Tết đến xuân về nhà nhà náo nức trong không khí xuân với hoa đào, hoa mai, với mâm ngũ quả và các món ăn truyền thống không thể thiếu. Người dân miền trung với nét ẩm thực độc đáo có rất nhiều món ăn vừa lạ miệng lại đẹp mắt vào dịp tết để thể hiện truyền thống của quê hương mình. Hãy cùng 10hay tìm hiểu 10 món ngon ngày tết miền trung nhé.
- 10 ý nghĩa của ngày tết nguyên đán bạn phải biết
- 10 nét khác biệt độc đáo tết nguyên đán giữa hai miền Nam Bắc
- 10 phong tục đặc sắc trong tết cổ truyền Việt
- 10 món ngon ngày Tết miền bắc đặc trung của Hà Nội
1. Tôm chua
Tôm chua là một món ăn bình dị của người dân xứ Huế. Cái vị chua thanh của tôm, cay nồng của các loại gia vị làm cho ai đã một lần thưởng thức thì không thể quên được hương vị mộc mạc của món ăn.
Tôm chua thường được ăn kèm với thịt luộc và nhất là thịt 3 chỉ thì mới là đúng vị. Có thể thêm 1 chút đường vào khi pha chế để có vị ngọt hòa quyện. Người ta thường ăn kèm tôm chua với chuối chát và khế xanh để chống “sôi” bụng. Trên bàn tiệc của người dân xứ Huế vào mỗi dịp tết không thể thiếu món này.
2. Thịt ngâm mắm
Đây là món thịt muối của người miền trung mỗi dịp xuân về, thịt thường được làm bằng thịt heo ngâm với nước mắm và đường theo tỷ lệ pha nhất định.
Với người dân xứ Quảng, món thịt heo ngâm mắm đã trở thành món ăn truyền thống mỗi ngày tết. Món này thường được ăn kèm với củ kiệu chua ngọt, dưa món cùng một số loại rau sống mang đến đủ vị mặn, ngọt, chua rất ngon miệng.
3. Bánh tét
Bánh tét là loại bánh tương tự như bánh chưng của miền Bắc, bánh tét được làm bằng gạo nếp, đậu xanh và thịt heo…được gói bằng lá dong. Tuy nhiên bánh tét lại được gói thành hình trụ dài trong khi đó bánh chưng là hình vuông. Đây là món bánh không thể thiếu trong mỗi mâm cúng của người miền Trung, cũng giống như bánh chưng của miền Bắc nó mang ý nghĩa đủ đầy cho năm mới.
4. Nem chua
Nem chua là món ăn thường dùng kèm với chả lụa trong mâm tiệc Tết. Địa phương làm nem chua nổi tiếng của miền Trung có thể kể đến Chợ Huyện (Bình Định), Ninh Hòa (Khánh Hòa)… Những cục nem hồng hào hấp dẫn bọc qua lớp lá ổi trước khi gói lại bằng lá chuối. Nem miền trung thường mịn màng, hương vị dịu nhẹ, ăn kèm tép tỏi cho tăng hương vị.
Trong ngày tết người dân ở một số tỉnh miền Trung thường dùng nem chua để đãi khách trong các buổi nhậu, theo nhiều dân nhậu uống rượu với nem chua thì uống bao nhiêu cũng không say.
5. Chả bò
Giò bò được làm từ thịt bò, bỏ hết gân và xay nhuyễn rồi trộn chung với một ít mỡ phần giúp cho miếng giò bò giòn mà không bị khô.
Chả bò Đà Nẵng ngày nay đã có tiếng khắp ba miền. Trên thực tế, chả bò cũng là món ăn quý và ngon lành của dân miền Trung vào dịp Tết. Miếng chả đỏ hồng hấp dẫn, kết cấu dai giòn tự nhiên, thơm thơm mùi thịt bò điểm chút cay của tiêu đen, khi ăn kèm với chút rau thơm và miếng tỏi Lý Sơn.
6. Bò kho mật mía
Bắp bò kho mật mía có vị thơm, cay của gừng, sả, quế, ớt và vị giòn, ngọt tự nhiên của bắp bò hòa quyện với vị đậm đà, thơm dịu của mật mía là sự kết hợp hoàn hảo cho món ăn ngày thường cũng như các dịp tết đến.
Đây là một trong những món ăn nổi tiếng của người dân xứ Nghệ, nếu ai đã có dịp ăn thử thì sẽ không bao giờ quên cảm giác tuyệt vời của món đặc sản này.
7. Thịt heo kho củ cải
Món ăn này sẽ khiến nồi cơm của bạn vơi đi nhanh chóng vào mỗi dịp tết, với vị đậm đà hòa quyện với vị ngọt tự nhiên của củ cải sẽ làm cho người ăn cảm giác ngon miệng hơn. Cách làm cũng khá đơn giản, chỉ cần chọn thịt vai hoặc mông của heo ướp gia vị rồi đem kho với củ cải tới chín mềm và cùng thưởng thức với cơm nóng.
Với một số tỉnh miền Trung, ngày Tết mà không có củ cải kho thịt heo thì quả thật là điều thiếu sót. Khi mà các ông chồng luôn trong tình trạng báo động về rượu, bia thì món này chính là liều thuốc giúp ăn ngon miệng hơn không lo thiếu chất những ngày tết.
8. Dưa món
Tong ngày tết nếu như người miền Bắc có dưa hành, miền Nam có củ kiệu thì người miền trung có dưa món. Đây là món ăn được ăn kèm với bánh tét vào những ngày tết để đỡ đi cảm giác ngán và ăn được nhiều hơn, ngon miệng hơn.
Món ăn này được kết hợp từ cà rốt, đu đủ, dưa leo, củ cải…. mang đủ vị chua, cay, mặn, ngọt… lại giòn tan trong miệng khi ăn đem lại cảm giác rất thích thú và mang hương vị ngày tết ở miền Trung.
9. Bánh Thuẫn
Hiện nay ngày tết với nhiều công việc cần hoàn thành, với nhiều lo toan bộn bề việc đồng áng mà nhiều nơi ở miền Trung đã không còn giữ được những món ăn truyền thống như bánh thuẫn. Thực tế bánh thuẫn trước đây là món ăn phổ biến trong bàn ăn tết của người miền Trung từ Huế đổ vào.
Bánh thuẫn được làm từ bột (bột bình tinh, bột năng…) pha với trứng, nướng trên than bằng một khuôn đặc biệt giành riêng cho bánh thuẫn. Khi bánh chín tỏa một mùi thơm rất quyến rũ, miếng bánh nở vàng, hấp dẫn.
10. Bánh in
Với các tỉnh Miền Trung, vào dịp Tết gia đình nào cũng có Bánh in trên bàn thờ tổ tiên. Bánh được làm bằng bột nếp, dễ làm nhưng không phải ai cũng cho ra được những chiếc bánh vừa dẻo, vừa xốp, không cứng cũng không bở. Đây là món bánh đặc biệt trong ngày Tết của miền Trung.
Xem thêm: