Trong bối cảnh hội nhập hiện tại, tiếng Anh đang dần dần đóng một vai trò không thể thiếu để chắp cánh cho một cuộc sống, một tương lai nghề nghiệp tươi sáng hơn cũng như mở rộng tất cả mọi cánh cửa giao lưu ra ngoài biên giới. Thế nhưng, trình độ tiếng Anh của người Việt vẫn còn là một vấn đề nan giải bởi ngay từ gốc, đa phần hầu như chúng ta đã bắt đầu học tiếng Anh từ những phương pháp sai lầm.
Đã có rất nhiều những phương pháp học tiếng Anh như học với google translate, học trên website hay học từ những trung tâm. Thể nhưng, chỉ vì những lầm tưởng không đáng có mà có thể mọi nỗ lực phấn đấu cày cuốc của bạn đều đổ xuống sông xuống bể đấy. Sau đây 10Hay.com xin đưa ra 4 lầm tưởng học tiếng Anh phổ biến nhất của người Việt, nguyên nhân và những giải pháp để chúng ta có những định hướng và chỉnh sửa tốt hơn.
1. Sống ở nước ngoài là sẽ giỏi tiếng anh
Nếu bạn muốn học một ngoại ngữ, môi trường xung quanh rất quan trọng. Sự thật là tới tận nước bản xứ học tập và làm việc là điều lý tưởng nhất để trau dồi tiếng Anh. Và hầu hết mọi người đều cho rằng những người định cư ở nước ngoài thời gian dài đều có khả năng “chém” tiếng Anh như gió.
Tuy nhiên, sự thật phũ phàng thông qua rât nhiều thống kê và khảo sát cho thấy đa phần dân nhập cư ở Mỹ và Úc đều nói tiếng Anh tương đối tệ, phát âm và ngữ pháp đều mắc những lỗi vô cùng cơ bản và không hề chia động từ theo chủ ngữ. Họ chỉ có thể dùng những từ cơ bản, câu đơn và lối diễn đạt lòng vòng, ấp úng để truyền tải một vấn đề nào đó.
Và đây là nguyên nhân. Trước tiên, dân nhập cư đa phần sống tụ tập lại cùng nhau, do đó không phải cứ nhập cư là có cơ hội tiếp xúc người nước ngoài 24/24. Trên thực tế tại nhiều cộng đồng người Việt đông đúc, họ hầu như học tập và làm việc cùng những người Việt với nhau. Mặt khác, việc không được kèm cặp kỹ về ngữ pháp, phát âm đúng phương pháp bài bản ngay từ khi mới bắt đầu khiến họ chỉ nghe và nói theo nhưng vẫn giữ tư tưởng, lối suy nghĩ Việt ngữ dẫn đến việc sử dụng tiếng Anh “bồi”. Ngoài ra, dù cho bạn có sai cơ bản về ngữ pháp và phát âm, thì với tư cách người bản xứ, người nước ngoài vẫn có thể hiểu bạn nói gì và không phải lúc nào họ cũng chỉ cho bạn lỗi sai. Điều này đã gây nên những “ảo tưởng” về khả năng tiếng Anh và cho rằng đó là tiếng Anh giao tiếp chuẩn xác.
Vậy nên, ở một góc độ khác thì việc sinh sống ở nước ngoài chỉ có thể giúp bạn tiếp xúc thường xuyên hơn với ngoại ngữ, không có nghĩa là giúp bạn nói chuẩn tiếng Anh, thậm chí trong nhiều trường hợp còn khiến bạn ảo tưởng và lấn sâu hơn vào những sai lầm về ngữ pháp, phát âm có sẵn. Thế nên, dù cho ở đâu, thì đừng quên nỗ lực hàng ngày để có một tư duy học tiếng Anh bài bản ngay từ đầu nhé
2. Nói hay không bằng hay nói
Không phải không có lý do cụ thể mà hầu hết tất cả các kỳ thi quốc tế đều phân ra 4 kỹ năng: đọc, nghe, nói, viết. Có những người giỏi ở kỹ năng này nhưng lại hoàn toàn tệ ở kỹ năng khác. Vậy nên, nếu như gặp một ai “bắn” tiếng Anh thuyết trình pằng pằng thì đừng tin rằng việc đó khiến họ giỏi một cách toàn diện trong tiếng Anh. Bởi, có những người nói giỏi nhưng viết và đọc hiểu lại rất tệ.
Chúng ta cần biết, bản chất việc học ngoại ngữ của trẻ em bản xứ đơn thuần chỉ là hình thước nghe và bắt chước lại một cách rập khuôn, dần dần mới nâng thành ý thức về câu cú, tự vựng, ngữ pháp. Thế nhưng đi sâu lên những chủ đề phức tạp, hay những sự kiện mang tính trang trọng cần tiếng Anh học thuật hơn tiếng Anh giao tiếp, thì việc phải hiểu rõ cấu trúc câu, nền tảng chặt chẽ là điều cần thiết, chứ không phải chỉ mỗi biết nghe, nói.
3. Có năng khiếu thiên bẩm mới nói được tiếng Anh
Một số người cho rằng đôi khi học nhiều mà không có năng khiếu cảm thụ bẩm sinh thì cũng như “đàn gảy tai trâu”. Niềm tin này trong họ càng được củng cố sau mọi nỗ lực tu luyện qua hàng loạt những trung tâm Anh ngữ mà khả năng “chém” tiếng Anh như gió vẫn còn rất xa tầm với.
Tuy nhiên, bạn thân yêu, hãy nhớ khả năng học ngôn ngữ là chức năng vô cùng cơ bản của loài người từ khi lọt lòng mẹ, trừ khi bạn chiếm một số cực kỳ vô cùng hiếm hoi mất khả năng ghi nhận ngôn ngữ mà thôi. Thế nên đừng đổ lỗi cho trời phú hay thiên bẩm gì cho việc mình vẫn chưa thế giỏi tiếng Anh nhé.
Vậy thì câu trả lời cho nghi vấn này là gì? Theo hầu hết các giảng viên tại các trung tâm đào tạo quốc tế, học tiếng anh giống như một bản năng sẵn có của mỗi người, quan trọng là có ai đánh thức nó dậy hay không mà thôi. Khi mới lọt lòng, chẳng phải bạn cũng không biết tiếng Việt là gì sao? Ba mẹ và người thân xung quanh cũng đã tốn bao năm đầu đời bạn để cuối cùng bạn có thể có một hệ thống ngôn ngữ tiếng Việt phong phú như ngày nay. Vậy tại sao với tiếng Anh lại không thể? Hãy để cho mình một mục tiêu, kiên trì, thời gian và quan trọng nhất là phương pháp phù hợp, chắc chắn bạn sẽ thành công với môn ngoại ngữ này, không sớm thì muộn mà thôi.
4. Cứ sai đi vì đời còn cho phép
Sai, một quan niệm hoàn toàn sai lầm nhé. Có rất nhiều giáo viên khuyến khích học sinh của mình bằng câu “Cứ nói đi, có sai cũng không sao”. Điều này khiến cho nhiều người rơi vào lối suy nghĩ “Chỉ cần nói thường xuyên, sai đúng không quan trọng”
Thế nhưng sự thực, đây không phải lúc nào cũng vô hại. Nếu bạn không nắm vững phát âm và ngữ pháp, rất dễ nói sai. Nếu không được ai chỉnh sửa kịp thời, não bộ của bạn sẽ ghi lại như một cách phát âm đúng, từ đó sẽ hình thành một lối mòn tư duy sai lệch. Việc nói nhiều có thể giúp bạn nói một cách trôi chảy và linh hoạt hơn. Thế nhưng trôi chảy mà phát âm không đúng hoặc dùng sai ngữ pháp thì còn tệ hơn là giao tiếp từ tốn mà chuẩn không cần chỉnh, phải không?