Thời điểm hiện tại, nước ta đang trong giai đoạn khí hậu khô nóng với nền nhiệt cao. Nắng nóng không những gây bất lợi cho sinh hoạt, sản xuất của người dân mà còn ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của con người. Khí hậu nóng, nhiệt độ cao là điều kiện thuận lợi cho sự bùng phát và diễn biến phức tạp của nhiều bệnh. Nguyên nhân là do nhiều loại vi khuẩn dễ sinh sôi, nảy nở trong môi trường nóng. Trời nóng, nhiều người tiếp xúc với nước thường xuyên hơn dẫn đến việc lây truyền bệnh dễ dàng hơn qua sự ô nhiễm nguồn nước. Đồng thời, khí hậu hanh khô làm cho nhiều vi khuẩn dễ phát tán trong không khí và truyền bệnh. Nhiều nghiên cứu cũng cho rằng sức đề kháng của cơ thể người giảm đi khi trời càng nóng.
Vì vậy, điều quan trọng là mỗi người chúng ta cần phải biết cách đối phó với cái nóng, phòng tránh và điều trị kịp thời những bệnh dễ mắc phải trong mùa nóng nhằm bảo vệ sức khỏe, nâng cao chất lượng sinh hoạt, cuộc sống và công việc hàng ngày. Sau đây 10Hay.com giới thiệu 10 bệnh thường gặp nhất trong mùa nóng mà mỗi người đều có thể mắc phải và cũng có thể đề phòng bằng những biện pháp phù hợp:
1/ Đau đầu:
Đau đầu thường do giãn những mạch máu vùng đầu khi trời nóng. Đau theo nhịp mạch, có cảm giác căng tức đầu, đau tăng khi trời nắng gắt và giảm khi trời dịu mát. Trời nóng cũng có thể làm khởi phát cơn đau nửa đầu (đau đầu Migraine) kèm theo buồn nôn, nôn ói, sợ ánh sáng. Để điều trị đau đầu, chúng ta có thể uống các thuốc giảm đau thông thường, nếu không giảm thì nên đi đến bác sĩ để được tư vấn và điều trị phù hợp.
2/ Nhiễm trùng da:
Da là nơi lưu trú của rất nhiều loại vi khuẩn khác nhau, chúng dễ sinh sôi nảy nở ở nhiệt độ cao. Thời tiết nóng, da trở nên mỏng do bài tiết nhiều mồ hôi, chất bã cùng với sự cào gãi thường xuyên làm cho sức đề kháng của da giảm, vi khuẩn, virus tại chỗ xâm nhập vào lớp da gây nên các bệnh viêm da dị ứng, kích ứng, viêm da mủ, ghẻ, chốc, u nhọt, Herpes,…Khi bị nhiễm trùng da, ta nên đến chuyên khoa da liễu để khám bệnh, tuyệt đối không nên tùy tiện bôi thuốc lên vùng da đang bị viêm vì có thể làm cho bệnh trở nên nặng hơn.
3/ Ngộ độc thực phẩm:
Thời tiết nóng cùng với sự phát triển của vi khuẩn trong thức ăn là nguyên nhân dẫn đến nhiều vụ ngộ độc thực phẩm. Cần đến trạm y tế gần nhất nếu sau khi ăn xuất hiện các triệu chứng như đau bụng, nôn mửa, tiêu chảy. Để phòng ngộ độc, không nên ăn những thức ăn đã ôi thiu, những thức ăn đã chế biến lâu ngày, không rõ nguồn gốc, chưa hợp vệ sinh.
4/ Dịch tả:
Đây là một bệnh do phẩy khuẩn tả có tên là Vibrio cholerae gây nên. Bệnh lây truyền qua đường tiêu hóa và người mắc bệnh thường do uống nước bị ô nhiễm. Triệu chứng điển hình là tiêu chảy ồ ạt, phân toàn nước màu đục như nước vo gạo, có thể kèm theo nôn ói, mất nước và nguy hiểm đến tính mạng. Điều trị: cần đến cơ sở y tế càng nhanh càng tốt. Phòng bệnh: ăn chín, uống chín.
5/ Lỵ:
Theo thống kê dịch tễ học, số ca mắc bệnh lỵ ở nước ta thường tăng cao trong mùa nóng. Người mắc bệnh lỵ do uống phải nguồn nước bị ô nhiễm hoặc ăn phải thức ăn nhiễm trực khuẩn lỵ Shigella. Đây là loại vi khuẩn phát triển mạnh trong mùa nắng nóng. Triệu chứng lỵ điển hình là tiêu chảy kèm theo máu trong phân, đau quặn bụng từng cơn, có thể bị sốt. Cũng như những bệnh tiêu chảy khác, để phòng bệnh lỵ, chúng ta nên ăn chín, uống chín, đảm bảo vệ sinh trong quá trình chế biến thức ăn.
6/ Sốc nhiệt:
Người thuộc nhóm động vật đẳng nhiệt, nghĩa là thân nhiệt cơ thể ít thay đổi theo nhiệt độ môi trường và dao động quanh con số 37 độ C. Đây là bản năng sinh tồn tiến hóa ở loài người. Tuy nhiên, vì một lý do nào đó như nhiệt độ quá cao, cơ thể bị giảm sức đề kháng, đi từ môi trường lạnh sang nóng đột ngột (như từ trong phòng máy lạnh bước ra ngoài trời nóng), chúng ta có thể bị sốc nhiệt với các triệu chứng mệt mỏi, khó thở, chóng mặt, hạ huyết áp, ngất,… Để phòng tránh bệnh này, cần bố trí nhà ở, nơi làm việc thoáng mát (quạt, máy điều hòa,…); đội nón, đeo khẩu trang, kính râm khi đi ngoài nắng; tránh đi trực tiếp từ phòng lạnh ra ngoài trời nóng.
7/ Tâm thần:
Theo thống kê của Viện tâm thần Trung ương, tỷ lệ một số bệnh tâm thần như: tâm thần phân liệt, loạn thần cấp, phản ứng với stress cấp,…có xu hướng tăng trong mùa nắng nóng. Có thể thời tiết nóng là yếu tố vật lý tác động đến hệ thần kinh, làm cho não luôn ở trạng thái bị kích thích, kích động dẫn đến những bệnh tâm thần nói trên. Cần có chế độ làm việc, nghỉ ngơi hợp lý, trang bị nơi ở, nơi làm việc thoáng mát, khoáng đãng sẽ hạn chế được sự xuất hiện các bệnh về tâm lý, tâm thần.
8/ Sốt xuất huyết:
Nhiệt độ cao là điều kiện thuận lợi cho sự sinh sôi, nảy nở của lăng quăng, muỗi và virus gây bệnh sốt xuất huyết (virus Dengue). Hiện tại, bệnh này rất nguy hiểm vì chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Vì vậy, phòng bệnh hơn chữa bệnh. Cần tích cực diệt muỗi vằn, diệt lăng quăng, ngủ mùng kể cả ban ngày.
9/ Động kinh:
Cũng giống như các bệnh về tâm thần, yếu tố nóng như là một nguyên nhân kích thích hệ thần kinh, tạo điều kiện thuận lợi để bộc phát những cơn co giật của bệnh động kinh ở những người có cơ địa nhạy cảm, sức đề kháng bị suy yếu. Để hạn chế tần suất cơn, người bệnh động kinh cần uống thuốc đầy đủ, có chế độ học tập, làm việc, nghỉ ngơi hợp lý, tránh làm việc trong môi trường quá nóng nực.
10/ Tai biến mạch máu não (đột quỵ):
Theo thống kê của Hội tim mạch Việt Nam, những năm gần đây, tỷ lệ người bị các bệnh lý như tăng huyết áp, xuất huyết não, xuất huyết màng não, tai biến,…ngày càng tăng do thời tiết ngày càng nóng. Nguyên nhân là do hệ thần kinh thực vật ở người bị kích thích khi nhiệt độ tăng, dẫn đến hàng loạt những hậu quả xấu cho cơ thể, trong đó có các bệnh cảnh tai biến, tim mạch,…Phòng bệnh bằng những biện pháp như uống thuốc đầy đủ, rèn luyện sức chịu đựng của cơ thể khi trời nóng, uống nhiều nước, tránh làm việc trong môi trường quá nóng,…
Bài viết nên xem: