Khoảng thời gian làm sinh viên không phải là quá dài, mong bạn đừng lãng phí nó vào những việc vô ích. Hãy trang bị thật tốt cho mình trước khi bước ra xã hội với những việc sinh viên nên biết và làm dưới đây, để sau này bạn không cần phải hối tiếc.
- Top 10 website tìm việc làm tốt nhất
- Top 7 website khảo sát kiếm tiền online
- Top 3 website rút gọn link kiếm tiền
1. Đặt mục tiêu cho bản thân
Trên thực tế, rất nhiều sinh viên thường đặt mục tiêu cho bản thân nhưng lại không đạt được kết quả mong muốn. Có lẽ vì bạn đã thiếu một trong 5 yếu tố của nguyên tắc SMART:
Một vấn đề cần lưu ý khi đặt mục tiêu, bạn hãy viết ra mục tiêu của mình, dán lên tường, bàn học, đặt làm hình nền điện thoại hay máy tính. Hãy bảo đảm bạn có thể nhìn thấy nó mỗi ngày và thuộc nằm lòng nó.
Giờ hãy tự đặt những mục tiêu cho mình: mục tiêu hoàn thiện bản thân, mục tiêu học tập, mục tiêu nghề nghiệp và mục tiêu tài chính.
Mục tiêu phải thực tế, nhưng nếu bạn đặt ra mục tiêu dễ đạt được, bạn sẽ sớm chán nản. Hãy đặt ra những mục tiêu thử thách hơn và tưởng tượng kết quả bạn sẽ đạt được. Ngày bạn đạt đến mục tiêu sẽ không còn xa nữa!
Tất cả những người đàn ông và phụ nữ thành công đều là những người mơ mộng, họ mơ mộng về tương lai của họ, lý tưởng trên mọi phương diện, và rồi họ lao động mỗi ngày hướng về viễn cảnh xa xôi ấy, mục tiêu hay cái đích đó – Brian Tracy
2. Tập trung hơn vào ngành nghề chuyên môn
Muốn tốt nghiệp đại học, bạn phải hoàn thành số tín chỉ hay số môn nhà trường yêu cầu. Dĩ nhiên có nhiều môn bạn bắt buộc phải học để hoàn tất chương trình, mặc dù chúng không hề liên quan đến nghề nghiệp sau này của bạn.
Với những môn như thế, bạn không cần quá chú tâm vào chúng. Nhiệm vụ của bạn là hãy tập trung vào những môn chuyên ngành, học và thực hành thật nhiều. Đừng quá chú ý đến những con điểm hoàn hảo.
3. Điểm số ở trường là tất cả?
Câu trả lời là không. Điểm số tuy rất quan trọng nhưng nó không phải tất cả. Khi còn là học sinh cấp 2 cấp 3, không ít người từng khóc nức nở vì chỉ bị điểm 8, 9. Nếu bạn hỏi vì sao họ khóc, “Mình muốn 10 điểm” họ sẽ trả lời như thế. Và khi lên đến đại học, quan niệm đó vẫn theo họ. Với họ, điểm B hay C một môn nào đó thật là mất mặt, và họ sẽ học lại để đạt con điểm A.
Có lẽ bạn cũng đã biết, khi đi phỏng vấn xin việc, người phỏng vấn không hề quan tâm bạn được bao nhiêu điểm A hay điểm B, họ chỉ muốn xem kết quả tốt nghiệp cùng với khả năng, kinh nghiệm của bạn mà thôi. Họ không cần bạn phải trả bài cho họ đâu.
4. Tìm đọc sách của 2 nhân vật nổi tiếng nhất trong nghề của bạn
Những người nổi tiếng trong ngành của bạn, họ thật tốt bụng khi chia sẻ cho cả thế giới cuộc đời, kinh nghiệm, bài học thành công và cả thất bại của họ. Tại sao bạn không tận dụng những quyển sách họ viết? Những kinh nghiệm rút ra từ cuộc đời họ sẽ giúp bạn có bước tiếp cận gần hơn với công việc thực tế, bên cạnh sự giúp đỡ của lý thuyết trong sách giáo khoa và bài giảng của thầy cô. Không gì quý giá, hữu ích bằng việc bạn học tập từ kinh nghiệm của người khác, phải không nào?
Chẳng hạn như bạn muốn làm nhân viên bán hàng giỏi, hãy tìm đọc sách của Zig Ziglar và Brian Tracy nhé! Hoặc bạn đang học về marketing, sách của Philip Kotler sẽ là lựa chọn tuyệt vời cho bạn.
5. Làm trưởng nhóm
Bước đầu của việc làm bài tập nhóm là lựa chọn đội nhóm. Bạn rất vui vì được chung nhóm với bạn bè mình, nhưng sẽ tốt hơn nếu bạn làm việc với người lạ. Nếu làm việc cùng họ, bạn có thể tìm hiểu tính cách, năng lực của từng người, phân tích và thuyết phục họ rằng bạn phù hợp với vai trò trưởng nhóm hơn thì chẳng phải bạn sẽ là một nhà lãnh đạo giỏi trong tương lai sao?
Người trưởng nhóm giỏi giúp nhóm làm việc hiệu quả hơn, xây dựng được tinh thần đội nhóm, và đạt được điểm cao sẽ là minh chứng cho khả năng lãnh đạo, làm việc tốt trong môi trường nhóm của bạn. Thử một lần làm trưởng nhóm xem nào, rất thú vị đấy!
6. Thuyết trình trước lớp
Là sinh viên, ít nhiều gì bạn cũng phải làm một bài thuyết trình. Hãy mạnh dạn nhận vai trò thuyết trình, nếu bạn muốn có cơ hội thành công hơn những đối thủ khác.
Rất nhiều sinh viên e ngại việc thuyết trình giữa lớp. Vì sao vậy? Cảm giác đứng trước đám đông, chân tay run, miệng không mở được, rất kinh khủng. Nếu vậy thì tập thói quen thuyết trình giúp gì cho bạn? Nếu bạn đã làm được lần đầu, thì lần thứ 2, thứ 3 sẽ không quá khó khăn. Đó là kinh nghiệm, là bài học bạn rút ra được: bạn sẽ tự tin hơn, biết cách thu hút mọi người nhờ giọng điệu và cử chỉ. Hãy tạo thói quen nói chuyện tự tin trước đám đông ngay bây giờ! Biết đâu bạn sẽ khám phá ra con người khác trong bạn: một diễn giả tuyệt vời!
7. Đi làm thêm khi còn là sinh viên
Bạn nghĩ lý thuyết trong sách đã đủ cho bạn bước ra ngoài xã hội. Không đâu! Dù lý thuyết có được đúc kết từ thực tiễn, nhưng quá trình bạn áp dụng ngược lại thì không hề đơn giản.
Nhiều bạn sinh viên vẫn nghĩ hay nghe lời người khác khuyên rằng đi làm thêm không tốt, tiền kiếm được ít, lại còn ảnh hưởng đến việc học và sức khỏe.
Mong bạn có thể suy nghĩ lại về vấn đề này. Việc tiền kiếm được không nhiều thì bạn phải chấp nhận, trừ khi nào bạn có đủ khả năng, tư cách chứng minh cho người ta thấy bạn xứng với mức lương cao hơn thì bạn có quyền không vừa lòng. Còn thời gian, sức khỏe, chúng là của bạn, bạn hoàn toàn có thể kiểm soát được. Nếu bạn không thể, thì đừng than trách hay đỗ lỗi cho người khác.
Những sinh viên đã và đang đi làm thêm (với điều kiện bạn không để việc làm thêm ảnh hưởng đến kết quả học) dù là vì tiền hay vì kinh nghiệm, các bạn vẫn là những người rất tuyệt vời. Đơn giản, vì bạn đã cọ xát với thực tế, bạn biết cách đứng ở vạch xuất phát để bắt đầu, vượt xa những sinh viên thích mài sách trên ghế nhà trường – những người đang tụt lùi ở vạch âm. Chúc mừng các bạn!
8. Học từ kinh nghiệm, thực tế của người khác
Một cách học khôn ngoan, ít tốn thời gian và công sức mà ít người quan tâm đến, đó là học từ sai lầm và thành công của người khác.
Bạn đang học về lĩnh vực nhà hàng khách sạn, bạn muốn làm quản lí nhà hàng khi ra trường. Vậy bạn sẽ làm gì để có được kinh nghiệm mà nhà hàng yêu cầu khi bạn chỉ mới tốt nghiệp?
Hãy xin làm phục vụ trong một nhà hàng. Học cách quan sát, phân tích người quản lí hiện tại: cách anh ta nói chuyện với khách hàng và nhân viên, cách anh ta giải quyết vấn đề, mọi người nghĩ gì về anh ta…Sau đó, tạo mối quan hệ tốt đẹp với anh ta như một người bạn tốt, người anh em tốt, hãy chân thành quan tâm anh ta. Khi ấy, anh ta sẽ không e ngại mà kể bạn nghe về những kỉ niệm vui buồn khi làm quản lí. Hãy chú ý những bài học đó, rút kinh nghiệm và sửa lại những sai lầm mà anh ta đã mắc phải.
Sau này, bạn hoàn toàn có thể tự tin khi xin vào vai trò quản lí nhà hàng và trả lời những câu hỏi liên quan đến vấn đề về kinh nghiệm quản lí.
Với những nghề khác cũng thế. Hãy xin làm công việc lương thấp (nên nhớ rằng bạn làm vì học), nhưng phải đảm bảo công việc đó cho bạn cơ hội tiếp cận với công việc mơ ước của mình.
9. Biết một ít về kiến thức tài chính
Với các bạn sinh viên, tìm hiểu về một lĩnh vực khác với chuyên môn của mình là việc không hề thú vị, đặc biệt là những bạn bị dị ứng với môn tài chính. Nhưng khi tốt nghiệp, sự cần thiết của kiến thức tài chính sẽ giúp ích cho bạn rất nhiều trong việc gia tăng thu nhập cho bản thân: thu nhập thụ động và thu nhập đầu tư.
10. Kỹ năng bán hàng (dành cho những bạn muốn làm chủ)
Hãy học cách làm một nhân viên bán hàng trước khi làm một ông chủ.
Bạn sẽ là một người chủ thế nào nếu bạn không thể bán được sản phẩm của mình? Nghề bán hàng tuy không quá vất vả như nhiều người vẫn nghĩ, nhưng nó là cánh cửa bắt buộc bạn phải vượt qua nếu muốn làm một ông chủ. Hãy xem tại sao nhiều người chủ doanh nghiệp thành công, đa số họ để xuất thân từ nhân viên bán hàng.
Ngoài ra, sinh viên trước khi tốt nghiệp cần rèn luyện thêm các kỹ năng mềm mà công ty tuyển dụng cần như kỹ năng giao tiếp, thông thạo ngoại ngữ… cùng lối sống lành mạnh. Kết hợp thực hiện với 10 điều trên, bạn đã có được nhiều lợi thế hơn những người cùng tuổi rồi đấy!