Trong cuộc đời của mỗi người, từ lúc sinh ra đến lúc mất đi, ai cũng phải trải qua quá trình sinh trưởng, phát triển, đi kèm với quá trình sinh – lão – bệnh – tử. Đó là một quy luật tự nhiên mà không ai có thể chống lại được. Trong đó, việc bị bệnh là một điều hiển nhiên mà mỗi người ít nhất phải trải qua một lần trong đời. Khi một người mắc bệnh có nghĩa là sức khỏe của người ấy đã bị suy yếu và cần phải được điều trị để phục hồi lại trạng thái ban đầu. Tuy nhiên không phải bệnh nào cũng có thuốc điều trị, hiện nay có rất nhiều bệnh chưa có thuốc điều trị trên thế giới.
Cơ thể người là một khối thống nhất, hoàn thiện và tiến hóa hơn những loài vật bậc thấp khác. Có thể nói hệ thống miễn dịch của con người phát triển mạnh hơn những loài vật khác. Bên cạnh đó, qua những lần bị bệnh – chữa bệnh – hồi phục, sức đề kháng của cơ thể người ngày càng được hoàn thiện hơn, chọn lọc hơn và có thể tự chống lại được nhiều tác nhân gây bệnh.
Bệnh ở người gây ra do nhiều tác nhân, bao gồm: vi khuẩn, virus, nấm, ký sinh trùng, hóa chất, vật lý,… thậm chí có những bệnh do chính cơ thể người tạo ra kháng thể chống lại chính mình. Vì vậy, cơ chế gây bệnh rất đa dạng. Một người mắc bệnh có thể do lần đầu tiếp xúc với tác nhân gây bệnh, cơ thể đang bị suy yếu hoặc chưa có sức đề kháng đối với tác nhân đó. Sau khi mắc bệnh, người bệnh sẽ tự khỏi hoặc cần được điều trị bằng các loại thuốc chuyên biệt mới hết bệnh. Các thuốc chữa bệnh bao gồm: kháng sinh, kháng virus, kháng nấm, kháng viêm,… Sau quá trình điều trị, có bệnh sẽ được chữa khỏi hoàn toàn, có bệnh để lại di chứng tạm thời hoặc lâu dài, có bệnh không thể nào chữa khỏi mà chỉ thuyên giảm ít hay nhiều.
Từ xưa đến nay, nền y học đã từng chứng kiến nhiều bệnh gọi là “nan y”, không có thuốc chữa trị đặc hiệu, để lại hậu quả là dịch bệnh lây lan nhanh chóng, số người tử vong do bệnh không ngừng tăng cao như sốt rét, dịch hạch, dịch tả,… Tuy nhiên, nhờ sự phát triển ngày càng mạnh mẽ về khoa học kỹ thuật, dược học, nhiều nghiên cứu, phát minh, các phương tiện hỗ trợ chẩn đoán và điều trị, hàng loạt các loại thuốc mới và các phương pháp chữa bệnh hiện đại đã ra đời, xóa bỏ nhiều bệnh trong danh sách những bệnh nan giải trước đây, đưa loài người đến một kỷ nguyên mới đầy triển vọng về sức khỏe và điều trị bệnh.
Thời điểm hiện tại, mặc dù ngành y đã phát triển gấp nhiều lần so với những thế kỷ trước nhưng vẫn tồn tại nhiều bệnh mà các bác sĩ phải “bó tay”, không thể điều trị khỏi hoặc chỉ điều trị triệu chứng, làm cho bệnh thuyên giảm phần nào, giúp người bệnh bớt mệt mỏi, đau đớn. Sau đây là thống kê 10 bệnh “nan y” của nền y học hiện đại. Có bệnh rất quen thuộc, nhưng cũng có bệnh khá mới mẻ mà nhiều thầy thuốc chưa kịp tìm ra biện pháp để đối phó:
1/ U sợi thần kinh:
Tên gọi quốc tế là bệnh Von Recklinghausen. Đây là bệnh u lành thần kinh, do rối loạn nhiễm sắc thể của hệ thống thần kinh, có thể từ nhẹ đến nặng, gây biến dạng nhẹ hoặc tàn phế nặng nề. Triệu chứng của bệnh là các khối u lành tính nổi trên da, số lượng từ vài u đến vài trăm khối u, kích thước đa dạng, cứng hoặc mềm, có thể đau hoặc không. Bệnh thường gây mất thẩm mỹ và trở ngại ít nhiều đến sinh hoạt, việc làm của người bệnh, đôi khi cần đến sự can thiệp của phẫu thuật. Bệnh có thể kèm theo mờ mắt, động kinh, chậm phát triển trí tuệ,…
2/ SARS:
Đây là hội chứng suy hô hấp cấp tính nặng do một loại virus thuộc dòng Coronavirus gây ra. Triệu chứng của bệnh bao gồm sốt cao, ho, ớn lạnh, khó thở, suy hô hấp và dễ dẫn đến tử vong. SARS lây chủ yếu qua đường hô hấp và có thể gây ra dịch lớn. Hiện tại, các nhà khoa học vẫn chưa tìm được loại thuốc điều trị bệnh này. Các thuốc kháng sinh và kháng virus dường như vô hiệu đối với SARS. Rất may mắn là từ năm 2004, dịch SARS đã dường như giảm xuống bằng 0 trên toàn thế giới.
3/ MERS:
Còn gọi là Hội chứng hô hấp Trung Đông. Đây là một bệnh gây ra do một loại siêu vi thuộc dòng Coronavirus. Virus này được cho là lây từ súc vật sang người. Trường hợp bệnh đầu tiên đã được báo cáo vào năm 2012 tại Ả Rập Xê Út. Tương tự như bệnh SARS, người mắc bệnh MERS cũng có các triệu chứng rầm rộ về hô hấp như sốt cao, ho, khó thở, có thể suy hô hấp. Bệnh thường gây thành dịch lớn do lây truyền qua đường không khí. Hiện chưa có thuốc đặc trị mà chủ yếu là chăm sóc y tế và hỗ trợ hô hấp cho bệnh nhân.
4/ Ebola:
Bệnh có nguồn gốc từ châu Phi và còn được gọi là sốt xuất huyết Ebola. Bệnh do virus Ebola, thuộc dòng Filoviridae gây ra. Người mắc bệnh do tiếp xúc với máu hoặc chất dịch cơ thể của động vật bị nhiễm virus (khỉ, tinh tinh, dơi, nhím,…). Khi người bị nhiễm bệnh thì bệnh có thể lây truyền từ người sang người. Triệu chứng của bệnh bao gồm sốt cao, đau đầu, nôn ói, tiêu chảy, xuất huyết nhiều nơi trên cơ thể: tiêu ra máu, tiểu ra máu, nôn ra máu, xuất huyết da niêm,…Hiện chưa có văc xin phòng bệnh cũng như chưa có thuốc tiêu diệt loại virus nguy hiểm này.
5/ Bệnh dại:
Bệnh dại là bệnh truyền nhiễm cấp tính gây ra do một loại siêu vi trùng thuộc họ Rhabdoviridae. Người mắc bệnh dại đa số là do súc vật dại cắn, virus tồn tại trong nước bọt của súc vật và lây truyền sang người. Các loài vật có thể lây truyền bệnh dại như chó, mèo, khỉ, dơi, chồn,… Một số ít trường hợp bệnh dại có thể lây qua đường hô hấp do hít phải không khí bị ô nhiễm như trong các hang động có nhiều dơi trú ẩn hoặc trong các phòng thí nghiệm nuôi cấy siêu vi trùng dại. Khi bệnh nhân bị bùng phát cơn bệnh dại thì hầu như nhanh chóng tử vong trong vòng vài ngày và không thể điều trị bằng bất kỳ loại thuốc nào. Vì vậy, biện pháp tốt nhất là nếu bị súc vật cắn hoặc nghi ngờ nhiễm virus bệnh dại, cần đến cơ sở y tế để tiêm ngừa bệnh dại bằng các loại huyết thanh kháng dại đặc hiệu.
6/ Bệnh cúm gia cầm H5N1:
Đây là một đại dịch cúm đến nay vẫn còn gây ám ảnh cho nhiều người. Bệnh do virus cúm type A, chủng H5N1 gây nên. Người bị mắc bệnh do tiếp xúc trực tiếp với gia cầm bị nhiễm virus, hoặc tiếp xúc với chất tiết, chất thải, hoặc ăn thịt, trứng gia cầm nhiễm bệnh. Triệu chứng của bệnh bao gồm sốt cao liên tục, ho, đau nhức cơ, thở nhanh, dần dần đến suy hô hấp và tử vong. Điều trị chủ yếu là cách ly người bệnh, chăm sóc y tế, hỗ trợ hô hấp. Các thuốc kháng virus chưa đem lại hiệu quả trong điều trị bệnh này.
7/ Suy tủy:
Mặc dù tỷ lệ hiện mắc của bệnh suy tủy chưa cao nhưng số người mắc bệnh có xu hướng tăng trong những năm gần đây. Suy tủy là một loại bệnh nặng, do tủy xương bị suy yếu, không đủ khả năng sản xuất ra các tế bào máu như gồm hồng cầu, bạch cầu, tiểu cầu. Người bệnh thường có biểu hiện thiếu máu từ nhẹ đến nặng, xanh tím, dễ bị nhiễm trùng, xuất huyết da niêm. Suy tủy có thể bẩm sinh, cũng có thể thứ phát sau nhiễm độc, sử dụng thuốc, nhiễm xạ, nhiễm khuẩn, nhiễm virus,…Dù tìm được nguyên nhân gây suy tủy hay không thì việc điều trị bệnh còn là một vấn đề rất hạn chế. Ngoài phương pháp ghép tủy cho kết quả không khả quan mấy thì hầu như chưa có thuốc điều trị triệt để căn bệnh này.
8/ Sốt xuất huyết:
Bệnh này hẳn đã rất quen thuộc đối với nhiều người, và thực tế là từ xưa đến nay, bệnh vẫn chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Bệnh do virus có tên là Dengue gây ra, lây truyền qua đường muỗi đốt. Muỗi vằn Aedes hút màu từ người mang virus và truyền cho người lành. Triệu chứng của bệnh bao gồm sốt cao, đau nhức cơ, xuất huyết từ nhẹ đến nặng: chảy máu chân răng, nôn máu, tiểu máu, dầu xuất huyết trên da, rong kinh,… Có thể kèm theo sốc, chân tay lạnh, huyết áp hạ, suy đa cơ quan và tử vong. Điều trị chủ yếu là điều trị triệu chứng, hạ sốt, truyền dịch. Hiện chưa có văc xin phòng bệnh và thuốc chữa bệnh đặc hiệu.
9/ Viêm gan siêu vi:
Viêm gan siêu vi là một nhiễm trùng toàn thân do các loại siêu vi có ái tính với tế bào gan gây viêm nhiễm và hoại tử tế bào gan, dần dần đưa đến xơ gan và ung thư gan. Có nhiều loại siêu vi gây ra bệnh viêm gan, thường gặp là A, B, C, D, E, EBV. Trong đó, hai loại siêu vi B và C là nguy hiểm nhất vì chưa có thuốc điều trị và tỷ lệ mắc bệnh cũng như khả năng lây lan cao trong cộng đồng. Bệnh lây truyền qua đường máu, đường tình dục hoặc từ mẹ sang con. Bệnh thường diễn tiến âm thầm, không có triệu chứng rõ rệt nên dễ dàng lây lan mà khó có thể nhận biết. Người bệnh có thể có những triệu chứng không điển hình như rối loạn tiêu hóa, mệt mỏi, vàng da, vàng mắt. Hiện tại đã có văc xin phòng ngừa bệnh viêm gan siêu vi có hiệu quả phòng bệnh trên 10 năm hoặc suốt đời.
10/ HIV – AIDS:
Bệnh này được các nhà khoa học gọi là căn bệnh thế kỷ, là viết tắt của Hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải. Bệnh được phát hiện vào năm 1981 và đến nay vẫn chưa có một loại thuốc nào điều trị khỏi bệnh. Bệnh do một loại virus có tên HIV, thuộc họ Retroviridae gây nên. Virus này tấn công vào hệ thống miễn dịch của cơ thể, làm suy yếu kháng thể. Người bệnh tử vong do mắc phải một bệnh nhiễm trùng cơ hội như: lao, nấm, nhiễm khuẩn Cryptococcus, Herpex,…Bệnh lây truyền qua đường máu, đường tình dục và từ mẹ sang con. Bệnh diễn tiến âm thầm và có giai đoạn gọi là “cửa sổ” (đang nhiễm bệnh nhưng xét nghiệm âm tính) nên bệnh rất dễ lây lan. Triệu chứng của bệnh khá đa dạng, thường là sốt kéo dài, tiêu chảy, sụt cân, phát ban. Có thể có biểu hiện ở nhiều cơ quan khác như viêm phổi, viêm da, nổi hạch, viêm gan, viêm khớp, viêm cơ tim,…Mặc dù đã có nhiều nghiên cứu về thuốc điều trị nhưng hầu hết các thuốc chỉ có tác dụng kéo dài cuộc sống của người bệnh, hoặc làm chậm quá trình phát triển của virus HIV, làm chậm giai đoạn từ HIV chuyển sang AIDS. Tuy nhiên, có một điều đáng mừng là những trường hợp phơi nhiễm với HIV, hoặc phát hiện có khả năng bị nhiễm HIV trong vòng 48 giờ đầu có thể không nhiễm bệnh nếu được điều trị theo phác đồ chống phơi nhiễm (gọi là ARV) trong thời gian 4 tuần.
11/ Ung thư:
Ung thư là một nhóm các bệnh liên quan đến việc phân chia tế bào một cách vô tổ chức và những tế bào đó có khả năng xâm lấn những mô khác bằng cách phát triển trực tiếp vào mô lân cận hoặc di chuyển đến nơi xa (di căn). Hiện có khoảng 200 loại ung thư.
Nguyên nhân gây ung thư là sự sai hỏng của ADN, tạo nên các đột biến ở các gene thiết yếu điều khiển quá trình phân bào cũng như các cơ chế quan trọng khác. Một hoặc nhiều đột biến được tích lũy lại sẽ gây ra sự tăng sinh không kiểm soát và tạo thành khối u. Khối u là một khối mô bất thường, có thể ác tính, tức ung thư hoặc lành tính, tức không ung thư. Chỉ những khối u ác tính thì mới xâm lấn mô khác và di căn. Khái niệm ác hay lành tính ở đây nên hiểu về mặt giải phẫu bệnh học nhiều hơn là về khả năng gây chết người. Thật vậy, một người có thể sống nhiều năm với một ung thư hắc tố da, trong khi một khối u “lành tính” trong hộp sọ có thể chèn ép não gây tàn phế hoặc tử vong.
Ung thư có thể gây ra nhiều triệu chứng khác nhau phụ thuộc vào vị trí, đặc điểm và khả năng di căn của khối u. Chẩn đoán xác định ung thư thường đòi hỏi phải sinh thiết rồi quan sát trên kính hiển vi. Người bị ung thư có thể được chữa trị bằng phẫu thuật, hóa trị liệu hoặc xạ trị liệu.
Nếu không được chữa trị sớm, hầu hết các loại ung thư có thể gây tử vong, đây là một trong những nguyên nhân gây tử vong chính trong những nước phát triển. Hầu hết các bệnh ung thư có thể chữa trị và nhiều bệnh có thể chữa lành, nếu được phát hiện và điều trị sớm.
Nhiều dạng ung thư có liên quan đến các yếu tố môi trường mà có thể tránh khỏi. Hút thuốc lá là một trong những yếu tố gây nguy cơ ung thư nhiều nhất.