Loãng xương là một bệnh lý của hệ thống cơ xương khớp, được đặc trưng bởi sự giảm khối lượng xương và giảm chất lượng xương, dẫn đến tăng nguy cơ gãy xương. Bệnh loãng xương được phân loại gồm loãng xương nguyên phát gặp ở người già, phụ nữ sau mãn kinh và loãng xương thứ phát do ít hoạt động thể lực, do chế độ ăn uống hoặc do mắc một số bệnh như bệnh nhược giáp, thiểu năng tuyến sinh dục, các bệnh lý đường tiêu hóa,…
Loãng xương gây đau nhức sâu trong xương, hạn chế vận động và tăng nguy cơ gãy xương. Theo WHO dự tính đến năm 2050, toàn thế giới sẽ có 6,3 triệu trường hợp gãy cổ xương đùi do loãng xương và 51% số này thuộc các nước châu Á. Việc điều trị bệnh loãng xương thường kéo dài, tốn kém và kết quả khỏi hẳn thì không cao. Vì vậy, vấn đề phòng bệnh loãng xương là rất cần thiết đối với mỗi người, nhất là khi còn trẻ.
Sau đây là 10 cách phòng bệnh loãng xương hiệu quả và đơn giản mà mỗi người nên thực hiện ngay hôm nay để cơ thể có một bộ xương chắc khỏe:
1. Bổ sung canxi
Bổ sung canxi là một cách phòng bệnh loãng xương quan trọng mà mọi người nên thực hiện. Theo Tổ chức Y tế thế giới WHO, nhu cầu canxi hằng ngày đối với trẻ em là 300-1000mg, đối với người lớn là 800-1200mg, và đối với phụ nữ có thai, phụ nữ cho con bú là 1200-1500mg/ngày.
Chúng ta có thể bổ sung canxi từ thực phẩm như sữa tươi, ngũ cốc, rau có màu xanh đậm, hải sản (tôm, cua, sò), cá biển, đậu,…Ngoài ra, có thể bổ sung canxi bằng việc uống những viên thuốc chứa canxi được bán rộng rãi tại các nhà thuốc. Cung cấp đầy đủ canxi giúp xương chắc khỏe, quá trình tạo xương diễn tiến thuận lợi, giảm nguy cơ loãng xương.
2. Việc sử dụng thuốc kháng viêm
Kiểm soát và cân nhắc sử dụng thuốc kháng viêm là một cách phòng bệnh loãng xương không thể bỏ qua. Thuốc kháng viêm, nhất là corticoid, có đặc tính dược lý là làm giảm canxi máu, gây loãng xương. Vì vậy, những người thường xuyên uống thuốc kháng viêm để điều trị bệnh như viêm khớp dạng thấp, hội chứng thận hư, viêm đại tràng,… cần phải bổ sung thêm canxi để phòng loãng xương. Phụ nữ tuổi mãn kinh, trẻ em, người già nên hạn chế uống thuốc kháng viêm nếu không cần thiết.
3. Điều trị các bệnh có thể gây loãng xương
Cách phòng bệnh loãng xương hiệu quả tiếp theo đó là điều trị triệt để những bệnh có thể gây loãng xương như:
- – Cường tuyến cận giáp gây giảm canxi trong xương.
- – Suy giáp làm giảm quá trình tạo xương.
- – U tủy thượng thận làm tăng quá trình hủy xương.
- – Hội chứng kém hấp thu làm giảm quá trình hấp thu canxi từ thức ăn, dẫn đến giảm canxi máu.
- – Tiêu chảy kéo dài làm mất nhiều canxi của cơ thể,…
4. Hạn chế rượu bia
Hạn chế rượu bia là một cách phòng bệnh loãng xương được khuyến cáo dành cho nam giới vì đây là đối tượng thường xuyên uống rượu bia. Rượu bia là tác nhân làm giảm sự hấp thu canxi vào cơ thể, dẫn đến giảm canxi máu và tăng nguy cơ loãng xương. Đồng thời, người uống nhiều rượu bia cũng dễ bị thiếu hụt vitamin B1 dẫn đến giảm hoạt động của quá trình tạo xương.
5. Bỏ thuốc lá
Bỏ thuốc lá không những là cách phòng bệnh loãng xương hiệu quả mà còn giúp chúng ta tránh được nhiều bệnh như viêm phế quản, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, ung thư phổi, loét dạ dày, bệnh tim mạch,…Theo nhiều nghiên cứu, nam giới hút thuốc lá có nguy cơ bị loãng xương cao hơn những người không hút. Các nhà khoa học thuộc Trung tâm National Jewish Health (Mỹ) phát hiện rằng tiền sử hút thuốc lá làm tăng nguy cơ giảm mật độ xương ở cả nam giới và phụ nữ.
6. Bổ sung hormon
Bổ sung hormon hay liệu pháp hormon là cách phòng bệnh loãng xương cần thiết ở những người có nguy cơ cao như thiểu năng tuyến sinh dục, phụ nữ tuổi mãn kinh, những người phải uống thuốc kháng viêm kéo dài,…Các loại hormon giúp phòng bệnh loãng xương bao gồm testosterol, estrogen, progesterol, calcitonin. Thông thường, những loại hormon này được sử dụng bằng đường tiêm để bổ sung cho người bệnh và phải được chỉ định bởi bác sĩ chuyên khoa.
7. Bổ sung vitamin D
Một trong những vai trò quan trọng của vitamin D đối với cơ thể là phòng bệnh còi xương ở trẻ em, phòng bệnh loãng xương ở người lớn và người cao tuổi. Vitamin D có tác dụng kích thích sự hấp thu canxi từ thức ăn, thức uống, kích thích quá trình khoáng hóa để hình thành xương. Chúng ta có thể bổ sung vitamin D cho cơ thể từ thuốc tây hoặc các loại thực phẩm như dầu cá, gan cá, sữa tươi, trứng, ngũ cốc,…
8. Tập thể dục
Tập thể dục là một trong những cách phòng bệnh loãng xương hiệu quả đã được nhiều nhà khoa học chứng minh. Tập thể dục giúp rèn luyện độ bền, độ chắc khỏe của xương, tăng cường quá trình hấp thu canxi cho cơ thể, tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình tạo xương. Để việc tập thể dục có hiệu quả phòng bệnh, tăng cường sức khỏe, bạn nên đi bộ nhanh ít nhất 30-40 phút mỗi ngày và tối thiểu 5 ngày mỗi tuần.
9. Tắm nắng
Tắm nắng là một cách phòng bệnh loãng xương đối với người lớn và phòng bệnh còi xương ở trẻ em. Ánh nắng giúp cơ thể tổng hợp vitamin D, tăng cường quá trình hấp thu canxi từ hệ tiêu hóa, tăng khả năng vận chuyển canxi cho hoạt động tạo xương. Thời điểm tắm nắng tốt nhất là từ 6-9 giờ sáng vì lúc này, lượng tia tử ngoại còn thấp, ánh mặt trời không quá nóng, ít gây xạm da. Thời gian tắm nắng thích hợp là 15-30 phút đối với trẻ em và 30 phút đến 1 giờ đối với người lớn.
10. Khám sức khỏe định kỳ
Khám sức khỏe định kỳ là một cách phòng bệnh loãng xương không thể thiếu được đối với người trưởng thành. Khám và tầm soát bệnh loãng xương thông qua việc đo mật độ canxi, chất khoáng trong xương nên được thực hiện đối với những người từ 40 tuổi trở lên. Từ cơ sở đó, chúng ta sẽ có những thay đổi về lối sống, chế độ ăn uống và bổ sung canxi, vitamin D kịp thời trước khi bệnh loãng xương xảy ra.
Xem thêm: