Đất nước Việt Nam ta vốn nổi tiếng bởi truyền thống dựng nước và giữ nước hào hùng, nổi tiếng bởi những danh lam thắng cảnh lộng lẫy, nên thơ, và đồng thời nổi tiếng bởi những món ẩm thực ngọt ngào hương vị. Người Việt Nam luôn tự hào vì có những món ăn đặc trưng, riêng biệt mang đậm bản sắc dân tộc, dạt dào tình cảm gửi gắm sâu xa. Trong đó, có những món bánh truyền thống Việt Nam nổi tiếng được nhiều nước trên thế giới biết đến và đánh giá cao.
Theo dòng lịch sử từ xưa đến nay, đã có những món bánh đặc sản Việt Nam đi vào huyền thoại, trở thành món bánh truyền thống quen thuộc không hề thay đổi hương vị qua hàng nghìn năm. Cũng có những loại bánh được cách tân đôi chút cho phù hợp với khẩu vị của con người đương đại. Nhưng nói chung, tất cả những món bánh đặc sản ấy đều rất ngon, rất quý và rất bình dị. Chúng mang hương vị của đất nước, của dân tộc, thể hiện được tài năng ẩm thực cùng bản sắc truyền thống của người Việt Nam.
Sau đây, bài viết sẽ giới thiệu đến bạn đọc 10 món bánh truyền thống Việt Nam nổi tiếng nhất, dễ làm và được nhiều bè bạn trên thế giới biết đến, đồng thời là niềm tự hào của người Việt Nam ta:
1. Bánh chưng – Bánh giầy
Nói đến những món bánh truyền thống Việt Nam, đầu tiên chúng ta phải nhắc đến cặp bánh chưng – bánh giầy gắn liền với sự tích về chàng hoàng tử Lang Liêu vào đời vua Hùng thứ 6. Sự tích trên muốn nhắc nhở con cháu về truyền thống của dân tộc, là lời giải thích ý nghĩa cũng như nguồn cội của bánh chưng – bánh giầy trong văn hóa, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của cây lúa và thiên nhiên trong nền văn hóa lúa nước.
Bánh chưng là một loại bánh truyền thống của dân tộc Việt nhằm thể hiện lòng biết ơn của con cháu đối với cha ông và đất trời xứ sở. Nguyên liệu làm bánh chưng gồm gạo nếp, đậu xanh, thịt lợn, lá dong và bánh thường được làm vào các dịp Tết cổ truyền của dân tộc Việt, cũng như ngày giổ Tổ Hùng Vương (mùng 10 tháng 3 âm lịch).
Bánh giầy là một loại bánh truyền thống của dân tộc Việt nhằm thể hiện lòng biết ơn của con cháu đối với cha ông và đất trời xứ sở. Bánh thường được làm bằng xôi đã được giã thật mịn, có thể có nhân đậu xanh và sợi dừa với vị ngọt hoặc mặn.
Là hai loại bánh duy nhất có lịch sử lâu đời trong ẩm thực truyền thống Việt Nam còn được sử sách nhắc lại, bánh chưng – bánh giầy có vị trí đặc biệt trong tâm thức của cộng đồng người Việt. Gói và nấu bánh chưng – bánh giầy, ngồi canh nồi bánh trên bếp lửa đã trở thành một tập quán, văn hóa sống trong các gia đình người Việt mỗi dịp tết đến xuân về.
2. Bánh đậu xanh
Bánh đậu xanh là một đặc sản của tỉnh Hải Dương đã có từ rất lâu đời. Với hương vị ngọt ngào, thơm nồng mùi đậu xanh, bánh mang đến cho ta sự thích thú khi thưởng thức. Trong tiết trời se lạnh cùng nhâm nhi chén trà, nếm vài miếng bánh đậu xanh quả là tuyệt vời. Nguyên liệu để chế biến bánh gồm: đậu xanh, đường kết tinh, mỡ lợn, tinh dầu của hoa bưởi. Tất cả đều được chọn lọc và được chế biến tinh khiết. Bốn nguyên liệu trên pha trộn với nhau theo một tỉ lệ hợp lý, vượt tỉ lệ đó bánh sẽ kém chất lượng. Giấy gói bánh, màu sắc của nhãn luôn được xem xét cẩn thận để bánh giữ được lâu và tôn vẻ đẹp của bánh.
3. Bánh cốm
Bánh cốm là một món bánh truyền thống Việt Nam đã nổi tiếng từ lâu, là đặc sản của làng Vòng, Hà Nội. Bánh cốm Hà Nội khác hẳn bánh cốm tại các tỉnh thành khác. Nó không trọng về khối lượng, kích thước mà trọng về mùi vị. Mỗi chiếc bánh mỏng, dẹt, có thể nhìn rõ cả lớp đậu xanh vàng óng trong nhân bánh. Lớp cốm dẻo mịn, màu xanh ngả vàng tự nhiên chứ không xanh biêng biếc.
Bánh gói trong một lớp nilon, đặt trong một chiếc hộp vuông màu xanh lá mạ. Sản xuất với số lượng lớn phục vụ đám cưới, hỏi của hàng ngàn người khắp các tỉnh thành, các công đoạn xay cốm, xào cốm tại làng Vòng có sự giúp sức của máy móc. Chỉ đến khi đóng gói bánh cốm mới làm bằng tay. Mỗi chiếc bánh để được từ 3 – 5 ngày, nhưng ăn ngon nhất là sau khi bánh làm được vài giờ. Lớp cốm dẻo quánh dậy mùi thơm của hạt cốm tươi, chút nhân đậu xanh, mứt bí ngọt ngào níu người ăn, chẳng ai nỡ lòng nào cắn một hai miếng mà hết ngay chiếc bánh dù nó mỏng dính, mềm mại.
4. Bánh gai
Bánh gai hay bánh ít lá gai là một loại bánh truyền thống Việt Nam, bắt nguồn vùng Đồng bằng Bắc bộ ở Việt Nam. Bánh có dạng hình vuông, màu đen, gói trong lá gai xám. Bánh gai có thể được thưởng thức như đồ tráng miệng sau bữa ăn chính. Bánh có vị ngọt, bùi, thơm ngậy do nhân bánh mang lại và dẻo, mát nhờ vào vỏ bánh.
Bánh gai về cơ bản gồm vỏ và nhân. Vỏ bánh gồm: bột gạo nếp (sau khi phơi khô, giã nhuyễn) và lá cây gai phơi khô và luộc kỹ, giã để lấy nước của lá gai trộn với bột. Nguyên liệu làm nhân bánh gồm: mỡ lợn thái nhỏ, trộn đường đem ủ cho miếng mỡ trong mới dùng cùng với tinh dầu thực vật như tinh dầu chuối; dừa thái miếng nhỏ, đậu xanh nấu chín, giã nhuyễn hay lạc, bí đao thái miếng, bỏ vỏ và ruột, hạt vừng, hạt sen. Sau khi đã chuẩn bị nhân và vỏ, gói bằng lá chuối khô, sau đó hấp chín.
5. Bánh đúc
Bánh đúc là một món bánh truyền thống Việt Nam khá quen thuộc, thường được làm bằng bột gạo (tại miền Bắc và miền Trung) hoặc bột năng (miền Nam) với một số gia vị. Bánh được làm thành tấm to, khi ăn thì cắt nhỏ thành miếng tùy thích.
Là món ăn dân dã thịnh hành khắp ba miền, bánh đúc ăn giòn, mát, mịn, no bụng mà lại dễ tiêu, dễ làm và giá thành cũng rất rẻ. Không chỉ được ăn như một thức ăn chân quê, bữa ăn sáng mà điển hình là bánh đúc chấm tương, bánh đúc cũng có thể ăn kèm với canh riêu cua, rau thơm, mắm tôm, mật ong, mật mía, mứt trái cây và thậm chí cả cá kho, thịt kho tùy thích. Từ loại bánh đúc thuần túy chỉ được làm bằng bột gạo pha với nước vôi trong ngai ngái mùi vôi, bánh đúc cũng đã có nhiều biến tấu như bánh đúc cẩm thạch, bánh đúc lạc, bánh đúc dừa, bánh đúc ngô,… Một số loại bánh đúc phổ biến như bánh đúc bột gạo, bánh đúc tàu, bánh đúc gân đá cẩm thạch, bánh đúc lạc, bánh đúc khoai môn, bánh đúc mặn,…
6. Bánh ít
Bánh ít là một loại bánh truyền thống Việt Nam khá phổ biến, được làm từ bột nếp và bột đậu xanh với phương pháp hấp cách thủy. Nhân bánh ít được xào chín trước khi gói cẩn thận bằng lá gai hoặc lá chuối tơ và có thể có hình dáng khác nhau như hình tam giác và hình vuông ở miền Bắc, hình trụ dài ở miền Trung, bánh ít hình tháp gói với lá chuối tươi ở miền Nam hay nhân có thể là nhân mặn hoặc nhân ngọt.
Nguyên liệu chính làm tạo nên hương vị bánh ít cũng giống như bánh giầy gồm đậu xanh, bột nếp và lá chuối hay lá gai. Đậu xanh tách vỏ được đồ chín, giã nhuyễn trộn với đường cùng với gạo nếp xay, gói trong lá chuối. Nhân bánh có thể dùng đậu xanh, đậu đen hay cơm dừa nạo nấu chín với đường, đôi khi người ta dùng tôm xào với thịt để làm nhân, đó là loại bánh ít mặn (ở Bình Định).
7. Bánh ú
Bánh ú nước tro là một món ăn truyền thống Việt Nam trong ngày tết Đoan Ngọ của người dân miền Nam. Ngày nay, chiếc bánh ú nước tro còn xuất hiện trong dịp lễ tết, hay đám giỗ. Bánh ú nước tro có hình chóp, to bằng nắm tay người lớn, bánh được gói bằng lá tre bên ngoài, bên trong là nếp và nhân đậu xanh. Thành phần có vẻ đơn giản nhưng để làm ra chiếc bánh ú nước tro thì phải trải qua nhiều công đoạn hết sức công phu. Những chiếc lá tre nhỏ nhắn, sợi lạt thanh mảnh bọc lấy những cái bánh trong ngần be bé, xinh xinh. Tất cả sự khéo léo, tinh tế đều nằm trong đó. Thú vị là loại bánh này càng nhỏ thì thể hiện người gói càng khéo tay.
8. Bánh da lợn
Bánh da lợn là loại bánh dân dã từ trẻ con đến người già, người ăn chay hay ăn mặn đều ưa thích. Có lẽ vì thế mà bánh da lợn luôn có mặt và gắn bó với đời sống văn hóa của người bình dân miền Tây sông nước. Với loại bánh này nên dùng chỉ, hoặc thanh tre cắt bánh thành những miếng hình thoi. Vì nếu dùng dao cắt, bánh sẽ bể, lớp này quện qua lớp kia, nhìn mất ngon. Có lẽ với lại bánh da lợn này thì đứa trẻ nào cũng thích gỡ từng lớp bánh để ăn, nhấn nhá để cảm nhận hết cái ngọt và vị thơm đặc trưng của các loại thực vật tạo màu cho miếng bánh. Cắn một miếng bánh dẻo thơm, hòa cùng vị bùi bùi của nhân đậu xanh, nước dừa béo ngậy, lá dứa thơm nhè nhẹ, rồi uống một ngụm trà thơm nóng sẽ khiến người ăn nhớ mãi món bánh tuy mộc mạc nhưng đậm đà tình nghĩa.
9. Bánh pía
Bánh pía là một trong những đặc sản của Sóc Trăng, do người Hoa di cư vào miền Nam sáng tạo ra. Bánh pía được làm bằng bột mì, sầu riêng, lòng đỏ trứng. Đôi khi bánh pía còn được gọi là bánh bía, bánh lột da. Bánh pía ngày trước cũng khá đơn giản, vỏ ngoài làm bằng bột mì có nhiều lớp da mỏng bao lấy phần nhân, lớp da ngoài dày thường để in chữ, nhân làm bằng đậu xanh và mỡ heo chứ không có lòng đỏ trứng muối và các loại thành phần khác như hiện nay. Do thị hiếu của người tiêu dùng mà các lò bánh mới thêm các thành phần hương liệu khác như sầu riêng, khoai môn, lòng đỏ trứng muối. Hiện nay, với sự phát triển của khoa học kỹ thuật, bánh pía có thêm nhiều loại hình mới như bánh pía môn, bánh pía thịt lạp,… Bánh được đóng gói và bảo quản kỹ hơn nên dùng được lâu hơn, và điều đặc biệt là hộp đựng bánh được phân ra thành từng cái chứ không đựng chung 4 cái 1 hộp như trước đây nữa giúp thực khách có thể sử dụng dễ dàng hơn.
10. Bánh tét
Một trong những món bánh truyền thống Việt Nam khá quen thuộc, dễ làm đó là bánh tét. Từ lâu, bánh tét hiện diện như một nét văn hóa độc đáo của người dân Nam Bộ. Đặc biệt trong những ngày giỗ, ngày lễ hội và ngày Tết, bánh tét là một trong những món không thể thiếu để các gia đình dâng cúng ông bà, tổ tiên. Hương vị bánh tét làm cho Tết cổ truyền trở nên ấm áp hơn.
Mỗi dịp xuân về, nếu ở miền Bắc, miền Trung có bánh chưng xanh thì ở miền Nam có bánh tét. Nguyên liệu gói bánh tét cũng là những nguyên liệu đậm chất quê hương như bánh chưng, gồm gạo nếp, đậu xanh, thịt lợn,… nhưng khác ở chỗ: nếu bánh chưng gói bằng lá dong thì bánh tét gói bằng lá chuối, nếu bánh chưng hình vuông thì bánh tét gói tròn, dài khoảng 20cm. Tuy nhiên, nhân bánh tét phong phú hơn, có thể là thịt, có khi làm bằng chuối chín.
Bánh tét có nhiều loại nhân và vị mặn, ngọt tùy ý người làm. Phần nếp, bánh tét cổ truyền thường được trộn thêm đậu đỏ hoặc đậu đen cho có sắc màu. Bánh tét được xem như một món ăn phổ biến không thể thiếu trong mâm cỗ ngày Tết của người dân Nam Bộ.