Thời điểm hiện tại là những ngày nắng nóng với mức nhiệt ban ngày thường trên 33 độ C. Khí hậu nóng không những gây khó chịu, bực bội mà còn ảnh hưởng đến chất lượng công việc, học tập của chúng ta, gây cản trở không nhỏ. Đồng thời, cơ thể chúng ta dễ mệt mỏi, dễ bị stress khi làm việc trong môi trường nóng nực.
Để thư giãn sau những giờ làm việc thấm mệt, có nhiều hình thức được lựa chọn. Trong đó, đi bơi tại các hồ bơi là một trong những loại hình thư giãn được nhiều người yêu thích nhất, đặc biệt là những người sống ở khu vực thành thị. Vì vậy, các hồ bơi công cộng thường đông người vào những ngày hè.
Việc bơi lội tại những hồ bơi sẽ có nguy cơ cao mắc một số bệnh lây truyền từ người khác nếu không đảm bảo an toàn, vệ sinh. Nước trong hồ bơi là môi trường ẩn chứa nhiều nguồn bệnh từ nhiều người, đồng thời cũng tạo điều kiện thuận lợi để truyền bệnh cho người khác khi tiếp xúc, hít hoặc uống nước hồ bơi.
Sau đây là 10 bệnh thường gặp khi đi bơi tại các hồ bơi vào mùa nóng. Các bệnh này có thể gặp ở cả trẻ em và người lớn.
1. Viêm da tiếp xúc
Viêm da tiếp xúc là một trong những bệnh thường gặp khi đi bơi. Bệnh này hay xảy ra đối với những người có cơ địa dễ bị dị ứng, có tiền sử hen suyễn, nổi mề đay. Nguyên nhân do nước hồ bơi không được vệ sinh định kỳ sạch sẽ, ô nhiễm hoặc chứa các chất diệt khuẩn gây dị ứng. Biểu hiện viêm da tiếp xúc là ngứa, nổi mẩn đỏ, sẩn ngứa, mề đay. Nặng hơn có thể nổi mụn nước, bóng nước, mụn mủ,…
2. Viêm mũi, viêm xoang
Tình trạng nước hồ bơi thường không được sạch sẽ do nhiều người mang mầm bệnh gây ô nhiễm. Nếu bạn hít phải nước hồ bơi vào mũi sẽ dễ dàng bị viêm mũi, viêm xoang. Theo một nghiên cứu gần đây, tỷ lệ người đi tắm hồ bơi bị bệnh viêm mũi xoang là 60 %.
3. Viêm tai
Tương tự như bệnh viêm mũi xoang, khi đi bơi, chúng ta dễ dàng để nước rơi vào lỗ tai. Nếu nước bị nhiễm khuẩn thì sẽ dẫn đến bệnh viêm tai, bao gồm viêm ống tai ngoài hoặc viêm tai giữa. Triệu chứng viêm tai thường là đau nhức ở tai, chảy mủ tai, giảm thính lực, có thể đau đầu, chóng mặt.
4. Viêm kết mạc mắt
Nếu không dùng kính bảo vệ mắt khi đi bơi, nước hồ bơi dễ dàng rơi vào mắt gây viêm kết mạc mắt. Kết mạc mắt là một cấu trúc nhiều mạch máu nên rất dễ bị viêm. Viêm kết mạc biểu hiện bằng triệu chứng đỏ mắt, ngứa, xốn cộm ở mắt, sợ ánh sáng. Đặc biệt, trong mùa dịch đau mắt đỏ, việc đi bơi tại các hồ bơi công cộng sẽ làm cho bệnh lây lan nhanh chóng.
5. Viêm phụ khoa
Những người phụ nữ nếu vệ sinh cơ thể sau khi đi bơi không kỹ càng sẽ dễ bị viêm phụ khoa. Cơ quan sinh dục ở nữ có bản chất sinh lý là rất dễ bị viêm nhiễm khi có vi khuẩn xâm nhập. Tỷ lệ nữ bị viêm phụ khoa khi tắm hồ bơi theo một nghiên cứu gần đây là 40 %. Điều này nói lên được tình trạng nước hồ bơi ngày nay càng bị ô nhiễm, không được xử lý hợp vệ sinh.
6. Thủy đậu
Bệnh thủy đậu do virus Varicella zoster gây ra, với biểu hiện là những mụn nước nhiều kích thước nổi trên da. Nếu có người bị thủy đậu đi bơi, những mụn nước vỡ ra sẽ lây lan mầm bệnh cho nhiều người khác. Đối tượng dễ bị lây bệnh là trẻ em, người có sức đề kháng yếu, người bị tiểu đường, suy dinh dưỡng,…
7. Viêm phổi
Bệnh viêm phổi xảy ra khi hít phải nước hồ bơi bị ô nhiễm vào sâu trong phổi. Đối tượng dễ bị viêm phổi là trẻ em. Triệu chứng của bệnh bao gồm ho, khó thở, sốt, đau ngực. Tác nhân gây bệnh có thể là tụ cầu vàng, liên cầu, virus hợp bào hô hấp, phế cầu,…
8. Thương hàn
Thương hàn là một bệnh nhiễm trùng toàn thân do Salmonella Typhi hoặc Salmonella Paratyphi gây ra. Bệnh thường lây lan mạnh vào mùa nóng, trong môi trường nước là chủ yếu. Vì vậy, nếu nước hồ bơi bị ô nhiễm vi khuẩn gây bệnh thương hàn từ người bệnh, người đi bơi có thể mắc phải do uống nước hồ bơi. Triệu chứng của bệnh bao gồm sốt cao liên tục, ho khan, tiêu chảy hoặc táo bón, chảy máu cam, phát ban, đau đầu, mệt mỏi,…
9. Ghẻ
Ghẻ là một bệnh dễ lây lan trong môi trường tập thể, có nhiều người sống chung, sử dụng chung quần áo, mền, mùng, chiếu, gối. Tác nhân gây bệnh là con cái ghẻ. Trong hoàn cảnh đi bơi, nếu hồ bơi có quá đông người, chúng ta cũng sẽ bị lây bệnh ghẻ nếu tiếp xúc gần với người bệnh hoặc gián tiếp qua quần áo tắm được thuê tại hồ bơi.
10. Viêm màng não mủ
Theo điều tra dịch tễ học gần đây, bệnh viêm màng não mủ thường gây thành dịch ở các môi trường tập thể như trường học, hồ bơi, bệnh viện,…Đối tượng dễ mắc bệnh là trẻ em. Tác nhân gây bệnh gồm có não mô cầu, phế cầu, Hemophilus influenza. Đây là một bệnh nặng, có thể gây tử vong hoặc để lại nhiều di chứng, ảnh hưởng đến trí tuệ của trẻ em về sau. Vì vậy, nên hạn chế cho trẻ đi bơi tại các hồ bơi công cộng, đặc biệt là vào những ngày nắng nóng, hồ bơi đông người.
Xem thêm: