Bệnh tự kỷ thường xuất hiện ở trẻ em, là một rối loạn tâm thần nặng, mạn tính, được Leo Kanner mô tả vào năm 1943. Từ lâu chúng vẫn được cho là một dạng của bệnh tâm thần phân liệt ở trẻ em. Tần suất mắc bệnh là 2-5/10.000 trẻ < 12 tuổi. Bệnh khởi phát rất sớm < 36 tháng tuổi, đôi khi được cha mẹ nhận thấy vào tuần đầu tiên sau sinh.
Bệnh tự kỷ thường gặp ở nam > nữ với tỷ lệ nam : nữ = 3-5:1. Các trẻ gái bị tự kỷ có khuynh hướng nặng hơn và có thể có nhiều tiền sử gia đình bị suy giảm nhận thức hơn so với trẻ nam. Bệnh xảy ra không phụ thuộc vào tình trạng kinh tế xã hội của cha mẹ.
Trong nhiều trường hợp, trẻ có tính cách bẩm sinh ít nói, ít hoạt bát, ít năng động hơn so với những trẻ khác cùng lứa tuổi nhưng bị chẩn đoán nhầm là tự kỷ. Vì vậy, để chẩn đoán chính xác bệnh tự kỷ, chúng ta cần phải đưa trẻ đến khám bởi các bác sĩ chuyên khoa tâm thần. Tại các cơ sở chuyên khoa, những nhận xét của các bác sĩ nhiều năm kinh nghiệm cùng với các test đánh giá sẽ giúp đưa ra một chẩn đoán phù hợp nhất.
Mặc dù vậy, bệnh tự kỷ vẫn có những triệu chứng, dấu hiệu đặc trưng giúp cho các bậc phụ huynh có thể dự đoán phần nào con em mình có bị mắc bệnh hay không trước khi đưa trẻ đi khám bệnh. Sau đây sẽ là 10 dấu hiệu nhận biết bệnh tự kỷ ở trẻ em:
1. Ít tiếp xúc với xã hội
Đây là một dấu hiệu nhận biết bệnh tự kỷ rõ ràng nhất. Tất cả các trẻ tự kỷ rất ít tiếp xúc với xã hội, với mọi người xung quanh bằng ánh mắt, cử chỉ, điệu bộ,…Chúng thường biểu hiện sự cô lập và thể hiện các mốc phát triển kém như: không cười ở tháng thứ 3, không phản ứng sợ hãi trước người lạ hoặc khi được để trong môi trường xa lạ ở tháng thứ 8.
Trẻ thường tránh né, không nhìn thẳng vào người đối diện hoặc nhìn họ như thể không có họ ở đó, như thể họ trong suốt. Trẻ dường như không nhận biết hoặc không phân biệt được người nào là quan trọng nhất trong cuộc sống của chúng: xem bố mẹ, anh chị em giống như người dưng.
2. Hành vi chống đối
Hành vi chống đối là một dấu hiệu nhận biết bệnh tự kỷ ở trẻ khá quan trọng. Trẻ thường chống đối lại những thay đổi của môi trường xung quanh. Trẻ có thể có những cơn hoảng sợ hoặc giận dữ mãnh liệt nếu đồ đạc trong phòng của trẻ bị thay đổi hoặc mẹ của trẻ thay đổi kiểu tóc, quần áo hoặc đảo ngược một thói quen như ăn sáng, đi tắm,…
3. Rối loạn ngôn ngữ giao tiếp
Đây là một dấu hiệu nhận biết bệnh tự kỷ mà các bậc phụ huynh có thể dễ dàng phát hiện được ở trẻ. Trẻ tự kỷ thường bị khiếm khuyết về ngôn ngữ giao tiếp. Ngôn ngữ có thể hoàn toàn không có, trẻ bị câm hoặc chỉ phát ra những tiếng động, những âm thanh vô nghĩa hoặc tiếng kêu lặp đi lặp lại. Một số trường hợp ngôn ngữ phát triển chậm trễ. Trẻ lớn thường nói định hình, sai văn phạm và ngữ nghĩa. Nói đơn điệu, thiếu ngữ điệu, nhịp điệu, thiếu diễn cảm,…
4. Hành vi lặp đi lặp lại
Trẻ thường định hình vận động: hay lặp lại những hành vi quen thuộc như chơi với bàn tay trước mắt kéo dài đến 6 tháng, thường lắc đầu, lắc lư thân mình. Các hành vi đánh hơi như hít, ngửi đồ vật, thức ăn cũng thường gặp.
Trẻ thường chơi với khuynh hướng định hình, không chức năng và không có ý nghĩa khám phá xã hội. Kiểu chơi cứng nhắc, hạn chế, ít phong phú, nghèo tính sáng tạo, ít đặc tính tưởng tượng và biểu tượng.
5. Gắn bó bất thường
Một dấu hiệu nhận biết bệnh tự kỷ đó là trẻ dễ gắn bó bất thường vào một số đồ vật. Trẻ tự kỷ thường gắn bó với những đồ vật vô tri vô giác. Trẻ dễ dàng quan tâm đến những chi tiết, đến hình thức đặc biệt của một số đồ vật mà không quan tâm đến công dụng thực sự của nó, thường có kèm các động tác liếm và ngửi.
6. Vận động chậm chạp
Vận động chậm chạp là một trong những dấu hiệu nhận biết bệnh tự kỷ điển hình ở trẻ. Trẻ vận động chậm do giảm trương lực cơ toàn thân hoặc rối loạn trương lực cơ. Trẻ thường khó khăn trong việc bắt chước vận động, từ chối mọi sự tập luyện trực tiếp. Đôi khi trẻ có những hành động bất thường như nhăn nhó mặt, xoắn vặn bàn tay, xoay đầu, đập đầu,…nhưng đều diễn ra một cách chậm chạp.
7. Thích chơi một mình
Trái ngược với phần lớn trẻ đều thích chơi đùa với bạn bè, thích đến những khu vui chơi đông vui, nhộn nhịp thì trẻ bị tự kỷ lại chỉ thích chơi một mình trong không gian của riêng chúng, với những đồ chơi đặc biệt gắn bó với trẻ mà lúc nào trẻ cũng mang theo bên mình. Đó có thể là con búp bê, con gấu bông, chú mèo,…và nếu bạn lấy đi “người bạn thân thiết” ấy của trẻ và thay thế bằng một đồ chơi khác, trẻ sẽ lập tức phản ứng rất dữ dội như khóc thét, la hét và sau đó là lầm lì.
8. Hành vi kỳ lạ
Trẻ bệnh tự kỷ thường có những hành vi kỳ lạ, khác thường như đi trên các ngón chân, chạy vòng tròn, đi từng bước, lắc lư, đu đưa thân người,…Các hành vi này dường như tự chủ, có thể gián đoạn hoặc liên tục. Thường gián đoạn bằng những giai đoạn bất động hoặc tư thế kỳ dị. Đôi khi, trẻ có những hành vi tự gây thương tích như đánh vào đầu, tự cắn, cào cấu bản thân, nhổ tóc,…
9. Rối loạn ăn uống
Rối loạn ăn uống là một dấu hiệu nhận biết bệnh tự kỷ thường gặp ở trẻ. Triệu chứng này thường xuất hiện sớm như chán ăn, ói mửa, rối loạn động tác mút. Ở tuổi lớn hơn, trẻ có thể giữ một cách ăn uống thoái triển: từ chối ăn những thức ăn không được băm nhỏ; các thức ăn từ sữa hầu như chiếm vị trí độc quyền.
10. Khiếm khuyết về trí tuệ
Sự thiếu sót, khiếm khuyết về trí tuệ gặp ở số đông trẻ tự kỷ. Khoảng 40% trẻ bệnh tự kỷ có chỉ số IQ dưới 55 điểm. 30% trẻ tự kỷ bị chậm phát triển trí tuệ mức độ nhẹ. Sự thiếu sót thường không giống nhau và có sự khác biệt giữa thương số thông minh ngôn ngữ và thao tác. Chỉ 30% trẻ tự kỷ có trí tuệ phát triển bình thường.
Trên đây là 10 dấu hiệu nhận biết bệnh tự kỷ thường gặp và điển hình nhất. Tuy nhiên, không nên chỉ dựa vào 10 dấu hiệu này mà các bậc cha mẹ vội vàng kết luận trẻ bị bệnh tự kỷ. Khi phát hiện trẻ có nhiều triệu chứng nêu trên, hãy nhanh chóng đưa trẻ đi khám bệnh càng sớm càng tốt để trẻ được điều trị kịp thời, hạn chế những di chứng tâm thần về sau.
Xem thêm: