Hằng ngày bạn sử dụng điện thoại thông minh, máy tính xách tay cho công việc của mình, bên cạnh việc hỗ trợ tối đa cho công việc các thiết bị này còn giúp bạn có những giây phút giải trí tuyệt vời. Vậy có bao giờ bạn tìm hiểu xem làm sao một sản phẩm công nghiệp lại có thể làm được như vậy. Hôm nay, 10hay.com sẽ giúp bạn đi tìm câu trả lời.
Một chiếc điện thoại có thông số phần cứng cao bao nhiêu đi nữa mà không có phần mềm hỗ trợ thì cũng vô dụng. Bạn có bao giờ nghe đến “hệ điều hành” chưa, nó là gì bạn biết không ? Hệ điều hành là một phần mềm hệ thống, thường được các nhà sản xuất nạp vào sản phẩm khi xuất xưởng bán ra thị trường. Nếu điện thoại, máy tính mà không có hệ điều hành thì nó không khác đống sắt vụn là mấy, hệ điều hành sẽ tạo ra môi trường làm việc giữa người sử dụng và thiết bị, tối ưu hóa trải nghiệm cho người sử dụng. Sau đây chúng tôi xin giới thiệu top 10 hệ điều hành phổ biến cho điện thoại, máy tính phổ biến mà chúng ta thường gặp.
Trên các thiết bị di động có thể kể đến :
1. Android (Mã nguồn mở, phổ biến nhất)
Android hiện là hệ điều hành di động phổ biến nhất hiện nay với thị phần trung bình hơn 50% trên toàn thế giới. Android được biết đến như một hệ điều hành có mã nguồn mở dựa trên nền tảng Linux được thiết kế dành cho các thiết bị di động có màn hình cảm ứng như điện thoại thông minh và máy tính bảng. Ban đầu, Android được phát triển bởi Tổng công ty Android, với sự hỗ trợ tài chính từ Google, sau này được chính Google mua lại vào năm 2005, hệ điều hành Android đã chính thức ra mắt vào năm 2007. Chiếc điện thoại đầu tiên chạy Android là HTC Dream được bán vào ngày 22 tháng 10 năm 2008.
Ưu điểm:
- Thân thiện, dễ sử dụng.
- Là hệ điều hành có mã nguồn mở nên khả năng tuỳ biến cao, có thể tùy ý chỉnh sửa mà không có sự can thiệp hay cấm cản từ Google.
- Đa dạng sản phẩm, rất nhiều hãng điện thoại, thiết bị công nghệ đã ưu ái chọn Android cho thiết bị của họ, giá cả thì hợp lý từ bình dân đến cao cấp.
- Kho ứng dụng Google Play Store đồ sộ.
- Khả năng đa nhiệm, chạy cùng lúc nhiều ứng dụng cao.
- Chạy trên nhiều thiết bị Mobile, Watch, Tivi, Car, Camera…
Nhược điểm:
- Dễ nhiễm phần mềm độc hại, virus. Do tính chất mã nguồn mở, nhiều phần mềm không được kiểm soát có chất lượng không tốt hoặc lỗi bảo mật vẫn được sử dụng.
- Kho ứng dụng quá nhiều dẫn đến khó kiểm soát chất lượng, thiếu các ứng dụng thật sự tốt.
- Sự phân mảnh lớn. Trong khi một số thiết bị Android xuất sắc đã trình làng như Galaxy S7, HTC 10, Xperia Z5…, vẫn còn rất nhiều sản phẩm giá rẻ bình thường khác.
- Cập nhật không tự động với tất cả thiết bị. Khi một phiên bản hệ điều hành mới ra mắt, không phải tất cả sản phẩm đều được cập nhật, thậm chí nếu muốn trải nghiệm bạn thường xuyên phải mua mới thiết bị.
Các nhà sản xuất hiện tại đang sử dụng hệ điều hành android có thể kể đến những cái tên nổi tiếng như : SamSung, Sony, HTC, LG, Lenovo…cho đến các nhà sản xuất giá rẻ đến từ Trung Quốc như: Huawei, Oppo, Oneplus, Xiaomi, Meizu…Ngoài ra: bản chất mở và cho phép thay đổi của Android giúp nó xuất hiện trên các thiết bị điện tử khác, như laptop và netbook, smartbook, Smart tivi và máy ảnh. Hơn thế nữa, hệ điều hành Android còn được ứng dụng trong kính mắt thông minh (Project Glass), đồng hồ đeo tay, tai nghe, máy nghe nhạc bỏ túi, điện thoại để bàn, và máy trò chơi điện tử chạy Android.
2. iOS (Độc quyền, cao cấp)
Sự thành công của ông lớn công nghệ Apple luôn gắn liền với sản phẩm chủ lực Iphone, để mang đến thành công cho chiếc điện thoại được xem là đầu bảng của mình họ xây dựng nên một hệ điều hành không chỉ tối ưu được phần cứng mà còn có tính bảo mật cao : IOS.
IOS là một hệ điều hành điện thoại di động được phát triển và phân phối độc quyền cho phần cứng của Apple. Ban đầu, iOS được công bố năm 2007 cho iPhone, sau đó được mở rộng để hỗ trợ các thiết bị khác của Apple như iPod Touch (tháng 9 năm 2007), iPad (tháng 1 năm 2010), iPad Mini (tháng 11 năm 2012) và thế hệ thứ hai của Apple Ttivi trở đi (tháng 9 năm 2010). Đến cuối năm 2011, iOS chiếm 60% thị phần điện thoại thông minh và máy tính bảng. Cuối năm 2012, iOS chiếm 21% thị phần hệ điều hành điện thoại thông minh trên thị trường và 43,6% thị trường hệ điều hành máy tính bảng. Và đến tháng 6 năm 2014, App Store của Apple chứa hơn 1.200.000 ứng dụng iOS, và được tải về hơn 60 tỷ lần.
Ưu điểm:
- Nền tảng ổn định, ứng dụng có khả năng tương thích cao. Ứng dụng trên iOS có thể hoạt động mượt mà vì chỉ được tối ưu hóa cho các thiết bị của Apple.
- Độ tin cậy và bảo mật cao.
- Chu kỳ ra mắt là một năm vì vậy bạn sẽ yên tâm không phải chạy đua quá nhiều để nâng cấp.
- Ứng dụng phong phú, chất lượng và cập nhật nhanh hơn khi có phiên bản mới.
- Do tính phổ biến cũng như không có nhiều loại kích cỡ khác nhau nên điện thoại iPhone được rất nhiều hãng sản xuất phụ kiện ưu ái. Người dùng iPhone có thể dễ dàng lựa chọn rất nhiều mẫu ốp lưng, bao da khác nhau. Thậm chí còn có cả ống kính rời cho camera,..
Nhược điểm:
- Trao đổi dữ liệu đều phải qua iTunes gây bất tiện và tốn thời gian.
- Khả năng tuỳ chỉnh hạn chế.
- iOS chỉ có thể hoạt động trên các thiết bị độc quyền do Apple sản xuất mà thôi, trong khi giá các thiết bị Apple thì không hề dễ chịu tí nào.
3. Windows phone (Cải tiến từng ngày)
Windows Phone là hệ điều hành dành cho điện thoại thông minh của Microsoft, thay thế cho nền tảng Windows Mobile. Dù vậy hiện tại hai hệ điều hành này vẫn chưa tương thích được với các phiên bản cũ do thời gian phát triển quá nhanh.
Windows bắt đầu được ra mắt chính thức vào tháng 2/2010 ở triển lãm Mobile World Congress diễn ra ở Barcelona, Tây Ban Nha, đến tháng 10/2010, 10 thiết bị Windows Phone đầu tiên đến từ HTC, Dell, Samsung, LG đã được ra mắt và bán ra rộng rãi trên thế giới một thời gian sau đó. Tên gọi phiên bản đầu tiên của hệ điều hành Windows Phone là Windows Phone 7, sau đó Microsoft tung ra các bản nâng cấp nhỏ là Windows Phone 7.5, Windows Phone 7.8, Windows Phone 8, Windows Phone 8.1 và hiện tại mới nhất là Windows Phone 10.
Ưu điểm:
- Giao diện của điện thoại gần giống như trên máy tính giúp người dùng cảm thấy quen thuộc, dễ sử dụng.
- Khả năng đồng bộ danh bạ, email tốt.
- Có phần mềm bản đồ Here Maps khá tốt đối với người dùng, bản đồ có thể xem offline được.
- Hỗ trợ NFC, 4G LTE (nhưng chưa dùng ở VN).
- Lưu trữ đám mây SkyDrive được tích hợp.
- Các thiết bị Windows Phone thường có chức năng chụp ảnh cực đẹp.
- Pin tốt, sóng mạnh.
Nhược điểm:
- Giao diện Live Tiles, mới dùng cho cảm giác quen thuộc, khá đẹp nhưng về sau thì sẽ thấy rất chán. Windows Phone không cho phép giao diện, chủ đề (themes), không cài được Laucher. Vì thế dùng WP8 bạn chấp nhận sống “suốt đời” với các ô Live Tiles đó.
- Kho ứng dụng còn khá nghèo nàn, ứng dụng miễn phí rất ít.
- Cho đến bay giờ Windows Phone vẫn chưa thể JailBreak được.
- Một số tính năng vẫn làm người dùng khó chịu như không khoá xoay màn hình được, âm lượng của tất cả ứng dụng như nhạc, cuộc gọi, tin nhắn… luôn như nhau, điện thoại không có chế độ vừa chuông vừa rung…
- Không thể đổi DNS (hay IP) để vào 1 số web bị chặn.
Thị phần smartphone chạy Windows Phone tỏ ra hụt hơi so với các đối thủ khác, xếp hàng thứ 3 sau iOS và Android trên thị trường điện thoại thông minh.
4. Blackberry OS (Bảo mật cao)
Hướng đến đối tượng doanh nhân là những gì mà Blackberry đã xây dựng cho mình, Theo đuổi con đường phát triển hệ điều hành riêng cho các dòng sản phẩm của mình, trải qua bao năm tháng biến động của xu hướng thiết bị di động, hệ điều hành Blackberry OS vẫn luôn có một vị thế riêng trong diễn đàn công nghệ thế giới với những tiện ích rất chất, rất riêng, tạo ấn tượng sâu sắc cho người dùng. Có thể tóm tắt các giai đoạn phát triển của Blackberry OS qua các giai đoạn:
– RIM 5.x được biết đến nhiều qua dòng sản phẩm Storm với những cái tiến về thao tác tin nhắn, thời lượng pin và trình duyệt
– RIM 6.x thì tạo ấn tượng với dòng máy Torch lúc này tích hợp nhiều những ứng dụng về mạng xã hội với các icon lớn, rõ, tạo đà cho những thay đổi về giao diện sau này.
– RIM 7.x được giới thiệu cùng hai sản phẩm Bold 9900 và 9930 có cấu hình mạnh mẽ nhưng RIM 7.x lại không hỗ trợ Flash như người dùng mong đợi
Đầu 2013, hệ điều hành mới BlackBerry 10 ra đời như một bước ngoặc để cạnh tranh với những dòng sản phẩm smart phone và xu hướng cảm ứng của thế giới thiết bị càm tay lúc này.
Ưu điểm:
- Công nghệ Push Email: BlackBerry dễ dàng tích hợp tính năng push mail, cho phép bạn nhận tin nhắn tức thì khi có tin nhắn mới trong hộp thư của bạn. Với dịch vụ push mail của BlackBerry, bạn có thể dễ dàng nhận và gửi tin nhắn chỉ trong vài giây.
- Phần cứng : Bàn phím của BlackBerry vẫn là lựa chọn số một của nhiều khách hàng. Bàn phím QWERTY cho phép soạn thảo nhanh và chính xác, điều này không phải thường được thấy trong nhiều đối thủ cạnh tranh của nó.
- Quản lí dữ liệu : Nhân tố chính khiến điện thoại BlackBerry là sự chọn hàng đầu đối với nhiều nhân viên công ty chính là tính năng nén dữ liệu của nó. Điện thoại BlackBerry có khả năng nén dữ liệu xuống còn 1 nửa kích thước ban đầu, giúp bạn tiết kiệm chi phí băng thông.
- Thời lượng pin : Bên cạnh các đối thủ cạnh tranh khác, dường như BlackBerry là mẫu smartphone có trình quản lí pin tốt nhất nhằm cung cấp tối ưu thời lượng sử dụng pin chỉ trong một lần sạc đầy đủ.
- Tính bảo mật cao
Nhược điểm:
- Ứng dụng : Giống như Apple, RIM cũng giới thiệu kho ứng dụng BlackBerry App World của riêng mình. Tuy nhiên, do thổi phồng quá mức,BB App World thiếu nhiều ứng dụng tốt và không thu hút được các nhà phát triển bởi giao diện nghèo nàn dẫn đến sự sụp đổ của nó.
- Trình duyệt web chậm chạp : Không như các đối thủ kác, trình duyệt của BlackBerry có thời gian truy cập internet chậm nhất. Mặc dù có tính năng nén dữ liệu, nhưng vẫn không thể cải thiện tốc độ tải nguồn trang như hình ảnh và hình nền.
- Chỉ hướng đến doanh nhân : Dù đạt được thành công bằng khi thu hẹp khoảng cách với giới doanh nghiệp, BlackBerry đã không nhận thấy sự quan trọng ở phân khúc người dùng bình dân. BlackBerry được như là mẫu điện thoại dành cho doanh nhân hơn là một chiếc điện thoại thông thường dành cho mọi người.
5. Firefox OS (Mã nguồn mở)
Bạn thường nghe nhắc đến trình duyệt cáo lửa Firefox, một trình quyệt web tuyệt vời. Bên cạnh việc đi phát triển nền tảng trình duyệt thì Mozilla (nhà sản xuất của trình duyệt Firefox ) cũng có một sản phẩm mang tên Firefox tạo ra không ít tiếng vang đó là Firefox OS, hệ điều hành trên di động dựa trên hệ điều hành mã nguồn mở Linux (nguồn gốc của android). Điểm đặc biệt của Firefox OS đó là nó hoạt động dựa trên các chuẩn web mở như : HTML5, JavaScript, còn phần cứng thì chạy trên các chip của Qualcomm sản xuất. Mozilla đã nhấn mạnh rằng Firefox OS sẽ không đối đầu trực tiếp với các nền tảng cao cấp hiện hữu như iOS, Android hay Windows Phone. Thay vào đó, hệ điều hành của Mozilla sẽ đánh vào phân khúc điện thoại giá rẻ nhằm đưa trải nghiệm sử dụng smartphone đến người dùng tại các thị trường mới nổi trên thế giới. Firefox OS được ra mắt rộng rãi vào tháng 2/2012 trên các mẫu smartphone tương thích Android và một lần nữa vào năm 2013 hoạt động trên Raspberry Pi. Tại triển lãm MWC 2013, Mozilla đã cùng hai đối tác là ZTE và Alcatel giới thiệu hai sản phẩm thương mại đầu tiên chạy Firefox OS: ZTE Open và Alcatel One Touch Fire. Tại nước ta hầu như rất hiếm thấy thiết bị nào sử dụng hệ điều hành, đơn giản là thị phần đã bị android và ios nắm giữ, có chăng đâu đó là khi các bạn có đam mê công nghệ mong muốn khám phá, thử gió mới mà thôi phiên bản mới nhất là version 2.6.
Trên nền tảng di động là thế, còn trên máy tính thì sao chúng ta có :
6. Windows (Giao diện thân thiện người dùng)
Đứng đầu danh sách này không thể không kể đến hệ điều hành mà các bạn đã quá quen thuộc “Windown”. Microsoft Windows là tên của các dòng phần mềm hệ điều hành độc quyền của hãng Microsoft. Lần đầu tiên Microsoft giới thiệu một môi trường điều hành mang tên Windows (Cửa sổ) vào tháng 11 năm 1985 với những tính năng thêm vào hệ điều hành đĩa từ Microsoft giao diện dụng bộ đồ hoạ thân thiệt với người dùng. Windows 7 là một bản nâng cấp đáng giá nhất của Windows sau phiên bản “vang bóng một thời” Windows XP, được phát hành trên toàn thế giới vào ngày 22/10/2009. Windows 7 ra đời tương thích với rất nhiều phần cứng cho phép nó hoạt động mượt mà cũng như khai thác hết sức mạnh phần cứng mà các phiên bản trước không làm được,cho đến bây giờ vẫn còn khá nhiều người dùng phiên bản này.
Ngày 26/10/2012 Windows 8 ra đời kế nhiệm Windows 7,với việc thay đổi được cho là khá đột ngột về giao diện đã không mang lại những gì mà Microsoft mong muốn để khắc phục những nhược điểm hoạt về hoạt động của hệ thống, bên cạnh đó còn thêm vào một số tính năng hữu ích cho người dùng, vào ngày 17 tháng Mười 2013 Microsoft giới thiệu bản cập nhật Window 8.1. Sau khi Microsoft giới thiệu Window 8, 8.1 khiến không ít khách hàng không hài lòng lắm, và khó có thể làm quen được với giao diện mới điều đó khiến Microsoft mất đi một lượng khách hàng đáng kể và đó là lý do Microsoft giới thiệu một nền tảng Window mới vào ngày 30 Tháng 9 năm 2014 – Window 10.
Windows 10 là một nền tảng hợp nhất dành cho tất cả thiết bị của Microsoft gồm máy tính cá nhân (desktop lẫn laptop), máy tính bảng, smartphone và cả thiết bị đeo thông minh nhưng giao diện người dùng và tính năng có thể khác nhau đôi chút tùy thuộc chủng loại sản phẩm. Windows 10 được chính thức phát hành vào ngày 29/07/2015.
Ưu điểm:
- Hỗ trợ cho màn hình cảm ứng (Windows 8 trở lên): Đây được xem là một xu hướng khi người dùng dần lười biếng đi, mong muốn các thao tác trở nên nhanh dễ dàng.
- Tính tương thích cao: Việc chiếm lĩnh thị trường người dùng cũng không có gì khó hiểu khi hầu hết các nhà sản xuất đều đầu tư xây dựng phần mềm cũng như sản xuất phần cứng hỗ trợ cho hệ điều hành Windows.
- Kho ứng dụng riêng: Từ Windows 8, Microsoft đã đầu tư một giao diện Metro hoạt động song song với giao diện Desktop quen thuộc, và điểm đặc biệt trên giao diện Metro này chính là kho ứng dụng Windows Store.
- Bảo mật: Windows không được bảo mật toàn diện như các nền tảng khác như: Linux, Mac OS … nhưng Microsoft vẫn làm việc chăm chỉ hằng ngày để thường xuyên cung cấp cho bạn những bản vá các lỗ hổng bảo mật.
- Hỗ trợ nhiều ứng dụng: Có thể nói rằng, Windows hỗ trợ đầy đủ các ứng dụng bạn cần và nhiều hơn rất nhiều, vượt trội hơn so với các hệ điều hành khác.
Nhược điểm :
- Vẫn còn các lỗi: Có thể kể đến như full disk, màn hình xanh…nổi tiếng trên các phiên bản cũ.
- Hạn chế về bảo mật: Do được sử dụng quá phổ biến nên nền tảng Windows tập trung rất nhiều sự chú ý của Hacker, vì thế phần lớn các virus, phần mềm gián điệp, mã độc… đều được viết để hoạt động trên nền tảng này. Việc phòng chống virus luôn phải được cập nhật thường xuyên và đầy đủ.
7. Mac OS (Độc quyền, sang trọng)
Mac OS là một hệ điều hành độc quyền của Apple được biết đến lần vào ngày 24/3/2001 với phiên bản đầu tiên 10.00 với sự hoạt động nhanh ổn định và giao diện thân thiện hướng tới người dùng. Thế nhưng Mac OS không được sử dụng rộng rãi . Khác với Microsoft, Apple tự mình tạo ra cho mình một hệ sinh thái thống nhất từ phần cứng đến phần mềm. Với sự tối ưu về phần cứng lẫn phần mềm hệ điều hành Mac OS X mang lại trải nghiệm tuyệt vời nhất cho người dùng với các sản phẩm cao cấp như Macbook Pro, Macbook Air, Mac Mini, Mac Pro. Điểm lợi thế mà Mac OS X mang lại cho người dùng đó là sự hỗ trợ lâu dài từ Apple, cũng như các phần mềm tối ưu từ các nhà sản xuất phần mềm. Thế nhưng đó cũng là điểm bất lợi mà Mac OSX gặp phải. Với Windows khi bạn cần làm gì đó, bạn chỉ cần lên Google sau đó tìm file cài vào nhưng đối với Mac vì đây là hệ điều hành “ít xài” nên các nhà phát triển nhỏ rất ít hỗ trợ cho nó. Nhưng yên tâm, có một điều khá thú vị ở đây là hầu hết các máy tính chạy Mac OS X đều được Apple hỗ trợ chạy Window thông qua một chương trình gọi là Boot Camp. Không những vậy Macbook Pro còn được gọi là máy tính chạy Window tốt nhất.
Ưu điểm :
- Thân thiện, dễ làm quen: Mac OS được thiết kế đơn giản và dễ sử dụng hơn Windows.
- Bảo mật cao: Hệ quả của việc phát triển mạnh mẽ của Windows chính là mục tiêu tấn công của nhiều đối tượng hacker, điều này đồng nghĩa số lượng virus, mã độc, phần mềm gián điệp … dành cho Windows là rất nhiều. Vì vậy, dù không cần quá nhiều phần mềm ngăn chặn virus nhưng hệ điều hành Mac rất ít khi phải đối mặt với vấn nạn này.
- Độ ổn định cao: Điều này có lẽ bạn sẽ dễ dàng thấy được khi sử dụng cùng lúc Windows và Mac ở cùng cấu hình.
Nhược điểm:
- Số lượng ứng dụng còn hạn chế: Do thị phần quá ít so với Windows nên hầu hết các công ty sản xuất phần mềm đều tập trung sản xuất cho Windows trước.
- Chỉ hỗ trợ được trên máy tính của Apple: Nền tảng Mac chỉ được sử dụng được trên các dòng máy tính của Apple, hiện nay đã có một số máy tính hoặc Laptop cài được hệ điều hành này, tuy nhiên rủi ro hư hỏng phần cứng của những máy cài ngoài luồng là rất lớn.
- Giá thành cao : Bạn chỉ cần bỏ ra một số tiền khá thấp, khoảng 5-6 triệu là có thể sở hữu một chiếc Laptop cấu hình tạm được cài sẵn windows bản quyền, tuy nhiên điều này không thể gặp được ở hệ điều hành Mac. Laptop của Apple (Hay được gọi là Macbook) được bán với giá khá cao.
8. Linux (thế mạnh chạy Server)
Nền móng của Linux được xây dựng từ ý tưởng xây dựng một hệ điều hành mới thay thế cho hệ điều hành cũ kỹ của nền giáo dục hiện tại, do ông Linus Torvalds theo đuổi khi mình đang học đại học. Ngày nay, Linux được phân ra làm nhiều nhánh như: CentOS, Ubuntu, Linux Mint, Fedora… nhưng thông dụng nhất hiện nay đang là Ubuntu.
Ưu điểm :
- Bản quyền: Lợi thế của Linux chính là nền tảng mã nguồn mở và miễn phí. Nếu như sử dụng Windows bản quyền và bộ Microsoft Office bản quyền thì bạn sẽ phải chi khoảng vài triệu. Còn Linux thì không, bạn sẽ không phải bỏ xu nào mà vẫn sử dụng đầy đủ các tính năng, cũng như bộ ứng dụng văn phòng miễn phí như OpenOffice và LibreOffice.
- Bảo mật : Hầu như các phần mềm độc hại không thể hoạt động được trên nền tảng hệ điều hành này.
- Khả năng tùy chỉnh : Khá giống với android, với việc cho phép người dùng tự do chỉnh sủa những gì mình thích, rất phù hợp cho những ai thích tìm tòi cái mới.
- Hoạt động mượt mà trên các máy tính có cấu hình yếu : Không giống với Windown các bản vá, cập nhật luôn đòi hỏi các yêu cầu phần cứng Linux thì không, hệ điều hành này hoạt động mượt mà và cực kỳ ổn định trên các máy tính có cấu hình thấp và vẫn được nâng cấp, hỗ trợ thường xuyên từ cộng đồng lập trình Linux.
Nhược điểm :
- Số lượng ứng dụng hỗ trợ trên Linux còn rất hạn chế.
- Một số nhà sản xuất không phát triển driver hỗ trợ nền tảng Linux.
- Khó làm quen, đặc biệt nếu bạn đã quá quen thuộc với Windows thì khi chuyển sang Linux, bạn sẽ cần một khoảng thời gian để làm quen nó.
9. Ubuntu (Chạy Server chủ yếu)
Được phát triển bởi cộng đồng và được bảo trợ bởi công ty Canonical. Mục tiêu của Ubuntu là được phát triển dành cho các dòng máy tính xách tay (laptop), đề bàn (desktop) và cả máy chủ (server) và hướng tới những đối tượng người dùng phổ thông, và cả những chuyên gia. Và điều quan trọng hơn hết mà chúng ta không thể bỏ qua, Ubuntu là và sẽ luôn là miễn phí (Free of charge).
Ưu điểm :
- Linux hoàn toàn không có Virus
- Hoàn toàn miễn phí.
Nhược điểm:
- Phần cứng ít được hỗ trợ.
- Chính sách hỗ trợ khách hàng thiếu nhất quán và tốn kém: Mặc dù không phải trả bản quyền, nhưng người dùng vẫn phải trả phi cho mỗi thắc mắc cần được giải đáp từ nhà phân phối, cho dù đó chỉ là gọi qua điện thoại.
- Người dùng phải thành thạo
10. Chrome OS (Hệ điều hành hứa hẹn đột phá)
Chrome OS là một hệ điều hành được phát triển bởi Google để tận dụng lợi thế của điện toán đám mây – lưu trữ trực tuyến và các ứng dụng web. Các thiết bị chạy Chrome OS cũng có các sản phẩm Google bổ sung và dịch vụ tích hợp, chẳng hạn như cập nhật bảo mật tự động và các ứng dụng web của Google như Google Docs, Google Music, và Gmail.Chrome OS lần đầu tiên được nhắc đến vào năm 2009, và các thiết bị chromebooks đầu tiên cũng đã nhen nhóm trên thị trường. Năm 2014 vừa qua là năm bùng nổ của các thiết bị Chromebook với rất nhiều thiết bị Chromebook được tung ra thị trường. Nếu bạn đang có ý định sở hữu một chiếc chromebook hoặc tìm hiểu về nền tảng mới này thì đây là những thông tin bạn cần biết về Chrome OS.
Ưu điểm:
- Không lo về vấn đề mất dữ liệu : Nếu bạn đang sử dụng các dịch vụ đám mây như Google Drive hay Google Docs, bạn sẽ không phải lo lắng nhỡ may thiết bị hỏng có thể dẫn đến mất dữ liệu, vì mọi thứ đều được lưu trên máy chủ của Google.
- Dễ dàng sử dụng : Chrome OS hoạt động dựa trên trình duyệt Chrome của Google, giao diện không khác gì. Hệ điều hành này sử dụng cùng mô hình WIMP (Windows, Icons, Mouse và Pointer – cửa sổ, biểu tượng, chuột và con trỏ) cộng thêm giao diện cảm ứng. Ai cũng có thể sử dụng ngay mà không cần phải tìm hiểu.
- Tốc độ nhanh : Chrombook được thiết kế để chạy hệ điều hành đám mây Chrome OS, mục tiêu là đem lại sự đơn giản và tốc độ cho trải nghiệm của người dùng dựa trên trình duyệt Chrome của Google. Chromebook khởi động rất nhanh, chỉ mất vài giây, người dùng bật máy lên không tốn thời gian chờ đợi mà có thể sử dụng ngay. Khi chuyển từ chế độ ngủ sang hoạt động trở lại cũng hầu như tức thì.
Nhược điểm :
Nhìn chung, Chromebook vẫn còn khiếm khuyết như thiếu các ứng dụng đồ họa cao cấp, nhưng nếu bạn thường xuyên kết nối mạng và không cần những phần mềm chuyên nghiệp về thiết kế hay xử lý ảnh/video thì Chromebook đáng để quan tâm.
Trên đây là top 10 hệ điều hành phổ biến biến nhất cho điện thoại, máy tính mà 10Hay.com liệt kê, tổng hợp được. Nếu bạn có thêm ý kiếm gì vui lòng để lại ý kiến bên dưới.