Nôn ra máu là triệu chứng do những bệnh lý của đường tiêu hóa trên bao gồm miệng, hầu, thực quản, dạ dày, đoạn đầu ruột non. Nôn ra máu là một cấp cứu nội khoa. Mặc dù trong nhiều trường hợp, máu chảy sẽ nhanh chóng tự cầm nhưng bạn sẽ không chắc rằng nó sẽ ngừng chảy nếu bạn nôn ra máu lần đầu. Trong một số trường hợp, chảy máu có thể diễn tiến rầm rộ và nguy hiểm đến tính mạng.
Mặc dù có nhiều tiến bộ trong hồi sức – cấp cứu nhưng từ năm 1945 đến nay, tỷ lệ tử vong của những bệnh gây nôn ra máu vẫn không thay đổi bao nhiêu, từ 10-30% tùy theo bệnh lý và tình trạng của bệnh nhân lúc nhập viện. Có khá nhiều bệnh biểu hiện bằng triệu chứng nôn ra máu. Trong đó, có những bệnh cấp tính – mạn tính, cũng có những bệnh lành tính – ác tính. Vì vậy, việc phát hiện bệnh và điều trị kịp thời không những giúp ích cho công tác điều trị mà còn làm giảm tỷ lệ tử vong của bệnh.
Sau đây xin giới thiệu 10 bệnh gây nôn ra máu thường gặp mà bạn nên biết để phần nào chẩn đoán, có hướng xử trí phù hợp cho bản thân cũng như những người xung quanh nếu mắc phải:
1. Loét tá tràng
Loét tá tràng là bệnh gây nôn ra máu thường gặp nhất, chiếm tỷ lệ khoảng 24% các trường hợp nôn ra máu. 90-95% bệnh nhân bị loét tá tràng là do nhiễm vi khuẩn Helicobacter pylori. Loét tá tràng gây đau bụng vùng thượng vị, lệch sang phải. Đau giảm khi ăn no và tăng lên khi đói. Khi ổ loét ăn mòn vào mạch máu (động mạch hoặc tĩnh mạch) sẽ gây nên bệnh cảnh nôn ra máu dưới nhiều mức độ nặng nhẹ khác nhau.
2. Viêm dạ dày
Viêm dạ dày có thể do vi khuẩn Helicobacter pylori, do thuốc, do tăng bạch cầu ưa acid, do thức ăn, do hóa chất,…Tại vị trí viêm thường có hiện tượng sung huyết, dễ chảy máu khi gặp phải sự ma sát với những vật thể cứng. Vì vậy, người bị viêm dạ dày có thể nôn ra máu nếu thường xuyên ăn những loại thức ăn cay nóng, cứng hoặc nhai không kỹ dẫn đến xuất huyết dạ dày tại nơi viêm.
3. Loét dạ dày
Tương tự như loét tá tràng, loét dạ dày cũng là một bệnh gây nôn ra máu rất thường gặp, chiếm tỷ lệ khoảng 20% các trường hợp nôn ra máu. Nguyên nhân gây loét dạ dày bao gồm: vi khuẩn Helicobacter pylori, thuốc kháng viêm, thức ăn chứa nhiều acid, stress căng thẳng tâm lý,…Loét dạ dày gây đau bụng vùng thượng vị, có thể lệch sang phải hoặc trái. Đau tăng lên khi ăn no, giảm khi uống thuốc trung hòa acid. Nếu ổ loét thông với mạch máu sẽ gây nên bệnh cảnh nôn ra máu, tiêu phân đen hoặc đỏ sẫm tùy lượng máu chảy.
4. Viêm loét thực quản
Viêm loét thực quản do vi khuẩn, do uống thuốc tự tử hoặc uống nhầm dung dịch acid,…đều có thể gây nôn ra máu. Máu màu đỏ sẫm, đỏ tươi, có thể kèm theo thức ăn. Viêm loét thực quản là một thuật ngữ chung của 2 nhóm bệnh viêm thực quản và loét thực quản. Dù viêm hay loét thì triệu chứng cũng tương tự nhau, đó là: cảm giác đau tức ở vùng ngực, đau tăng lên khi nuốt thức ăn, nước uống và giảm khi đói. Kèm theo đó là cảm giác khó nuốt hoặc nuốt nghẹn. Viêm loét thực quản chiếm 13-15% các trường hợp nôn ra máu.
5. Hội chứng Mallory Weiss
Hội chứng Mallory Weiss đặc trưng bởi tình trạng xuất huyết đường tiêu hóa trên do vết rách dọc niêm mạc ở đường từ thực quản vào dạ dày. Hội chứng này có thể xảy ra sau bất kỳ sự kiện nào gây tăng đột ngột áp lực trong dạ dày hoặc sa dạ dày vào thực quản. Hội chứng này thường gặp ở những người uống rượu say, có nôn ói nhiều, chất nôn là thức ăn có lẫn máu. Nôn ra máu trong hội chứng Mallory Weiss có thể tự cầm nhưng cũng có những trường hợp nôn ra máu ồ ạt phải tiến hành cấp cứu.
6. Giãn tĩnh mạch thực quản
Giãn tĩnh mạch thực quản là một bệnh lý do sự giãn bất thường các tĩnh mạch ở phần dưới của thực quản, thường xảy ra ở những người bị bệnh gan. Các mạch máu ở thực quản giãn căng, sưng phồng và dễ vỡ gây xuất huyết và nôn máu. Nôn ra máu trong giãn vỡ tĩnh mạch thực quản thường là nôn máu ồ ạt, máu màu đỏ sẫm có thể kèm theo thức ăn trong dạ dày. Đây là một cấp cứu nội khoa cần được tiến hành nhanh chóng và chính xác nhằm cứu sống bệnh nhân. Tỷ lệ tử vong do giãn vỡ tĩnh mạch thực quản vào khoảng 5-7%.
7. Xơ gan
Xơ gan là hậu quả của nhiều bệnh gan mãn tính dẫn tới cấu trúc lá gan bị thay đổi hình thành các mô sẹo, mô xơ không còn chức năng. Các tế bào gan bình thường sẽ bị hư hại và chết dần. Xơ gan là một giai đoạn rất gần với ung thư gan. Tình trạng gan bị xơ gây tăng áp lực trong gan, tăng áp lực tĩnh mạch thực quản. Từ đó, các tĩnh mạch bị giãn to, căng phồng, dễ vỡ gây nên bệnh cảnh nôn ra máu.
8. Ung thư dạ dày
Ung thư dạ dày là một bệnh ác tính thường gặp nhất ở đường tiêu hóa. Những biểu hiện ban đầu của bệnh rất mơ hồ bao gồm mệt mỏi, chán ăn, sụt cân, khó tiêu,…rất dễ nhầm với viêm dạ dày. Một khi đã phát hiện thì bệnh thường ở giai đoạn muộn nên tỷ lệ tử vong do ung thư dạ dày vẫn còn cao, khả năng sống thêm 5 năm của bệnh nhân không mấy khả quan. Trong các thể bệnh của ung thư dạ dày thì ung thư thể loét dễ gây xuất huyết và nôn ra máu nhất.
9. Ung thư thực quản
Ung thư thực quản là bệnh lý ác tính đứng hàng thứ tư sau các ung thư tiêu hóa là ung thư dạ dày, ung thư gan và ung thư đại trực tràng. Phần lớn các trường hợp ung thư thực quản có biểu hiện rất nghèo nàn ở giai đoạn sớm, dễ nhầm lẫn với các bệnh lý khác ở thực quản và vùng hầu họng. Nuốt khó, nuốt nghẹn, nuốt đau, chảy nước bọt nhiều, hơi thở hôi,… là những triệu chứng điển hình của bệnh. Ngoài ra, ung thư thực quản có thể gây nôn ra máu nếu là ung thư thể loét xâm nhập vào mạch máu dẫn đến tình trạng xuất huyết.
10. Chấn thương
Những chấn thương ở vùng bụng (chấn thương kín hoặc hở) đều có thể gây xuất huyết dạ dày và nôn ra máu ở những tỷ lệ nhất định. Những chấn thương đụng dập mạnh, vết đâm, vết đạn bắn,…tại vùng bụng trên rốn có thể gây vỡ mạch máu tại dạ dày hoặc gây thủng dạ dày. Từ đó, tình trạng xuất huyết tiêu hóa trên và nôn ra máu sẽ xảy ra. Máu nôn ra có thể ít hoặc nhiều, đỏ tươi hoặc đỏ sẫm, kèm theo thức ăn trong dạ dày.
Xem thêm: