Ung thư được khái niệm là một nhóm các bệnh liên quan đến việc phân chia tế bào một cách vô tổ chức và những tế bào đó có khả năng xâm lấn những mô khác bằng cách phát triển trực tiếp vào mô lân cận hoặc di chuyển đến nơi xa (di căn) qua hệ thống bạch huyết hoặc mạch máu. Di căn là nguyên nhân gây tử vong chính của ung thư. Hiện có khoảng 200 loại ung thư.
Nguyên nhân của ung thư là sự sai lệch AND, tạo ra các đột biến gen thiết yếu điều khiển quá trình phân bào. Một hoặc nhiều gen đột biến tích lũy sẽ gây sự tăng sinh không kiểm soát của các tế bào và tạo nên khối u. Khối u sẽ tiến triển từ tế bào tiền ung thư đến khối u ác tính.
Ung thư là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trên thế giới. Theo thống kê của Tổ chức y tế thế giới, vào năm 2008, tổng số ca mắc bệnh ung thư là hơn 12,6 triệu người, tử vong 7,5 triệu người. Tại Việt Nam, số ca mới mắc bệnh ung thư vào năm 2008 là 111.000 người, số ca tử vong là 82.000 người. Bệnh ung thư có thể xảy ra ở mọi người, mọi đối tượng bất kể quốc gia, địa lý, chủng tộc, tôn giáo, giàu nghèo,…
Ung thư có thể được chữa khỏi hoàn toàn nếu phát hiện sớm và có biện pháp xử trí kịp thời như phẫu thuật, hóa trị, xạ trị. Đồng thời, con người cũng có thể chủ động phòng bệnh bằng các biện pháp phòng chống bệnh ung thư đã được nhiều nhà khoa học nghiên cứu và công bố trên thế giới.
Sau đây là 10 biện pháp phòng chống bệnh ung thư quan trọng và cốt yếu mà mỗi người cần phải nắm rõ để bảo vệ cho sức khỏe của bản thân và gia đình:
1. Không hút thuốc lá và tránh hít khói thuốc
Thuốc lá là nguyên nhân của trên 30% trong tổng số các loại ung thư bao gồm ung thư phổi. Có tới trên 90% bệnh ung thư phổi có liên quan tới thuốc lá. Bên cạnh đó, các loại ung thư khác như khoang miệng, thực quản, hà họng tinh quản, thậm chí, ung thư vú, ung thư cổ tử cung ở nữ cũng có liên quan tới thuốc lá. Vì vậy, việc không hút thuốc lá và tránh hít phải khói thuốc (hút thuốc lá thụ động) là một biện pháp phòng chống bệnh ung thư quan trọng và không thể xem thường.
2. Ăn nhiều chất xơ
Chế độ ăn nhiều chất xơ như rau xanh, cải, củ quả,… là một biện pháp phòng chống bệnh ung thư hữu hiệu. Ăn nhiều chất xơ không những giúp cho quá trình tiêu hóa trong cơ thể được thực hiện tốt mà còn hạn chế bị táo bón, phòng tránh được các bệnh ung thư về đường ruột, trực tràng. Chất diệp lục tố trong rau xanh có thể chống được nhiều loại ung thư. Nhiều nghiên cứu chứng minh 95% chất diệp lục tố không bị dịch tiêu hóa phá hủy.
3. Giảm cân, tránh béo phì
Thừa cân, béo phì là một yếu tố nguy cơ cao của ung thư. Lượng mỡ thừa trong máu không những gây ra nhiều vấn đề về bệnh tim mạch mà còn tiềm ẩn nguy cơ của các bệnh ung thư về gan, vú, ruột, lách,… Vì vậy, việc giữ cân nặng cơ thể ở mức cho phép (BMI từ 18,5 đến 25) là một biện pháp phòng chống bệnh ung thư quan trọng.
4. Luyện tập thể dục, thể thao
Luyện tập thể dục thể thao có rất nhiều tác dụng hữu ích cho sức khỏe: giúp giảm cân, phòng ngừa các bệnh lý về tim mạch, nội tiết, đồng thời cũng là một biện pháp phòng chống bệnh ung thư. Hội ung thư học Hoa Kỳ đã công bố việc tập thể dục ít nhất 5 ngày mỗi tuần, mỗi ngày tập ít nhất 30 phút sẽ giúp giảm nguy cơ mắc bệnh ung thư xuống 5 lần.
5. Hạn chế rượu bia
Bên cạnh thuốc lá, rượu bia và một số chất kích thích như cocain, amphetamin, cafein cũng là những yếu tố nguy cơ của ung thư, bao gồm ung thư vòm họng, dạ dày, gan, tụy,…Theo nhiều nghiên cứu trên thế giới, một người nghiện rượu có nguy cơ mắc bệnh ung thư gan cao gấp 5 – 10 lần người bình thường. Vì vậy, việc hạn chế rượu bia (chỉ uống một lượng rượu có lợi cho sức khỏe) là một biện pháp phòng chống bệnh ung thư được khuyến cáo ở nhiều nước trên thế giới, đặc biệt là các nước đang phát triển.
6. Hạn chế các loại thức ăn chứa chất sinh ung thư
Những loại thức ăn chứa chất sinh ung thư bao gồm các loại phổ biến như sau:
- – Các loại thịt chế biến sẵn, thịt đóng hộp
- – Thực phẩm nướng, hun khói
- – Thực phẩm bị mốc như gạo, lúa mì, đậu, ngô,…
- – Dưa muối
- – Bắp rang bơ,…
Những loại thức ăn trên có thể chứa các chất sinh ung như nitroso, aflatoxin, benzopyrene, amin nitrit,… Khi các chất này tích tụ lâu ngày và với lượng thích hợp trong cơ thể sẽ gây nên ung thư. Vì vậy, hạn chế ăn các loại thức ăn trên là một biện pháp phòng chống bệnh ung thư cần thiết mà chúng ta không nên bỏ qua.
7. Tăng cường sử dụng thực phẩm phòng chống ung thư
Bên cạnh việc hạn chế các loại thực phẩm chứa chất sinh ung thư thì ta cũng nên tăng cường sử dụng những thực phẩm phòng bệnh ung thư. Đó là những loại thực phẩm sau: cà rốt, cà chua, nấm, nho, rong biển, rau cải, cam, khoai lang, măng tây,…Ngoài tác dụng phòng bệnh ung thư, những loại thực phẩm kể trên còn cung cấp một lượng không nhỏ vitamin cần thiết cho cơ thể, trong đó có những loại vitamin cũng có tác dụng phòng chống bệnh ung thư, tăng cường hệ thống kháng thể của cơ thể với các tác nhân gây ung thư.
8. Hạn chế tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng
Ánh nắng lúc sáng sớm trước 9 giờ giúp cơ thể tổng hợp vitamin D, tăng cường hấp thu Canxi. Tuy nhiên, từ 9 giờ trở đi, lượng tia tử ngoại trong ánh nắng bắt đầu tăng lên và kể từ thời điểm đó, ánh nắng trở nên có hại đối với cơ thể. Việc vận động ngoài trời sẽ không tránh khỏi tiếp xúc với ánh nắng. Tia tử ngoại từ ánh nắng mặt trời là yếu tố nguy cơ của một số bệnh ung thư như: ung thư da, giác mạc, vòm họng,… Vì vậy, cần phải có công cụ bảo vệ, vật dụng che nắng như kính râm, dù, áo khoác, váy chống nắng,…Đây là một biện pháp phòng chống bệnh ung thư cần thiết, đặc biệt là giai đoạn trái đất ngày một nóng lên như hiện nay.
9. Tránh căng thẳng, stress
Nhiều nghiên cứu chứng minh rằng căng thẳng tâm lý, stress kéo dài làm cho cơ thể mệt mỏi, sức khỏe suy yếu, giảm sức đề kháng đối với các tác nhân gây ung thư và là một trong những nguy cơ dẫn đến một số bệnh ung thư như: dạ dày, gan, phổi, vú,…Cần có chế độ học tập, làm việc, nghỉ ngơi hợp lý, hạn chế thức khuya, hạn chế làm quá sức,… là một biện pháp phòng chống bệnh ung thư hiệu quả và cần thiết.
10. Khám sức khỏe định kỳ
Cần thiết khám sức khỏe định kỳ để tầm soát những nguy cơ mắc bệnh ung thư của cơ thể nhằm có hướng khắc phục thích hợp. Theo khuyến cáo của các bác sĩ, tất cả những người trên 40 tuổi hoặc người có người thân mắc bệnh ung thư nên định kỳ khám sức khỏe để phát hiện sớm những tổn thương tiền ung thư, hoặc phát hiện bệnh ung thư ở giai đoạn sớm để có hướng xử trí kịp thời, không để đến giai đoạn quá muộn.
Xem thêm: