Những ngày Tết là một khoảng thời gian vui tươi, nhộn nhịp nhất. Mọi người trong gia đình có dịp sum họp, quây quần bên nhau, quên đi những lo toan, bộn bề vất vả để tận hưởng không khí hân hoan của ngày Tết. Theo truyền thống của người Việt Nam, Tết đến ai cũng mong rước lộc vào nhà, an khang thịnh vượng. Vì vậy nên bên cạnh những việc làm cầu may, ý nghĩa vạn sự tốt đẹp thì cũng có những điều kiêng kỵ trong ngày Tết Nguyên Đán mà mọi người đều tránh nhằm xua đi xui xẻo của những thời khắc đã qua, không để vướng bận vào năm mới.
Những ngày Tết đánh dấu một sự khởi đầu cho cả một năm. Do đó, thuận lợi và suôn sẻ là điều tất yếu mà ai cũng mong muốn có được. Bởi vì “Đầu xuôi đuôi lọt”. Ông bà mình thường nhắc nhở “Có kiêng, có lành”. Và lúc nào trong những dịp lễ Tết cũng có những hành động, những điều ta nên cử. Do đó, có nhiều điều kiêng kỵ trong ngày Tết Nguyên Đán bạn nên biết để tránh, hạn chế thực hiện nhằm tạo nên một không khí tận hưởng ngày Tết tài lộc vui tươi trọn vẹn.
Ở mỗi miền trên đất nước Việt Nam có những tục lệ, những điều kiêng kỵ riêng. Bài viết dưới đây sẽ tổng hợp 10 điều kiêng kỵ trong ngày Tết Nguyên Đán chung cho cả 3 miền, cho cả nước Việt Nam mà đi bất kỳ nơi đâu, bạn cũng nên nhớ và tránh thực hiện những điều đó:
1. Không quét nhà, đổ rác vào ngày mồng Một
Người Việt chúng ta quan niệm rằng Tết đến, nếu quét nhà, đổ rác sẽ quét đi và gom đi hết Tài Lộc, sự may mắn vứt ra khỏi cửa. Đây là quan niệm chung của cả 3 miền. Vì vậy, khi chuẩn bị đón Tết, vào ngày cuối năm, bạn nên cẩn thận lau quét, tân trang nhà cửa, dọn dẹp sân vườn cho thật sạch sẽ, ngăn nắp, không còn rác thải vứt bừa bãi để khỏi phải làm việc này vào những ngày đầu năm, nhất là ngày mồng Một Tết. Để cẩn thận, không quên do sơ suất, nhiều gia đình ở Nam Bộ còn cất hết chổi, ky hốt rác vào những ngày Tết.
2. Không cho lửa, nước đầu năm
Lửa tượng trưng cho vận đỏ, cho sự may mắn đầu năm nên những ngày Tết, ta không nên cho lửa. Còn nước tượng trưng cho nguyên tố khởi nguyên của vũ trụ. Nước gắn liền với câu chúc “Tiền vô như nước”. Vì vậy, ta cũng không nên cho nước vào ngày đầu năm để đừng đánh rơi tiền tài, của cải của bản thân, gia đình.
3. Không làm đổ vỡ đồ dùng
Ông bà ta quan niệm từ “đổ”, “vỡ” hàm ý sự chia lìa, xa cách. Từ sự đổ, vỡ các đồ dùng sẽ dễ dẫn đến đổ vỡ mối quan hệ trong gia đình, xã hội, công việc. Vì vậy, vào những ngày Tết, chúng ta nên cẩn thận khi sử dụng các đồ vật dễ vỡ như chén, bát, ly thủy tinh, gương nhằm mang nhiều điềm lành cho năm mới, tránh những điều không hay.
4. Không tranh cãi, bất hòa
Ngày Tết đến là ngày để chúng ta thỏa sức cười vui, quên đi những căng thẳng, áp lực công việc để hòa mình vào không khí hân hoan của mùa xuân. Vì vậy, chúng ta không nên để mất hòa khí, không vì mâu thuẫn mà tranh cãi sẽ dẫn đến bất hòa cả năm. Vào những ngày này, người lớn cũng đừng nên quát mắng trẻ em, đừng để trẻ khóc lóc vì bị la mắng. Như vậy theo quan niệm của nhiều người, chúng ta sẽ được hưởng sự vui vẻ, hòa thuận cả năm, những mối quan hệ cũng sẽ thuận lợi, không vấp phải những xung đột, hiềm khích.
5. Không vay mượn đầu năm
Chúng ta không nên vay mượn vào những ngày đầu năm vì theo quan niệm của nhiều người, vay tiền hoặc mượn đồ đạc vào năm mới sẽ là một điều không may mắn, khiến chúng ta túng quẩn cả năm. Còn những người cho vay thì tiền bạc sẽ bị phân tán, khó làm ăn phát đạt, khó quản lý của cải một cách chặt chẽ.
6. Không nên treo tranh xui, mua đồ xui, nói điều xui
Ngày Tết, hiển nhiên chúng ta phải cất đi những tranh mang ý nghĩa không may mắn như kiện tụng, đánh ghen, cờ bạc,…vì sẽ dẫn đến điềm gở. Không nên mua những đồ xui vì ông bà ta có câu “Đầu năm mua muối, cuối năm mua vôi”. Món hàng mua đầu năm được xem là lấy hên, lấy lộc nên ta tránh mua những thứ không may như dao, thớt, chày, cối,…Đồng thời, chúng ta cũng phải hạn chế tối đa nói những điều xui vào những ngày Tết. Đây là một điều kiêng kỵ ở mọi nơi vào ngày đầu năm. Những ngôn từ đôi lúc vô tư như “Chết rồi”, “Thôi rồi”, “Buồn thiệt”,… chúng ta phải tuyệt đối tránh. Thay vào đó bằng những lời thăm hỏi, chúc sức khỏe, chúc tiền tài sẽ giúp giữ được thiện cảm trong lòng mọi người.
7. Không ngồi hoặc đứng lâu trước cửa
Việc ngồi hoặc đứng lâu trước cửa vào ngày đầu năm được nhiều người quan niệm là một hành động gây phương hại đến vượng khí gia đình. Luồng khí tốt nhất, thịnh vượng của mùa xuân sẽ bị chặn lại, sự may mắn, thành công sẽ bị gián đoạn vì hành động áng ngự trước cửa của một ai đó. Chính vì vậy, khi đến thăm hỏi, xông đất vào dịp Tết, bạn nên hạn chế đứng hoặc ngồi lâu trước cửa nhà, đặc biệt là cửa cổng chính của gia chủ.
8. Không đóng cửa suốt ngày
Vào những ngày Tết, chúng ta nên mở cửa thường xuyên để rước tài lộc, đón sự may mắn, đón luồng sinh khí tràn ngập sự lạc quan, phấn khởi, tươi sáng vào nhà. Không nên đóng cửa suốt ngày vì như thế tượng trưng cho sự tù túng, nghèo đói, cách ly, cô quạnh,…Đồng thời, việc đóng cửa xem như là từ chối vận may, tiền tài của Ngọc Hoàng và các vị Chư Thần mang đến vào ngày Tết. Vì vậy, vào những ngày đầu năm, cả nhà đừng nên đi vắng mà hãy để một ai đó ở nhà, mở cửa cho thông thoáng và chào đón những điều may mắn, tốt đẹp nhất của năm mới.
9. Không ra đường, khởi hành vào ngày xấu
Theo quan niệm của ông bà ta, việc chọn một ngày ra đường, ngày khởi hành vào dịp đầu năm là khá quan trọng. Nó quyết định phần lớn tương lai, vận mệnh trong suốt một năm. Ông bà ta quan niệm trong số những ngày đầu của năm, mồng Năm là ngày nguyệt kỵ, ngày xấu vì “Mồng Năm, mười bốn, hăm ba/ Đi chơi còn thiệt nữa là đi buôn”. Nhiều ý kiến cho rằng đây là một quan điểm mê tín dị đoan. Tuy nhiên, có kiêng thì có lành. Vì vậy, phần đông mọi người không chọn du xuân, cũng như khởi hành một chuyến đi nào đó vào ngày mồng Năm Tết.
10. Không ăn dở, bỏ thừa
Ông bà ta quan niệm rằng việc ăn dở, bỏ thừa vào những ngày Tết sẽ khiến cả năm mất mùa, đói khát, thiếu cơm, túng gạo. Nếu ai đang kinh doanh loại hình ăn uống, làm nghề nấu ăn thì năm đó sẽ vắng khách, thua lỗ. Nguyên nhân là vì chúng ta phung phí thức ăn tài lộc, may mắn của năm mới sẽ bị Chư Thần khiển trách, trừng phạt. Vì vậy, khi ăn những món ăn ngày Tết, dù ngon hay không thì chúng ta cũng nên ăn trọn hết phần, không nên nhấm nháp chút ít rồi vứt đi.
Trên đây là 10 điều kiêng kỵ trong ngày Tết Nguyên Đán bạn nên biết để tránh làm phải nhằm tận hưởng được những khoảnh khắc ngày Tết cổ truyền thiêng liêng của dân tộc một cách vui tươi trọn vẹn, trong hòa khí ấm áp, chân tình cùng gia đình, hàng xóm, bè bạn.
Xem thêm: