Ngày giỗ tổ Hùng Vương 10/3 âm lịch hay còn gọi là Lễ hội Đền Hùng là một ngày lễ trọng đại của Việt Nam, là ngày để tất cả mọi người con dân của đất nước Việt Nam thể hiện lòng biết ơn đối với các vua Hùng và người dân bao đời đã có công dựng nước. Ngày lễ hội cũng là lúc mà toàn thể người dân Việt Nam tận hưởng sự thái bình, yên vui mà ông cha ta ngàn năm đã xây dựng nên. Hôm nay 10Hay xin được giới thiệu lại đôi nét về ý nghĩa lịch sử và các hoạt động thường được tổ chức dịp lễ 10/3 âm lịch nhằm nhắc nhở con cháu muôn đời phải “uống nước nhớ nguồn” không được quên công ơn của tổ tiên đã gây dựng nên đất nước ta.
Nguồn gốc của ngày giỗ tổ Hùng Vương 10/3
“Dù ai đi ngược về xuôi
Nhớ ngày giỗ tổ mùng 10 tháng 3″
Đã là người Việt Nam hẳn không ai xa lạ gì với hai câu thơ trên, nhưng liệu trong gần 100 triệu người dân Việt Nam có được bao nhiêu người hiểu được nguồn gốc của ngày này? Hãy cùng lý giải nhé.
Chúng ta đã biết ở nền văn hóa phương đông hầu như nước nào cũng có những truyền thuyết riêng cho nguồn gốc của mình, đó là niềm kiêu hãnh, tâm linh và lòng tin đối với vị thần của mình. Tại Trung Quốc người ta có truyền thuyết về Bàn Cổ khai sinh ra vũ trụ hay Nữ Oa tạo nên con người, tại Nhật Bản người ta giải thích nguồn gốc dân tộc mình bằng truyền thuyết Izanagi và Izanami, thì tại Việt Nam có nguồn gốc Lạc Long Quân và Âu Cơ. Truyền thuyết kể rằng Tổ Phụ Lạc Long Quân lấy Tổ Mẫu Âu Cơ sinh ra 100 con, 50 con theo Cha xuống biển, 50 con theo Mẹ lên núi và con cả được truyền ngôi lấy hiệu là Hùng Vương. Và nguồn gốc của cội nguồn bắt đầu từ đấy.
Ngày Giỗ Tổ Hùng Vương 10/3 xuất hiện từ khi nào?
Theo những tài liệu còn lưu lại, hình thức sơ khai của Ngày Giỗ Tổ đã xuất hiện rất sớm trong lịch sử, cách đây hơn 2000 năm. Dưới thời Thục Phán – An Dương Vương, cột đá thề đã được dựng trên núi Nghĩa Lĩnh, ghi rõ: “Nguyện có đất trời lồng lộng chứng giám, nước Nam được trường tồn lưu ở miếu Tổ Hùng Vương, xin đời đời trông nom lăng miếu họ Hùng và gìn giữ giang sơn mà Hùng Vương trao lại. Nếu nhạt hẹn, sai thề sẽ bị gió giăng, búa dập”. Trong suốt hàng ngàn năm lịch sử, nhiều vị vua có tên tuổi của các triều đại phong kiến Việt Nam ngay từ khi lên ngôi đã từng bước xác lập “ngọc phả” về thời đại Hùng Vương, khẳng định vai trò to lớn của các Vua Hùng đối với non sông đất nước.
Ngày 6/1/2001, chính phủ ban hành Nghị định số 82/2001/NĐ-CP, quy định về quy mô, nghi lễ tổ chức giỗ Tổ Hùng Vương và lễ hội Đền Hùng hàng năm. Ngày 10 tháng 3 trở thành ngày Quốc Giỗ của cả dân tộc.
Ngày Giỗ Tổ Hùng Vương 10/3 chính thức là ngày gì?
Theo truyền thuyết thì có 18 đời vua Hùng, mỗi đời vua là 1 triều đại. Truyền thuyết ghi 18 đời Hùng vương có tổng cộng 180 vua. Nhưng tại sao chọn ngày ‘giỗ vua tổ’ là ngày trọng đại coi như ngày khai sinh đất nước mà không chọn ngày sinh hay ngày lên ngôi của ngài?
Nghiên cứu cổ sử Trung Hoa mà Sử thuyết họ Hùng cho là Bách Việt sử ta thấy: vua Hạ vũ được tôn là tổ của nhà Hạ nhưng ông Khải mới chính là vua đầu tiên của nhà Hạ, ông Cơ xương vẫn được coi là tổ nhà Chu nhưng thực ra con ông là Cơ Phát mới là vua đầu của nhà Chu. Như vậy nghĩa là ngày giỗ của vua tổ chính là ngày lên ngôi của vua đầu khai sáng triều đại.
Tương tự, quốc gia của người họ Hùng cũng thế, trước khi trở thành 1 vương quốc bao giờ cũng có thời lập quốc, ngày kết thúc thời lập quốc cũng chính là ngày bắt đầu của thời vương quốc, cả thời gian lập quốc được người Việt ‘siêu nhiên hóa’ thành thời trị vì của vua tổ, ngày vua tổ mất chính là ngày lên ngôi của vua đầu tiên tức mốc thời gian bắt đầu có quốc gia dân tộc hay là ngày khởi đầu của lịch sử quốc gia.
Tại sao lại chọn ngày 10/3 làm ngày giỗ tổ?
Tại sao tiền nhân lại chọn ngày 10/3 chứ không phải là một ngày khác? Theo Dịch học:
- Số 3 trong tháng 3 giỗ tổ là số của Địa chi
- Số 10 trong ngày 10 là số của Thiên can.
Tháng 3 âm lịch là tháng Thìn theo lịch nhà Hạ, Thìn là con Rồng, Hoa ngữ đọc là LUNG, âm Hán Việt là Long, Lung và Long là đồng âm của Lang, chính vì điều này con Rồng được dùng tượng trưng cho Vua. Theo ngôn ngữ Thái và Mường hiện nay từ lang cũng có nghĩa là Thủ lãnh, người cầm đầu. Tóm lại ý nghĩa của số 3 chính là Vua.
Số 10 là can Kỷ, đi hết 1 vòng trở về khởi đầu là Kỷ, nên ngày Kỷ cũng là Kỵ, mà ngày Kỵ tức ngày Giỗ. Số 10 và số 3 căn cứ trên 2 hệ Can – Chi theo Dịch học họ Hùng giải mã ra là: Kỵ Long ý tứ rất rõ ràng nghĩa là ngày Giỗ Vua.
Ý nghĩa ngày 10/3 đối với người dân Việt Nam
Giổ Tổ Hùng Vương không phải chỉ đề cao niềm tự hào dân tộc, còn nhắc nhở chúng ta phải tìm hiểu thấu đáo bản sắc dân tộc, và chúng ta phải làm gì và có thể làm được những gì ích lợi cho cộng đồng, cho dân tộc, tổ tiên có nếp sống cho gia đình và dòng tộc, quây quần bên nhau, thương yêu đùm bọc lẫn nhau. Gia đình là môi trường nuôi dưỡng thích hợp để tình thương luôn khởi sắc, và phát triển hồn nhiên trong sáng nếp sống bắt nguồn trong tình yêu gia đình, để biết ơn thành kính đối với ông bà, cha mẹ. Phong tục thờ cúng ông bà khởi đầu từ tâm chứ không phải do ý thức tín ngưỡng như các tôn giáo khác đã du nhập vào Việt Nam.
Ngày Giỗ Tổ 10/3/2017 được nghỉ mấy ngày?
Năm nay ngày giỗ tổ 10/3 sẽ vào 06/4 dương lịch, Toàn thể cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong các cơ quan hành chính, sự nghiệp, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội (gọi chung là cán bộ, công chức) được nghỉ 4 ngày liên tục.
Theo đó, cán bộ, công chức nghỉ ngày Lễ vào thứ Năm, có 1 ngày làm việc xen kẽ là thứ Sáu. Theo phương án của Bộ LĐ-TB&XH hoán đổi 1 ngày làm việc với 1 ngày nghỉ hằng tuần và sẽ đi làm bù vào ngày thứ Bảy (15/4) cho ngày nghỉ thứ Sáu (7/4). Như vậy số ngày nghỉ liên tục là 4 ngày, từ 6-9/4 đối với cán bộ công chức. Còn đối với các em học sinh, sinh viên và các nhân viên làm việc cho tư nhân chỉ được nghỉ 1 ngày.
Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương được tổ chức ở đâu?
Từ năm 2007 đến nay, Giỗ tổ Hùng Vương được xem là một quốc lễ và được tổ chức vào ngày mồng 10 tháng 3 hàng năm. Lễ hội sẽ được nhà nước đứng ra tổ chức vào những năm chẵn, những năm lẽ có đuôi 5 thì các Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, các năm khác thì do địa phương tổ chức.
Cùng nhìn lại những nét mới thú vị trong ngày Giỗ Tổ Hùng Vương 10/3/2016
Hằng năm cứ đến ngày mồng 10 tháng 3, người dân khắp nơi từ trong nước cho đến các kiều bào sinh sống và làm việc ở nước ngoài cũng về đền Hùng nằm trên núi Nghĩa Lĩnh, xã Hy Cương, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ để dâng hương, tạ lễ và thể hiện sự thành kính thiên liêng về vị Tổ của dân tộc, đồng thời cũng cầu mong những đều tốt đẹp tốt đẹp trong cuộc sống. Tuy nhiên Lễ hội đền Hùng không chỉ diễn ra ở khu di tích lịch sử đền Hùng Phú Thọ mà sẽ diễn ra ở nhiều địa phương trong cả nước như thành phố Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Đà Nẵng .v.v.
Ngày Giỗ Tổ Hùng Vương 10/3 – Lễ hội Đền Hùng còn là dịp để giáo dục truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, lòng biết ơn sâu sắc các Vua Hùng đã có công dựng nước và các bậc tiền nhân kiên cường chống giặc ngoại xâm giữ nước, đồng thời còn là dịp quan trọng để chúng ta quảng bá ra thế giới về một Di sản vô cùng giá trị, độc đáo, đã tồn tại hàng nghìn năm, ăn sâu vào tâm hồn, tình cảm, trở thành đạo lý truyền thống của đồng bào cả nước, kiều bào ta ở nước ngoài, là ngày để toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta cùng nguyện một lòng mãi mãi khắc ghi lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Các Vua Hùng đã có công dựng nước – Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”.
Xem thêm: