Những vụ tham nhũng lớn nhất Việt Nam đã được ghi nhận từ nhiều năm nay, gây thiệt hại hàng tỷ đồng ngân sách nhà nước, ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển kinh tế-xã hội của đất nước ta. Theo cách xếp hạng Nhận thức về Tham nhũng của Tổ chức Minh bạch Quốc tế (tức Transparency International), công bố năm 2010 thì Việt Nam được 2,7 trên 10 điểm (những nước có điểm số dưới 5 bị coi là có tình trạng tham nhũng cao).Sang năm 2011, số điểm và vị trí xếp hạng của Việt Nam cho thấy tham nhũng vẫn là mối lo ngại chính. So sánh hai năm 2010-2011 thì không có thay đổi đáng kể nào trong cuộc chiến chống tham nhũng của chính phủ.
Như vậy, tham nhũng là gì? Theo nghĩa rộng, tham nhũng được hiểu là hành vi của bất kỳ người nào có chức vụ, quyền hạn hoặc được giao nhiệm vụ, quyền hạn và lợi dụng chức vụ, quyền hạn, hoặc nhiệm vụ được giao để vụ lợi. Tài liệu hướng dẫn của Liên Hiệp Quốc về cuộc đấu tranh quốc tế chống tham nhũng (năm 1969) định nghĩa tham nhũng trong một phạm vi hẹp, đó là sự lợi dụng quyền lực nhà nước để trục lợi riêng…Theo nghĩa hẹp và là khái niệm được pháp luật Việt Nam quy định (tại Luật phòng, chống tham nhũng năm 2005), tham nhũng là hành vi của người có chức vụ, quyền hạn đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn đó vì vụ lợi.
Sau đây, chúng ta cùng điểm lại danh sách 10 vụ tham nhũng lớn nhất Việt Nam hiện nay theo nhận xét và thống kê của nhiều nguồn báo chí:
Vụ EPCO-Minh Phụng
Vụ án EPCO-Minh Phụng là một trong những vụ án kinh tế nổi tiếng nhất của Việt Nam thập niên 90. EPCO-Minh Phụng từng là công ty liên doanh của Thành phố Hồ Chí Minh. Vụ án đã khiến lần lượt những đại gia có tiếng và cán bộ ngành ngân hàng phải vào tù vì những sai phạm trong quản lý tài chính, vi phạm các quản lý nhà nước, như Tăng Minh Phụng, Phạm Nhật Hồng, Nguyễn Ngọc Bích, Nguyễn Tuấn Phúc,… Trong vụ án này, tòa án đã tuyên 6 án tử hình, điển hình như Tăng Minh Phụng, Liên Khui Thìn.
Vụ án đã gây thiệt hại kinh tế rất lớn cho một số bên liên quan, đặc biệt là các ngân hàng cấp tín dụng, với số tài sản, tiền phải thi hành án gần 6.000 tỷ đồng, nhưng tới nay còn khoảng 3.000 tỷ chưa thi hành được. Cụ thể, cả hai công ty EPCO và Minh Phụng phải bồi thường và thanh toán các khoản nợ cho 6 ngân hàng gồm: Ngân hàng Công thương Việt Nam (Incombank, nay là Vietinbank), Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), Ngân hàng Thương mại cổ phần xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank), Ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài Gòn Công Thương, Ngân hàng Thương mại cổ phần Đại Nam, Ngân hàng Thương mại cổ phần Gia Định, tổng số tiền gần 6.000 tỷ đồng và 32,6 triệu USD.
Dư luận bấy giờ cho rằng toàn bộ tài sản to lớn của Minh Phụng và EPCO bao gồm hệ thống các xưởng sản xuất may mặc, nhiều nhà cửa, khách sạn và đất đai bị nhà nước tịch biên, nếu được bán theo giá thị trường, Minh Phụng có khả năng hoàn trả nợ dễ dàng và chỉ phải chịu hình phạt về gian lận tài chính, nhưng không đến mức bị tử hình.
Vụ PMU18
Vụ PMU 18 (Đơn vị quản lý dự án số 18) là một vụ bê bối liên quan đến tham nhũng trong Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đầu năm 2006. Vụ này đã gây xôn xao dư luận tại Việt Nam cũng như các nước và tổ chức cung cấp viện trợ phát triển chính thức (ODA) cho Việt Nam, đã khiến Bộ trưởng Bộ GTVT Đào Đình Bình phải từ chức và Thứ trưởng Thường trực Nguyễn Việt Tiến bị bắt giam.
Cũng liên quan đến vụ việc này, có thêm nhiều quan chức cấp cao khác bị tố cáo tham gia chạy án cho các bị can. Trong đó phải kể đến Thiếu tướng công an Cao Ngọc Oánh(Tổng cục phó Tổng cục Cảnh sát Nhân dân, Thủ trưởng cơ quan điều tra Bộ Công an) và ông Nguyễn Văn Lâm (Phó chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ). Chính vì việc này mà ông Cao Ngọc Oánh mất cơ hội vào Trung ương cũng như thăng chức lên Thứ trưởng Bộ Công an. Sau khi lên làm Thủ tướng, Nguyễn Tấn Dũng đã yêu cầu 2 nhân vật này không giữ các vị trí quan trọng khi công tác điều tra đang diễn ra. Đến cuối tháng 01 năm 2007, cơ quan điều tra mới khẳng định ông Cao Ngọc Oánh không liên quan tới việc chạy án.
Sau thời gian 18 tháng điều tra, cơ quan công an đã truy tố Bùi Tiến Dũng và 5 thuộc cấp, miễn truy tố trách nhiệm hình sự đối với ông Nguyễn Việt Tiến, đồng thời khởi tố một số nhà báo và các cảnh sát viên điều tra vụ án này.
Vụ tham nhũng PCI
Vụ hối lộ quan chức Việt Nam của công ty PCI (Pacific Consultants International, viết tắt là PCI, Công ty Tư vấn Quốc tế Thái Bình Dương) Nhật Bản là vụ việc nổi đình đám trong năm 2008 tại Việt Nam, liên quan đến việc đưa hối lộ của một số quan chức công ty PCI với Ban Quản lý dự án PMU tại Thành phố Hồ Chí Minh, cụ thể là với ông Huỳnh Ngọc Sĩ, Phó Giám đốc Sở Giao thông Công chính Thành phố Hồ Chí Minh kiêm Giám đốc Ban Quản lý PMU Đông – Tây.
Vụ việc đã khiến cho sự ủng hộ của công chúng Nhật Bản giảm sút nghiêm trọng. Tại Hội nghị nhóm các nhà tư vấn tài trợ cho Việt Nam khai mạc sáng 04 tháng 12 năm 2008, Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam Mitsuo Sakaba cho biết các dự án ODA dự kiến trong nửa đầu năm tài khoá 2008 của Nhật Bản dành cho Việt Nam đã bị tạm dừng lại, đồng thời Nhật Bản cũng chưa thể công bố viện trợ mới cho tới khi Ủy ban hỗn hợp phòng chống tham nhũng giữa hai nước xem xét lại việc thực hiện vốn ODA của Nhật tại Việt Nam. Sự cố ODA nói trên gây ảnh hưởng nặng nề tới nhiều dự án thực hiện bằng nguồn vốn ODA tại Việt Nam.
Vụ tham nhũng Đề án 112
Đề án 112 hay còn gọi là Đề án Tin học hóa hành chính nhà nước của Chính phủ Việt Nam nhằm mục đích xây dựng chính phủ điện tử ở Việt Nam. Đây là một chương trình hiện đại hóa hành chính của chính quyền Việt Nam giai đoạn từ 2001 – 2010 về cải cách thủ tục hành chính nhà nước.
Đề án 112 được Thủ tướng Chính phủ Việt Nam quyết định vào năm 2001, thực hiện giai đoạn 1 đến năm 2005. Nhưng đến cuối năm 2005, đầu năm 2006, đề án 112 thất bại sau khi phát lộ nhiều sai phạm và chi phí quá lớn nhưng mang lại hiệu quả quá thấp.
Kết quả giai đoạn 1 của đề án 112 là cả 5 mục tiêu cụ thể mà đề án đặt ra đều chưa được hoàn thành hoàn chỉnh và cảnh sát Việt Nam đã khởi tố bắt giam Vũ Đình Thuần, Lương Cao Sơn, cùng hàng chục người khác liên quan đến tiêu cực và tham nhũng. Số tiền đã chi tiêu là 1.534 tỷ đồng trong đó tổng kinh phí đã sử dụng là gần 1.160 tỷ đồng Việt Nam, số tiền đã tạm ứng chưa chi tiêu cần thu hồi lại là trên 300 tỷ đồng (tổng dự toán của đề án: 3.800 tỷ đồng).
Vụ Nexus Technologies công ty Mỹ hối lộ quan chức Việt Nam
Thông cáo báo chí ra ngày 29/6 của Văn phòng Bộ Tư pháp ở tiểu bang Pennsylvania, nơi công ty Nexus Technologies có văn phòng, nói người nhận tội là ông Joseph T. Lukas, năm nay 60 tuổi và đồng sở hữu công ty tư nhân Nexus cho tới năm 2005.
Bộ Tư pháp Mỹ nói: “Cùng với việc nhận tội, ông Lukas thừa nhận rằng từ năm 1999 tới năm 2005, ông và các nhân viên khác của Nexus Technologies Inc. đã đồng ý trả, và cố ý đưa hối lộ cho các quan chức chính phủ Việt Nam để đổi lấy các hợp đồng với các cơ quan mà những quan chức này phụ trách. Các khoản hối lộ được che giấu dưới hình thức ‘hoa hồng’ trong tài khoản của công ty”.
Vụ Công ty của Úc Securency hối lộ in tiền Polime ở Việt Nam
Theo BBC: cảnh sát Úc tìm thấy chứng cứ và đang điều tra vụ hối lộ 10 triệu Úc kim liên quan đến ông Lê Đức Thúy trong đợt in tiền polyme. Như cách phân tích của The Age, người ta có cảm tưởng từ Lương Ngọc Anh tới bố con ông Lê Ðức Thúy, trong vụ án ăn hối lộ in tiền cho Ngân hàng Nhà nước, cũng có thể chỉ là những người trung gian đứng dàn xếp đầu cầu dịch vụ in tiền. Còn tiền hối lộ, như đã được viết nhiều lần hồi năm ngoái, ít nhất là 12 triệu Úc kim hoặc $10 triệu được bỏ thẳng vào một số trương mục bí mật ở ngân hàng Thụy Sĩ.
Theo tờ The Age của Úc, công ty in tiền Securency cũng đã trả hối lộ cho ông Thúy bằng cách trả tiền học phí cho con ông tại một đại học tại Anh. Doanh nhân Anh Bill Lowther, 71 tuổi đã bị đưa ra tòa án Anh vào tháng 9/2011 về tội mua chuộc ông Thúy bằng cách xin được chỗ và trả tiền học tại đại học Durham và chỗ cư trú cho người con trai ông là Lê Đức Minh để được hợp đồng cho hãng Securency in tiền cho Việt Nam.
Vụ chia chác đất công ở Đồ Sơn, Hải Phòng
Vụ án tham nhũng đất công đặc biệt nghiêm trọng ở Đồ Sơn, TP Hải Phòng là một trong các vụ án tham nhũng lớn được điều tra năm 2005. Theo cáo trạng, Vũ Đức Vận - nguyên Bí thư Thị ủy Đồ Sơn, Hoàng Anh Hùng - nguyên Chủ tịch thị xã Đồ Sơn, Lưu Kim Thái – nguyên Phó Chủ tịch thị xã Đồ Sơn đã lợi dụng chủ trương cấp đất tái định cư cho những người thuộc diện di dời giải phóng mặt bằng để chia chác đất công. Tuy nhiên, Hội đồng xét xử hình sự sơ thẩm lần một của Tòa án nhân dân (TAND) TP Hải Phòng đã tuyên phạt cảnh cáo đối với ba bị cáo này. TAND tối cao đã yêu cầu chánh án TAND TP Hải Phòng tổ chức kiểm điểm, xác định rõ trách nhiệm tập thể lãnh đạo TAND TP Hải Phòng trong việc để xảy ra các sai lầm, khuyết điểm khi giải quyết, xét xử sơ thẩm vụ chia chác đất công ở Đồ Sơn.
Vụ Vinashin
Tại phiên họp ngày 31/7/2010, Bộ Chính trị Đảng cộng sản Việt Nam đã thảo luận và kết luận Tập đoàn Công nghiệp Tàu thuỷ Việt Nam (Vinashin) “đang gặp nhiều khó khăn rất lớn, bộc lộ nhiều yếu kém, sai phạm nghiêm trọng”:
– Đầu tư mở rộng quá nhanh, quy mô lớn, dàn trải trên nhiều lĩnh vực, địa bàn trái với quy hoạch được phê duyệt. Trong đó có những lĩnh vực không liên quan đến công nghiệp đóng và sửa chữa tàu biển, nhiều lĩnh vực kém hiệu quả, có nhiều công ty, dự án thua lỗ nặng nề.
- Tình hình tài chính đứng trước bờ vực phá sản.
- Sản xuất, kinh doanh đình trệ; bị mất hoặc giảm nhiều đơn đặt hàng; nhiều dự án đầu tư dở dang, không hiệu quả.
- Tình hình nội bộ diễn biến phức tạp.
Cũng theo kết luận của Bộ chính trị, những yếu kém nêu trên xuất phát từ nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan. Nguyên nhân chủ quan là chủ yếu. Trách nhiệm trực tiếp thuộc về Hội đồng Quản trị và Ban lãnh đạo Vinashin trong đó có Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tập đoàn. Một số cơ quan quản lý nhà nước có liên quan ở Trung ương và địa phương cũng có trách nhiệm. Các nguyên nhân cụ thể bao gồm:
Lãnh đạo Vinashin, trước hết là Hội đồng Quản trị và người đứng đầu có nhiều khuyết điểm, sai lầm trong tổ chức, quản lý, điều hành, xác định lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, quản lý các công ty con, công ty liên kết, tiến hành các hoạt động đầu tư xây dựng, quản lý vốn, tài chính, vay và trả nợ.
Người đứng đầu Vinashin có năng lực hạn chế, thiếu trách nhiệm, tuỳ tiện, báo cáo không trung thực, cố ý làm trái, vi phạm pháp luật trong việc chấp hành các quy định của Nhà nước, của Thủ tướng Chính phủ khi chỉ đạo các hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh, sử dụng vốn và bố trí cán bộ.
Vụ Vinalines
Tháng 4 năm 2012, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đã khởi tố vụ án “Tham ô tài sản” xảy ra tại Công ty tài chính TNHH một thành viên Công nghiệp tàu thủy Việt Nam (thuộc Vinashin) và công ty vận tải Biển Đông (thuộc Vinalines). Bốn người bị bắt tạm giam, trong đó có cựu phó tổng giám đốc Vinalines Bùi Quốc Anh.
Phó Tổng Giám đốc đương nhiệm Trần Hữu Chiều đã bị bắt vào giữa tháng 5. Ngày 18 tháng 5, liên quan đến những sai phạm trong việc điều hành Vinalines, hai nhân vật lãnh đạo Dương Chí Dũng (Cục trưởng Hàng hải, cựu Chủ tịch hội đồng quản trị Vinalines) và Mai Văn Phúc (Vụ phó Vụ Vận tải, cựu tổng giám đốc Vinalines) chính thức bị khởi tố và tạm giam 4 tháng để điều tra trách nhiệm hình sự về hành vi cố ý làm trái quy định nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng. Những sai phạm bị đưa ra xem xét xử lý bao gồm dự án đầu tư mua ụ nổi 83M.
Vụ PVC Trịnh Xuân Thanh
Theo kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, trong năm 2007-2013, dù đã có kiến nghị, cảnh báo của các cơ quan thanh tra, kiểm toán về tình hình thua lỗ và tiềm ẩn thua lỗ nhưng ông Trịnh Xuân Thanh và Ban Thường vụ Đảng ủy, Hội đồng quản trị, Ban tổng giám đốc, Ban Kiểm soát Tổng công ty đã thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, quản lý điều hành, thiếu kiểm tra, giám sát,… Hậu quả, doanh nghiệp này mắc nhiều sai phạm và thua lỗ gần 3.300 tỷ đồng (giai đoạn 2011-2013).
Ngày 15/9/2016, C46 đã khởi tố vụ án để điều tra khoản thua lỗ gần 3.300 tỷ tại Tổng công ty Xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC) thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam. Theo kết luận của Ủy ban kiểm tra trung ương, ông Thanh phải chịu trách nhiệm chính về những sai phạm này với cương vị người đứng đầu.
Liên quan vụ án, bốn cựu lãnh đạo PVC gồm: ông Vũ Đức Thuận (ủy viên HĐQT kiêm tổng giám đốc), Nguyễn Mạnh Tiến (phó tổng giám đốc), Trương Quốc Dũng (phó tổng giám đốc), Phạm Tiến Đạt (kế toán trưởng) đã bị bắt, khởi tố cùng về tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”.
Xem thêm:
- Top 7 kỳ quan thế giới cổ đại mới nhất
- Top 7 kỳ quan thế giới hiện đại mới nhất