Theo định nghĩa về bảo hiểm, bệnh hiểm nghèo là một trong những bệnh hay tình trạng bệnh xảy ra hay tự nhiên xuất hiện lần đầu trong thời gian xuất hiện hợp đồng bảo hiểm có hiệu lực và người được bảo hiểm còn sống qua thời hạn quy định. Theo y học, người mắc bệnh hiểm nghèo là người đang bị mắc một trong những bệnh nguy hiểm đến tính mạng như ung thư, bại liệt, xơ gan mất bù, lao nặng, xơ cứng bì nặng, HIV-AIDS,…mà những bệnh này chưa có thuốc điều trị đặc hiệu hoặc chỉ có tác dụng kéo dài cuộc sống của bệnh nhân trong một thời gian ngắn. Người bệnh mắc bệnh hiểm nghèo thường sẽ phải rất tốn kém tiền bạc và thời gian để điều trị căn bệnh của mình, để có thể duy trì cuộc sống sinh hoạt như người bình thường.
Bệnh hiểm nghèo hiện đang là mối lo chung của toàn xã hội, gây ra khó khăn tài chính cho hàng trăm ngàn gia đình Việt Nam mỗi năm. Ngày nay, với những tiến bộ vượt bậc trong lĩnh vực y khoa và liệu pháp điều trị, bệnh hiểm nghèo có thể được phát hiện và điều trị sớm ngay từ giai đoạn đầu, giúp nhiều bệnh nhân có cơ hội trở lại với cuộc sống bình thường. Tuy nhiên, hầu hết người bệnh mắc các bệnh hiểm nghèo hiện nay có hoàn cảnh khó khăn và không thể chi trả cho việc điều trị nhằm kéo dài thêm cuộc sống thường nhật của mình.
Vì vậy, đối với những bệnh hiểm nghèo, mỗi người chúng ta cần có những hiểu biết nhất định và đặc biệt là phòng bệnh hơn chữa bệnh. Có tổng cộng trên 30 bệnh hiểm nghèo do Bộ Tài chính quy định. Sau đây, 10hay sẽ giới thiệu danh sách top 10 bệnh hiểm nghèo và những cách phòng tránh, đó là những bệnh thường gặp nhất trong cuộc sống ngày nay:
1. HIV-AIDS
Đầu tiên trong số những bệnh hiểm nghèo, không thể không nói đến căn bệnh thế kỷ HIV-AIDS. Đây là bệnh chưa có thuốc chữa trị đặc hiệu. Mọi nghiên cứu trên thế giới đã được tiến hành trong nhiều năm qua những vẫn chưa tìm ra được một giải pháp điều trị hữu hiệu nhất. Tuy nhiên gần đây, thuốc ARV đã được chứng minh có tác dụng kéo dài đời sống của bệnh nhân HIV. ARV là thuốc điều trị dùng cho những người nhiễm HIV, có tác dụng làm giảm sự phát triển của vi rút và làm chậm việc chuyển sang giai đoạn AIDS. Dùng ARV cho người nhiễm HIV được nhìn nhận là một trong những biện pháp tích cực giúp cải thiện sức khoẻ và kéo dài thời gian sống có ý nghĩa.
Phòng bệnh: HIV-AIDS lây truyền qua đường máu, đường tình dục và mẹ truyền sang con. Vì vậy, những biện pháp phòng bệnh tập trung vào việc truyền máu an toàn, phòng chống tệ nạn tiêm chích ma túy, mại dâm, tránh quan hệ tình dục bừa bãi, bố mẹ nhiễm HIV không nên có con.
2. Ung thư
Mặc dù y học ngày càng phát triển, những phương pháp chữa bệnh ung thư ngày càng được tối tân, tạo nên những cuộc cách mạng mạnh mẽ không ngừng nhưng bệnh ung thư vẫn đang hoành hành trên thế giới, tỷ lệ tử vong do bệnh vẫn tăng hàng năm. Lý do chủ yếu là đa phần bệnh được phát hiện ở giai đoạn muộn (giai đoạn 3, 4) nên khả năng điều trị khỏi là rất thấp. Gánh nặng xã hội do bệnh ung thư gây nên vẫn còn cao. Chính vì vậy, đối với bệnh ung thư thì phòng bệnh quan trọng gấp trăm nghìn lần chữa bệnh.
Phòng bệnh: tầm soát bệnh ung thư định kỳ; bỏ thuốc lá; hạn chế rượu bia, thức uống có cồn; tăng cường sử dụng thực phẩm chống ung thư như rau cải xanh, tỏi, trà xanh, cà chua,…; hạn chế tối đa sử dụng các thực phẩm dễ sinh ung thư như: thịt xông khói, thức ăn bị mốc, thức ăn đóng hộp,…
3. Bại liệt
Bại liệt là bệnh truyền nhiễm cấp tính do virut bại liệt gây ra. Bệnh lây theo đường hô hấp và đường tiêu hoá. Đặc điểm lâm sàng chủ yếu là những biểu hiện liệt mềm ngoại vi, không có rối loạn cảm giác kèm theo. Bệnh thường tản phát, đôi khi thành dịch ở những tập thể nhỏ như nhà trẻ, trường mẫu giáo, trường phổ thông cơ sở. Gặp ở thành phố nhiều hơn nông thôn và hay xảy ra vào cuối mùa xuân, đầu mùa hè hàng năm. Bệnh thường gặp ở trẻ em, lây truyền từ người sang người.
Phòng bệnh: Tiêm vắc xin là biện pháp phòng bệnh chủ động hiệu quả nhất. Hiện tại, chương trình tiêm chủng y tế quốc gia dành cho trẻ em đã có danh mục tiêm ngừa bại liệt. Vì vậy, các bậc cha mẹ nên cho con em tiêm ngừa đầy đủ để phòng bệnh hiệu quả nhất. Bên cạnh đó, chúng ta có thể đề phòng mắc bệnh bằng một số biện pháp như ăn chín, uống chín, rửa tay sạch trước khi chế biến thức ăn và sau khi đi vệ sinh.
4. Bệnh xơ cứng rải rác
Đây là một bệnh viêm tự miễn ảnh hưởng myelin của hệ thần kinh trung ương. Nó được biểu hiện bởi những mảng thoái hóa myelin khu trú xảy ra ở những thời gian và vị trí khác nhau trong hệ thần kinh trung ương. Bệnh có thể dẫn đến tàn phế vĩnh viễn và hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Các bệnh nhân thường có mệt mỏi mạn tính. Các triệu chứng tăng lên bởi nóng và hoạt động (hiện tượng Uhthoff). Những thiếu sót cũ cũng có thể xấu thêm do bệnh sẵn có, đặc biệt là nhiễm trùng như là nhiễm trùng đường tiểu hay nhiễm trùng đường hô hấp.
Phòng bệnh: việc phòng bệnh xơ cứng rải rác là khá khó khăn theo ý kiến của nhiều bác sĩ chuyên khoa. Mỗi người chúng ta có thể phòng bệnh chủ yếu bằng cách nâng cao sức đề kháng của cơ thể, điều trị triệt để những bệnh do virus gây nên, tập thể dục đều đặn, có chế độ ăn uống, làm việc, học tập, nghỉ ngơi hợp lý, hạn chế căng thẳng, stress, giữ gìn vệ sinh cá nhân,…
5. Bệnh Parkinson
Bệnh Parkinson hay liệt rung, là một bệnh thần kinh xảy ra do thoái hóa một nhóm tế bào nhân xám ở đáy não, dẫn đến làm giảm tiết chất dẫn truyền thần kinh có tên Dopamin. Bệnh tiến triển từ từ, ở giai đoạn đầu có thể không có biểu hiện đặc trưng, sau đó có thể xuất hiện tình trạng run tay, tăng trương lực cơ, co cứng, cử động chậm chạp khiến người bệnh khó khăn trong vận động và sinh hoạt.
Bệnh do một bác sĩ người Anh, tên là James Parkinson mô tả lần đầu tiên vào năm 1817. Từ đó trở đi, người ta gọi bệnh này theo tên của ông. Hiện nay trên thế giới có khoảng 6,3 triệu người mắc bệnh này. Bệnh thường bắt đầu ở người trên 60 tuổi, tuy nhiên có khoảng 1/10 số bệnh nhân bị khởi bệnh trước 50 tuổi và rất hiếm khi có người khởi phát ở tuổi 30.
Phòng bệnh: tuy đây là một bệnh do thoái hóa một tổ chức thần kinh bởi tuổi già nhưng bạn có thể phòng bệnh được ngay từ khi còn trẻ. Một số biện pháp phòng bệnh được nhiều nhà nghiên cứu khuyến khích gồm: tập thể dục đều đặn hàng ngày, có chế độ làm việc – học tập – sinh hoạt – nghỉ ngơi hợp lý, tắm nắng thường xuyên, uống trà xanh, ăn các loại quả mọng chứa Flavonoid, tránh xa môi trường độc hại, nhiều khói bụi.
6. Bệnh Alzheimer
Bệnh Alzheimer là một loại bệnh gây ra sự thoái hóa toàn bộ não bộ và không thể phục hồi. Các tế bào thần kinh ở võ não cùng với các cấu trúc xung quanh nó bị tổn thương dần dần làm giảm khả năng phối hợp vận động, rối loạn cảm giác cuối cùng gây ra tình trạng mất trí nhớ cho người bệnh. Đây được xem như là một trong số những bệnh hiểm nghèo vì bệnh khó chữa trị, chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và tiến triển lâu dài sẽ dẫn đến mất hoàn toàn khả năng làm việc cũng như duy trì cuộc sống sinh hoạt bình thường của người bệnh.
Phòng bệnh: chúng ta có thể phòng nguy cơ mắc bệnh Alzheimer khi về già bằng những biện pháp thiết thực, cụ thể như tập thể dục hàng ngày, ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng, hạn chế căng thẳng, stress, hạn chế thức khuya, rèn luyện trí nhớ thường xuyên, không hút thuốc lá, hạn chế rượu bia, tránh lạm dụng cà phê và các chất kích thích chống buồn ngủ,…
7. Đột quỵ
Đột quỵ hay Tai biến mạch máu não là một bệnh xảy ra khi việc cung cấp máu lên một phần bộ não bị đột ngột ngừng trệ. Tai biến mạch máu não có hai loại: nhồi máu não (do tắc mạch) hoặc chảy máu não (do vỡ mạch). Các triệu chứng thần kinh trung ương khu trú biểu hiện nhanh, ngay tức thì khi tổn thương mạch máu não xảy ra, nên tai biến mạch máu não còn được gọi là đột quỵ. Đột quỵ là bệnh của hệ thần kinh phổ biến nhất hiện nay. Đây được xem là một bệnh hiểm nghèo vì khi một người đã bị đột quỵ, khả năng lao động, sinh hoạt không còn như trước mà giảm sút rất nhiều, thậm chí có thể bị tàn phế.
Phòng bệnh: Bệnh đột quỵ hoàn toàn có thể dự đoán trước, với các biện pháp can thiệp kịp thời sẽ tránh bị xảy ra đột quỵ. Mọi người trên 50 tuổi, và có yếu tố nguy cơ đột quỵ cần kiểm tra định kỳ chuyên khoa để biết trước nguy cơ gần xảy ra đột quỵ. Cách phòng bệnh tốt nhất là thường xuyên tập thể dục, bỏ thuốc lá và rượu, bia, ăn nhiều rau quả, thịt gà và cá, bớt ăn thịt đỏ (heo hoặc bò) có nhiều mỡ động vật. Đồng thời, cần điều trị tốt các bệnh lý tim mạch, nội tiết như tăng huyết áp, rối loạn nhịp tim, đặt van tim nhân tạo, đái tháo đường, bệnh mạch vành,…
8. Suy gan
Suy gan là một hiện tượng đe dọa đến tính mạng, cần phải điều trị gấp. Theo từng năm, càng ngày càng có nhiều trường hợp bị suy gan. Bên cạnh suy gan thông thường, còn có suy gan cấp tính, hiếm hơn, xảy ra nhanh hơn, chỉ trong vòng chưa đến 48 tiếng đồng hồ và khó có thể xác định hơn. Các lý do phổ biến gây suy gan bao gồm bệnh nhân bị nhiễm virus viêm gan B, viêm gan C. Uống rượu lâu năm gây xơ gan, gan nhiễm mỡ… Cơ thể hấp thu, dự quá nhiều chất sắc do rối loạn di truyền cũng gây ra suy gan. Suy dinh dưỡng khiến gan không có đủ chất dinh dưỡng hoạt động, nên cũng dễ dàng gây suy gan.
Phòng bệnh: Cách tốt nhất để ngăn ngừa suy gan là làm giảm những nguy cơ gây suy gan như xơ gan hay viêm gan virus. Trước hết, hãy tiêm vắc xin chống viêm gan siêu vi, hoặc một liều miễn dịch để ngăn ngừa viêm gan A hay B. Thực hiện một chế độ ăn uống phù hợp với những nhóm thực phẩm có lợi. Hạn chế uống rượu. Khi uống thuốc giảm đau, kháng sinh cần có sự tư vấn của bác sĩ vì nhiều thuốc có thể gây độc gan dẫn đến suy gan. Giữ gìn vệ sinh cá nhân, ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng để tăng cường sức đề kháng cho cơ thể. Hạn chế tiếp xúc với những người đang nhiễm bệnh viêm gan do siêu vi, thực hiện an toàn trong truyền máu.
9. Lupus ban đỏ hệ thống
Lupus ban đỏ hệ thống là một bệnh tự miễn của mô liên kết, có thể ảnh hưởng đến mọi bộ phận cơ thể. Cũng như trong các bệnh tự miễn khác, hệ miễn dịch tấn công các tế bào và mô của cơ thể, gây viêm và hủy hoại mô. Lupus ban đỏ hệ thống gây nguy hiểm nhiều nhất cho tim, các khớp, da, phổi, các mạch máu, gan, thận, và hệ thần kinh. Quá trình phát triển bệnh rất khó đoán trước, có những giai đoạn bị ốm xen kẽ với những giai đoạn phục hồi. Lupus ban đỏ hệ thống có thể điều trị được bằng cách điều trị các triệu chứng của bệnh, chủ yếu bằng các corticosteroid và các chất ức chế miễn dịch; nhưng chưa có biện pháp chữa trị triệt để nào. Việc điều trị rất khó khăn và tốn kém nên bệnh được xếp vào những bệnh hiểm nghèo. Lupus ban đỏ hệ thống có thể nguy hiểm chết người, nhưng với những tiến bộ trong y học hiện nay, tử vong đang trở nên hiếm hơn. Tỉ lệ sống sót ở những bệnh nhân lupus ban đỏ hệ thống ở Hoa Kỳ, Canada, và châu Âu là khoảng 95% trong 5 năm, 90% trong 10 năm, và 78% ở 20 năm.
Phòng bệnh: Vì bệnh lupus ban đỏ hệ thống chưa được hiểu rõ nên cũng chưa thể phòng ngừa được, tuy nhiên khi bị bệnh, người ta có thể giảm thiểu tác hại, tăng cường chất lượng cuộc sống bệnh nhân bằng cách ngăn ngừa những đợt phát bệnh. Những dấu hiệu cảnh báo cho một cơn phát bệnh sắp xảy ra có thể là: mệt mỏi, đau, phát ban, sốt, đau bụng, đau đầu, và chóng mặt. Nếu sớm nhận ra các dấu hiệu cảnh báo và thường xuyên liên hệ với bác sĩ, bệnh nhân có thể chủ động hơn, ít đau hơn và giảm số lần đi bệnh viện.
Tăng cường sức đề kháng, hệ miễn dịch của cơ thể cũng là những biện pháp nhất định giúp hạn chế nguy cơ mắc bệnh. Vì vậy, một số biện pháp quen thuộc nên thực hiện như tập thể dục hàng ngày, ăn uống đầy đủ chất, hạn chế căng thẳng trong công việc, giữ vệ sinh cá nhân, hạn chế tiếp xúc với môi trường có nhiều khói bụi, chất độc,…
10. Chấn thương sọ não nặng
Chấn thương sọ não là tình trạng người bệnh bị sang chấn vào đầu gây tổn thương hộp sọ và các cấu tạo khác bên trong hộp sọ. Đây là nguyên nhân gây tử vong cao, để lại nhiều di chứng nặng nề cho người bệnh. Đặc biệt là chấn thương sọ não ở trẻ em luôn là mối nguy hiểm tiềm tàng. Chấn thương sọ não là loại tai nạn phổ biến ở mọi quốc gia, thường xảy ra ở những nước công nghiệp, nhất là các nước đang phát triển do sự gia tăng mật độ dân số, đô thị hóa nhanh với phương tiện giao thông có tốc độ cao lại cơ động trên mạng lưới đường sá, cầu cống chật hẹp, kém chất lượng, trong đó điều quan trọng là do trình độ và ý thức tự giác của con người.
Phòng bệnh: Chấn thương sọ não có thể xảy ra cho bất kỳ ai nếu chẳng may bị tai nạn (tai nạn giao thông, tai nạn trong sinh hoạt, tai nạn lao động,…). Đặc biệt, trẻ em và người già là hai đối tượng dễ bị chấn thương sọ não do tai nạn. Nguyên nhân chính vẫn là do tai nạn giao thông. Vì vậy, để đề phòng tai nạn xảy ra, cần phải chấp hành nghiêm chỉnh luật lệ an toàn giao thông và thực hiện đúng an toàn trong lao động sản xuất, đặc biệt là đội mũ bảo hiểm và mũ bảo hộ đúng quy định và đúng chất lượng.
Xem thêm: