Hiện ở Việt Nam có khoảng 100 loài nấm độc khác nhau, đa phần các loại nấm này có độc tính rất mạnh, rất nguy hiểm nếu ăn phải. Trong các loại ngộ độc thì ngộ độc nấm xảy ra ít hơn về số ca, nhưng tỷ lệ tử vong nguy hiểm đến sức khỏe người rất cao. Ngộ độc nấm chỉ xảy ra khi ăn các nấm mọc hoang dại, thường vào mùa xuân và hè và ở các vùng rừng núi. Loại nấm độc nhất là nấm lục (hay nấm độc xanh đen), có hình thức hấp dẫn nhất, ngộ độc nặng nề, diễn biến ngộ độc không thể lường trước được và là nguyên nhân tử vong của hầu hết các trường hợp ngộ độc nấm xảy ra hàng năm ở nước ta.
Để phân biệt được nấm ăn được và nấm độc thì có nhiều kinh nghiệm cùng với các cơ sở nghiên cứu: không ăn nấm sặc sỡ, có mùi hắc, không ăn nấm quá non hay quá già, không ăn nấm có chảy sữa,… Tuy nhiên có rất nhiều trường hợp ngoại lệ, như có nấm độc có màu sắc và hình dạng giống nấm thường. Vì thế rất khó để có thể nhận biết được nấm an toàn và nấm độc nếu không có đủ kinh nghiệm và kiến thức, và lời khuyên tốt nhất là hãy coi tất cả nấm ở trong rừng là nấm độc và không nên ăn.
Sau đây sẽ là danh sách top 10 loại nấm độc nhất ở Việt Nam cùng với đặc điểm của từng loại để mọi người nắm rõ và tránh ăn phải:
1. Nấm độc tán trắng (Amanita verna)
Nấm độc tán trắng có tên khoa học là Amanita verna. Đây là loại nấm mọc thành từng cụm hoặc đơn chiếc trên mặt đất trong rừng và một số nơi khác… Nấm tán trắng được phân bố ở khắp nơi trên thế giới và thấy nhiều ở Châu Âu, Châu Mỹ và Canada. Tại Việt Nam, nấm tán trắng thường mọc ở các tỉnh phía Bắc như: Hà Giang, Tuyên Quang, Thái Nguyên, Yên Bái, Bắc Cạn, Phú Thọ.
Đặc điểm hình dáng của nấm:
- Mũ nấm: Màu trắng, bề mặt mũ nhẵn bóng, lúc non đầu tròn hình trứng, mũ nấm đính chặt vào cuống. Khi trưởng thành mũ nấm phẳng với đường kính khoảng 5 – 10 cm. Khi già mép mũ có thể cụp xuống.
- Phiến nấm: Màu trắng.
- Cuống nấm: Màu trắng, có vòng dạng màng ở đoạn trên gần sát với mũ.
- Chân cuống phình dạng củ và có bao gốc hình đài hoa.
- Thịt nấm: Mềm, màu trắng, mùi thơm dịu.
Do bề ngoài nấm tán trắng rất mập, trắng nên người dân dễ nhầm lẫn với các loại nấm ăn được. Thực tế, để phân biệt nấm độc tán trắng với các loại nấm trắng ăn được không đơn giản ngay cả với các nhân viên y tế cũng như người giàu kinh nghiệm. Vì thế người dân tuyệt đối không hái nấm hoang dại để ăn.
2. Nấm độc trắng hình nón (Amanita virosa)
Nấm độc trắng hình nón cũng có hình dáng, độc tố tương tự nấm độc tán trắng. Nấm thường mọc trên bề mặt rừng thành từng chùm. Mũ của loại nấm này có màu trắng, bề mặt nhẵn bóng nên rất dễ nhầm lẫn với những loại nấm thông thường khác. Vì vậy, cần chú ý đặc điểm sinh trưởng của nấm qua từng thời kỳ. Khi còn non, mũ nấm có đỉnh tròn, hình trứng, mép khum đính chặt vào cuống. Tuy nhiên, khi trưởng thành, mũ nấm có đường kính rất lớn (khoảng 4 – 10 cm) và khum hình nón. Đặc trưng của loại nấm này là mùi hương rất khó chịu.
3. Nấm mũ khía nâu xám (Inocybe fastigiata)
Những đặc điểm chính để nhận dạng nấm mũ khía nâu xám đó là:
- Mọc trên mặt đất trong rừng, nơi có nhiều lá cây mục nát và một số nơi khác.
- Mũ nấm hình nón đến hình chuông, đỉnh nhọn, có các sợi tơ màu từ vàng đến nâu tỏa ra từ đỉnh mũ xuống mép mũ nấm.
- Khi già, mép mũ nấm bị xẻ ra thành các tia riêng rẽ. Đường kính mũ nấm 2 – 8cm.
- Phiến nấm lúc non màu hơi trắng gắn chặt vào cuống nấm và khi già có màu xám hoặc nâu tách rời khỏi cuống nấm. Cuống nấm: Màu từ hơi trắng đến vàng nâu dài 3 – 9cm, không có vòng cuống.
- Thịt nấm: màu trắng
- Độc tố chính: muscarin
4. Nấm ô tán trắng phiến xanh (Chlorophyllum molybdites)
Đặc điểm nấm ô tán trắng phiến xanh: Nấm thường mọc thành từng cụm hoặc đơn chiếc ở ven chuồng trâu, chuồng bò, trên bãi cỏ, ruộng ngô và một số nơi đất mùn, xốp trong tự nhiên. Mũ nấm lúc còn non hình bán cầu dài, màu vàng nhạt, có các vảy nhỏ màu nâu nhạt hoặc xám nhạt, khi trưởng thành mũ nấm hình ô hoặc trải phẳng, màu trắng, đường kính mũ 5 – 15cm.
Trên bề mặt mũ nấm có các vẩy mỏng màu nâu bẩn, vảy dày dần về đỉnh mũ. Phiến nấm (mặt dưới mũ nấm) lúc non có màu trắng, lúc già có ánh màu xanh nhạt hoặc xanh xám, nấm càng già màu xanh càng rõ. Cuống nấm có màu từ trắng đến nâu hoặc xám, có vòng ở đoạn trên gần sát với mũ. Chân cuống không phình dạng củ và không có bao gốc, dài 10 – 30 cm. Thịt nấm có màu trắng. Loại nấm này có độc tố gây rối loạn tiêu hóa (đau bụng, nôn, tiêu chảy nhiều), có thể gây tử vong do mất nước, điện giải và kết hợp với các bệnh lý mạn tính khác.
5. Nấm đen nhạt
Còn gọi là nấm xanh đen, nấm bìu. Loại này quả nấm thường có màu xanh ôliu hay xanh đen, phiến nấm màu trắng, cuống và vòng màu trắng, chân cuống nấm phình dạng củ. Thịt nấm mềm màu trắng, khi non có mùi thơm ngọt, già thì có mùi khó chịu. Nấm thường mọc đơn độc hoặc thành cụm ở trên mặt đất rừng hoặc bãi cỏ. Đây là loại nấm cực độc, chỉ khoảng 30g nấm (một miếng nhỏ bằng ngón tay út) cũng đủ giết chết một người trưởng thành.
6. Nấm đỏ
Quả nấm có màu đỏ rực hay đỏ cam, màu sắc có thể nhạt dần sau mưa, có phủ những vảy màu trắng, đường kính từ 10 – 15cm, cuống và vòng màu trắng hoặc vàng, chân phình dạng củ, thịt nấm trắng không có mùi vị đặc biệt. Nấm mọc đơn độc hoặc thành cụm. Loại nấm này trông rất đẹp còn được gọi là nấm bay, nấm vũ trụ, có nơi còn gọi là nấm ruồi vì dùng làm bả diệt ruồi.
7. Nấm độc xanh đen (nấm lục)
Mũ nấm đầu tiên nằm trong bao chung có dạng trứng, màu trắng. Khi trưởng thành, mũ nâng lên và phá vỡ bao chung. Mép mũ không có khía rõ, phiến nấm màu trắng có khi lấp lánh màu lục. Nấm mọc đơn độc hoặc cụm trên đất rừng và đồng bằng từ tháng 4 đến tháng 11 nhưng thường phát triển mạnh vào mùa hè. Nấm chứa amanitin và phalloidin, là 2 chất độc, chỉ cần ăn một góc của cây nấm là có thể tử vong. Triệu chứng ngộ độc xuất hiện sau khi ăn nấm 5-12 giờ như: nôn, đau quặn ở bụng, đại tiện ra máu, thoái hoá mỡ ở gan. Nếu không cấp cứu kịp thời, có thể tử vong.
8. Nấm độc trắng hình trứng
Mũ nấm hình trứng, màu trắng; cuống nấm hình trụ tròn, phần gốc hình củ; thịt nấm màu trắng, hắc; thường mọc vào cuối xuân, đầu hè. Đây là loại nấm gây chết người nếu sử dụng. Độc tính của nấm cũng tương tự như nấm độc trắng hình nón. Đã có nhiều trường hợp ngộ độc nặng xảy ra ở miền núi và trung du nước ta do ăn phải loại nấm này. Đặc điểm triệu chứng khi ngộ độc nấm là: buồn nôn, nôn, đau quặn bụng, tiêu chảy, mất nước, rối loạn điện giải, rối loạn nhịp tim và có thể tử vong nếu không được cấp cứu kịp thời.
9. Nấm Entoloma sinuatum
Mũ nấm hình dạng nón, thịt nấm dày, cuống nấm hình trụ, ở phần gần cuống màu trắng có sắc thái nâu. Nấm này thường mọc trên đất rừng, ven rừng vào cuối mùa xuân đến đầu mùa thu. Đây là loại nấm cực độc, tuyệt đối không sử dụng. Triệu chứng ngộ độc cấp diễn ra rất nhanh trong vòng vài giờ như: rối loạn ý thức, đau bụng, tiêu chảy, rối loạn điện giải, hạ huyết áp và nhanh chóng rơi vào hôn mê.
10. Nấm phiến đốm chuông
Mũ nấm hình chuông, đường kính 2 – 3,5cm. Các phiến có vân, màu xanh rồi đen. Nấm có lớp thịt mỏng, màu da sơn dương. Thịt nấm phiến đốm chuông không mùi, chứa những chất độc gây ảo giác. Nấm mọc trên phân hoại mục ở các bãi cỏ từ tháng 1 đến tháng 9 hằng năm. Loại nấm này tuy có kích thước nhỏ nhưng nồng độ chất độc khá cao, khi ăn nhiều có thể dẫn đến lú lẫn, ảo giác, thậm chí tử vong.
Trên đây là top 10 loại nấm độc nhất ở Việt Nam. Bên cạnh đó, còn có khá nhiều loại nấm độc chưa được nhắc đến nhưng có thể gây ngộ độc, gây nguy hiểm đến tính mạng khi ăn phải. Vì vậy, điều tốt nhất là bạn nên ăn những loại nấm đã được mọi người biết đến là có thể ăn được, không ăn những loại nấm không rõ nguồn gốc, nấm dại, nấm rừng, nấm có màu sắc sặc sỡ,…
Xem thêm: