Ngày 19/5 là ngày in đậm trong tâm trí mỗi người dân Việt Nam bởi vì chính ngày đó ở một vùng quê nghèo đã sinh ra vị lãnh tụ vĩ đại của đất nước Việt Nam. Người đã dẫn dắt toàn thể dân tộc ta thoát khỏi ách thống trị của bọ ngoại xâm, người đã bằng lý tưởng và lòng yêu nước của mình đập tan mọi âm mưu xâm chiếm mảnh đất thiêng liêng Việt Nam ta. Cứ mỗi dịp tháng 5 về khi mà mọi nơi trên đất nước đang dậy lên phong trào thi đua mừng ngày sinh nhật Bác. Hôm nay, cùng với không khí đó 10Hay xin được tưởng nhớ và nhắc nhở về ý nghĩa và nguồn gốc của ngày sinh chủ tịch Hồ Chí Minh 19/5.
Ngày 19/5 là ngày gì?
Ngày 19/5 là ngày sinh của Bác Hồ ( Hồ Chí Minh) – Người anh hũng vĩ đại, vị lãnh tụ tối cao, niềm tự hào của dân tộc Việt Nam chúng ta. Người khai sinh ra nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa và dẫn dắt đất nước để có được nền hòa bình độc lập như ngày hôm nay.
Ngày 19/5 có thật sự là ngày sinh nhật của Bác?
Bác Hồ vị lãnh tụ của chúng ta, cả cuộc đời hy sinh vì sự nghiệp, vì lý tưởng cho quê hương ấm no hạnh phúc. Nhiều người từng đặt câu hỏi : liệu ngày sinh của bác có thật sự vào ngày 19/5 hay không? Không ai biết được câu trả lời bởi vì vào ngày sinh nhật lần đầu tiên của mình 19/5/1946 cũng chính bác tự nói ra, và buổi lễ chúc mừng đó cũng nằm trong dự định hoạt động cách mạng của Bác.
Lúc nước VNDCCH mới thành lập còn biết bao khó khăn với bọn giặc vẫn còn lăm le tứ phía. Ngày 19/5/1946, cũng là ngày Đô đốc D’ Argenlieu, Cao ủy Pháp ở Đông Dương, nhân vật “diều hâu” tiêu biểu trong chính giới Pháp đến Hà Nội và đến gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh. Vì cuộc gặp mặt lại diễn ra trước ngày sinh nhật của vị nguyên thủ nước chủ nhà nên theo phép lịch sự, viên Đô đốc thực dân phải dành những lời lẽ thiện chí: “Ngày mai là lễ sinh nhật của Chủ tịch, tôi xin chúc mừng Chủ tịch trường thọ…”. Bác Hồ cũng đáp lại bằng những lời lẽ thân thiện: “Thủ đô nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa mới lấy làm sung sướng được đón tiếp người thay mặt nước Pháp…”. Nhờ không khí ấy mà những ý đồ ban đầu muốn tìm cách gây hấn của giới thực dân Pháp tạm phải gác lại. Cũng kể từ đó, ngày 19/5 chính thức được xác nhận như ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh
Ngày sinh nhật Bác 19/5 được bắt đầu từ năm nào?
Năm 1946 là năm kỷ niệm ngày sinh Bác Hồ lần đầu tiên. Sáng 19/5/1946, tại Bắc bộ Phủ, các đại biểu thiếu nhi thủ đô, tự vệ, hướng đạo và hơn 50 đại biểu Nam bộ đã đến chúc mừng sinh nhật Bác. Và cũng từ đó, vào những dịp sinh nhật Bác, đồng bào, đồng chí và bạn bè quốc tế lại gửi tới Người những bó hoa tươi thắm và những lời chúc mừng tốt đẹp nhất. cứ đến dịp 19/5, toàn dân ta cùng sống những giờ phút đặc biệt, niềm vui dâng trào, kính yêu Bác vô hạn.
Các lần tổ chức sinh nhật Bác 19/5
Sáng ngày 19-5-1946, tại Bắc bộ Phủ, các đại biểu thiếu nhi thủ đô, tự vệ, hướng đạo và hơn 50 đại biểu Nam Bộ đã đến chúc mừng sinh nhật Bác. Cùng ngày 19-5-1946, lực lượng Thanh niên Thủ đô đã tổ chức tuần hành thị uy mừng sinh nhật Bác Hồ.
Sáng sớm ngày 19-5-1948, ở chiến khu Việt Bắc, các đồng chí phục vụ đã mang một bó hoa rừng đến chúc mừng sinh nhật Bác, chúc Bác mạnh khoẻ sống lâu. Nhận bó hoa rừng và những lời chúc mừng của các đồng chí phục vụ, Bác rất xúc động rơm rớm nước mắt
Sáng ngày 19-5-1954 đoàn đại biểu gồm 5 chiến sĩ tiêu biểu có công nhất trong chiến dịch Điện Biên Phủ được về báo cáo thành tích với Bác và dự lễ sinh nhật của Người. Được vinh dự gặp Bác, các chiến sĩ ai cũng hồi hộp, xúc động. Bác khen ngợi và hỏi về đời sống chiến đấu ở Điện Biên Phủ cũng như hoàn cảnh gia đình của từng người.
Cũng như nhiều dịp kỷ niệm ngày sinh nhật của Bác, đúng vào dịp kỷ niệm sinh nhật Bác năm 1965 Bác Hồ lại đi công tác xa. Biết trước được điều đó nên ngày 14-5-1965 các đồng chí trong Bộ Chính trị và một số đồng chí uỷ viên Trung ương Đảng tranh thủ thời gian tới chúc thọ sinh nhật Người.
Buổi sáng sớm ngày 19-5-1969, Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn dậy sớm như thường lệ và cố gắng tập những động tác thể dục đơn giản nhất. Bác rất cố gắng và kiên trì tập ném bóng vào cái giỏ đựng giấy để cách xa khoảng vài mét ở dưới nhà sàn. Bác đang bình tĩnh chuẩn bị ra đi vào cõi vĩnh hằng nhưng vẫn kiên nhẫn muốn có thêm thời gian, thêm sức khoẻ ở lại với đồng bào, đồng chí, vì sự nghiệp cách mạng chưa trọn vẹn, miền Nam chưa được giải phóng, đất nước chưa được thống nhất.
Sinh nhật Bác Hồ năm 1969 diễn ra bình thường như những ngày làm việc của Bác và tất cả mọi người đều không ai nghĩ rằng đó là dịp kỷ niệm sinh nhật Bác Hồ lần cuối cùng.
Tóm tắt tiểu sử của Chủ tịch Hồ Chí Minh
Chủ tịch Hồ Chí Minh quê ở làng Sen, xã Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An, nhưng được sinh ra ở quê ngoại là làng Hoàng Trù (tên Nôm là làng Chùa, nằm cách làng Sen khoảng 2 km) và sống ở đây cho đến năm 1895. Hai làng này vốn cùng nằm trong xã Chung Cự, thuộc tổng Lâm Thịnh, huyện Nam Đàn.
Cha của Bác Hồ là một nhà nho, tên là Nguyễn Sinh Sắc, từng đỗ phó bảng. Mẹ là bà Hoàng Thị Loan, và có một người chị là Nguyễn Thị Thanh, một người anh là Nguyễn Sinh Khiêm (tự Tất Đạt, còn gọi là Cả Khiêm) và một người em trai mất sớm là Nguyễn Sinh Nhuận (1900-1901, tên khi mới lọt lòng là Xin).
Tóm tắt cuộc đời hoạt động của Chủ Tịch Hồ Chí Minh
Với tinh thần yêu nước nồng nàn, thương dân sâu sắc, sự nhạy bén về chính trị, người đã bắt đầu suy nghĩ về những nguyên nhân thành bại của các phong trào yêu nước lúc bấy giờ và quyết tâm ra đi tìm con đường để cứu dân, cứu nước.
Tháng 6 năm 1911, Người đi ra nước ngoài, suốt 30 năm hoạt động, Người đã đi đến nước Pháp và nhiều nước châu Âu, châu Á, châu Phi, châu Mỹ.
Năm 1917, thắng lợi của Cách mạng tháng Mười Nga và sự ra đời của Quốc tế Cộng sản đã đưa người đến với chủ nghĩa Mác – Lênin.
Tháng 12 năm 1920, tại Đại hội lần thứ 18 người bắt đầu chuyển từ chủ nghĩa yêu nước chân chính đến chủ nghĩa cộng sản.
Ngày 30/6/1923, Người đến Liên Xô và bắt đầu một thời kỳ hoạt động, học tập và nghiên cứu về chủ nghĩa Mác – Lênin, về chế độ xã hội chủ nghĩa ngay trên đất nước Lênin vĩ đại.
Năm 1925, tại Quảng Châu (Trung Quốc), Người tham gia thành lập Hội Liên hiệp các dân tộc bị áp bức Á Đông.
Ngày 3/2/1930, tại Cửu Long (Hồng Kông), Người triệu tập Hội nghị hợp nhất các tổ chức cộng sản trong nước, thống nhất thành Đảng Cộng sản Việt Nam.
Sau 30 năm hoạt động ở nước ngoài, năm 1941 Người về nước, triệu tập Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ tám, quyết định đường lối đánh Pháp, đuổi Nhật, thành lập Mặt trận Việt Minh.
Tháng 8 năm 1945, Người được cử làm Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Thay mặt Chính phủ lâm thời, Người đã phát lệnh tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước.
Ngày 2/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Tháng 9 năm 1960, tại Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ ba của Đảng Lao động Việt Nam, Hồ Chí Minh được bầu làm Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Dưới sự lãnh đạo của Người, nhân dân ta vừa xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, vừa tiến hành cuộc kháng chiến chống Mỹ, bảo vệ miền Bắc, giải phóng miền Nam, thống nhất nước nhà, đưa cả nước tiến lên chủ nghĩa xã hội.
Ngày 2/9/1969, mặc dù đã được các giáo sư, bác sĩ tận tình cứu chữa nhưng do tuổi cao sức yếu Người đã từ trần, hưởng thọ 79 tuổi.
Cuộc đời Chủ tịch Hồ Chí Minh là một cuộc đời trong sáng cao đẹp của một người cộng sản vĩ đại, một anh hùng dân tộc kiệt xuất, một chiến sĩ quốc tế lỗi lạc, đã đấu tranh không mệt mỏi và hiến dâng cả đời mình cho Tổ quốc, cho nhân dân, vì lý tưởng cộng sản, vì độc lập, tự do của các dân tộc bị áp bức, vì hòa bình và công lý trên thế giới.
Những ca khúc khiến bạn xúc động trong ngày sinh nhật Bác
Những ca khúc viết về Hồ Chí Minh sẽ sống mãi trong lòng con dân đất Việt, cũng như hình ảnh Bác mãi trường tồn với thời gian.
- Bài ca Hồ Chí Minh – Tác giả:
- Bác Hồ – Một tình yêu bao la – Tác giả: Thuận Yến
- Việt Nam ơn Người – Tác giả: Lưu Cầu
- Ca ngợi Hồ Chủ tịch – Tác giả: Văn Cao
- Ai yêu Bác Hồ Chí Minh hơn thiếu niên nhi đồng – Tác giả: Phong Nhã
- Tiếng hát giữa rừng Pác Bó – Tác giả: Nguyễn Tài Tuệ
- Bác đang cùng chúng cháu hành quân – Tác giả: Huy Thục
- Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng – Tác giả: Phạm Tuyên
- Em mơ gặp Bác Hồ – Tác giả: Xuân Giao
- Đêm Trường Sơn nhớ Bác – Tác giả: Trần Chung
- Hồ Chí Minh đẹp nhất tên Người – Tác giả: Trần Kiết Tường
- Lời Bác dặn trước lúc đi xa – Tác giả: Trần Hoàn
Những thước phim về cuộc đời Bác
- Hẹn gặp lại Sài Gòn : Sản xuất năm 1990 nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh. Phim kể lại câu chuyện chàng trai 20 tuổi Nguyễn Tất Thành đầy hoài bão và đau đáu trong lòng nỗi đau nước mất, nhà tan.
- Hà Nội mùa Đông năm 46 : Được sản xuất năm 1997. Năm 1946 là quãng thời gian có ý nghĩa lịch sử vô cùng quan trọng. Đây là lúc thực dân Pháp nung nấu dã tâm xâm lược Việt Nam lần thứ hai. Trước tình thế đất nước “ngàn cân treo sợi tóc”, Bác quyết định đưa ra Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến.
- Nguyễn Ái Quốc ở Hồng Kông : Là Bộ phim tái hiện chín phiên tòa xét xử Nguyễn Ái Quốc năm 1931 sinh động và lôi cuốn.
- Nhìn ra biển cả : Sản xuất nhân dịp kỷ niệm 120 năm ngày sinh của Bác và ra mắt đúng dịp Giải phóng miền Nam 30/4. Kể về thầy giáo Nguyễn Tất Thành vừa dạy học vừa nung nấu quyết tâm muốn tìm ra biển lớn để làm việc lớn. .
- Hồ Chí Minh – Chân dung một con người : Tập hợp những tư liệu quý giá về Hồ Chí Minh, trong đó có nhiều thước phim chưa từng được sử dụng trước đó như: hình ảnh Bác cởi trần tắm suối, tự giặt quần áo rồi phơi trên cây sào.
Ngày 19 tháng 5! Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong quá khứ cũng như trong tương lai, mãi mãi là một trong những ngày vui nhất của dân tộc Việt Nam, ngày hướng về một lẽ sống cao đẹp nhất của con người.