễ quên nhất. Vì lý do bận công việc, thay đổi giờ làm, kẹt xe, quên giờ ăn,…nên nhiều người thường không ăn đúng giờ và đây là một yếu tố nguy cơ của bệnh loét dạ dày tá tràng. Tập thói quen ăn đúng giờ, hạn chế ăn trễ để giảm thiểu nguy cơ bệnh viêm loét.
7. Thói quen sinh hoạt
Có những thói quen sinh hoạt là nguy cơ cao của loét dạ dày tá tràng mà nhiều người không để ý như ngủ ít, thức khuya, dậy sớm, hoạt động nhiều về đêm,…Vì vậy, cần cải thiện những thói quen không tốt ấy để đề phòng mắc bệnh loét dạ dày tá tràng. Cụ thể là luyện tập sao cho cơ thể cảm thấy khỏe khoắn, hưng phấn khi làm việc, không có cảm giác uể oải, căng thẳng tâm lý.
8. Không bỏ bữa ăn sáng
Một biện pháp phòng bệnh loét dạ dày tá tràng cũng khá quan trọng là không bỏ bữa ăn sáng. Ăn sáng đầy đủ giúp cơ thể khỏe khoắn, có đủ năng lượng cho một ngày dài học tập và làm việc, tăng sức đề kháng của cơ thể với vi khuẩn Helicobacter pylori, giảm thiểu stress,…và nhiều lợi ích ý nghĩa khác.
9. Ăn chậm, nhai kỹ
Ăn chậm, nhai kỹ là một biện pháp phòng bệnh loét dạ dày tá tràng mà nhiều người dễ bỏ qua, đặc biệt là trẻ em. Trẻ em do chưa biết cách ăn chậm, nhai kỹ; người lớn do bận việc nên phải ăn nhanh. Ăn nhanh, nhai không kỹ là một nguyên nhân làm tăng nguy cơ mắc các bệnh về đường tiêu hóa như loét dạ dày tá tràng, viêm dạ dày, ăn không tiêu, chướng bụng đầy hơi, táo bón,…
10. Bỏ thuốc lá
Hút thuốc lá không chỉ là nguyên nhân gây ra loét dạ dày tá tràng mà còn làm tăng tỷ lệ loét của những người đang nhiễm Helicobacter pylori, người nghiện rượu, sử dụng thuốc kháng viêm. Đồng thời, hút thuốc lá làm giảm khả năng bài tiết chất nhầy của dạ dày – yếu tố bảo vệ niêm mạc dạ dày, kích thích dạ dày tiết acid. Vì vậy, bỏ hút thuốc lá là một biện pháp phòng bệnh loét dạ dày tá tràng rất cần thiết đối với những người đang nghiện hút.
Xem thêm: