Top 7 kỳ quan thế giới hiện đại là một cuộc bình chọn qua mạng lưới toàn cầu để tìm ra 7 tuyệt tác kiến trúc nghệ thuật khác của nhân loại bên cạnh top 7 kỳ quan thế giới cổ đại vốn đã nổi tiếng từ lâu. Mặc dù sự kiện nói trên không được UNESCO công nhận nhưng với sự quảng bá vượt trội, chương trình bình chọn của New7wonder đã có tiếng vang trên toàn thế giới với quy mô bình chọn vượt hẳn các chương trình khác.
Cuộc bình chọn 7 kỳ quan thế giới hiện đại phù hợp với mục tiêu phát triển thiên niên kỷ, giúp du khách các nước biết đến hàng trăm danh thắng, kỳ quan thiên nhiên đa dạng, độc đáo của nhiều địa phương trên thế giới. Đến thời điểm kết thúc bầu chọn, đã có hơn 100 triệu lượt phiếu bầu cho các địa danh ứng cử viên.
Để đảm bảo cơ sở khoa học của cuộc bình chọn, bắt đầu từ ngày 01/01/2006, một hội đồng giám khảo quốc tế đã được thành lập do tiến sĩ Federico Mayor Zaragoza, cựu Tổng Giám đốc UNESCO làm chủ tịch. Hội đồng giám khảo quốc tế này sẽ tham gia việc đánh giá các kỳ quan, loại bỏ các kỳ quan không xứng đáng được đề cử.
Vào thứ 7, ngày 07 tháng 7 năm 2007, Ban tổ chức cuộc bình chọn đã công bố danh sách 7 kỳ quan thế giới hiện đại:
1. Tượng Chúa Cứu Thế (Brazil)
Tượng Chúa Kito Cứu Thế là bức tượng Chúa Giesu theo trường phái Art Deco, nằm tại thành phố Rio de Janeiro, Brazil. Tượng cao 30 mét, không kể bệ cao 8 mét, và sải tay của tượng là 28 mét. Tượng nặng 635 tấn, nằm trên đỉnh của núi Corcovado cao 700 mét thuộc công viên Quốc gia rừng Tijuca trông về phía thành phố.
Tượng là một phù hiệu của Cơ Đốc giáo Brazil, trở thành một hình tượng văn hóa của cả thành phố Rio de Janeiro và quốc gia Brazil. Tượng được làm từ bê tông cốt thép và đá biến chất steatit, được xây dựng từ năm 1922 đến năm 1931.
Năm 2010, một cuộc phục hồi tượng với quy mô lớn được tiến hành. Tượng được làm sạch, vữa và steatite bao phủ tượng được thay thế, kết cấu bên trong bằng sắt được khôi phục, và công trình được làm cho chống thấm. Việc phục hồi sử dụng trên 60.000 phiến đá lấy từ cùng mỏ đá với tượng gốc. Bức tượng đã trở thành một biểu tượng hòa bình và lòng hiếu khách của người dân Brazil.
2. Vạn Lý Trường Thành (Trung Quốc)
Vạn Lý Trường Thành là công trình kiến trúc nổi tiếng của Trung Quốc có chiều dài 21.196 km được xây dựng và duy trì bởi nhiều triều đại trong khoảng 2000 năm từ thế kỷ 5 trước Công Nguyên cho tới thế kỷ 16 để bảo vệ Trung Quốc khỏi những cuộc tấn công của người Hung Nô, Mông Cổ, người Turk và những bộ tộc du mục khác đến từ những vùng hiện thuộc Mông Cổ và Mãn Châu.
Vạn Lý Trường Thành ngày nay được xây ở thời nhà Minh, bắt đầu khoảng năm 1368 và kết thúc khoảng năm 1640. Ước tính có khoảng 25.000 tháp canh đã được xây dựng dọc theo bức tường. Bức tường này được xây với tầm vóc to lớn bằng những vật liệu tốt hơn so với trước đó.
Vạn Lý Trường Thành đã tồn tại sừng sững trong suốt 25 thế kỉ qua, chứng kiến lịch sử đổi thay của mảnh đất Trung Hoa. Sau nhiều thế kỷ, trải qua nhiều cuộc chiến tranh tàn phá và thời tiết khắc nghiệt, rất nhiều đoạn của thành đã hư hỏng nặng và không còn liền mạch thành một dải như trước. Đoạn thành được dùng làm điểm tham quan du lịch đang được sử dụng còn khá lành lặn vì gần với thủ đô Bắc Kinh.
3. Đấu trường Colosseum (Italia)
Tên gọi của công trình này ở thời La Mã cổ đại là Đấu trường Flavius (Flavian Amphitheater) do được xây dựng trong triều đại Flavius. Nó nằm ở thung lũng rộng bên cạnh các ngọn đồi Palatine, Caelian và Esquiline, nơi trước đó là hồ trong khu vườn của khu hoàng cung Domus Aurea (tòa nhà vàng) của bạo chúa Nero.
Là 1 khối kiến trúc có tiết diện hình elip với trục dài 188m và trục ngắn 156m. Bờ tường đấu trường được xây cao tới 50m tính từ mặt đất. Hơn 100.000 m3 đá tuff vôi (travertine) với hơn 300 tấn kim loại được dùng để xây nên đấu trường.
Đấu trường được khởi công chỉ ít lâu sau khi hoàng đế Vespasianus đăng quang (năm 70) và được khánh thành bởi hoàng đế Titus (năm 80). Các lễ hội và các trận đấu đã diễn ra kể từ đó cho đến năm 523. Hơn 5000 con sư tử và 2000 đấu sĩ đã bị giết chết cho những cuộc vui của giới quý tộc La Mã tại đấu trường này.
Bức tượng khổng lồ bằng đồng mạ vàng dựng ngay cạnh đấu trường là bức tượng Colossus of Nero do điêu khắc gia Hy Lạp Zenodoros làm. Ban đầu nó được dựng như tượng của Nero, sau khi bạo chúa này mất đi nó được sửa đổi thành tượng Thần Mặt Trời.
4. Đền Taj Mahal (Ấn Độ)
Taj Mahal, ngôi đền nổi tiếng ở Ấn Độ được xem là biểu tượng của tình yêu vĩnh cửu giữa Hoàng đế Shah Jahan và Hoàng hậu Mumtaz Mahal. Đền Taj Mahal nằm ở thành phố Agra, bang Utar Pradesh, phía Bắc Ấn Độ. Ngôi đền được xây bằng đá trắng trên một không gian rộng lớn, hài hòa làm tôn lên vẻ đẹp diễm lệ, thanh khiết của nó. Với kiến trúc Ấn – Hồi đặc trưng, Taj Mahal lung linh trên trời xanh như một viên ngọc quý làm ngây ngất bất cứ ai có dịp đến chiêm ngưỡng.
Taj Mahal được xây bằng đá cẩm thạch trắng và nhiều loại đá quý được mang về từ nhiều nơi trên thế giới. Chính vì thế, màu sắc ngôi đền biến đổi kỳ ảo, đa dạng trong ngày nhờ sự biến màu của các loại đá quý theo những thời điểm khác nhau tùy thuộc vào sắc nắng.
Bởi vẻ đẹp tráng lệ và câu chuyện tình yêu bất diệt, đền Taj Mahal được biết đến rộng rãi trên khắp thế giới. Ngôi đền này rất xứng đáng với tên gọi là Viên ngọc châu của những đền đài Ấn Độ hay kỳ quan thế giới hiện đại và là một trong những di sản văn hóa nổi tiếng nhất của Ấn Độ.
5. Thành phố cổ Petra (Jordan)
Vẻ đẹp tự nhiên và kiến trúc cổ lộng lẫy của thành phố khắc trong lòng đá Petra ở Jordan thu hút khách du lịch từ khắp nơi trên thế giới.
Cách thủ đô Amman của Jordan khoảng 185km về phía tây nam, Petra là một thành phố cổ đại được khắc trong lòng đá. Vẻ đẹp tự nhiên và kiến trúc cổ lộng lẫy của thành phố thu hút khách du lịch từ khắp nơi trên thế giới. Petra gây được nhiều sự chú ý hơn sau khi một số cảnh của bộ phim “Indiana Jones và cuộc thập tự chinh cuối cùng” được quay tại đây.
Thành phố cổ xây dựng các đường hầm, bể chứa nước và một giảng đường với sức chứa 4.000 người. Khu di tích này được mô tả là một trong những tài sản văn hóa quý giá của nhân loại.
6. Pháo đài Machu Picchu (Peru)
Pháo đài danh tiếng Machu Picchu không phải là một thành phố bình thường, mà là khu nghỉ ngơi dành riêng cho vua chúa và các quần thần Inca, khi thủ đô Cuzco của họ trở nên quá lạnh trong mùa hè. Các nhà nghiên cứu của Đại học Yale (Mỹ) vừa đưa ra kết luận như vậy.
Dựa trên các dấu tích về đồ gốm, vật trang trí và các bức tường đá lộng lẫy ở Machu Picchu, “giờ đây chúng tôi đã có thể nhìn nhận rõ hơn về loại hình của khu định cư mà người Inca đã tạo ra”, nhà khảo cổ học Richard Burger cho biết.
Dù đã bị lãng quên từ nhiều thế kỷ, Machu Picchu đã trở lại và thu hút sự chú ý của thế giới nhờ công của nhà khảo cổ Hiram Bingham vào năm 1911. Năm 1983 địa điểm này đã trở thành Di sản Thế giới do UNESCO công nhận.
7. Khu di tích Chichen Itza (Mexico)
Công trình chính của quần thể Chichen Itza rộng 6,5km2 là các Kim tự tháp của người Maya có niên đại trên 1.500 năm. Nổi bật nhất trong khu di tích là đền thờ Kukulcan (tên Maya của vua Quetzalcoatl), thường được gọi là EL Castillo (Lâu đài). Đây là một công trình Kim tự tháp bậc với các mái phẳng cùng bậc thang ở cả bốn cạnh dẫn đến ngôi đền trên đỉnh. Mỗi cạnh của kim tự tháp có 91 bậc, nhân với 4 là 364 bậc, cộng với 1 bậc lên đỉnh là 365 bậc.
Công trình cao 24m, ngôi đền trên đỉnh cao 6m, mặt phẳng chân đền có chiều dài cạnh là 55,3m. Những con số trên cho thấy sự phát triển của người Maya về Dương lịch. Tại thời điểm Xuân phân và Thu phân, vào lúc mặt trời mọc và lặn, góc của công trình đổ bóng râm thành hình con rắn có lông Kukulcan dọc theo cầu thang phía Bắc. Vào 2 ngày Xuân phân và Thu phân, bóng râm từ các bậc góc trượt theo cạnh phía Bắc kim tự tháp cùng với chuyển động của mặt trời. Những điều đó cho thấy cách tính thời gian của chủ nhân Maya qua Kim tự tháp đã phát triển đến một trình độ rất cao.
Xem thêm: