Thuốc được định nghĩa là chất hoặc hỗn hợp các chất dùng cho người nhằm mục đích phòng bệnh, chữa bệnh, chẩn đoán bệnh hoặc điều chỉnh chức năng sinh lý cơ thể bao gồm thuốc thành phẩm, nguyên liệu làm thuốc, văc xin, sinh phẩm y tế không kể đến thực phẩm chức năng.
Thuốc điều trị được dùng trên người với nhiều hình thức như uống, tiêm mạch, tiêm bắp, xông hơi, thuốc dán, thuốc thoa, thuốc nhỏ giọt,…Trong đó, thuốc uống là hình thức phổ biến và quen thuộc nhất với con người. Thuốc uống gồm có thuốc Tây y và Đông y nhưng đặc điểm chung nhất là mục đích chữa bệnh chủ yếu và việc sử dụng thuốc bằng đường uống cùng với nước hoặc một loại thức uống phù hợp.
Khi uống thuốc để chữa bệnh, chúng ta cần chú ý nhiều vấn đề liên quan như thời điểm uống thuốc, loại thức uống cùng với thuốc, tác dụng phụ của thuốc, tương tác thuốc,…Trong đó, thời điểm uống thuốc là một trong những yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến hiệu quả điều trị cũng như thói quen sinh hoạt của người bệnh.
Sau đây, bài viết sẽ giới thiệu 10 loại thuốc nên uống vào ban ngày mà người bệnh cần phải tuân theo nhằm phát huy tối đa tác dụng của thuốc cũng như hạn chế ảnh hưởng đến công việc, sinh hoạt hằng ngày:
1. Thuốc kháng viêm
Thuốc kháng viêm bao gồm hai loại chính là kháng viêm steroid và kháng viêm non-steroid. Thuốc kháng viêm là loại thuốc nên uống vào ban ngày vì theo khuyến cáo của nhiều dược sĩ, dựa vào dược động học của thuốc, thuốc phát huy tác dụng kháng viêm vào ban ngày mạnh hơn về đêm. Đồng thời, hormon cortisol của cơ thể được tiết ra nhiều nhất vào ban ngày góp phần làm tăng tác dụng của các thuốc kháng viêm
2. Thuốc lợi tiểu
Thuốc lợi tiểu là những thuốc làm tăng độ lọc của thận, tăng lượng nước tiểu được bài tiết trong ngày. Thuốc được ứng dụng để điều trị các bệnh như tăng huyết áp, phù, tăng nhãn áp, tiểu ít,…hoặc để xử trí một số tình huống cấp cứu.
Hiển nhiên, thuốc lợi tiểu là thuốc nên uống vào ban ngày vì nếu uống thuốc về đêm, việc đi tiểu nhiều lần sẽ ảnh hưởng đến giấc ngủ cũng như sức khỏe của người bệnh.
3. Thuốc giảm đau
Thuốc giảm đau gồm 2 loại chính là thuốc giảm đau trung ương và thuốc giảm đau ngoại biên. Tác dụng chính của thuốc là giảm đau trong những trường hợp đau cơ, đau thần kinh, đau các cơ quan nội tạng, đau do các bệnh lý mạn tính,…
Thuốc giảm đau ngoại biên là thuốc nên uống vào ban ngày vì trong thành phần thường chứa chất kháng viêm. Một vài loại thuốc có chứa chất caffein nhằm làm tăng tác dụng giảm đau, gây kích thích, hưng phấn và khó ngủ nếu người bệnh uống thuốc vào buổi tối.
4. Thuốc nhuận tràng
Thuốc nhuận tràng là thuốc làm tăng nhu động ruột, tăng vận chuyển các chất thải trong lòng ruột già và giúp dễ đi tiêu. Thuốc nhuận tràng thường dùng để điều trị táo bón, làm sạch ruột già chuẩn bị cho nội soi chẩn đoán bệnh hoặc xử trí một số trường hợp ngộ độc.
Cũng như thuốc lợi tiểu, thuốc nhuận tràng là thuốc nên uống vào ban ngày vì thuốc kích thích việc đi tiêu sẽ ảnh hưởng đến giấc ngủ của người bệnh nếu như uống thuốc vào buổi tối.
5. Thuốc hạ đường huyết
Thuốc hạ đường huyết đường uống là loại thuốc dùng cho người bị bệnh đái tháo đường tuýp 2 (đái tháo đường không phụ thuộc Insulin). Đây là một bệnh thường gặp ở những người tuổi trung niên trở lên, thể trạng béo phì, thừa cân, có người thân mắc bệnh đái tháo đường.
Thuốc hạ đường huyết là thuốc nên uống vào ban ngày để dễ kiểm soát chỉ số đường huyết của cơ thể. Nếu uống thuốc vào buổi tối, người bệnh có nguy cơ bị hạ đường huyết khi ngủ và nguy hiểm đến tính mạng.
6. Thuốc hạ áp
Thuốc hạ áp là những thuốc điều trị bệnh tăng huyết áp. Thuốc hạ áp gồm nhiều nhóm và nhiều loại thuốc. Phần lớn các thuốc hạ áp được khuyến cáo nên uống vào ban ngày để theo dõi hiệu quả điều trị của thuốc. Đồng thời có thể xử trí kịp thời những tác dụng phụ hoặc khi dùng quá liều.
Thuốc hạ áp nên hạn chế uống vào ban đêm vì khi ngủ, huyết áp của con người sẽ hạ thấp và dễ bị hạ huyết áp nặng nếu uống thuốc hạ áp trước khi ngủ. Tình trạng hạ huyết áp khi ngủ có thể gây nguy hiểm đến tính mạng.
7. Thuốc bổ
Thuốc bổ (ngoại trừ thực phẩm chức năng) thông thường chứa nhiều loại vitamin. Thuốc bổ cung cấp nhiều năng lượng, kích thích sự tỉnh táo. Vì vậy, đây là loại thuốc nên uống vào ban ngày để tăng hiệu quả học tập, làm việc. Tránh uống nhiều thuốc bổ về đêm vì sẽ gây kích thích, khó ngủ.
8. Thuốc dưỡng não
Thuốc dưỡng não về mặt tổng quát cũng là một dạng thuốc bổ. Thuốc dùng để điều trị các bệnh lý hay quên, giảm trí nhớ, giảm tập trung thường gặp ở người già, người làm việc quá sức hoặc những người chậm phát triển trí tuệ.
Thuốc dưỡng não giúp làm tăng lưu lượng máu đến não, tăng sự thức tỉnh, tập trung và vì vậy là loại thuốc nên uống vào ban ngày để kích thích chúng ta làm việc, tăng sự hưng phấn và chất lượng công việc.
9. Thuốc chống trầm cảm
Thuốc chống trầm cảm là một loại thuốc để điều trị bệnh trầm cảm và một vài bệnh khác thuộc chuyên khoa tâm thần như rối loạn lo âu, mất ngủ, rối loạn ám ảnh cưỡng chế, rối loạn hành vi ăn uống,…Thuốc chống trầm cảm gồm nhiều nhóm khác nhau như thuốc chống trầm cảm 3 vòng, thuốc chống trầm cảm SSRI, thuốc chống trầm cảm IMAO,…
Trong các nhóm thuốc chống trầm cảm, nhóm có tác dụng kích thích như SSRI là thuốc nên uống vào ban ngày nhằm phát huy tác dụng gây vui vẻ, hưng phấn, yêu đời của thuốc. Đồng thời, hạn chế tác dụng phụ gây mất ngủ, gây hưng phấn ảnh hưởng đến giấc ngủ của người bệnh nếu uống thuốc về đêm.
10. Thuốc giảm cân
Thuốc giảm cân có tác dụng giảm cân nặng ở những người thừa cân béo phì thông qua cơ chế: gây chán ăn, giảm hấp thu thức ăn có chứa lipid, giảm cholesterol trong máu. Vì trong thành phần của thuốc giảm cân thường chứa chất kích thích nên thuốc được khuyến cáo uống vào ban ngày để tránh tình trạng mất ngủ về đêm.
Xem thêm: