10Hay giới thiệu 10 triệu chứng khó chịu khi mang thai và cách xoa dịu giúp thai phụ cảm thấy dễ chịu hơn.
1. Buồn nôn
Phụ nữ mang thai thường buồn nôn trong 3 tháng đầu. Để làm dịu cảm giác này vào buổi sáng, bạn nên ngồi dậy từ từ và ăn một ít bánh lạt trước khi rời khỏi giường. Uống nhiều nước, ăn 5-6 bữa nhỏ trong ngày, không để quá đói, hạn chế thức ăn cay và béo. Bạn có thể dùng gừng hoặc hỏi bác sĩ về việc uống vitamin B6 để giảm buồn nôn.
2. Ợ nóng
Tử cung đè dạ dày nên axit dễ trào ngược lên thực quản. Bạn nên ăn chậm nhai kĩ, tránh những thức ăn có dầu mỡ. Không ăn quá no, không nằm ngay sau khi ăn, nên ăn xong ít nhất hai tiếng trước giờ ngủ.
3. Phù chân
Hiện tượng này do cơ thể sản xuất thêm chất lỏng để đáp ứng nhu cầu phát triển của thai nhi. Bạn nên gác chân cao, thường xuyên đổi tư thế đứng và ngồi, không bắt chéo chân.
4. Chuột rút
Khoảng 30 – 50% bà bầu bị chuột rút giữa đêm. Nguyên nhân do cơ chân của bạn phải chịu sức nặng ngày càng tăng hoặc có thể do cơ thể bạn không đủ canxi, kali và magiê. Bạn hãy cố gắng duỗi chân trước khi ngủ, bổ sung các chất kể trên bằng thực phẩm như trứng, sữa, susu, dưa lê, cá…
5. Đau lưng
Thai phát triển, trọng lực cơ thể di chuyển về phía trước, các cơ bị kéo giãn và gây áp lực lên lưng. Bạn cần phải giữ đúng tư thế trong mọi hoạt động, đứng thẳng, lót gối dựa lưng khi ngồi để đỡ đau.
6. Mệt mỏi
Cơ thể bạn yếu đi do năng lượng được chuyển đến nuôi dưỡng bào thai. Bạn nên ăn uống đầy đủ dinh dưỡng để không thiếu máu, chợp mắt nghỉ ngơi thường xuyên khi có thể, duy trì việc đi bộ hoặc tập thể dục nhẹ nhàng.
7. Khó ngủ
Càng đến cuối thai kì, bà bầu càng khó ngủ do phải thức dậy đi vệ sinh hoặc thường bị chuột rút, ợ nóng… Bạn hãy thử những cách sau đây để cố ngủ đủ giấc: tắm nước ấm, tránh xem tivi trước khi ngủ, chọn một chiếc gối thật êm và thoải mái, nằm nghiêng sang trái, đầu gối uốn cong, chân gác lên cao.
8. Táo bón
Các hormone của thai kỳ làm giãn các cơ ruột khiến hoạt động của ruột chậm đi và gây nên chứng táo bón. Bạn nên ăn thức ăn giàu chất xơ như: rau, quả chín, chọn các thực phẩm có bổ sung chất xơ, tránh các món ăn cay, nóng, đồ hộp, thức uống có ga. Nhớ uống nhiều nước lọc, tập thể dục nhẹ nhàng, đi vệ sinh ngay khi có nhu cầu.
9. Khó thở
Thai phụ cần thêm oxy cho phôi thai phát triển hoặc thai nhi ép vào cơ hoành vào những tháng cuối thai kỳ là nguyên nhân gây khó thở. Bạn nên nghỉ ngơi càng nhiều càng tốt, ngồi xuống ngay khi thấy khó thở. Kê thêm gối nằm khi ngủ. Tuy nhiên nếu nằm xuống mà cảm giác khó thở càng tăng hay có những cơn đau khác đi kèm thì thai phụ nên đi khám bác sĩ.
10. Tính khí thất thường
Trong thời gian mang thai, estrogen có thể tăng đến 60 lần mức bình thường nên các bà bầu hay có tâm trạng không ổn định. Bạn nên chia sẻ cảm xúc với người thân, bạn bè. Có chế độ ăn uống lành mạnh, không bỏ bữa, hạn chế đường, sôcôla và cà phê. Tập thể dục, thậm chí đi bộ một quãng ngắn, cũng sẽ giải phóng endorphin làm bạn vui vẻ. Ngoài ra, nghe bản nhạc yêu thích, đọc một cuốn sách hay, mua hoa trang trí nhà cửa cũng là những cách giúp bạn thêm thoải mái để thai nhi phát triển thật tốt.
* Lưu ý: Khi cảm giác khó chịu kéo dài và ngày càng nặng hơn, bạn phải đi bác sĩ ngay vì chúng có thể là dấu hiệu của những vấn đề nghiêm trọng. Ví dụ như nôn ói liên tục hơn 24 giờ có thể gây ra tình trạng mất nước làm tổn hại các cơ quan đang phát triển của thai nhi; nhức đầu dữ dội, chân tay đột ngột sưng quá mức là dấu hiệu của tăng huyết áp thai kì và tiền sản giật; ra máu là dấu hiệu sẩy thai hoặc nhau thai tiền đạo, đau bụng không ngớt có thể do thai ngoài tử cung hoặc có nguy cơ sẩy thai.