Đồ gốm là một trong những phát minh quan trọng của ông cha ta từ ngàn năm về trước, gắn bó mật thiết với cuộc sống, sinh hoạt của nhân dân ta. Với đôi bàn tay khéo léo cùng trí tưởng tượng, sự sáng tạo của những người thợ, những nghệ nhân làm gốm, nghề sản xuất gốm tại Việt Nam đã trở thành một loại hình nghệ thuật mang tính dân gian sâu sắc.
Trong các nghề thủ công truyền thống, nghề gốm xuất hiện khá sớm. Các nhà khảo cổ học cho rằng gốm xuất hiện ở Việt Nam từ thời kỳ đồ đá mới (văn hóa Bắc Sơn, cách ngày nay hơn một vạn năm). Các trung tâm gốm của Việt Nam được phân bố ở dọc các con sông. Một số trung tâm gốm lớn ở Việt Nam như: trung tâm gốm châu thổ Sông Hồng, rải rác các sông miền Trung và Tây Nguyên (sông Mã, sông Côn, sông Đồng Nai,…), Châu thổ sông Cửu Long,…
Trên cả 3 miền của đất nước ta đều có những làng gốm truyền thống hoạt động lâu đời, có sức sống bền bỉ và có những sản phẩm nổi tiếng, góp phần không nhỏ vào đời sống của người dân. Nhiều sản phẩm được sử dụng ở các vùng lân cận và xuất khẩu ra nước ngoài.
Trong bài viết này, 10hay sẽ giới thiệu đến bạn đọc top 10 làng gốm truyền thống tại Việt Nam tiêu biểu nhất để các bạn tham khảo
1. Làng Thổ Hà
Làng Thổ Hà thuộc xã Vân Hà, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang. Làng nghề này nổi tiếng với nghề làm gốm từ trước những năm 1960. Nghề gốm của làng Thổ Hà có từ thế kỷ 12 và là một trong 3 trung tâm gốm xứ cổ xưa nhất của người Việt. Sự hưng thịnh của nghề gốm đã giúp người dân xây dựng một quần thể kiến trúc đình chùa, văn chỉ, cổng làng bề thế, uy nghi. Tuy nhiên, đến năm 1988, đồ nhựa đã trở nên thông dụng, các sản phẩm như chum, vại bằng sành vừa to vừa nặng khó mà bán được nên Xí nghiệp gốm Đá Vang giải thể, đặt dấu chấm hết cho nghề gốm gần 900 năm của làng Thổ Hà.
2. Làng gốm Phù Lãng
Làng gốm Phù Lãng thuộc huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh chủ yếu sản xuất gốm gia dụng, chum, vại, tiểu sành từ đất sét đỏ, sản phẩm không dùng khuôn mà tạo hình trên bàn xoay. Men màu chủ yếu là men da lươn, men nước dưa, phần lớn để mộc không phủ men. Sản phẩm của làng Phù Lãng nung bằng lò bầu dùng than củi. Làng gốm này có giai đoạn suy thoái và gần như mai một nhưng nhờ có thế hệ các nghệ nhân trẻ được sinh ra từ làng, được đào tạo từ trường Đại học Mỹ Thuật Hà Nội đã trở về thổi hồn mới vào gốm cũ, chuyển hướng sang sản xuất gốm Mỹ Nghệ và bắt đầu sử dụng nhiều màu sắc hơn để trang trí sản phẩm. Gốm Phù Lãng ngày nay đã đa dạng hơn và thoát khỏi cảnh suy thoái.
3. Làng Phước Tích
Làng Phước Tích thuộc xã Phong Hòa, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế. Làng cổ Phước Tích được biết đến với sản phẩm gốm cổ truyền vốn từ lâu đã trở thành thương hiệu. Trước đây, gốm Phước Tích còn trở thành một sản phẩm đặc biệt cống nạp cho các triều đại nhà Nguyễn để nấu cơm cho vua ăn. Ngày nay, trải qua nhiều thời kỳ, sản phẩm gốm Phước Tích đã có mặt trong cuộc sống của người dân quê hương cũng như ở khắp các vùng của miền đất Thuận Hóa.
4. Làng Bát Tràng
Một trong những làng gốm truyền thống tại Việt Nam rất nổi tiếng đó là làng Bát Tràng, thuộc xã Bát Tràng, huyện Gia Lâm, Hà Nội. Bát Tràng là làng gốm nằm bên bờ sông Hồng, khi xưa là một gò đất sét cao lại ở gần sông nên thuận tiện cho việc làm gốm và giao thông. Gốm Bát Tràng trải qua nhiều thăng trầm và phát triển cho đến ngày nay.
Đây là làng gốm duy nhất tại Việt Nam lưu giữ được nhiều dòng men cổ. Gốm sứ Bát Tràng sản xuất sản phẩm theo lối bán thủ công. Sản phẩm được tạo hình từ khuôn và nung trong lò gas (trước đây nung bằng lò bầu dung củi). Đất sét để sản xuất là đất sét trắng. Sản phẩm của làng nghề này kế thừa nhiều tinh hoa từ gốm Chu Đậu và cũng ảnh hưởng nhiều của gốm Trung Hoa. Làng Bát Tràng ngày nay có hơn 600 nhà sản xuất và hầu hết là hộ gia đình sản xuất nhỏ và vừa.
5. Làng Bạch Liên
Làng Bạch Liên thuộc xã Yên Thành, huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình, xưa có tên là làng Bồ Bát. Theo sử sách ghi lại, làng gốm Bồ Bát (thời đó thuộc phủ Trường Yên) đã nổi danh từ cách đây hàng ngàn năm với những sản phẩm gốm sắc trắng độc đáo, cũng như những sản phẩm gốm sứ phục vụ xây dựng. Điều này đã được xác nhận qua dấu tích của những lớp đất nung và mảnh gốm ken dày đặc đã được tìm thấy rất nhiều ở vùng này.
Sau một thời gian dài bị thất truyền, gốm Bồ Bát ngày xưa đã được khôi phục trở lại nhờ công sức gây dựng xưởng gốm của nghệ nhân Phạm Văn Vang. Trong khi hầu hết các làng gốm trong nước đều đang sản xuất đồ gốm sứ gia dụng, gốm Bồ Bát bắt đầu “khởi động lại” với việc làm đồ gốm trang sức, tranh gốm mỹ thuật.
6. Làng gốm Gia Thủy
Làng gốm Gia Thủy thuộc huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình ra đời từ những năm cuối thập kỷ 50 của thế kỷ 20. Gia Thủy đã ưu tiên dành riêng những diện tích đất nhất định để cơ sở gốm khai thác nguồn đất sét trắng phục vụ cho sản xuất các làng nghề gốm. Diện tích đã được khai thác chiếm khoảng 20 ha, chủ yếu ở các thôn làm nghề gốm: Mỹ Lộc, Mỹ Thượng, Cây Sa, Hoang Bằng.
Tuy nhiên, những năm gần đây, do sự khó khăn về vốn, mặt bằng sản xuất, thu nhập bấp bênh,… và sự thờ ơ của thế hệ trẻ hôm nay với nghề làm gốm là những nguyên nhân làm cho làng gốm đứng trước nguy cơ bị mai một. Do đó, cần có sự quan tâm đầu tư hơn nữa của các cấp chính quyền, nhất là trong việc hỗ trợ vốn, có chính sách ưu đãi, đào tạo nghề,… để nghề gốm Gia Thủy hưng thịnh như xưa.
7. Làng Bàu Trúc
Làng gốm Bàu Trúc thuộc thị trấn Phước Dân, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận. Bàu Trúc là làng gốm cổ nhất Đông Nam Á, nổi tiếng với sản phẩm gốm thủ công và kỹ thuật nung gốm độc đáo, gốm Bàu Trúc được ngợi ca như một sản phẩm ấm bàn tay con người nhất với đặc trưng riêng mang đậm nét văn hóa Chăm không lẫn với gốm nơi khác. Các nghệ nhân chế tác, qua những hoa văn, họa tiết, hình thể, bố cục trên những tác phẩm như đã thổi hồn và nỗi riêng của mình vào gốm.
Gốm không nung bằng lò, mà chất thành từng đống, ủ rơm rạ nung thủ công, sau đó bằng cách kết hợp pha màu, ém khói khi nung, các nghệ nhân tạo ra các vết màu loang đặc sắc trên từng sản phẩm gốm như: vàng đỏ, đỏ hồng, đen xám, vệt nâu,…
8. Làng gốm Chu Đậu
Làng gốm Chu Đậu thuộc huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương, là làng gốm lâu đời nhất và đã suy tàn. Thời hưng thịnh, gốm Chu Đậu được xuất khẩu sang châu Âu, Nhật Bản. Gốm sứ Chu Đậu đạt đỉnh cao về nghệ thuật vẽ tay cũng như nhiều dòng men quý mà tới nay hầu hết đã thất truyền. Hiện nay tại các bảo tàng ở châu Âu vẫn còn lưu giữ một số hiện vật của gốm Chu Đậu. Việc tìm thấy loại gốm này từ xác các con tàu đắm được trục vớt ở vùng biển Cù Lao Chàm cho thấy từ xa xưa gốm Việt Nam đã vang danh thế giới và được xuất ngoại. Có thể nói, những gì tinh hoa nhất, thuần Việt nhất hội tụ đủ ở gốm Chu Đậu.
9. Làng gốm Thanh Hà
Tọa lạc bên dòng sông Thu Bồn thơ mộng, làng gốm Thanh Hà ở Hội An có tuổi đời đã ngót 500 năm, nổi tiếng với những sản phẩm gốm đất nung bền đẹp, từng được triều đình nhà Nguyễn đưa vào danh sách “thổ sản quốc gia”. Làng gốm Thanh Hà sản xuất gốm mỹ nghệ từ loại đất sét rất đặc biệt khi nung cho ra sản phẩm màu đỏ cam, xốp và nhẹ, nung bằng lò củi, tạo hình sản phẩm bằng khuôn và trang trí bằng cách khắc lộng lên sản phẩm. Là làng gốm chuyên làm hàng đèn, tranh, tượng trang trí các loại.
10. Làng gốm Biên Hòa
Làng gốm Biên Hòa (Đồng Nai) là một trong những làng gốm truyền thống tại Việt Nam khá nổi tiếng. gốm Biên Hòa đã từng vang danh trên làng gốm thế giới vào những năm cuối thế kỷ 19 đến đầu thế kỷ 20. Và cho đến nay, các loại gốm Biên Hòa thời đó vẫn được xem là thứ của hiếm đối với những người chơi gốm cổ.
Năm 1925, các sản phẩm gốm của trường Mỹ nghệ Bản xứ Biên Hòa tham dự cuộc triển lãm quốc tế tổ chức tại Paris đã gây tiếng vang lớn. Tất cả hàng gốm Biên Hòa đã bán sạch và còn nhận được nhiều đơn đặt hàng. Hiện nay, nghề làm gốm ở Biên Hòa tập trung tại các phường Bửu Long, Tân Vạn, xã Tân Hạnh và Hóa An của thành phố Biên Hòa với hơn 40 cơ sở lớn nhỏ. Các cơ sở này mang tính gia đình theo kiểu cha truyền con nối. Các sản phẩm hầu hết đều được xuất khẩu ra nước ngoài.
Xem thêm: