Một mùa Tết sắp đến với những không khí hân hoan, náo nức đang chào đón. Bạn đã có dự định đi du lịch ở đâu chưa? Tết đến, xuân về là dịp chúng ta tạm gác lại những lo toan, bộn bề, vất vả của công việc hàng ngày, tạm gác lại những căng thẳng, áp lực mà thoải mái hòa nhịp vào sự nhẹ nhàng, bay bổng của mùa xuân, của những ngày đầu năm mới đầy lạc quan và hy vọng.
Hẳn bạn sẽ có lúc phân vân, do dự không biết sẽ đi đâu, làm gì, mang theo những gì và thưởng thức những món ăn gì cho cả một hành trình nghỉ Tết khá dài. Một số địa điểm và hoạt động bạn có thể nghĩ đến như những lễ hội, những chương trình ca nhạc, những bãi biển, những khu du lịch, những đền chùa, những nơi nào vui nhất và đẹp nhất,…Vậy sao bạn không thử “hành hương” một chuyến đến những ngôi chùa nghiêm trang, thanh tịnh để trải lòng mình với từ bi, tâm linh, để một phút nhìn lại chính mình trong cái yên tĩnh và bình dị?
Bài viết sau đây sẽ đưa bạn đến 10 ngôi chùa đẹp nhất Việt Nam từ Bắc vào Nam. Đó chính là niềm tự hào của mỗi địa phương, cũng là niềm tự hào của dân tộc Việt Nam ta về tín ngưỡng tôn giáo trong mắt bạn bè quốc tế.
1. Chùa Một Cột (Hà Nội)
Địa chỉ: phố Chùa Một Cột, quận Ba Đình, Hà Nội.
Khi nói đến những ngôi chùa đẹp nhất Việt Nam, không thể nào không nhắc đến Chùa Một Cột, là một trong những biểu tượng của thủ đô Hà Nội, nổi tiếng với kiến trúc độc đáo như một bông hoa sen cách điệu từ mặt nước vươn lên. Nơi đây luôn là điểm đến tham quan giá trị với khách du lịch trong nước và quốc tế.
Chùa Một Cột còn có tên gọi khác là chùa Mật, Diên Hựu tự hay Liên Hoa Đài, được vua Lý Thái Tông khởi công xây dựng từ năm 1049. Ngày 04/5/2006, Tổ chức Kỷ lục Việt Nam đã xác lập chùa là “Kỷ lục Việt Nam” . Đến ngày 10 tháng 10 năm 2012, tại Faridabad (Ấn Độ), Tổ chức Kỷ lục châu Á đã xác lập kỷ lục châu Á: “Ngôi chùa có kiến trúc độc đáo nhất” cho chùa Một Cột. Chùa Một Cột luôn được đông đảo khách thập phương trong và ngoài nước tới cầu nguyện, tham quan. Đây là một ngôi chùa có lối kiến trúc cổ độc đáo, là thắng cảnh nổi tiếng của Hà Nội cũng như cả nước Việt Nam.
2. Chùa Bái Đính (Ninh Bình)
Địa chỉ: xã Gia Sinh, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình
Chùa Bái Đính nằm ở cửa ngõ phía tây cố đô Hoa Lư, cách thành phố Ninh Bình 15 km, cách Hà Nội 96 km. Mỗi năm nhất là khi mùa xuân đến chùa lại chào đón hàng triệu du khách thập phương về đây tham quan, lễ Phật. Chùa Bái Đính là một quần thể chùa lớn được biết đến với nhiều kỷ lục châu Á và Việt Nam được xác lập như: chùa có diện tích lớn nhất Việt Nam, chùa có tượng Phật bằng đồng dát vàng lớn nhất châu Á, chùa có hành lang La Hán dài nhất châu Á, chùa có tượng phật Di Lặc bằng đồng lớn nhất Đông Nam Á,…
Quần thể chùa Bái Đính gồm một khu chùa cổ và một khu chùa mới được xây dựng từ năm 2003. Chùa nằm trên sườn núi, giữa những thung lũng mênh mông hồ và núi đá, ở cửa ngõ phía tây vào cố đô Hoa Lư. Kiến trúc chùa mới hoành tráng, đồ sộ nhưng mang đậm bản sắc truyền thống phù hợp với tâm lý hiếu kỳ, tò mò của người Việt Nam thời nay.
3. Chùa Dâu (Bắc Ninh)
Địa chỉ: xã Thanh Khương, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh.
Chùa Dâu còn có tên là Diên Ứng, Pháp Vân hay Cổ Châu, tọa lạc ngay trung tâm của khu di tích lịch sử văn hóa tiêu biểu và phong phú bậc nhất của quê hương Kinh Bắc – Bắc Ninh. Nơi đây là thủ phủ của quận Giao Chỉ (Giao Châu), trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, trung tâm Phật giáo cổ xưa nhất của nước ta, bao gồm thành cổ Luy Lâu, đền thờ và Lăng mộ Sỹ Nhiếp, hệ thống chùa tháp, đền đài, cung điện, lầu gác, bến bãi, gốm cổ, phố chợ sầm uất của đô thị Luy Lâu,… là chứng tích một thời kỳ dài hàng chục thế kỷ trước và sau Công nguyên.
Chùa được khởi công xây dựng năm 187 và hoàn thành năm 226, những tài liệu, cổ vật còn lại ở chùa Dâu, đặc biệt là bản khắc “Cổ Châu Pháp vân Phật bản hạnh”, có niên đại 1752 cùng kết quả nghiên cứu về lịch sử Phật Việt Nam của các nhà sử học và Phật học đã khẳng định “Chùa Dâu là tổ đình của Phật giáo Việt Nam”, được nhà nước xếp hạng di tích lịch sử ngày 28/4/1962.
Đây là ngôi chùa được coi là có lịch sử hình thành sớm nhất Việt Nam mặc dù các dấu tích vật chất không còn, nó đã được xây dựng lại. Chùa là một danh lam bậc nhất của xứ kinh Bắc xưa nay. Đây cũng là một di tích quốc gia đặc biệt của Việt Nam được xếp hạng đợt 4.
4. Chùa Hương (Hà Nội)
Địa chỉ: xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức, Hà Nội
Chùa Hương hay Hương Sơn là một quần thể văn hóa – tôn giáo Việt Nam, gồm hàng chục ngôi chùa thờ Phật, vài ngôi đền thờ thần, các ngôi đình, thờ tín ngưỡng nông nghiệp. Trung tâm chùa Hương nằm ở xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức, Hà Nội, nằm ven bờ phải sông Đáy. Trung tâm của cụm đền chùa tại vùng này chính là chùa Hương nằm trong động Hương Tích hay còn gọi là chùa Trong.
Chùa Hương là một danh thắng nổi tiếng, không chỉ bởi cảnh đẹp mà nó còn là một nét đẹp văn hóa tín ngưỡng đạo Phật của người dân Việt Nam. Không giống bất kỳ nơi nào, Chùa Hương là một tập hợp nhiều đền chùa hang động gắn liền với núi rừng và trở thành một quần thể thắng cảnh rộng lớn với một kiến trúc hài hòa giữa thiên nhiên và nhân tạo. Tạo hóa đã khéo bày đặt cho nơi đây núi non sông nước hiền hòa và rồi con người đã thổi hồn vào những điều kỳ diệu đó. Nó trở lên lung linh sinh động và nhiều màu sắc. Chính điều đó đã tạo nên một nét văn hóa của dân tộc đó là nét văn hóa tín ngưỡng đạo Phật.
5. Chùa Thiên Mụ (Huế)
Địa chỉ: xã Hương Long, thành phố Huế, Thừa Thiên Huế.
Chùa Thiên Mụ hay còn gọi là chùa Linh Mụ là một ngôi chùa cổ nằm trên đồi Hà Khê, tả ngạn sông Hương, cách trung tâm thành phố Huế (Việt Nam) khoảng 5 km về phía Tây. Đã từ lâu, chùa Thiên Mụ nổi tiếng với 108 tiếng chuông hòa với phong cảnh thiên nhiên của sông Hương, núi Ngự, cầu Trường Tiền,…Chùa Thiên Mụ là ngôi chùa nổi tiếng nhất đất cố đô, đã đi vào tâm thức của bao người dân, điểm tô, gắn bó và là một bộ phận không thể tách rời của người dân xứ Huế.
Trước mặt chùa là khúc quanh rất hữu tình của dòng sông Hương. Khuôn viên chùa được chia thành hai khu vực, khu vực trước cửa Nghi Môn gồm các công trình kiến trúc như: bến thuyền đúc bê tông có 24 bậc tam cấp lên xuống, cổng tam quan là bốn trụ biểu xây sát đường cái, từ cổng tam quan bước lên 15 bậc tam cấp là đình Hương Nguyện, sau đình Hương Nguyện là tháp Phước Duyên xây bằng gạch vồ bảy tầng, hai bên đình có hai lầu bia hình tứ giác, lui về phía trong có hai lầu hình lục giác một lầu để bia và một lầu để chuông. Tất cả tạo nên một vẻ đẹp rất riêng của chùa Thiên Mụ, là một địa điểm không thể bỏ qua với mỗi du khách khi tới Huế.
6. Chùa Linh Ứng (Đà Nẵng)
Địa chỉ: Bãi Bụt, bán đảo Sơn Trà, Đà Nẵng.
Chùa Linh Ứng – Bãi Bụt, Sơn Trà- Đà Nẵng là một trong ba ngôi chùa cùng mang tên Linh Ứng ở Đà Nẵng. Không rõ là do vô tình hay do chữ duyên mà cả ba ngôi chùa đều được tọa lạc trên những vị thế đắc địa của thành phố Đà Nẵng, tạo thành một tam giác linh thiêng trong thành phố. Đó là chùa Linh Ứng Non Nước, nằm trên hòn Thủy sơn của một trong 5 ngọn núi Ngũ Hành Sơn. Chùa Linh Ứng Bà Nà, nằm trên chót vót núi cao của địa danh nghỉ mát “Đà Lạt của miền Trung” và Linh ứng Bãi Bụt, Sơn Trà, nằm lưng chừng núi – bán đảo Sơn Trà. Linh Ứng Tự Bãi Bụt là ngôi chùa to nhất, mới nhất và đẹp nhất trong 3 ngôi chùa.
Chùa ở độ cao 693 mét so với mực nước biển, với diện tích 20 héc ta, trên địa hình một bên núi, một bên biển. Chùa Linh Ứng Bãi Bụt là một quần thể nhiều hạng mục gồm chánh điện, nhà tổ, giảng đường, tăng đường và thư viện,… Ngoài việc được biết đến như một ngôi chùa đẹp, lớn và trẻ nhất trong 3 ngôi “Linh Ứng Tự” ở Đà Nẵng, Chùa Linh Ứng Bãi Bụt còn được biết đến bởi nơi có tượng Phật Quan Thế Âm cao nhất Việt Nam.
7. Thiền Viện Trúc Lâm Đà Lạt (Lâm Đồng)
Thiền Viện Trúc Lâm Đà Lạt là thiền viện thuộc dòng Trúc Lâm Yên Tử chi nhánh thành phố Đà Lạt. Thiền viện cách trung tâm thành phố Đà Lạt 5 km, nằm trên núi Phụng Hoàng, phía trên hồ Tuyền Lâm. Đây không chỉ là thiền viện lớn nhất Lâm Đồng mà còn là điểm tham quan hấp dẫn của du khách trong và ngoài nước.
Với những du khách yêu thích cảm giác thám hiểm, đã có những con thuyền chở khách dạo chơi trên hồ Tuyền Lâm vào sâu trong thung lũng Đà Lạt để hòa mình với thiên nhiên thưởng thức hương vị của rượu cần, thịt rừng đậm chất núi rừng Tây Nguyên hay chứng kiến buổi chiều tà trong một không gian yên tĩnh. Thiền Viện Trúc Lâm Đà Lạt là một trong những thắng cảnh không thể bỏ qua ở Đà Lạt.
Thiền Viện Trúc Lâm Đà Lạt được coi là thiền viện lớn nhất trong cả nước cả về không gian lẫn quy mô tụ tập. Trong chánh điện chỉ thờ Phật Thích Ca cầm cành hoa sen. Ngay phía ngoài là tòa tháp uy nghiêm bên trong treo một chiếc chuông lớn cao 1,98 m nặng 1,1 tấn trên có khắc bài thơ của Trúc Lâm Ðầu Ðà.
8. Chùa Vĩnh Nghiêm (TP. Hồ Chí Minh)
Địa chỉ: số 339 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, phường 7, quận 3, TP. Hồ Chí Minh.
Từ miền Bắc, hai Hòa thượng là Thích Tâm Giác và Thích Thanh Kiểm vào miền Nam truyền bá đạo Phật, và sau đó đã cho xây dựng chùa Vĩnh Nghiêm. Họ lấy nguyên mẫu thiết kế từ một ngôi chùa gỗ cùng tên ở xã Đức La, tổng Trí Yên, phủ Tạng Giang, tỉnh Bắc Giang kiến lập từ đời vua Lý Thái Tổ, vốn là trung tâm truyền bá Phật giáo của Thiền phái Trúc Lâm.
Chùa tọa lạc trên một khuôn viên rộng thoáng, theo lối kiến trúc tiêu biểu của những ngôi chùa ở miền Bắc. Cả tên và kiến trúc của ngôi chùa được lấy nguyên mẫu từ một ngôi chùa gỗ ở Bắc Giang, trung tâm của phái Trúc Lâm Yên Tử.
Nét độc đáo của chùa là ngôi tháp đá cao 14 m với 7 tầng, được xây dựng và trạm trổ với những hoa văn, họa tiết theo phong cách văn hóa đời Lý – Trần. Nằm trên đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa ở trung tâm thành phố, chùa luôn là điểm viếng đông du khách tham quan, hành hương.
9. Chùa Phật Lớn (An Giang)
Địa chỉ: núi Cấm, Tịnh Biên, An Giang.
Tọa lạc trên diện tích 13,160 m2 thuộc xã An Hảo, huyện Tịnh Biên tỉnh An Giang, chùa Phật Lớn, một ngôi chùa cổ gần 200 năm, là một trong những địa điểm tham quan và hành hương của khách thập phương xa gần thuộc khu du lịch núi Cấm, ngọn núi cao 800m, hùng vĩ nhất của cụm Thất Sơn huyền thoại.
Tháng 10 năm 2003, chùa Phật Lớn thực hiện công trình thi công một tượng Phật Di Lặc khổng lồ, nặng 400 tấn bằng bê tông cốt thép cao 33,60m, được đánh giá là cao nhất Đông Nam Á, trên khuôn viên rộng 2 hecta, mặt hướng về chùa Phật Lớn.
Do những lợi thế về tiềm năng du lịch với nhiều thắng cảnh nổi tiếng và khí hậu ôn hòa trung bình 25 độ C của khu vực Núi Cấm, nên từ năm 2005, ngành du lịch tỉnh An Giang đã xây dựng một con đường lót bê tông từ chân núi lên đến chùa Phật Lớn. Vì thế, khi chùa hoàn tất công trình, nơi đây đã trở thành một trong những trung tâm lớn của Phật giáo tỉnh An Giang. Đồng thời, nó cũng góp phần không nhỏ để Núi Cấm xứng đáng trở thành khu du lịch sinh thái, lịch sử, văn hóa ở trên nóc nhà đồng bằng sông Cửu Long.
10. Thiền Viện Trúc Lâm Phương Nam (Cần Thơ)
Địa chỉ: ấp Mỹ Nhơn, xã Mỹ Khánh, huyện Phong Điền, TP. Cần Thơ.
Thiền viện Trúc Lâm Phương Nam tọa lạc trên tuyến Lộ Vòng Cung, cách làng du lịch Mỹ Khánh khoảng 1.000 mét. Du khách đầu tiên khi đặt chân đến đây không khỏi ngỡ ngàng trước dáng vẻ độc đáo của ngôi chùa mang nét văn hóa kiến trúc thời Lý – Trần. Thiền viện được xây dựng trên diện tích 38.016,6 m2, được khởi công xây dựng vào ngày 16/7/2013 và hoàn thành sau 10 tháng thi công. Ngày 17/5/2014, lễ khánh thành Thiền viện Trúc Lâm Phương Nam đã được Ban tri sự Phật giáo TP. Cần Thơ tổ chức một cách trọng thể.
Cổng chính Thiền viện là những vòm mái vuốt cong với hình đầu rồng cách điệu, cửa làm bằng gỗ quí sơn màu nâu bóng loáng. Hai bên cổng đặt 2 bức tượng cao thếp vàng: bên trái là tượng Vi Đà Hộ Pháp (Ông Thiện), bên phải là tượng Tiêu Diện Đại Sĩ (Ông Ác, dân gian còn gọi là Ông Tiêu), là vị Bồ Tát chuyên hàng phục quỷ yêu, cứu độ chúng sinh. Phía trong cổng là sân gạch rộng rãi, thoáng đãng. Bên phải là nhà thủy tạ. Dẫn vào nhà thủy tạ là một cây cầu sơn màu đỏ, bên trong có bức tượng Phật Di Lặc bằng gỗ quí màu nâu. Phía bên trái cũng là nhà thủy tạ, với lối kiến trúc giống nhau, duy chỉ khác có bức tượng thờ Phật Bà Quan Âm bằng đá trắng cao khoảng 2 mét. Dưới chân tượng có lư hương, nhang đèn để khách thập phương tiện việc chiêm bái.
Xem thêm: