Trí nhớ là một quá trình tâm lý phản ánh khả năng của một người thông qua việc ghi nhận, lưu trữ và tái hiện lại những cái mà con người đã cảm giác, tri giác, cảm nhận, rung động hay suy nghĩ trước đây.
Trí nhớ có vai trò rất to lớn trong đời sống của con người. Trí nhớ là điều kiện để con người có và phát triển các chức năng tâm lý bậc cao để con người tích lũy vốn kinh nghiệm sống của mình. Đồng thời, trí nhớ cũng góp phần hình thành nên nhân cách của một người.
Người có trí nhớ tốt sẽ có khả năng học tập, làm việc, hoạt động, lao động đạt kết quả tốt. Tuy nhiên, trí nhớ của chúng ta không bền vững suốt đời mà sẽ suy giảm dần theo thời gian do sự chết tự nhiên của các tế bào não không hồi phục, do suy nghĩ nhiều, do stress, chấn thương, tai nạn, bệnh lý tại não bộ,…Tùy từng trường hợp, từng bệnh cảnh mà trí nhớ của mỗi người sẽ giảm nhanh hay chậm. Vì vậy, vấn đề được đặt ra là làm thế nào để tăng cường trí nhớ? Làm thế nào để gìn giữ trí nhớ ở mức tốt nhất để giữ vững thành quả học tập và làm việc?
Sau đây 10Hay.com sẽ giới thiệu 10 cách giúp tăng cường trí nhớ theo nghiên cứu của nhiều nhà khoa học, tâm lý học trên thế giới. Những cách này tuy không giúp trí nhớ phục hồi lại như cũ nhưng giúp giữ vững sự ổn định của trí nhớ, giúp phát huy trí nhớ ở mức tốt nhất, hiệu quả nhất khi hoạt động não bộ.
1. Rèn luyện sự tập trung
Giáo sư Carnegie đã từng nhấn mạnh rằng sự tập trung sẽ giúp tăng cường trí nhớ ở mức tốt nhất. Tập trung là hướng mọi giác quan, suy nghĩ vào một đề tài, sự vật, sự việc cụ thể, và do đó, hình ảnh của những sự vật đó sẽ được ghi nhận đầy đủ hơn, hoàn thiện hơn. Cũng như trong một cuộc hội thảo, nếu bạn tập trung vào vấn đề mà người thuyết trình đang nói thì bạn sẽ ghi nhớ nhiều hơn việc thiếu tập trung, lo ra. Do đó, rèn luyện sự tập trung là một nhân tố cần thiết của quá trình ghi nhớ, góp phần cải thiện trí nhớ của bạn.
2. Rèn luyện việc học thuộc lòng
Đừng để bộ não của bạn nằm lì một chỗ, không làm việc, như thế sẽ dần trở thành thói quen và sau này bạn sẽ khó khăn trong việc ghi nhớ. Nhà nghiên cứu Luminosity cho rằng việc học thuộc lòng sẽ giúp bộ não tăng năng lượng lên 30 %. Rèn luyện việc học thuộc lòng sẽ kích thích hoạt động trí não, không những giúp tăng cường trí nhớ của bạn mà còn giúp bạn thông minh hơn, sáng tạo hơn, tư duy logic hơn.
3. Giảm căng thẳng
Tất nhiên, căng thẳng trong công việc, trong học tập sẽ làm giảm chất lượng hoàn thành nhiệm vụ, giảm thành tích của chúng ta. Nếu chúng ta không có sự cân bằng tâm lý vững vàng, không có chế độ nghỉ ngơi, thư giãn hợp lý thì sẽ dễ rơi vào căng thẳng kéo dài, stress cơ thể, dẫn đến chết tế bào não và giảm trí nhớ. Cần có chế độ làm việc và nghỉ ngơi hợp lý, điều hòa cảm xúc của bản thân, hạn chế để tâm lý căng thẳng thường xuyên quá. Giảm căng thẳng đồng nghĩa với tăng cường trí nhớ. Bạn có thể đề phòng stress bằng các biện pháp như nghe nhạc, mát xa, tập yoga,…
4. Chế độ dinh dưỡng
Chế độ dinh dưỡng cũng ảnh hưởng nhiều đến hoạt động của bộ não và trí nhớ. Chế độ ăn thiếu dinh dưỡng làm cho cơ thể dễ mệt mỏi, suy nhược, dần dần sẽ dẫn đến tình trạng suy kiệt, thiếu máu. Biểu hiện của một người bị thiếu máu là da niêm nhạt, chóng mặt, kém tập trung, hay quên, chóng mệt. Cần có một chế độ ăn đầy đủ các chất đường, đạm, mỡ, chất xơ, rau củ quả. Đặc biệt là những thực phẩm bổ huyết như củ dền, bí đao, rau màu xanh đậm, gan động vật,… Đồng thời, có thể bổ sung một số vitamin như vitamin A, B1, B12, acid folic. Chế độ dinh dưỡng hợp lý, đầy đủ chất sẽ giúp cho não bộ hoạt động tốt và giúp tăng cường trí nhớ.
5. Ngủ đủ giấc
Tiến sĩ Aaronson nghiên cứu được rằng việc thức khuya thường xuyên làm trí nhớ của bạn giảm 13% mỗi năm. Lý do chủ yếu là do não làm việc quá mức dẫn đến suy nhược và giảm hoạt động hoặc giảm tuổi thọ. Thức khuya dậy sớm, ngủ thiếu giấc (<5 giờ/ngày) là kẻ thù của trí nhớ. Vì vậy, bạn cần ngủ sớm trước 23 giờ, ngủ đủ giấc từ 6 – 8 tiếng mỗi ngày để giúp cho não bộ có thời gian hoạt động và nghỉ ngơi hợp lý, đầy đủ, giúp tăng cường trí nhớ hiệu quả hơn.
6. Tập thể dục
Tập thể dục buổi sáng, tập Yoga, tập thể dục giữa giờ là những hoạt động giúp tăng cường trí nhớ thiết thực nhất. Thể dục, thể thao không những giúp cho chúng ta khỏe mạnh hơn, máu huyết lưu thông tốt hơn mà còn giúp tăng sự hưng phấn, tăng hiệu suất làm việc. Cần duy trì chế độ tập thể dục ít nhất 30 phút mỗi ngày, 5 ngày mỗi tuần để chúng ta có một trái tim khỏe, một bộ não mạnh, sẵn sàng cho mọi công việc trong cuộc sống (theo Tiến sĩ Reese Abright).
7. Việc dùng thuốc
Việc dùng thuốc ảnh hưởng khá lớn đến trí nhớ của chúng ta. Trên thị trường hiện nay có rất nhiều loại thuốc tác động đến hệ thần kinh và ít nhiều làm giảm trí nhớ. Trong đó bao gồm những thuốc có tác dụng an thần, giải lo âu, giảm đau, thuốc tê, thuốc mê, thuốc kích thích thần kinh,…Cần cẩn thận trong việc sử dụng thuốc, tốt nhất là không nên uống thuốc tùy tiện mà uống theo sự hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa. Ngay cả những thuốc có tác dụng bổ não, dưỡng não được bán ở các nhà thuốc, bạn cũng nên hỏi ý kiến của bác sĩ trước khi sử dụng chúng.
8. Hạn chế rượu bia
Hiển nhiên hạn chế rượu bia là một trong những biện pháp giúp tăng cường trí nhớ. M. Abbas nghiên cứu trên 300 trường hợp nghiện rượu ghi nhận 70 % trong số đó có giảm trí nhớ. Nguyên nhân là do rượu có tác dụng ức chế lên hệ thần kinh. Nếu tình trạng ức chế diễn ra lâu dài sẽ dẫn đến suy nhược não bộ kéo theo suy giảm trí nhớ. Hạn chế uống rượu không những cải thiện hoạt động trí não mà còn giúp cho chúng ta hạn chế nguy cơ mắc một số bệnh như loét dạ dày tá tràng, viêm gan, xơ gan, các bệnh lý về tim mạch,…
9. Không hút thuốc lá
Thuốc lá có chứa rất nhiều chất độc, trong đó có những chất oxy hóa mạnh, tạo nên những gốc tự do có hại cho não và gây suy giảm trí nhớ. Bên cạnh đó, việc hút thuốc gián tiếp (hít phải khói thuốc do người khác hút) cũng gia tăng nguy cơ giảm sút trí nhớ. Vì vậy, việc không hút thuốc lá hay từ bỏ hút thói quen hút thuốc sẽ bảo vệ sức khỏe cho chính bạn và gia đình bạn, không những giúp cải thiện trí nhớ mà còn giúp phòng chống nhiều bệnh về hệ hô hấp.
10. Hạn chế cà phê
Cà phê là một chất kích thích hệ thần kinh, có tác dụng tăng sự tập trung, tăng thức tỉnh, tăng khả năng ghi nhớ, tăng tuần hoàn não. Tuy nhiên, những tác dụng này chỉ xảy ra nhất thời. Sau khi lượng chất caffein được bài tiết hết, cơ thể sẽ rơi vào trạng thái mệt mỏi, uể oải. Về lâu dài, bạn sẽ dễ trở nên nghiện cà phê. Đồng thời, não bộ bị kích thích thường xuyên sẽ mau chóng mệt mỏi, hoạt động bị suy yếu, tế bào thần kinh giảm tuổi thọ và trí nhớ cũng sẽ suy giảm. Vì vậy, không nên lạm dụng cà phê nhiều quá, chỉ uống cà phê ở lượng vừa phải đủ để cơ thể có năng lượng làm việc, tinh thần sảng khoái, tỉnh táo, tránh uống thường xuyên, liên tục (theo khuyến cáo của Hội tim mạch châu Âu).
Xem thêm: